Những ngày cuối Chiến dịch Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày cuối tháng 3-1975, sau khi đánh tan quân địch ở mặt trận Tây Nguyên, các đơn vị của Quân đoàn 3 tiếp tục tiến xuống  đồng bằng giải phóng 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, kết thúc thắng lợi hoàn toàn của Chiến dịch Tây Nguyên, tạo thời cơ chiến lược để Bộ Chính trị quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong tháng 4-1975.

Tiến xuống đồng bằng

Sau khi cùng Trung đoàn 64 truy kích tiêu diệt địch tháo chạy trên đường 7-Cheo Reo và thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên), đơn vị tôi (Đại đội 1, Tiểu đoàn 16 súng máy cao xạ 12 ly 7) được lệnh quay về đội hình Tiểu đoàn đang tạm dừng ở Đông Nam Củng Sơn để cùng Sư đoàn 320 phát triển chiến đấu tiến xuống giải phóng tỉnh Phú Yên. Sẩm tối 27-3-1975, đơn vị chuẩn bị hành quân vào khu vực tập kết thì được Chính trị viên Lại Văn Huấn thông báo: Ngày 26-3-1975, Bộ Tổng Tư lệnh đã quyết định chuyển Khối chủ lực Mặt trận Tây Nguyên thành Quân đoàn chủ lực cơ động số 3.

 

Cán bộ Trung đoàn 64 đang hỏi cung Tướng ngụy Trần Văn Cẩm (ảnh tư liệu).
Cán bộ Trung đoàn 64 đang hỏi cung Tướng ngụy Trần Văn Cẩm (ảnh tư liệu).

Thiếu tướng Vũ Lăng-Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên được giao làm Tư lệnh Quân đoàn. Đại tá Đặng Vũ Hiệp-Chính ủy Mặt trận làm Chính ủy. Đại tá Nguyễn Kim Tuấn-Tư lệnh Sư đoàn 320 được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh Quân đoàn, nhưng đồng chí đã xin được ở lại cùng Sư đoàn chiến đấu giải phóng tỉnh Phú Yên. Tin vui đó như một luồng gió mát nhanh chóng lan tỏa đến từng cán bộ, chiến sĩ, tạo nên một luồng sinh khí mới cho toàn đơn vị. Quá nửa đêm, chúng tôi đã đặt chân lên những xóm làng đầu tiên của vùng đồng bằng Phú Yên. Tiếng gà gáy, tiếng chó sủa, mùi oi nồng của bùn đất, những cánh đồng lúa xanh tít tắp gợi lên trong lòng mỗi chúng tôi những cảm xúc dạt dào mới mẻ.

Tiến công giải phóng Phú Yên là một nhiệm vụ khá nặng nề vì phải tác chiến trên một khu vực rộng lớn bao gồm thị xã Tuy Hòa và các huyện ven biển, địch lại khá đông vì ngoài lực lượng tại chỗ còn có một bộ phận đáng kể tàn quân với đủ sắc lính của Quân đoàn 2 tháo chạy khỏi Tây Nguyên tụ tập về đây. Thế nhưng, Sư đoàn chỉ được một tuần vừa chuẩn bị vừa thực hành chiến đấu. Công việc khó khăn trước mắt của Sư đoàn là mở đường để đưa xe tăng, pháo binh và các phương tiện kỹ thuật vào khu vực bàn đạp. Đoạn đường 7 từ Củng Sơn về Tuy Hòa trước đó đã bị bộ đội Phú Yên và cả địch gài mìn dày đặc. Muốn sử dụng được phải rà phá hết sức công phu. Nhiệm vụ nặng nề ấy được giao cho Tiểu đoàn 17 công binh. Suốt mấy ngày đêm liền, các chiến sĩ công binh bám đường, bất chấp hy sinh xương máu, quyết tâm khai thông con đường cơ động cho Sư đoàn vào tác chiến. Không đêm nào không có mìn nổ, không có người đổ máu. Nhưng với tinh thần hy sinh quên mình vì nhiệm vụ, các chiến sĩ Tiểu đoàn 17 đã khai thông con đường trước giờ quy định. Đây là thắng lợi rất có ý nghĩa của ta và cũng là bất ngờ lớn đối với địch.

Một công việc quan trọng nữa đối với Sư đoàn là tiến hành trinh sát các mục tiêu, tìm hiểu tình hình địch trên khu vực tác chiến. Song được sự giúp đỡ của lãnh đạo, chính quyền và Tỉnh đội Phú Yên, chỉ trong mấy ngày, Bộ Tư lệnh Sư đoàn đã nắm được toàn bộ tình hình địch trong khu vực, hoàn thành kế hoạch tác chiến và quyết tâm chiến đấu.

Giải phóng Tuy Hòa

Đêm 31-3, toàn Sư đoàn vào chiếm lĩnh trận địa. Đại đội tôi được tăng cường cho Trung đoàn 48 có nhiệm vụ chi viện cho Tiểu đoàn 1 tiến công đánh chiếm trạm quan sát điện tử Hải quân trên đỉnh núi Chóp Chài nằm sát quốc lộ 1, đồng thời tiêu diệt các mục tiêu trên không bảo vệ đội hình tiến công của Trung đoàn từ hướng Bắc xuống thị xã Tuy Hòa. Đường vào vị trí chiếm lĩnh chủ yếu đi trên bờ ruộng lúa, chúng tôi thì mang vác nặng, nhiều chỗ bị lún thụt rất khó đi. Nhưng được du kích dẫn đường, chúng tôi đã vào vị trí chiếm lĩnh trận địa trên một quả đồi dài tiếp giáp với núi Chóp Chài về phía Bắc đúng thời gian quy định. Đến mờ sáng thì đơn vị hoàn thành mọi công tác chuẩn bị chiến đấu.

Trời vừa sáng rõ, hiệu lệnh tấn công được phát ra bằng một quả đạn cối 155 ly của Tiểu đoàn 47 (Trung đoàn 54) bắn vào trung tâm truyền tin của căn cứ pháo binh Nhạn Tháp. Cùng lúc, tất cả các trận địa pháo của ta đồng loạt gầm lên. Các căn địch trong và ngoài thị xã Tuy Hòa đều ngập chìm trong khói lửa. Chúng tôi cũng được lệnh bắn lên Chóp Chài. Đạn 12 ly 7 cùng với đạn pháo và cối đã làm cho khu nhà lính đổ sập từng mảng, dàn ăng ten cũng bị đổ gục, bọn địch trên căn cứ hầu như không chống trả được phút nào. Dưới làn pháo chi viện, các chiến sĩ Tiểu đoàn 1 nhanh chóng vận động lên áp sát mục tiêu. Pháo ta vừa chuyển làn, các chiến sĩ đã băng lên dùng AK, lựu đạn, thủ pháo tiêu diệt những tên còn lại, nhanh chóng làm chủ Chóp Chài. Một lực lượng khác của Tiểu đoàn 1 đã cùng Tiểu đoàn 2 được bộ đội địa phương và du kích hỗ trợ nhanh chóng tiến xuống đánh chiếm cầu Bàn Thạch và sân bay nội thị rồi chia làm hai mũi phát triển xuống thị xã lần lượt đánh chiếm Ty Cảnh sát, Tiểu khu Phú Yên và nhà lao, giải thoát hơn 300 cán bộ cách mạng bị địch giam cầm rồi tiến xuống đánh chiếm hậu cứ Trung đoàn 47 ngụy…

Ở hướng tiến công chủ yếu phía Tây, các chiến sĩ Trung đoàn 9 được pháo binh chi viện và xe tăng Tiểu đoàn 1 (Lữ đoàn 273) dẫn dắt đã nhanh chóng vượt lên đánh chiếm cầu Ông Chừ và thọc một mũi vào trung tâm thị xã. Một mũi khác nhanh chóng đánh chiếm căn cứ pháo binh Nhạn Tháp. Tiểu đoàn 4 cùng xe tăng nhanh chóng đánh chiếm khu vực Ngã Năm, đánh thốc theo đường Trần Hưng Đạo tiến về Dinh tỉnh trưởng Phú Yên, phối hợp với Trung đoàn 48 tiêu diệt địch.

Bị đánh mạnh trong thị xã, quân địch lớp chết, lớp bị thương, hầu hết hạ vũ khí đầu hàng. Một số ngoan cố tháo chạy ra bờ biển cướp tàu thuyền đánh cá của ngư dân chạy trốn. Các chiến sĩ Trung đoàn 48 đến kịp, được bà con ngư dân giúp đỡ, anh em đã dùng thuyền đuổi theo tiêu diệt và bắt sống toàn bộ. Từ ngoài khơi, một số tàu địch lao vào cửa sông dùng pháo bắn vào thị xã và sân bay hỗ trợ cho bọn địch chạy trốn. Các chiến sĩ xe tăng Đại đội 9 (Lữ đoàn 273) do Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy sử dụng xe tăng M41 vừa thu được của địch quay nòng pháo bắn cháy một tàu địch. Số tàu chiến của địch còn lại vội vã tháo chạy ra khơi, bỏ mặc đồng bọn.

Cùng thời gian đó, ở hướng Nam do Trung đoàn 64 đảm nhiệm, pháo vừa chuyển làn, các chiến sĩ Tiểu đoàn 9 đã xung phong đánh chiếm Núi Một; Tiểu đoàn 7 đánh chiếm ngã ba Ga. Sau khi làm chủ các mục tiêu trên, 2 tiểu đoàn này nhanh chóng chuyển hướng tiến công quận lỵ Hiếu Xương. Trong khi đó, Tiểu đoàn 8 chốt giữ đường 1 ở phía Nam chặn đánh một đoàn xe hỗn hợp từ phía thị xã chạy xuống, diệt hơn 50 chiếc. Lúc 8 giờ 20 phút, Tiểu đoàn 7 và 9 làm chủ quận lỵ Hiếu Xương, được lệnh phát triển đánh chiếm sân bay Đông Tác. Tại đây, anh em phát hiện một bộ phận lớn quân địch đang tháo chạy ra phía bờ biển, liền tổ chức truy kích và đã bắt được hơn 300 tên, thu nhiều vũ khí. Trên đường truy kích, Trung đội trưởng Đàm Việt Hùng thuộc Đại đội 9 (Tiểu đoàn 9) dẫn đầu một mũi chiến đấu đã tóm được Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm-Phó Tư lệnh Quân đoàn 2 ngụy, Tư lệnh chiến trường Phú Yên đang nằm giả chết bên một hố cát. Ở một đụn cát khác, tên Đại tá Vi Văn Bình-Thanh tra Quân đoàn 2 ngụy cũng bị các chiến sĩ Tiểu đoàn 9 tóm cổ khi đang cải trang chạy trốn. Đây là lần thứ hai, viên đại tá này bị các chiến sĩ của ta bắt làm tù binh; lần trước là ngày 24-4-1972 ở căn cứ Tân Cảnh (tỉnh Kon Tum) khi Bình là Sư phó Sư đoàn 22 ngụy.

Ở các khu vực Núi Sầm, Quy Hậu, Phước Khánh, Hòa Hiệp… các Tiểu đoàn 96, 13 và Đại đội 26 đặc công (Tỉnh đội Phú Yên) cũng lợi dụng thời cơ địch đang choáng váng, nhanh chóng tổ chức đánh chiếm các khu vực này. Sau đó, phát động nhân dân nổi dậy truy lùng, tiêu diệt, làm tan rã bọn ngụy quân, ngụy quyền, giành chính quyền ở các xã xung quanh thị xã Tuy Hòa và các huyện lân cận.

Chiến dịch Tây Nguyên đại thắng

Đến 9 giờ ngày 1-4-1975, quân ta hoàn toàn làm chủ thị xã Tuy Hòa, quận lỵ Hiếu Xương, sân bay Đông Tác... Chúng tôi ùa xuống đường 1, xác xe, súng đạn, quần áo, giày, mũ binh lính địch trút bỏ bừa bãi khắp nơi. Trên đường, xe honda, xe lam, xe ô tô các loại của nhân dân cắm cờ giải phóng chở bộ đội, du kích chạy ngược xuôi rầm rập. Được giải phóng, nhân dân thị xã Tuy Hà mừng vui khôn xiết. Khắp thị xã rợp cờ sao. Cờ tung bay trên cửa hiệu, nóc nhà, ngoài đường phố. Bà con ở các phố phường, thôn xóm đổ ra vây quanh bộ đội giải phóng mừng mừng, tủi tủi như đón người thân lâu ngày mới trở về. Nhiều người còn mang hoa quả, bánh trái đến tặng bộ đội. Là những người từng nhiều năm chiến đấu gian khổ, ác liệt ở núi rừng Tây Nguyên, chỉ một cuộc đuổi địch thần tốc bỗng được tiến xuống đồng bằng, tới được bờ biển miền Trung dạt dào nắng gió, lại còn được sống trong sự yêu thương nồng ấm của nhân dân, chúng tôi không ai là không trào nước mắt. Trong những phút giây tột cùng vui sướng ở cuối chặng đường chiến dịch, ngước nhìn lên Tây Nguyên, tôi lại bồi hồi xúc động nhớ tới bao đồng đội đã hy sinh cho giờ phút vinh quang này.

Thừa thắng, Trung đoàn 48 được lệnh để lại Tiểu đoàn 3 bảo vệ địa bàn, lực lượng còn lại lập tức hành tiến bằng cơ giới có xe tăng phối hợp tiến ra phía Bắc tiến công giải phóng các huyện Tuy An, Sông Cầu. Đoàn quân của Trung đoàn 48 tiến đến đâu, lập tức được bộ đội địa phương, du kích và quần chúng nhân dân tại chỗ phối hợp tiến công, nhanh chóng tiêu diệt, làm tan rã quân địch. Đến 15 giờ cùng ngày, Trung đoàn 48 và các lực lượng tăng cường hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ. Tỉnh Phú Yên hoàn toàn được giải phóng.

Trong khi Sư đoàn 320 tiến công giải phóng tỉnh Phú Yên thì ở phía Nam, một cánh quân khác của Quân đoàn gồm Sư đoàn 10, Trung đoàn 25 và lực lượng xe tăng Lữ đoàn 273, pháo binh Lữ đoàn 40 tiến xuống theo quốc lộ 21. Sau khi tiến công tiêu diệt Lữ dù 3 ngụy chốt giữ đèo Phượng Hoàng, bộ đội ta đã tràn xuống lần lượt giải phóng quận lỵ Ninh Hòa, TP. Nha Trang và đến chiều 3-4-1975 thì giải phóng Quân cảng Cam Ranh. Đến đây, Chiến dịch Tây Nguyên mới thực sự kết thúc.

Chiến dịch Tây Nguyên đại thắng, một vùng cao nguyên rộng lớn cùng 2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa của vùng đồng bằng Duyên hải Nam Trung bộ được giải phóng đã cắt đôi miền Nam, tạo ra thời cơ chiến lược có ý nghĩa quyết định để Bộ Chính trị quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong tháng 4-1975.

Hùng Tấn

Có thể bạn quan tâm