Tây Nguyên đối mặt với biến đổi khí hậu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một “Hội nghị Diên Hồng” bàn về chống biến đổi khí hậu và nước biển dâng vừa diễn ra tại TP. Cần Thơ nhằm tìm ra giải pháp phát triển trong tình hình biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng rất lớn đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước. Hàng trăm nhà khoa học trong và ngoài nước đã đến dự, trong đó có các nhà khoa học, các chuyên gia những nước đạt được thành tựu nổi bật trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng như Hà Lan, Israel…

Tại hội nghị, nhiều giải pháp đã được đưa ra và Chính phủ đã đề nghị các nước tư vấn, hỗ trợ Việt Nam về lĩnh vực này. Đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Chính phủ Hà Lan-nước đi đầu về công nghệ và giải pháp chống úng ngập, giúp chúng ta khắc phục tình trạng sạt lở và ngập úng ở khu vực này.  

 

Giếng nước của một gia đình ở xã Ia Le (huyện Chư Pưh) bị khô cạn trong đợt hạn năm 2016. Ảnh:  T.S
Giếng nước của một gia đình ở xã Ia Le (huyện Chư Pưh) bị khô cạn trong đợt hạn năm 2016. Ảnh: T.S

Trên thực tế, biến đổi khí hậu từ lâu đã là vấn đề toàn cầu. Với Việt Nam, đồng bằng sông Cửu Long là khu vực chịu ảnh hưởng và tác động lớn nhất. Tuy nhiên, đối phó với biến đổi khí hậu không chỉ là nhiệm vụ của riêng khu vực nào, địa phương nào. Giải pháp vì vậy cũng phải tính đến tính chất toàn cục, toàn vùng và phù hợp với điều kiện, tình hình của từng địa phương.

Lấy ví dụ như khu vực Tây Nguyên. Với các mặt ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã nêu ở trên, về nguy cơ đối mặt với thiên tai, dễ dàng nhận thấy, thời tiết khu vực này ngày càng diễn biến phức tạp, mưa nắng thất thường, hạn hán xảy ra thường xuyên và ảnh hưởng nghiêm trọng hơn, mưa lũ cũng khốc liệt hơn. Giờ đây, thời tiết, khí hậu khu vực này đã thay đổi rất nhiều so với 15-20 năm trước. Dễ thấy nhất là nền nhiệt độ vốn mát mẻ, dễ chịu nay đã không còn như xưa. Tây Nguyên bây giờ đã nóng lên rất nhiều, có thời điểm không khác gì khu vực Duyên hải miền Trung. Kiến thức địa lý tự nhiên mùa mưa Tây Nguyên trùng với Nam bộ là từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm, có lẽ đã không còn chính xác. Mùa mưa Tây Nguyên bây giờ rút ngắn hơn nhiều.

Nhưng mưa lũ cũng lại lớn hơn. Lũ lụt một khi xảy ra thì sức tàn phá rất lớn. Các trận lụt năm 2009, 2014 ở Gia Lai làm ngập cả cầu sông Ba ở thị xã An Khê nhiều giờ liền, ngập nhiều tuyến đường trong tỉnh, làm chết người, trôi nhà cửa, trâu bò, tài sản, giờ đây nhớ lại còn khiến nhiều người lo sợ. Hay năm trước, hạn hán kéo dài, sông suối khô kiệt đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của hàng ngàn hộ dân. Trận hạn hán kéo dài năm 2016 làm cả vùng Tây Nguyên điêu đứng. Hàng ngàn ha cà phê, hồ tiêu, lúa, hoa màu hoặc chết khô hoặc giảm sút năng suất. Không chỉ nước cho sản xuất mà nước cho sinh hoạt của người dân cũng khan hiếm. Đời sống của hàng ngàn hộ dân, hàng trăm ngàn nhân khẩu bị đảo lộn, ảnh hưởng nặng nề cũng bởi hạn hán.

Giờ đây, biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực đến Gia Lai, cả phía Đông và Đông Nam của tỉnh, đòi hỏi nhanh chóng có giải pháp phù hợp. Tình trạng sạt lở dọc theo các sông suối, nhất là sông Ba chảy qua địa phận nhiều huyện, thị xã trong tỉnh là một ví dụ. Huyện Krông Pa có hàng trăm hộ dân đang sinh sống, canh tác tại các thôn, buôn ven sông Ba và suối Ia Rsai chảy qua địa bàn xã này, thường xuyên đối mặt với tình trạng sạt lở làm mất đất ở, đất sản xuất, gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản người dân. Hay sông Ba đoạn chảy qua thị xã Ayun Pa cũng gây sạt lở. Bờ Tây sông Ayun (thị xã Ayun Pa) từ suối Ia Hiao đến chân cầu Bến Mộng thường xuyên sạt lở và là khu vực nguy hiểm nhất. Tương tự, một số khu vực dọc bờ sông Ia Sol của huyện Phú Thiện cũng bị sạt lở hàng năm.

Nguyên nhân của biến đổi khí hậu nói chung là do trái đất nóng lên. Ngoài quy luật của tự nhiên thì chính con người cũng đã góp phần làm cho tình hình thêm tồi tệ. Khoa học và thực tế đã chứng minh, khi một yếu tố tự nhiên bị tác động sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các yếu tố tự nhiên khác. Ví dụ như việc tàn phá rừng không chỉ trực tiếp làm cho đất bạc màu, thoái hóa, dễ bị rửa trôi, mà còn làm tăng nhiệt độ bề mặt, làm cạn kiệt nguồn nước, thay đổi dòng chảy, biến đổi khí hậu… Trong câu chuyện biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng cũng không thể không nói tới tác động tiêu cực của con người, biểu hiện như tàn phá rừng, làm vỡ các túi nước ngầm, can thiệp thô bạo vào dòng chảy sông suối.

Biến đổi khí hậu đã không còn là vấn đề của  riêng đồng bằng sông Cửu Long mà là vấn đề có tính toàn cầu… Chúng ta đã xác định tầm nhìn, chiến lược, kế hoạch, đề án, giải pháp thực hiện với tinh thần khẩn trương, quyết liệt. Cùng với chủ trương, quyết sách có tính chất vĩ mô, làm tốt công tác tuyên truyền giúp mỗi công dân nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và ứng xử đúng đắn, phù hợp là thiết thực góp phần tham gia vào nhiệm vụ ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu ở địa phương mình, đất nước mình.    

Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm