Phụ nữ Chư Sê giúp nhau thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xác định phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, những năm trở lại đây, hội LHPN huyện Chư Sê luôn tích vận động chị em tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức cụ thể. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, phụ nữ; thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo của địa phương.

Nhiều cách làm hay

Đến thăm gia đình chị Đinh Thị Sang (thôn 4- xã Ia Hlốp), chúng tôi nhận thấy rõ sự phấn khởi trên gương mặt của chị. Nhìn cặp dê khỏe khoắn đang trong độ tuổi sinh sản của gia đình chị, chúng tôi hiểu rõ niềm vui và hi vọng của người phụ nữ lam lũ này. Bao năm nay, chị Sang gồng gánh nuôi 6 đứa con và 3 người cháu mồ côi ăn học. Cái đói, cái nghèo cứ bám riết lấy gia đình chị, vắt kiệt sức lao động của người phụ nữ yếu ớt như chị. Nhà 10 miệng ăn nhưng chỉ dựa vào 300 cây cà phê (mỗi năm thu nhập được khoảng 20 triệu đồng). Rồi những năm gần đây, chị được hội phụ nữ xã quan tâm, giúp đỡ bằng nhiều hình thức nên cuộc sống của gia đình dần khởi sắc. “Vì biết hoàn cảnh của tôi thuộc diện hộ nghèo nên chị em phụ nữ trong xã đã trực tiếp xuống hỏi han và tìm cách giúp gia đình tôi phát triển kinh tế. Sau khi vận động các chị em trong hội đóng góp được 8 triệu đồng, các chị đã ưu tiên cho gia đình tôi mua 2 con dê cái. Hiện cặp dê đang chuẩn bị sinh sản. Như vậy, không lâu nữa gia đình tôi sẽ có đàn dê để phát triển kinh tế”.

Chị Đàm Thị Huệ (thôn 5) đã vượt qua giai đoạn khó khăn khi được nhận bò từ sự hỗ trợ của phụ nữ xã. Ảnh: Trần Dung
Chị Đàm Thị Huệ (thôn 5) đã vượt qua giai đoạn khó khăn khi được nhận bò từ sự hỗ trợ của phụ nữ xã. Ảnh: Trần Dung

Cũng như chị Sang, vợ chồng chị Đàm Thị Huệ (thôn 5) cũng đã vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất khi nhận được sự hỗ trợ từ chị em phụ nữ trong xã Ia Hlốp. Chị Huệ thuộc diện phụ nữ nghèo, không có đất sản xuất. Thấy rõ hoàn cảnh của chị, năm 2016, hội phụ nữ xã đã trao tặng chị một con bò cái trị giá 4 triệu đồng để chị làm vốn phát triển kinh tế gia đình. Vừa ôm bó cỏ non cho bò ăn, chị Huệ vừa giãi bày: “Mình nghèo vì không có vốn làm ăn nhưng nay được sự hỗ trợ từ chị em, mình sẽ cố gắng phát triển chăn nuôi để thoát nghèo. Con bò mẹ nay đã sinh được một chú bê con 6 tháng, giờ lại đang có bầu tiếp. Đàn bò được chăm sóc kỹ nên ngày một béo khỏe và phát triển tốt”. Nói về những cách làm mang lại hiệu quả cao này, Chủ tịch hội LHPN xã Ia Hlốp Võ Thị Toan chia sẻ: “Hai mô hình “Dê sinh sản” và “Bò thoát nghèo” của hội đã và đang được nhân rộng. Hàng năm, chúng tôi đều vận động chị em đóng góp kinh phí nhằm giúp đỡ những phụ nữ nghèo, mong muốn họ có được nguồn vốn để phát triển kinh tế và thoát nghèo”. 

Trước đây, đa số hội viên phụ nữ thuộc diện đói nghèo, thiếu vốn sản xuất. Nhiều chị em là lao động chính trong gia đình nên gánh nặng mưu sinh quá lớn. Do đó chị em ít có cơ hội tham gia sinh hoạt hội, chưa hăng hái tham gia học tập và thi đua lao động sản xuất. Những năm gần đây, nhờ tổ chức nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, phụ nữ huyện Chư Sê đã tạo được bước đột phá trong công tác phát triển hội. Đa số hộ nghèo, hộ cận nghèo đã cố gắng, chủ động tìm tòi học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất, tạo việc làm để gia đình giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng. Trong năm 2016, các cấp hội cơ sở đã vận động cán bộ, hội viên phụ nữ xây dựng quỹ tình thương để mua bò, mua heo tặng hội viên nghèo với tổng số tiền gần 70 triệu đồng; trao 4 con bò và 21 con heo cho chị em phụ nữ nghèo… Điển hình làm tốt những mô hình này là hội LHPN xã Ia Pal, Dun, Ia Blang, Ayun, Ia Hlốp…

Đẩy mạnh các phong trào thi đua

“Thời gian qua, các phong trào thi đua của hội LHPN huyện phát triển sâu rộng; các nhiệm vụ được cụ thể hóa thành chỉ tiêu cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Để giúp chị em phụ nữ thoát nghèo bền vững, hội LHPN huyện Chư Sê đã hướng dẫn hội LHPN 15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, mỗi đơn vị chọn 1 chi hội khá làm điểm, trong đó mỗi chi hội chọn 1 hộ nghèo có khả năng thoát nghèo để giúp đỡ chị em vay vốn phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững và nhân ra diện rộng. Mỗi phong trào đã thực sự là đòn bẩy để phụ nữ trong huyện đoàn kết, gắn bó, cùng giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc”- chị Đinh Thị Tuyết Dung-Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Chư Sê cho biết.

Từ các mô hình đã giúp nhiều hội viên thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Ảnh: Trần Dung
Từ các mô hình đã giúp nhiều hội viên thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Ảnh: Trần Dung

Nổi bật trong các phong trào thi đua của hội là đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Đến nay, toàn huyện có trên 15.000 chị em phụ nữ đăng ký thực hiện các nội dung của phong trào. Hội cũng đã biểu dương và nhân rộng điển hình các tập thể, cá nhân thực hiện tốt cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Mỗi chi hội lựa chọn từ 3 đến 5 hộ gia đình làm điểm và giúp đỡ các hộ gia đình Jrai cùng thực hiện cuộc vận động. Năm qua, có 183 chi hội đã hỗ trợ 585 hộ gia đình dân tộc thiểu số đạt tiêu chí “5 không 3 sạch”. Bên cạnh đó, hội cũng đã vận động 28 hộ gia đình hiến 1.470 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn. Hiện, hội có 2 câu lạc bộ “Phụ nữ với công tác xây dựng nông thôn mới”; 48 mô hình “Đoạn đường phụ nữ tự quản”; 46 “Địa chỉ tin cậy” góp phần phòng chống bạo lực gia đình…

Không chỉ dừng lại ở đó mà hàng năm, các cơ sở hội đã phối hợp với Ngân hàng CSXH giải ngân, đáo hạn và giải quyết cho các hộ vay vốn để phát triển kinh tế. Hội cũng đã tặng 13 sổ tiết kiệm cho các hội viên nghèo (trị giá 13 triệu đồng/sổ). Bên cạnh đó, các cấp hội cũng đã làm tốt công tác tiết kiệm, xoay vòng vốn với số tiền trên 800 triệu đồng. Để đẩy mạnh phong trào giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ với tinh thần tương thân, tương ái, các cấp hội đã vận động chị em có điều kiện giúp những chị em khó khăn bằng nhiều hình thức như: giúp vốn không tính lãi, giúp vốn lãi suất thấp… Với 12 mô hình “3 trong 1”, hội cũng đã giúp hội viên nghèo thoát nghèo, thoát cảnh bạo lực gia đình và cho con em mình quay trở lại trường học.

Những hoạt động cụ thể, thiết thực của hội LHPN huyện trong phong trào phát triển kinh tế không chỉ giúp chị em thay đổi cách nghĩ, cách làm mà còn phát huy khả năng sáng tạo của mỗi hội viên trong sản xuất, kinh doanh; giúp nhiều hội viên thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

 Trần Dung

Có thể bạn quan tâm