Chú trọng phát triển kinh tế hộ gia đình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bản lĩnh, kiên cường, chịu khó, dám nghĩ dám làm là đức tính mà những cựu binh từng kinh qua chiến trường vẫn giữ vững trong thời bình. Không chỉ chiến đấu giỏi nơi chiến trường, ngày nay, họ còn là những “chiến sĩ giỏi” trên mặt trận kinh tế.
 
Sống ở một địa phương thuần nông nghiệp, có thế mạnh về cây công nghiệp dài ngày như hồ tiêu, cà phê, cao su, lại sẵn tính cần cù, chịu khó, sáng tạo, nhiều gia đình cựu chiến binh đã từng bước xây dựng cho mình một đời sống kinh tế vững chắc. Có thể kể ra đây những điển hình như ông Lê Tầm (xã Tân Bình) có thu nhập mỗi năm hơn 1 tỷ đồng từ 5.000 trụ tiêu, 2.000 cây cà phê và bơ cao sản; cựu binh Lê Tăng Định (thị trấn Đak Đoa) có thu nhập ổn định từ 3.000 trụ tiêu, 3.000 cây cà phê cùng cây cao su. Ngoài việc phát triển kinh tế hộ gia đình từ cây công nghiệp, các hội viên Hội Cựu chiến binh huyện Đak Đoa còn thành công ở lĩnh vực kinh doanh cá thể, như cơ sở kinh doanh phân bón của ông Vũ Văn Hội (xã Đak Krong), ông Nguyễn Phi Tánh, Nguyễn Hữu Nhớ (thị trấn Đak Đoa) hay cơ sở sản xuất trụ tiêu của ông Hoàng Dễ (xã Tân Bình)…

 

Phát triển kinh tế hộ gia đình giúp nhiều gia đình cựu binh vươn lên làm giàu.    Ảnh: P.V
Phát triển kinh tế hộ gia đình giúp nhiều gia đình cựu binh vươn lên làm giàu. Ảnh: P.V

Sau khi tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc trở về quê hương Nam Định sinh sống, năm 1996, ông Nguyễn Hồng Sinh (thôn 3, xã Hải Yang) cùng gia đình vào Gia Lai lập nghiệp. Những năm đầu sinh sống tại vùng đất mới, cái đói, cái khổ không biết để vào đâu cho hết, lại thêm dịch sốt rét hoành hành những tưởng sẽ đánh gục người cựu binh này. Nhưng với tố chất của người lính từng đối diện với mưa bom bão đạn, chút khổ cực ấy có là bao. Để rồi, kiên trì vượt khó, gia đình ông Sinh quyết gắn bó với nơi này bằng cây hồ tiêu và cà phê. Ông Sinh tâm sự: “Từ những lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê do các cấp, ngành tổ chức, tôi vận dụng linh hoạt cho diện tích cây trồng nhà mình, từ đó có hiệu quả, nâng cao năng suất hơn hẳn”. Hiện tại, gia đình ông Sinh có hơn 1.000 cây cà phê, khoảng 4.000 trụ tiêu, trong đó có 2.000 trụ đã cho thu hoạch. Ước tính thu nhập trung bình của gia đình ông mỗi năm, sau khi trừ chi phí, cũng hơn 1 tỷ đồng. Hàng năm, gia đình ông Sinh còn giúp giải quyết từ 500 đến 700 công lao động tại địa phương. Không chỉ vậy, phần trăm hoa hồng được Công ty Phân bón Bồ Đề trích lại, ông Sinh cũng đem chia ra, hỗ trợ giảm trực tiếp vào giá bán lại cho bà con. Người cựu chiến binh này còn tích cực hỗ trợ mọi người về kỹ thuật trồng cà phê, hồ tiêu để cùng nhau làm giàu.

Hội Cựu chiến binh huyện Đak Đoa hiện có 20 tổ chức cơ sở Hội và 116 chi hội với 1.720 hội viên. Nhờ có sự hỗ trợ, giúp đỡ, phát huy nhiều mô hình hay gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình mà số hội viên khá-giàu có 606 hộ (chiếm 38,3%). Mức thu nhập của các hội viên cũng dần được nâng lên. Cụ thể, thu nhập từ 100 triệu đồng đến 200 triệu có khoảng 429 hội viên (chiếm 25%); thu nhập từ 200 triệu trở lên có khoảng 210 người (chiếm 12%)…

Bà Huỳnh Thị Thành-Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Đak Đoa, chia sẻ: Thời gian qua, Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh huyện đã chỉ đạo các cơ sở Hội luôn bám sát các nghị quyết của Hội cấp trên, nghị quyết của Đảng bộ, chi bộ cơ sở, tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên cựu chiến binh phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực lao động sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp từng địa phương. Hội cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hội viên vay vốn ưu đãi của Nhà nước để phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhiều cựu chiến binh đã từng bước vươn lên thoát khỏi khó khăn, đời sống được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ hội viên nghèo giảm từ 8,56% (năm 2011) xuống còn 4,8%; tỷ lệ hội viên khá-giàu tăng cao, chiếm 38,3%.

Phương Vy

Có thể bạn quan tâm