Hiu hắt Khu kinh tế vùng biên Bờ Y

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Giữa núi rừng bắc Tây Nguyên, 19km đường nhựa hiện đại nối từ Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum) với đường Hồ Chí Minh trở nên nổi bật. Đó là con đường phẳng lỳ, uốn cong ngoạn mục qua những bình nguyên đất đỏ.

Nhiều đoạn, thiết kế tiêu chuẩn đường đô thị cấp 2, với 6 đến 8 làn xe, có giải phân cách, có bồn hoa, cây xanh, vỉa hè... Nhưng dọc suốt hai bên đường tuyệt nhiên chưa có nhà cửa, cơ sở sản xuất. Sau hơn 18 năm được xây dựng, con đường nối với cửa khẩu sang Lào này luôn trong tình trạng không có phương tiện lưu thông. Và cả Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y cũng chung thực trạng hiu hắt…

 

Khu mậu dịch tại Cửa khẩu quốc tế Bờ Y hiện vẫn vắng khách, hàng hóa, ôtô qua lại.
Khu mậu dịch tại Cửa khẩu quốc tế Bờ Y hiện vẫn vắng khách, hàng hóa, ôtô qua lại.

Hai thái cực ở Bờ Y

Ngay sau khi Chính phủ công bố quy hoạch Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc thành 3 đặc khu kinh tế, lập tức ở cả 3 địa phương này diễn ra ngay những cơn “địa chấn” sốt đất. Cơn sốt đất và những dấu hiệu mua bán, sang nhượng đất trái phép lộ diện khắp nơi. Đất nghèo, hoang hoá bỗng dưng có tiền tỉ. Hằng ngày ào ạt những đoàn người đến hỏi, tranh mua.

“Cò đất” xuất hiện nhan nhản... Ngay sau công bố quy hoạch 3 đặc khu kinh tế này, Bộ KHĐT cũng chuẩn bị dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu), trình Quốc hội, mà trong đó có hàng loạt các chính sách ưu đãi chưa từng có để xây dựng các đặc khu với mức đầu tư lên hàng triệu tỉ đồng.

Nhưng điều làm tôi chợt “rùng mình”, không dám hình dung tiếp là sau “cơn địa chấn” sốt đất ấy là gì? Có phải là những công trình đầu tư dang dở, những ngôi nhà bị bỏ hoang, những khu công nghiệp hiu hắt. Không phải suy nghĩ tiêu cực, mà ngay lúc này đây, khi trở lại Bờ Y (Kon Tum), tôi đang đi giữa hoang vu rừng vắng - nơi cách đây gần 20 năm cũng được Chính phủ cho cơ chế đặc cách, xây dựng thành khu kinh tế với nhiều ưu đãi, kỳ vọng như Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam); Dung Quất - Vạn Tường (Quảng Ngãi)…

Khi mở cửa khẩu, xây dựng Khu kinh tế Bờ Y, Chính phủ xác định đây là cửa ngõ giao thương quan trọng của tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, là điểm nhấn trong chiến lược liên kết phát triển giữa các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Kông. Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y còn được xem là có vị trí quan trọng, có vai trò gắn kết liên vùng, không chỉ Tây Nguyên mà còn vươn tới nhiều đô thị lớn, khu kinh tế ven biển, các cảng biển và sân bay ở Việt Nam, gắn kết với các tỉnh Tây Nguyên và với các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan...

Sau thời gian ngắn triển khai rầm rộ, hàng ngàn tỉ đồng từ ngân sách trung ương đã rót cho cơ sở hạng tầng, đường giao thông. Chính quyền kêu gọi đầu tư, nhưng theo Ban Quản lý kinh tế Bờ Y, sau 18 năm xây dựng, đến nay chỉ có 87 dự án đầu tư, vốn đăng ký trên 3.000 tỉ đồng. Các cụm công nghiệp, khu công nghiệp tập trung tại Khu kinh tế Bờ Y hiện mới hơn 300 DN đăng ký, nhưng chỉ 200 DN nhỏ hoạt động…

Thời gian đầu, khi Chính phủ quy hoạch vùng kinh tế biên giới của 3 quốc gia này, thì Bờ Y cũng sốt đất như Vạn Tường, Dung Quất, Chu Lai. Cũng từng đoàn người mua đất, xí phần như các đặc khu kinh tế hiện nay. Nhưng chẳng bao lâu, qua các biến cố “ỳ xèo” chuyện chuyển đổi cấp quản lý, thuộc tỉnh Kon Tum, trực thuộc Chính phủ, rồi lại trực thuộc tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội, lại trực thuộc huyện...

Đến nay cả vùng kinh tế quy hoạch rộng hơn 70.400ha - gần như bao phủ hết diện tích huyện Ngọc Hồi - giờ chững lại, lặng ngắt.

Tái khởi động

 

Con “đường ngàn tỉ” tại Khu kinh tế Bờ Y đang hoang vu, thành sân phơi nông sản.
Con “đường ngàn tỉ” tại Khu kinh tế Bờ Y đang hoang vu, thành sân phơi nông sản.

Ông Vũ Mạnh Hải - Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y - cho biết, quá mệt mỏi với những chỉ trích về con đường ngàn tỉ bỏ hoang - theo cách phê phán của báo chí và mạng xã hội. Thực tế, tuyến đường này được đầu tư 700 tỉ đồng từ những năm 2007, 2008 khi mới hình thành khu kinh tế. Kỳ vọng sẽ trở thành huyết mạch giao thông nối khu vực ngã ba biên giới Việt - Lào - Campuchia.

Nhưng từ đó đến nay, bao nhiêu chính sách thay đổi, điều chỉnh cấp quản lý. Lãnh đạo ban - những người trực tiếp thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng giờ đã nghỉ hưu, chuyển công tác và có người đã không còn. Tuy vậy, với trách nhiệm của người đi sau, kế thừa thì BQL Khu kinh tế cũng đang nỗ lực để vực dậy vùng biên mậu trọng điểm Tây Nguyên này.

Theo ông Hải, tỉnh Kon Tum cũng rất chú trọng đến Khu kinh tế Bờ Y. Bằng chứng là đồng chí Trưởng ban - ông Phạm Thanh Hà là cấp uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Với vị trí như vậy, việc thực hiện các chủ trương của khu kinh tế sẽ được giải quyết trực tiếp, nhanh chóng, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, các DN vào Bờ Y.

Hiện, Khu kinh tế Bờ Y vẫn còn phải trả nợ tiền xây dựng hạ tầng từ những năm 2007, với mức 30-50 tỉ đồng mỗi năm, trong khi nguồn thu chưa đủ lớn. Hằng năm bình quân, tổng giá trị hàng hoá xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y đạt trên 200 triệu USD/năm. Thu ngân sách qua cửa khẩu trên 200 tỉ/năm.

Hiện Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum đang nỗ lực cải cách hành chính, hỗ trợ DN và nhà đầu tư theo hướng đồng hành cùng DN, xem DN là đối tượng phục vụ. BQL thành lập tổ hỗ trợ đầu tư, hướng dẫn, lập thủ tục cho nhà đầu tư, cùng nhà đầu tư liên hệ các cơ quan liên quan để hoàn chỉnh thủ tục… Hiện, ngoài 200 DN đi vào hoạt động, có gần 1.700 hộ cá thể hoạt động sản xuất kinh doanh. Các dự án đầu tư đã góp phần giải quyết việc làm cho 2.700 lao động, nộp ngân sách 53 tỉ đồng/năm.

Tuy vậy, để thoát khỏi thực trạng hiu hắt “chợ chiều” này, theo ông Hải, là cần có sự tái đầu tư cho Bờ Y. Trước mắt, Chính phủ ba nước Lào - Campuchia và Việt Nam cần quan tâm, phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc ban hành và thực thi các chương trình hợp tác.

Trong đó phải cụ thể các cơ chế, chính sách đẩy nhanh tiến trình hợp tác xây dựng Khu vực tam giác phát triển ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam, hỗ trợ lẫn nhau để đầu tư hạ tầng khu vực cửa khẩu và hệ thống giao thông kết nối các cửa khẩu này với các tỉnh trong khu vực tam giác phát triển ba nước. Sớm khai thông cặp cửa khẩu Đăk Côi (Việt Nam) - Kontuynias (Campuchia). Đầu tư ngay tuyến đường cao tốc Bờ Y - Ngọc Hồi - Plei Ku để tạo đà cho Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y phát triển.

Dù trước đây đã đầu tư cả ngàn tỉ đồng, nhưng ngoài 19km đường nối cửa khẩu với đường HCM thì hạ tầng ở Khu kinh tế Bờ Y vẫn còn thiếu nhiều, cần hoàn thiện. Phó Trưởng BQL Khu kinh tế Bờ Y Vũ Mạnh Hải cũng đưa ra hàng loạt các đề xuất mà đơn vị ông đang trình gửi tỉnh Kon Tum, Chính phủ để xem xét.

Trong đó có việc đề nghị để lại 100% nguồn thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu tại Bờ Y để tái đầu tư hạ tầng. “Nếu bỏ dở dang thì hàng ngàn tỉ đồng đầu tư trước đó sẽ không phát huy như 18 năm qua” - ông Hải khẳng định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn cũng thừa nhận, Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y chưa phát triển đúng kỳ vọng. Địa phương cũng đặc biệt quan tâm để khơi thông những vướng mắc cho DN, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư vào Kon Tum, vào Bờ Y. Ngay việc thu phí hạ tầng theo đầu xe tại cửa khẩu mà HĐND tỉnh đặt ra trước đây, DN phản đối, thì tỉnh cũng sẽ đề nghị xem xét giải quyết.

Chính thay đổi cách làm, cách hỗ trợ DN mà tại Bờ Y bắt đầu có nhà đầu tư quan tâm. Việc Công ty TNHH Nhân Thành 10-B đầu tư vào các dự án kinh doanh kho ngoại quan, điểm tập kết kiểm tra hàng hoá xuất nhập khẩu, kinh doanh khu thương mại dịch vụ cửa khẩu, khu siêu thị miễn thuế... với mục đích đón đầu cho sự phát triển thương mại trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây mới đây rất được ghi nhận.

Bộ mặt Bờ Y sẽ sớm thay đổi nếu có nhiều DN mạnh dạn đầu tư! Nhưng để Bờ Y sôi động thì vẫn còn phải chờ. Khá lâu.

Theo BQL Khu kinh tế Bờ Y: Dự án điểm tập kết kiểm tra hàng hoá xuất nhập khẩu và kho ngoại quan đã chính thức đi vào hoạt động giai đoạn 1 với tổng diện tích trên 10.000m2, có sức chứa cùng lúc 30 xe container lên xuống, kiểm tra hàng hóa với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại như hệ thống camera giám sát, cân điện tử, hệ thống kho chứa hàng đạt trên 200 tấn. Phòng nghiệp vụ xuất nhập khẩu hải quan của DN cũng đáp ứng việc kiểm tra, kiểm soát, giám sát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và góp phần cải cách hiện đại hóa hải quan. Ngoài ra Cty này đang đầu tư cả trăm tỉ đồng để hoàn thiện khu nhà hàng miễn thuế, kho hàng, các gian hàng dịch vụ, công viên cây xanh…

Thanh Hải/laodong

Có thể bạn quan tâm