Rưng rưng ngày trở lại Chư Bồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cách đây đúng 45 năm, các đơn vị của Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3) cùng nhân dân địa phương đã làm nên chiến thắng Chư Bồ-Đức Cơ vang dội, đập tan ý đồ xây dựng căn cứ phòng ngự trên tuyến phía Tây của tỉnh Gia Lai.  Trở lại chiến trường xưa trong lễ khánh thành Di tích lịch sử Chiến thắng Chư Bồ-Đức Cơ mới đây, những cựu chiến binh tham gia trận đánh này đều rưng rưng nước mắt khi nhắc đến đồng đội đã ngã xuống nơi đây.

Ký ức không thể nào quên

Từ Nam Đàn (Nghệ An) trở lại mảnh đất Chư Bồ (xã Ia Kla, huyện Đức Cơ), cựu chiến binh Đặng Văn Quỳnh (nguyên chiến sĩ Trung đội 2, Đại đội 16, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320) bồi hồi nhớ lại: “Ngày 18-1-1973, các đơn vị của Sư đoàn nổ súng tấn công căn cứ Chư Bồ. Tôi là lính đơn vị súng máy phòng không được giao nhiệm vụ đánh địch chi viện bằng đường không và yểm trợ hỏa lực cho các đơn vị của Trung đoàn 64 tấn công tiêu diệt căn cứ này”. Căn cứ Chư Bồ (điểm cao 431 với chiều dài 1.800 m, chiều rộng 1.700 m) có đường 19 đi qua chia điểm cao thành 2 nửa. Địch tập trung xây dựng căn cứ này làm bàn đạp để khống chế khu vực phía Tây Gia Lai, giáp với Campuchia. Căn cứ Chư Bồ gồm 6 phân khu từ Đ1 đến Đ6 với hệ thống công sự khá hoàn chỉnh.

 

Cắt băng khánh thành Di tích lịch sử Chiến thắng Chư Bồ-Đức Cơ. Ảnh: V.H
Cắt băng khánh thành Di tích lịch sử Chiến thắng Chư Bồ-Đức Cơ. Ảnh: V.H

Trung tướng Khuất Duy Tiến-khi ấy là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64, đơn vị trực tiếp đánh căn cứ Chư Bồ-thắp nén nhang cho đồng chí, đồng đội của mình rồi bùi ngùi nhớ lại: “Nhận nhiệm vụ đánh căn cứ này, chúng tôi nhanh chóng tổ chức nắm địch, tiến hành các mặt chuẩn bị và xây dựng kế hoạch tác chiến. Để tiêu diệt địch ở Chư Bồ, Trung đoàn sử dụng cách đánh bí mật, tiếp cận căn cứ rồi dùng hỏa lực đánh phá để bộ binh xung phong chiếm mục tiêu. Đúng 14 giờ ngày 18-1-1973, các loại pháo của ta cùng lúc bắn vào vị trí của địch. Lúc đầu, địch chống trả quyết liệt nhưng sau đó hỏa lực của ta đã áp đảo. Các đơn vị từ những hướng khác nhau đánh thọc sâu vào căn cứ. Sau gần 2 giờ chiến đấu, mũi đột phá của các đơn vị đã gặp nhau ở sở chỉ huy địch và chúng ta hoàn toàn làm chủ căn cứ này. Trung đoàn 64 và các lực lượng tăng cường đã diệt tại trận 220 tên địch, bắt sống 37 tên, bắn rơi 4 máy bay, thu 91 súng các loại. Với chiến công này, ta đã đập tan ý đồ xây dựng căn cứ Chư Bồ làm bàn đạp tấn công khu vực phía Tây Gia Lai. Trong trận chiến đấu anh dũng này đã có gần 100 cán bộ, chiến sĩ của ta hy sinh”.

Nghĩa tình sâu nặng

45 năm đã qua, nhiều người tham gia trận đánh căn cứ Chư Bồ vì nhiều lý do khác nhau chưa thể trở lại thăm chiến trường xưa nhưng vẫn mang trong mình nỗi đau đáu nhớ thương đồng đội nằm lại nơi đây. Chính vì thế, Ban Liên lạc Đại đoàn Đồng Bằng (Sư đoàn 320) đã quyết định kêu gọi các thành viên cùng nhau đóng góp công sức, tiền bạc để xây dựng Di tích lịch sử Chiến thắng Chư Bồ-Đức Cơ. Được sự cho phép của chính quyền địa phương, sau hơn 3 tháng khẩn trương thi công, ngày 18-1 vừa qua, di tích này đã hoàn thành với tổng kinh phí xây dựng hơn 400 triệu đồng, đáp ứng lòng mong mỏi của các cựu chiến binh cũng như nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Là người tham gia trận đánh năm xưa, cựu chiến binh Lê Mạnh Hải (hiện ở phường Lê Lợi,  TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) luôn nhớ thương những đồng đội của mình đã nằm lại chiến trường Tây Nguyên. Từ năm 2016 đến nay, ông Hải được Ban Liên lạc Đại đoàn Đồng Bằng giao nhiệm vụ khảo sát và xây dựng một số di tích gắn với chiến công của đơn vị trên địa bàn Tây Nguyên.

“Trong chiến tranh, rất nhiều đồng đội đã anh dũng hy sinh để chúng tôi có được cuộc sống ngày hôm nay.Vì vậy, xây dựng các điểm di tích để có nơi hương khói, tưởng nhớ đồng đội, giúp các thế hệ sau hiểu được sự hy sinh của thế hệ cha anh đi trước là việc chúng tôi phải làm”-cựu chiến binh Lê Mạnh Hải chia sẻ. Cũng chính vì tâm nguyện ấy, ông đã cùng nhiều đồng đội tiến hành khảo sát, chọn vị trí rồi làm các thủ tục cần thiết để xây dựng các di tích. Là một doanh nhân thành đạt, ông Hải đã đóng góp hàng trăm triệu đồng và nhiều lần cử công nhân của mình từ Nghệ An vào Gia Lai tham gia các công đoạn xây dựng, trang trí bia di tích. “Đã làm việc nghĩa, việc vì đồng đội thì đừng bao giờ nói đến tiền bạc. Chúng tôi chỉ muốn có nơi đẹp nhất, trang trọng nhất để tưởng nhớ đồng đội. Các anh đã nằm lại với Tây Nguyên, chúng tôi được trở về thăm và thắp nén nhang là vui rồi”-ông Hải nói.

Tại lễ khánh thành Di tích lịch sử Chiến thắng Chư Bồ-Đức Cơ, nhiều người đã không cầm được nước mắt khi nghe những lời tâm sự của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước-nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3. Vị tướng từng có hơn 10 năm gắn bó với chiến trường Tây Nguyên tâm sự: “Nhìn Chư Bồ hôm nay xanh tươi, trù phú, tôi rất vui. Trong những dòng mủ trắng cao su có trộn lẫn những dòng máu đào của đồng đội chúng tôi đã nằm xuống cho bình yên Tây Nguyên hôm nay. Hàng ngàn đồng đội trong đơn vị chúng tôi hy sinh đến nay vẫn chưa tìm thấy. Đau thương lắm khi đất nước thống nhất nhưng các anh vẫn chưa về. Dù đã 93 tuổi nhưng khi nhận được tin xây dựng khu di tích này, tôi đã nói với con cháu là sẽ vào Tây Nguyên, vào thắp cho đồng đội nén nhang vì không biết bao giờ mới trở lại được nơi này. Tôi mong muốn thế hệ trẻ hôm nay sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước, sống phải có lý tưởng và khát khao cống hiến”.

Vĩnh Hoàng

Có thể bạn quan tâm