Gọi đó là tình yêu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Người ta thường nói nhiều đến việc mất-còn của văn hóa bản địa Tây Nguyên trong hành trình đi tới. Và cũng không biết từ bao giờ, mọi người thường hay có suy nghĩ: những ngôi làng càng ở vùng sâu, vùng xa thì bản sắc còn đậm đặc; những ngôi làng càng gần phố, bản sắc càng phôi phai. Nhưng có thực như vậy? Riêng tôi tin rằng, mỗi người Tây Nguyên đều yêu ngôi làng, yêu không gian sinh sống của mình theo một cách riêng.

1. Giữa trưa, già Rơ Mah Gun ở làng De Lung (xã Ia Tô, huyện Ia Grai) vừa ngồi chặt những quả đu đủ xanh để nấu cháo cho heo, vừa nghe những làn điệu dân ca Jrai thánh thót phát ra từ chiếc điện thoại cũ. Mỗi khi di chuyển, ông lại cầm theo chiếc điện thoại, lúc đặt trên chiếc nắp xoong, khi để trên đống củi. Thoạt nhìn đã hiểu ngay rằng, ông với chiếc điện thoại là một đôi bạn thân. Nhưng chính âm giai của âm nhạc truyền thống phát ra từ thiết bị điện tử ấy mới là tri âm, tri kỷ với người đàn ông đã ở tuổi xế chiều. “Mình không thể thiếu nó”-ông nói. Chừng như sợ tôi không hiểu, ông giải thích thêm: “Cái điện thoại cũ này mấy đứa con cho để mình nghe nhạc ông bà (chỉ những bài dân ca cổ-P.V). Chúng sang làng bên tải đầy nhạc vào máy rồi đưa mình nghe cho đỡ buồn. Ngày nào mình cũng mở những bài hát này nghe trong lúc làm mấy việc lặt vặt giúp con cháu”.

 

Hàng ngày, ông Siu Rin ngồi cần mẫn đan lát vật dụng sinh hoạt trong gia đình.            Ảnh: H.N
Hàng ngày, ông Siu Rin ngồi cần mẫn đan lát vật dụng sinh hoạt trong gia đình. Ảnh: H.N

Ông nói không biết ai đã hát những bài dân ca xưa cũ ấy, cũng không biết ai đã thu âm, chỉ biết rằng, nó được người ta chuyền nhau nghe, “bắn” qua những chiếc điện thoại có giá chỉ vài trăm ngàn đồng. “Nội dung những bài dân ca này nói gì vậy bác?”-tôi hỏi. “Nhiều lắm. Bài nói về đôi trai gái yêu nhau nhưng bị cấm cản, buồn rầu ra bờ suối than thở với trời đất. Có bài nói về nỗi nhớ làng của một chàng trai vào rừng đi săn con thú nhiều ngày chưa được trở về làng. Có bài nói về mùa màng, về việc sinh đẻ...”-già Gun giải thích. Ở các làng của huyện biên giới này, không chỉ có già Gun thích nghe dân ca. Người ta có thể nghe thứ âm nhạc rất đặc trưng này ở khắp nơi, phát ra rè rè từ những thiết bị điện tử rẻ tiền. Trên đường về, chúng tôi còn bắt gặp một đám trẻ con tụ tập quanh một chiếc điện thoại cũ, vừa nghe dân ca, vừa trò chuyện rôm rả. Trong đám trẻ con ấy, đứa lớn nhất mới chỉ học lớp 5.

2. Lại là câu chuyện của một người già Jrai, nhưng trong ngôi làng chỉ cách một bước chân đã chạm đến cái tấp nập của phố phường: Pleiku Roh. Chiều nào cũng vậy, sau 5 giờ chiều, ông Siu Rin cũng bày biện đồ nghề ra để đan lát. Ông cho hay, mọi vật dụng trong nhà từ thúng mủng, dần sàng đến những chiếc gùi đựng kích cỡ to nhỏ khác nhau đều do ông làm. “Làng gần phố nhưng quanh làng vẫn còn nhiều tre nứa, nhất là quanh các bờ ruộng. Mình tự chặt về đan lát vật dụng trong nhà. Lũ trẻ thích dùng vào việc gì tùy chúng, có khi dùng không hết đem bán mỗi thứ vài trăm ngàn đồng”-ông Rin nói.

Đan lát là nghề thủ công truyền thống của người bản địa Tây Nguyên, có làng vẫn còn nhiều người giữ nghề, có làng không. Thế nhưng, trong một ngôi làng có thể nói sát phố nhất trong số những ngôi làng bản địa, hình ảnh một người đàn ông chiều chiều ngồi đan lát, giữa những bình yên xung quanh vẫn thấy còn đó hồn cốt của một ngôi làng không thể lẫn vào đâu. Và vì quá gần phố phường, có những thứ đã bị cuộc sống đô thị cuốn phăng, nhưng trong chính ngôi làng này, tuồng như cái trật tự của một làng Jrai vẫn còn được giữ gìn như trật tự trong một ngôi nhà có nền nếp: những đống củi xếp thẳng băng gọn gàng, những tấm thổ cẩm vẫn được phụ nữ sử dụng khá phổ biến để địu con. Chiều về, người làng vẫn rôm rả hỏi han nhau trên những ngả đường về nhà.

3. Cũng trong chính ngôi làng áp phố này, có gia đình đặt tên con thoạt nghe đã thấy chất chứa tình yêu với làng, với quê hương bản xứ: Hoa Pơ Lang. Tôi biết em bé có cái tên đặc biệt này từ khi em còn ở trong bụng mẹ. Đến nay, Hoa Pơ Lang đã học Tiểu học. Tên đầy đủ của cô bé Jrai này là Rmah Châm H’Pơlang. Nhưng cả ở trường lẫn ở nhà, người ta đều gọi em bằng tên của một loài hoa đặc trưng của Tây Nguyên. Mỗi khi loài cây này trổ những bông hoa đỏ ngời, kiêu hãnh như đốt cháy cả bầu trời tháng 3-ấy là lúc Tây Nguyên bước vào mùa “ăn năm uống tháng”, lễ hội linh đình ở khắp các buôn làng. Chị Rmah H’Nin-mẹ của Hoa Pơ Lang nói rằng, đặt tên con là chủ ý của cha mẹ: “Mong con sẽ xinh đẹp kiêu hãnh như đóa pơ lang-loài hoa mà bất cứ người Tây Nguyên nào cũng đều yêu. Hơn nữa, còn thể hiện tình yêu thầm kín của chúng tôi với quê hương xứ sở của mình”.

Có thể người ta sẽ không tránh khỏi cảm xúc nuối tiếc trước những điều mất đi. Nhưng rồi cũng có những thứ trong trẻo níu ta lại như âm giai trầm bổng của một bản dân ca văng vẳng từ đâu đó, hay hình ảnh một ông già cần mẫn bên công việc đan lát hàng ngày, hoặc âm thầm nhưng cũng đầy kiêu hãnh khi gọi tên con là một đóa pơ lang... Tôi gọi đó tình yêu-thứ tình yêu không cần phải gồng cố. Và chính vì thế nó vĩnh viễn sẽ không bao giờ bị chìm lấp, mất đi, cho dù người ta có muốn hay không.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm