Ksor Tet: "Vườn cây đẹp, đường cạo đẹp"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hẹn gặp anh Ksor Tet thật không dễ. Chẳng phải anh khó khăn gì mà do công việc cứ “cuốn” anh đi. Giải thích cho sự bận rộn của mình, anh Tet phân trần: “Ngoài nhận khoán 6 ha cao su của Công ty 715 (Binh đoàn 15), vợ chồng mình còn chăm sóc 1 ha điều, 700 cây cao su và 300 cây cà phê”.

Cũng như nhiều gia đình công nhân khác trong Đội sản xuất số 3 (Công ty 715), đúng 12 giờ đêm, khi người người, nhà nhà còn đang say giấc thì vợ chồng anh Ksor Tet đã thức dậy để bắt đầu ngày mới. Hai con nhỏ, một được anh chị đưa đến nhà trẻ, một đem sang gửi ông bà để sáng chở đi học.

 

Anh Ksor Tet  trao đổi công việc với Thiếu tá Lê Ngọc Tung.                                                                               Ảnh: P.D
Anh Ksor Tet trao đổi công việc với Thiếu tá Lê Ngọc Tung. Ảnh: P.D

Xong đâu đấy, vợ chồng anh mới lỉnh kỉnh nào xô, thùng, dao cạo, đèn... ra lô cao su để cạo mủ. “Từ 1 giờ đến 3 giờ sáng là thời điểm cây cao su cho năng suất mủ cao nhất nên phải tranh thủ cạo”-anh Tet chia sẻ. Mất khoảng 2 giờ đồng hồ, anh chị đã cạo  xong gần 800 cây cao su. Thay vì về nhà nghỉ ngơi, chờ đến giờ thu vét mủ, anh chị lại tranh thủ chạy xe qua vườn cao su của gia đình để tiếp tục khai thác. Mãi đến khi trời gần sáng, cả hai mới trở về nhà. Ăn sáng, nghỉ ngơi một chút, vợ chồng anh lại vội vã ra vườn điều, vườn cà phê sau nhà làm cỏ, bón phân, tỉa cành... Anh Tet bộc bạch:  “Vợ chồng tôi đều là công nhân khai thác mủ cao su nên phải tranh thủ thời gian chứ không việc nhà dồn ứ lại, không ai làm. Cũng mệt lắm nhưng có làm mới có ăn chứ!”.

Chính vì luôn suy nghĩ tích cực “có làm mới có ăn” nên dù là công việc gia đình hay công việc của Đội sản xuất, anh Tet đều làm một cách nhiệt tình, trách nhiệm. Có lẽ vì vậy mà nhiều năm liên tục, vườn cây của anh đều được đơn vị bình chọn là “vườn cây đẹp, đường cạo đẹp”! Đặc biệt, mỗi năm 3 lần, vào các thời điểm gắn máng che mưa, mở miệng cạo, hướng dẫn quy trình khai thác mủ cao su, Đội sản xuất đều chọn vườn cây của anh Tet để mọi người đến tham quan, học tập. “Liên tục nhiều năm, anh Tet đều đạt danh hiệu “Thợ cạo giỏi”. Riêng năm 2017, vợ chồng anh Tet cùng đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua. Năng suất bình quân của đơn vị chỉ đạt 1,95 tấn/ha/năm, riêng năng suất vườn cây của anh Tet luôn đạt 2,1 tấn/ha/năm (vượt 10-15% chỉ tiêu)”-Thiếu tá Lê Ngọc Tung-Đội trưởng Đội sản xuất số 3, cho biết.

Không chỉ là “thợ cạo giỏi”, anh Ksor Tet còn là “cầu nối” giữa đơn vị với các công nhân dân tộc thiểu số trong Đội và người dân làng Tung Chúc (xã Ia Khai, huyện Ia Grai). Hiện đơn vị có 83/195 công nhân là người dân tộc thiểu số, chủ yếu ở làng Tung Chúc. Hiểu rõ phong tục tập quán của bà con, vợ chồng anh đã tích cực vận động họ ra vườn cây khai thác sớm để đạt năng suất cao; sắp xếp việc gia đình, việc làng để không bỏ vườn cây; chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập... “Mỗi khi có thông báo, hướng dẫn hay quy trình mới, Đội đều nhờ anh Tet nói lại cho bà con bằng tiếng địa phương để cùng thực hiện một cách tốt nhất”-Thiếu tá Tung nói.

Khi hỏi về thu nhập, anh Tet thật thà: “Từ khi nhận khoán và trở thành thợ khai thác mủ cao su của Công ty (năm 2009), kinh tế gia đình tôi được cải thiện rõ rệt. Mỗi tháng, thu nhập bình quân từ lương của vợ chồng tôi khoảng trên 10 triệu đồng”. Vợ anh-chị Rơ Mah Hgiat, tiếp lời: “Vào làm công nhân, không chỉ thu nhập ổn định, vợ chồng mình còn có thêm kiến thức để sản xuất nông nghiệp. Hiện mỗi năm, gia đình mình thu nhập thêm từ 1 ha điều, 700 cây cao su khoảng 150 triệu đồng, còn 300 cây cà phê năm sau mới cho thu hoạch”.

Phương Dung

Có thể bạn quan tâm