Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên: Góp phần thay đổi diện mạo nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Qua 3 năm triển khai thực hiện, Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Gia Lai đã mang lại hiệu quả thiết thực. Dự án không chỉ góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mà còn giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo bền vững.

“Tiếp sức” cho xã nghèo

Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), cuối năm 2014, Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Gia Lai chính thức khởi động tại 217 thôn, làng của 25 xã nghèo nhất thuộc 5 huyện: Krông Pa, Kông Chro, Kbang, Ia Pa và Mang Yang. Theo kế hoạch, dự án được triển khai thực hiện trong 5 năm (2014-2019) với tổng số vốn trên 27 triệu USD, là dự án ODA lớn nhất từ trước đến nay của tỉnh. Với mục tiêu từng bước nâng cao mức sống cho người dân thông qua nỗ lực cải thiện cơ hội sinh kế ở các xã nghèo, dự án có 4 hợp phần chính gồm: phát triển cơ sở hạ tầng cấp xã và thôn; phát triển sinh kế bền vững; cơ sở hạ tầng kết nối, nâng cao năng lực và truyền thông; quản lý dự án.

 

Đường vào khu sản xuất xã Ia Tul (huyện Ia Pa) được dự án hỗ trợ đầu tư.                                                                       Ảnh: Đ.Y
Đường vào khu sản xuất xã Ia Tul (huyện Ia Pa) được dự án hỗ trợ đầu tư. Ảnh: Đ.Y

Sau 3 năm triển khai, dự án đã đạt được nhiều kết quả thiết thực. Tính đến nay, dự án đã thực hiện và đưa vào sử dụng 60 công trình cơ sở hạ tầng cấp thôn làng, 10 công trình cơ sở hạ tầng kết nối cấp huyện (chủ yếu là công trình giao thông và thủy lợi). Nhiều công trình đã đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc đi lại, giao thương, phục vụ sản xuất, góp phần giảm chi phí vận chuyển hàng hóa, đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và kết nối thị trường, tiếp cận dịch vụ công. Các công trình kiên cố hóa kênh mương, đập thủy lợi được xây dựng đã góp phần giúp nông dân chủ động nguồn nước tưới, mở rộng diện tích đất sản xuất, tăng năng suất cây trồng. Công trình sửa chữa hệ thống nước tự chảy, xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, xây dựng trường Mầm non đã mang lại lợi ích đáng kể, giúp cải thiện điều kiện sinh hoạt, đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Giúp người dân thay đổi nhận thức

Trong 4 hợp phần của dự án, phát triển sinh kế bền vững là hợp phần quan trọng nhất. Tại hội nghị đánh giá giữa kỳ Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Gia Lai diễn ra mới đây, ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Gia Lai, nhấn mạnh: Dự  án này có cách thức tiếp cận mới trong vấn đề xóa đói giảm nghèo. Dự án được triển khai theo định hướng của cộng đồng và quan tâm nhiều đến việc giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa nhằm nâng cao năng lực để xóa nghèo bền vững.

Qua 3 năm triển khai, hợp phần phát triển sinh kế bền vững đã thực hiện được 450 nhóm, trong đó có 152 nhóm an ninh lương thực-dinh dưỡng, 295 nhóm đa dạng hóa sinh kế, 1 tiểu dự án (gồm 3 nhóm) liên kết thị trường. Điều đáng ghi nhận là các hình thức hỗ trợ sinh kế, xây dựng cơ sở hạ tầng của dự án đều xuất phát từ nhu cầu và đặc điểm của người hưởng lợi. Đến nay, các tiểu dự án đã đem lại kết quả bước đầu. Tiêu biểu như các nhóm LEG lúa ở xã Chư Mố (huyện Ia Pa) được thực hiện năm 2015 với năng suất đạt 6,5 tấn/ha trong khi năng suất trung bình toàn huyện là 4,7 tấn/ha; nhóm LEG nuôi heo thịt năm 2016 tại xã Lơ Ku (huyện Kbang) mỗi hộ được hỗ trợ 4 con heo giống, sau 3 tháng chăm sóc thu được lợi nhuận 4 triệu đồng/hộ; nhóm LEG mía tại xã An Trung (huyện Kông Chro) lợi nhuận sau 1 vụ thu được 60 triệu đồng/ha...

 

Nhóm LEG nuôi cá lồng buôn Thức (xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa) đang cho cá ăn. Ảnh. Đ.Y
Nhóm LEG nuôi cá lồng buôn Thức (xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa) đang cho cá ăn. Ảnh. Đ.Y

Đặc biệt, năm 2017, người hưởng lợi đề xuất nhiều nhóm LEG mới như: nuôi dúi, nuôi cá lồng, trồng các loại cây chanh dây, đậu cô ve… Với kinh nghiệm đã tích lũy, thành viên các nhóm LEG rất tin tưởng vào sự hỗ trợ của dự án. Tại nhóm LEG nuôi dúi (buôn Hmuk) và nuôi cá lồng (buôn Thức, xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa), ý thức làm ăn của người dân được nâng cao. Cùng với đó, tinh thần trách nhiệm được các hộ nghèo cùng nhau quan tâm, tình đoàn kết ngày càng gắn bó mật thiết hơn. “Cá mới thả giống một tháng mà lớn trông thấy. Việc nuôi cá lồng nhìn vậy thôi nhưng bước đầu khó khăn lắm. Song với sự quyết tâm của cả nhóm, thành viên nào cũng nhiệt tình, chỉ ít thời gian nữa, lứa cá đầu tiên sẽ được thu hoạch”-ông Rơ Ô Loát-Trưởng nhóm LEG nuôi cá lồng buôn Thức, cho biết.

Trao đổi với P.V, ông Hồ Phước Thành cho biết: “Mặc dù thời gian triển khai dự án chưa dài nhưng với những tiểu dự án có chu kỳ thực hiện ngắn nên đã sớm mang lại hiệu quả thiết thực cho hộ nghèo. Hơn nữa, ngoài việc nâng cao năng suất, sản lượng, lợi ích kinh tế từ sản phẩm nông nghiệp, thông qua các hoạt động sinh kế, người dân còn được tiếp cận nhiều hơn các biện pháp khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, thường xuyên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, tạo nên sự liên kết, lan tỏa trong phong trào cùng nhau học tập, nâng cao năng lực sản xuất để xóa đói giảm nghèo”.

Còn đó những khó khăn

Bên cạnh những kết quả mang lại, trong quá trình triển khai, dự án vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn. Đó là một số thành viên các nhóm LEG vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, không chịu khó học hỏi những người xung quanh để nâng cao trình độ thâm canh. Một số xã trong vùng hưởng lợi khi triển khai dự án vẫn theo kiểu dàn trải, cào bằng, có nơi lựa chọn mô hình không phù hợp, dẫn đến một số nhóm LEG chưa phát huy hiệu quả như mong đợi. Riêng đối với hợp phần 1, công tác đấu thầu còn hạn chế, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ đầu tư, trong khi đó lại cùng lúc làm chủ đầu tư nhiều công trình. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa Ban Quản lý dự án huyện với Ban Phát triển xã chưa hiệu quả trong công tác đấu thầu cũng như công tác kiểm tra, giám sát thi công công trình. Năng lực của một số nhà thầu tại một số Ban Quản lý dự án huyện chưa đáp ứng theo yêu cầu của dự án nên một số công trình bị chậm tiến độ.

 

Ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Gia Lai: “Phải tăng cường công tác truyền thông nhằm giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Khi nhận thức của người dân thay đổi thì mọi việc làm đều thuận lợi và mang lại hiểu quả thiết thực. Trong những tháng còn lại của năm 2017, cần tập trung triển khai có hiệu quả các hợp phần, rà soát, đánh giá lại những việc làm được và chưa làm được để đề xuất với Ban Điều phối Trung ương và Ngân hàng Thế giới để có những giải pháp triển khai tốt nhất. Đồng thời, Ban Quản lý dự án tỉnh, huyện, Ban Phát triển các xã cần tập trung xây dựng kế hoạch 18 tháng còn lại để bảo đảm sử dụng kinh phí được phân bổ hiệu quả”.

Tại hội nghị đánh giá giữa kỳ Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Gia Lai, những hạn chế nêu trên đã được cán bộ dự án mổ xẻ và đưa ra giải pháp phù hợp nhằm phát huy hiệu quả dự án. Ông Lê Công Ngôn-Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Kbang, đề xuất: “Theo tôi, mỗi địa phương được hưởng lợi từ dự án cần sớm củng cố, kiện toàn Ban Quản lý huyện và Ban Phát triển xã. Cần bổ sung người có năng lực cũng như sắp xếp lại bộ máy để phát huy tối đa hiệu quả các hợp phần dự án”.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm