"Cây đại thụ" của làng Sung O

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Cái gì không biết thì phải hỏi, phải học, như học người Kinh cách chăm vườn cà phê, vườn hồ tiêu. Bà con cũng phải bỏ các hủ tục, chăm lo làm ăn thì mới nhanh giàu”. Đây là những điều mà ông Rơ Mah Chuin (già làng Sung O, xã Ia O, huyện Chư Prông) vẫn thường nói với người dân trong làng.

Nhà ông Rơ Mah Chuin nằm ở đầu làng Sung O nên bà con trong làng mỗi khi đi rẫy về thường ghé vào chơi. Đây cũng là dịp để ông trò chuyện, nắm bắt tâm tư của bà con, trao đổi về cách thức làm ăn, kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi. “Ông từng là cán bộ Công an có uy tín trong ngành cũng như trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn và rất hiểu biết pháp luật, vì vậy mọi người thường đến hỏi những điều còn phân vân trong lòng. Lúc nào ông cũng trả lời cặn kẽ, giải thích rõ ràng, thậm chí đến từng gia đình giúp đỡ nên bà con rất quý mến”-ông Trần Nguyên Minh-Chủ tịch UBND xã Ia O, chia sẻ.

 

Già làng Rơ Mah Chuin vừa được huyện Chư Prông khen thưởng là một trong những người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số.                        Ảnh: T.T
Già làng Rơ Mah Chuin vừa được huyện Chư Prông khen thưởng là một trong những người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: T.T

Làng Sung O có 212 hộ với 825 khẩu, trong đó hơn 80% là người dân tộc thiểu số. Trước đây, do trình độ người dân trong làng còn hạn chế, nhận thức về luật pháp chưa cao nên đã có nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra. Từ năm 2014, sau khi nghỉ hưu, ông Rơ Mah Chuin được bà con tin tưởng bầu làm già làng. Vì vậy, dù không còn khoác trên mình chiếc áo Công an nhưng trọng trách của ông cũng rất lớn. Ông tâm sự: “Mình là già làng nên phải đi đầu trong mọi việc làm để bà con noi gương. Nói bà con không nghe, vận động bà con không được hoặc nếu có việc gì không hay xảy ra thì không chỉ mất uy tín với làng mà còn phụ lòng tin của chính quyền. Chính vì thế, mình phải cố gắng thôi”.

Với suy nghĩ ấy, ngày ngày, ông đến từng gia đình vận động bà con chăm lo lao động, sản xuất, không nghe theo lời kẻ xấu xúi giục. “Mỗi lần nghe tin nhà nào chuẩn bị bán đất sản xuất, tôi đều đến thuyết phục họ đừng làm thế, bởi nếu bán đất rồi thì lấy gì để sản xuất, không có cái ăn, con cái dễ bỏ học. Đồng thời, tôi cũng cố gắng tìm hiểu khó khăn của họ để có cách giúp đỡ”-ông Chuin chia sẻ. Bằng cách tuyên truyền cụ thể và dẫn chứng rõ ràng như vậy, người dân làng Sung O đã không còn ai bán đất, tất cả trẻ em trong làng đều được tới trường. Trong năm 2017, già làng Rơ Mah Chuin đã cùng các đoàn thể hòa giải thành công 4 vụ việc liên quan đến hôn nhân gia đình và tranh chấp đất đai, không có vụ việc nào phải chuyển lên chính quyền giải quyết.

Đến làng Sung O, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện về cách vận động dân của già làng Rơ Mah Chuin. Chuyện ông vận động người dân trong làng bỏ tiền kéo dây, mua bóng điện về thắp sáng đường làng là một ví dụ. Trước đây, các hộ trong làng ở cách xa nhau, đường làng chật hẹp, buổi tối trẻ em hay người già đi lại khó khăn. Thấy vậy, ông đi từng nhà vận động bà con hiến đất mở đường và bỏ tiền kéo điện thắp sáng đường làng.

Đến nay, làng Sung O có 185 hộ đã đóng góp gần 100 triệu đồng để kéo điện thắp sáng đường làng. Những con đường của làng Sung O giờ đã rực ánh điện, trẻ em có thể đến nhà bạn học bài, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn cũng được đảm bảo, không còn tình trạng trộm cắp vặt như trước. Hay như chuyện ông vận động người dân làm chuồng trại chăn nuôi gia súc cũng có nhiều điều thú vị. Ngày trước, bà con cứ thả rông bò, heo dẫn đến thường bị bệnh tật và mất vệ sinh đường làng. Thấy sự bất cập ấy, ông đến từng gia đình vận động, rồi gọi thanh niên trong làng giúp các gia đình làm chuồng để nuôi nhốt gia súc. Đầu tiên một vài người làm, sau đó cả làng cùng làm. Hiện nay, 100% gia đình ở làng Sung O đã có chuồng nuôi nhốt gia súc cách xa nơi ở và nơi sinh hoạt.

Bên cạnh đó, ông Chuin còn tích cực vận động nhân dân phát triển kinh tế. Ông luôn cho rằng, muốn giàu phải học hỏi kinh nghiệm của người khác. Chính vì thế, ông đã lên xã, lên huyện đề nghị cán bộ về chỉ cho dân cách trồng, chăm sóc cà phê, hồ tiêu để bà con nhanh chóng thoát nghèo. Đến nay, người dân làng Sung O đã có gần 100 ha cà phê, gần 20 ha điều và 90 ha cao su tiểu điền. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tỷ lệ hộ nghèo của làng giảm xuống còn 20%. Cùng với đó, ông cũng vận động nhân dân bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Hiện nay, làng có 1 đội cồng chiêng; người dân trong làng cũng đóng góp tiền mua một bộ cồng chiêng phục vụ các hoạt động của làng.

Trao đổi thêm với chúng tôi về già làng Rơ Mah Chuin, Chủ tịch UBND xã Ia O cho biết: Già làng Chuin luôn chịu khó nghe dân nói và nói dân nghe. Khi làm công tác tuyên truyền, vận động, ông luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân; những gì dân hiểu chưa đúng, ông đều giải thích để dân hiểu rõ hơn. Cùng với đó, những vấn đề thấy chính quyền giải quyết chưa thỏa đáng, đích thân ông phản ánh lại với làng, xã để tìm hướng giải quyết cho dân. Từ chỗ tháo gỡ những bức xúc trong dân, tiếng nói của ông luôn được người dân lắng nghe và làm theo. Uy tín của ông trong cộng đồng ngày càng được nâng lên.

Hơn 40 năm tuổi Đảng, gần 70 năm tuổi đời, già làng Rơ Mah Chuin vẫn luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm với cộng đồng, cố gắng sống thật tốt để làm gương cho dân làng noi theo. Hàng ngày, ông vẫn chăm lo sản xuất cùng gia đình với suy nghĩ “mình làm được thì nói bà con mới nghe”. Ông thực sự là chỗ dựa vững chắc của người dân, là “cây đại thụ” của làng Sung O.

Thiên Thanh

Có thể bạn quan tâm