Một lần chiếu phim ở Đak Tơ Kan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hồi Gia Lai, Kon Tum còn chung tỉnh, 2 huyện xa nhất là Đak Glei phía Bắc và Krông Pa phía Nam. Muốn đi công tác về 2 huyện ấy nếu là sếp thì có xe U-oát, còn nhân viên thì đón xe IFA. Và thời gian lên đến nơi thường là 2 ngày. Sát huyện Đak Glei là huyện Đak Tô. Huyện Đak Tô hồi ấy rất lớn, giờ chia ra đến mấy huyện. Không xa bằng Đak Glei, nhưng huyện Đak Tô lại có mấy xã cực kỳ khó đi, khó vào. Đak Tơ Kan là một xã như thế.

Trưởng ty Văn hóa-Thông tin Gia Lai-Kon Tum thời ấy là ông Trịnh Kim Sung, ông kiêm nhiệm Trưởng ban Văn hóa Xã hội của HĐND tỉnh. Ông Tâm-Trưởng phòng Tuyên huấn Liên đoàn Lao động tỉnh là Phó ban. Anh Đinh Hùng Việt lúc bấy giờ là cán bộ của Ban Tuyên huấn Liên đoàn Lao động, chúng tôi chơi với nhau vì anh là thường trực của tờ báo Công nhân Gia Lai mà tôi thường xuyên cộng tác.

 

Một buổi chiếu bóng phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.                             Ảnh: Phan Nguyên
Một buổi chiếu bóng phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Ảnh: Phan Nguyên

Một hôm ông Sung bảo: Mình đi công tác Hùng nhé, đi Đak Tơ Kan. Tôi mừng quá. Hồi ấy trẻ, tôi toàn lủi xuống làng mỗi khi cơ quan rỗi việc, thậm chí chả rỗi cũng trốn đi, lang thang một mình. Huống gì giờ được đi với sếp.

Cái xe U-oát tải mượn của Công ty Phát hành sách. Trên ca bin là lái xe, ông Sanh (tên gọi khác của ông Sung) và ông Tâm. Sau thùng xe là tôi, anh Việt và một anh chiếu phim. Giờ ít người hình dung cái U-oát tải nó như thế nào, chứ ngày xưa, nó là thiên đường cho những chuyến xuống làng. Ngoài chuyện nó khỏe, 2 cầu, nó còn chở được nhiều người (giờ mà chở thế bị phạt chết). Và quan trọng là khi về, dưới sàn xe la liệt gạo, bắp, cám các loại cho người và... cho heo.

Và té ra nhiệm vụ được phân công trên xe như sau: Lên đến nơi, sẽ chiếu phim cho đồng bào xem. Anh nhân viên chiếu bóng sẽ phụ trách máy chiếu, người thuyết minh là tôi. Vấn đề là, cái bản thuyết minh bằng giấy Pơ-luya mỏng tang và kê đến mấy lần giấy than ấy nhòe nhoẹt nước mưa. Tóm lại là, tôi phải tự xoay. Thời ấy không như bây giờ là điện thoại trước, mà cứ đi thôi. Đến đâu tính đấy.

Từ Tân Cảnh vào Đak Tơ Kan phải qua một con dốc gần như dựng đứng. Nghe nói ngày xưa đi bộ qua con dốc này phải nghỉ đúng 15 lần, còn lần này, con U-oát, xe Liên Xô chế tạo chuyên để đi rừng, lên đến giữa dốc thì… hết số phải dừng lại. Tất cả chúng tôi phải xuống đẩy thì nó mới ậm ạch bò tiếp.

Đi từ sáng sớm, tối nhọ nhẹ thì tới làng. Người Xê Đăng ở rất cao và đường lên nhà rất cheo leo, hiểm trở. Nghe nói trong các dân tộc bản địa Tây Nguyên thì người Xê Đăng thiện chiến nhất, ngay cái cách chọn chỗ làm nhà như một pháo đài đã cho thấy kinh nghiệm chinh chiến rồi. Lái xe, anh nhân viên chiếu bóng, anh Việt và tôi căng phông đặt máy để chuẩn bị cho buổi chiếu ở ngay sân cái trường học mà chúng tôi xác định là tối sẽ ngủ ở đấy. Ông Sanh và ông Tâm đi… ngoại giao cơm chiều vì ngày xưa các ông có hoạt động vùng này. Trời mưa lật sật, chúng tôi kê máy chiếu ngay trên thùng xe, căng phông, bật điện và tôi bắt đầu… a lô thông báo chương trình.

Gần tiếng đồng hồ sau thì ông Tâm quần xăn móng lợn ra kêu chúng tôi ăn cơm. Leo con dốc đặt vừa bàn chân trơn như đổ mỡ, chúng tôi vào nhà ông cựu Bí thư xã. Cơm gạo bọc thép ăn với muối ớt. Nghe nói rồi nhưng lần đầu tiên tôi ăn món này. Nó cứng hơn cả bo bo thời sinh viên chúng tôi ăn ở Huế, màu đỏ. Ông Sanh và ông Tâm bày cho chúng tôi ăn: Nhai thật chậm, kỹ, dăm bảy hạt một lần, khi nó kỹ rồi thì sẽ rất ngon, bùi và ngọt.

Mưa, nhưng từng tốp người vẫn đốt đuốc từ bốn phía tụ tập về sân trường. Tôi nhớ chúng tôi chiếu 2 bộ phim, một hoạt hình và một phim truyện, đều của Liên Xô và tôi khắc phục tình trạng cuốn thuyết minh bị rách, mất trang và ướt bằng cách… dịch trực tiếp, mà gọi chính xác là... “phịa” trực tiếp. Thế mà rồi cũng xong 2 bộ phim trong mưa, bà con cứ túm tụm ngồi, ba bốn người một cụm dưới miếng ni lông hoặc bất cứ thứ gì che được. Lúc kết thúc là đã hơn 10 giờ đêm.

Một lớp học tươm tươm được chọn để mắc võng ngủ. Hai ông già Sung và Tâm khoan khoái: Lâu lắm mới được ngủ võng, trong khi chúng tôi sột soạt mãi, một lúc thì Việt thò đầu ra: Đói quá. Thế là cả bọn chui ra nghĩ cách kiếm cái ăn. Việt là người phát hiện trụ sở Ủy ban ở gần đấy và cả quyết thế nào cũng có du kích gác ở đấy. 3 anh trai trẻ cầm đèn pin sục đi. Quả là có du kích. Nói khó kèm tặng một bao thuốc lá, một du kích đồng ý đi mua giúp chúng tôi một con gà. Đoạn có gà rồi làm và nấu cháo gian nan không kém khi mà lục hết cả cái trường đang nghỉ hè ấy chúng tôi kiếm được một can nước, một cái xoong rách miệng. Thì phải nghĩ cách thôi. Mưa nên lông gà ướt, hơ trên lửa thế là vặt lông không cần nước sôi, nước sôi dành để nấu cháo. Trong ba lô chúng tôi đã chuẩn bị muối, bột ngọt, mỗi người một cái muỗng và bát. 2 giờ sáng thì cuộc ăn đêm long trọng cháo gà bắt đầu.

Đak Tơ Kan hồi ấy xa và nghèo như thế nhưng dân thì cực tốt. Sáng ông Sanh và ông Tâm vào xã làm việc, chúng tôi đi loanh quanh làng, dân mang trái cây và rau ra cho. Ý là cảm ơn chúng tôi vụ chiếu phim hôm qua và bà con nói lâu lắm mới lại được xem phim.

Giờ Đak Tơ Kan thuộc huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Lâu lắm không trở lại nơi ấy nhưng tôi có đi qua cái dốc phải đẩy xe U-oát dạo nào. Đi hết dốc mới biết và dừng xe quay lại, bởi giờ nó là con đường thoai thoải chứ không còn dựng đứng ngày nào. Đồng nghiệp ở Kon Tum kể: Giờ Đak Tơ Kan không thâm sơn mù cốc như xưa nữa, mà rất phát triển. Từ Kon Tum, chạy qua Đak Tô một tí đã tới thung lũng Đak Tơ Kan. Thì cũng như Đak Glei xưa, heo hút xa xôi thế, giờ đường sá thông thương, xe chạy suốt ngày, chạy non buổi là từ Pleiku đã tới thị trấn. Cái thời chung tỉnh, tưởng gần (vì cùng tỉnh), nhưng lại rất xa, như cái đận chúng tôi đi Đak Tơ Kan ấy, trọn ngày mới tới. Giờ chia tỉnh, lại hóa ra gần, hơn 3 tiếng đồng hồ đã có thể ngẩng đầu nhìn mây bay ở đèo Măng Rơi từ thung lũng Đak Tơ Kan. Nhưng dẫu sắp tới chỉ còn một tiếng đồng hồ đi chăng nữa thì cái đêm chiếu phim phục vụ bà con Xê Đăng ở Đak Tơ Kan mãi là kỷ niệm của tôi. Giờ 3 trong những người tham gia chuyến đi ấy đã mãi mãi đi xa là ông Sanh, ông Tâm và anh Việt. Thật xa ấy, có khi họ cũng đang hồi ức về cái đêm ở Đak Tơ Kan…

Văn Công Hùng

Có thể bạn quan tâm