Nghệ nhân Đinh Ten-Đau đáu với âm nhạc truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Học đánh cồng chiêng và thông thạo khá nhiều nhạc cụ dân tộc từ lúc 10 tuổi, song ông Đinh Ten vẫn tỏ ra khiêm tốn khi nói về bản thân. Bao năm qua, ông đã âm thầm truyền dạy cho những người trẻ trong làng tất cả những gì mà mình biết, chỉ với một tâm nguyện: Văn hóa tốt đẹp của dân tộc Bahnar sẽ mãi được trường tồn.

Tiếng đàn ting ning trầm bổng như xóa tan tiết trời âm u thiếu nắng của những ngày cuối năm. Dưới đôi tay nhịp nhàng của người nghệ nhân già, âm thanh ấy khi tính tang dìu dặt, lúc rộn rã tươi vui, rót vào lòng người những cung điệu chất chứa đầy xúc cảm. Ông Đinh Ten bảo rằng, cây đàn ting ning này do chính tay mình tạo ra và đã gắn bó cùng ông qua gần 30 mùa rẫy.

 

Nghệ nhân Đinh Ten đang chỉnh chiêng. Ảnh: M.T
Nghệ nhân Đinh Ten đang chỉnh chiêng. Ảnh: M.T

Thuở bé, nghe đàn ting ning nhiều rồi bỗng yêu tiếng đàn ấy lúc nào không hay, ông Đinh Ten quyết tâm xin cha dạy cách chơi đàn và làm đàn. Trong khi bao đứa trẻ cùng trang lứa khi ấy hầu như không màng đến loại nhạc cụ này thì chẳng mấy chốc, ông đã thành thạo khi mới 10 tuổi. Nghệ nhân bảo rằng, người Bahnar của ông gọi ting ning là cây đàn tình. Bởi lẽ, nó đã thay lời bao thế hệ trai làng, kể cả ông, bày tỏ tình cảm với cô gái mà họ thầm thương trộm nhớ.

Nghệ nhân Đinh Ten được dân làng Pnang và 2 làng Nhoi, Hòa Bình lân cận hết lời khen ngợi về sự đa tài. Ngoài ting ning, ông còn biết cách chế tạo và chơi khá hay nhiều loại nhạc cụ truyền thống khác của dân tộc Bahnar như: cồng chiêng, đàn t’rưng, t’lé, a lal, đinh tuk, đinh pơl (klông pút), kní… và hát hơ-mon (hát kể sử thi). Từ năm 2010 đến năm 2012, nghệ nhân Đinh Ten còn là người duy nhất của thị xã An Khê được cử tham gia các lớp truyền dạy chỉnh chiêng và tạc tượng gỗ dân gian do Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh và Du lịch tỉnh tổ chức tại TP. Pleiku.

Điều ông luôn trăn trở là nhạc cụ truyền thống của dân tộc Bahnar đa dạng và phong phú là thế nhưng chúng lại bị chính chủ nhân của mình lãng quên nơi gác bếp, bên góc nhà sàn hay thậm chí bán đi. “Bây giờ chỉ có người già biết chơi ting ning, t’rưng, biết thổi t’lé, a lal… còn bọn trẻ không thích học, chẳng thích chơi”-ông kể, giọng đầy tiếc nuối. Với mong muốn âm nhạc truyền thống của dân tộc mình “mãi thức” trong cộng đồng Bahnar xã Tú An, nghệ nhân Đinh Ten không quản ngại khó khăn, ngày ngày vận động, tập hợp rồi cần mẫn truyền dạy tất cả những gì mà mình biết được cho con cháu, rồi cả bà con trong làng Pnang và các làng lân cận. Đặc biệt, ông cũng đã cùng những người già trong làng thành lập nên 2 đội cồng chiêng (1 đội thanh niên, 1 đội người lớn), trong đó, thành viên nhỏ nhất chỉ mới 12 tuổi.

Quá trình kiên trì “truyền lửa” đam mê của nghệ nhân Đinh Ten đã bắt đầu có kết quả. Từ 1-2 người ban đầu, đến thời điểm này, hầu hết thanh niên và trẻ con trong làng đều thích theo người nghệ nhân già học đánh chiêng, gõ trống, chơi t’rưng, goong… Ban ngày lo việc nương rẫy, tối đến, góc nhà nhỏ của ông lại rộn rã tiếng đàn, tiếng cồng chiêng âm vang lẫn vào đó là âm thanh đẽo đục lồ ô để làm đàn. Rồi mỗi khi làng có lễ hội hoặc ở đâu có hoạt động giao lưu văn hóa, ông Ten lại là người đến từng nhà huy động và dẫn dắt các thành viên đi biểu diễn.

“Tôi chỉ mong lũ trẻ trong làng vẫn giữ được niềm đam mê như hiện tại và phát huy hơn nữa để nếu mà những người già như tôi có qua đời thì tiếng chiêng, tiếng đàn của người Bahnar mãi mãi vang vọng”-sau lời tâm sự, nghệ nhân Đinh Ten cầm dùi say sưa độc tấu một khúc nhạc trên cây đàn t’rưng đã cũ. Âm thanh vang lên êm dịu, nhẹ nhàng như tiếng suối chảy róc rách, rộn ràng cả góc làng trong một buổi chiều đông se lạnh…

Mộc Trà

Có thể bạn quan tâm