Gặp cô đỡ tiêu biểu toàn quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Người làng vẫn hay hỏi mình, làm cán bộ y tế thôn chắc lương cao lắm? Mỗi lần như thế, mình chỉ biết cười vì có nói thật số phụ cấp 300 ngàn đồng mỗi tháng cũng chẳng ai tin”-chị Kpă An mở đầu câu chuyện. Nhưng rồi, bằng cái tâm, suốt 10 năm qua chị Kpă An đã không quản ngại khó khăn để đỡ đẻ thành công cho hơn 100 sản phụ.  

Ngày 28-2 vừa qua, chị Kpă An (làng Phun, xã Ia Băng, huyện Chư Prông) cùng với 66 cô đỡ thôn bản tiêu biểu trong cả nước đã vinh dự nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; kèm theo đó là món quà do Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặng: bức ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Chị An thăm hỏi sức khỏe và tư vấn sau sinh cho phụ nữ trong làng.                                   Ảnh: P.D
Chị An thăm hỏi sức khỏe và tư vấn sau sinh cho phụ nữ trong làng. Ảnh: P.D

Hạnh phúc khi “mẹ tròn con vuông”

Dạo quanh làng cùng chị An, thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp vài đứa trẻ gọi chị bằng mẹ. Thoạt nghe, tôi giật mình bởi rõ ràng là chị An chưa chồng dù đã bước sang tuổi 38! Hỏi ra mới biết, những đứa trẻ ấy đều một tay chị giúp chúng chào đời.

Trước kia, cũng như bao cô gái làng, chị Kpă An khá nhút nhát khi gặp người lạ. Vì vậy, cán bộ y tế xã phải động viên mãi, chị mới mạnh dạn đăng ký tham gia khóa học cô đỡ thôn bản 6 tháng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Kết thúc khóa học, chị được địa phương giao phụ trách công tác y tế của làng Phun và là cô đỡ khu vực 5 làng: Phun, Kual, Klăh, Băng và Bak. “Thời gian đầu, mình chẳng dám đỡ đẻ cho ai vì... run lắm! Nhưng Nhà nước đã cho mình đi học về thì không thể không làm, hơn nữa người làng đến gọi, mình không thể không đi”-chị An bộc bạch.

Nhắc lại ca hộ sinh đầu tiên, chị Kpă An kể: “Đến nhà tìm không thấy, chồng sản phụ Rơ Lan Sam (làng Kual) chạy xe máy vào tận rẫy, cách nhà gần 4 km để tìm mình với giọng hốt hoảng: “Vợ mình đẻ hơn 2 tiếng rồi mà dây rốn không đứt, nó cứ ôm bụng khóc miết thôi!”. Mình vội chạy về, bình tĩnh vận dụng những kiến thức đã được học rồi tiến hành cắt dây rốn cho bé, giúp mẹ đẩy nhau ra ngoài và làm vệ sinh cho 2 mẹ con. Xong xuôi mình mới thở phào”. 10 năm làm cô đỡ, chị Kpă An đã đỡ thành công cho hơn 100 sản phụ. “Tiếng lành đồn xa”, không chỉ là cô đỡ ở khu vực 5 làng, chị An còn được người dân ở các xã lân cận tìm đến. Đến nay, chị đã đỡ cho hơn 10 ca ở các xã trong huyện như Ia Me, Ia Bang...

“Sẽ cố gắng nhiều hơn nữa”

10 năm theo nghề cô đỡ thôn bản, chị Kpă An có những kỷ niệm thật khó quên. Chị bảo, có nhiều hôm mưa to gió lớn, nhận được điện thoại của gia đình sản phụ, chị đều tìm đến; rồi những đêm trời tối, đường xa, thân gái một mình sợ nguy hiểm nên chị phải nhờ bố hoặc anh trai chở đến tận nơi. Sau khi kiểm tra sức khỏe thai phụ, nếu thấy đủ khả năng thì chị sẽ giúp đỡ đẻ tại nhà, bằng không chị sẽ động viên gia đình đưa sản phụ đến bệnh viện. Để đảm bảo sức khỏe mẹ và bé, chị cũng lên xe đưa sản phụ lên tận nơi và chờ mẹ tròn con vuông rồi mới trở về.

Theo chị An, nhiều phụ nữ trong làng vẫn còn chủ quan với việc sinh nở cộng thêm tâm lý ngại ngùng, xấu hổ và sợ tốn kém... nên thường chọn cách sinh tại nhà, nhất là những phụ nữ sinh lần 2, lần 3. Không ít lần, chị An còn phải tự bỏ tiền túi cho gia đình sản phụ mượn để họ có tiền đi bệnh viện. Điển hình là trường hợp của chị Rơ Lan Sin (làng Klăh). Chị Sin sinh non nên đứa trẻ yếu ớt, xanh xao. Chị An nhiều lần động viên gia đình đưa bé đi bệnh viện để được chăm sóc tốt nhất, nhưng họ không đi vì không có tiền thuê xe, rồi tiền ăn uống... Nhìn đứa trẻ, chị Kpă An nghĩ, nếu không được chăm sóc kịp thời thì bé khó có khả năng sống. Chẳng nghĩ suy nhiều, chị vội chạy về nhà lấy 1 triệu đồng mang sang đưa cho gia đình. Sự việc xảy ra đã 3 năm song mỗi lần gặp, chị Sin đều cảm kích: “Nhờ có chị An mà con mình còn sống, mình biết ơn chị An nhiều lắm!”.

Cùng với chăm sóc sức khỏe mẹ và bé, hàng ngày, chị An đều dành thời gian gặp gỡ, nhắc nhở những phụ nữ đang mang thai cần phải thăm khám sức khỏe định kỳ, tiêm phòng uốn ván đầy đủ, rồi tư vấn sau sinh về các biện pháp tránh thai an toàn... Vẫn biết phía trước còn nhiều khó khăn, song chị luôn tự hứa với bản thân: “Phải cố gắng nhiều hơn nữa! Cố gắng để xứng đáng với niềm tin của người dân trong làng và xứng đáng với bằng khen mình mới được nhận”.

Phương Dung

Có thể bạn quan tâm