Ngành Giáo dục thời bao cấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau ngày thống nhất đất nước, nền giáo dục Việt Nam bước sang một trang mới, tức là từ nền giáo dục với mục tiêu phục vụ cho chiến tranh giải phóng dân tộc, nay chuyển sang thời kỳ hòa bình và xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Với những thành tựu có được như ngày hôm nay, chúng ta đã trải qua nhiều giai đoạn mà không phải lúc nào cũng bằng phẳng, có lúc vừa đi vừa dò đường… Để có cái nhìn trung thực, khách quan về phát triển giáo dục ở một địa phương miền núi sau ngày giải phóng, chúng tôi điểm lại một hiện thực khá sinh động của người trong cuộc, từng tham gia trực tiếp trong công tác giáo dục ở địa phương.

Thời kỳ mở màn “chiến dịch” giáo dục...

Trong hoàn cảnh đất nước vừa mới thoát ra khỏi chiến tranh, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nền kinh tế đất nước còn đang trong tình trạng quan liêu, bao cấp nên vấn đề giáo dục tuy có được chú trọng hơn so với thời kỳ kháng chiến nhưng vẫn chưa có gì đổi mới hay đột phá, ngoại trừ việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 12 năm thống nhất trong cả nước. Điểm nổi bật trong thời kỳ này là phát triển giáo dục phổ thông đại trà đến tận các cụm dân cư thôn, làng; mỗi xã, phường đều có trường phổ thông cấp I hoặc trường phổ thông cấp I-II, kể cả giáo dục mầm non; tập trung cho công tác bổ túc văn hóa và xóa mù chữ trong độ tuổi; mỗi huyện, thị xã có trường bổ túc văn hóa cho cán bộ cơ sở; ở tỉnh có trường bổ túc công nông dạy văn hóa cho đối tượng cán bộ cấp huyện, các ngành của tỉnh. Đội ngũ cán bộ, giáo viên được tăng cường từ miền Bắc vào; một phần được đào tạo không chính quy tại địa phương, chủ yếu là giáo viên cấp I và cấp II; thậm chí có một số huyện còn mở lớp sư phạm ngắn ngày và tuyển chọn những thanh niên mới có trình độ hết cấp II (với người Kinh) và hết cấp I với người dân tộc thiểu số địa phương để đào tạo giáo viên cắm làng.

 

Một lớp học thời bao cấp. Ảnh: Internet
Một lớp học thời bao cấp. Ảnh: Internet

Trước thời kỳ đổi mới, công tác giáo dục chỉ chú trọng đến mở rộng đại trà, huy động con em trong độ tuổi ra lớp, đồng thời làm công tác xóa mù chữ và bổ túc văn hóa cho nhân dân. Cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học chủ yếu dựa vào nhân dân là chính, Nhà nước chỉ đầu tư ở những cơ sở trọng điểm. Trường lớp ở các vùng sâu, vùng xa chỉ được dựng lên bằng tranh tre, nứa lá tạm bợ; giáo viên tuy có lương bậc nhưng đa số công tác ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên đều được dân nuôi. Học sinh được cấp phát một bộ sách giáo khoa thống nhất, giáo viên chỉ dựa vào kế hoạch, chương trình của từng cấp học mà soạn giáo án để giảng dạy. Thực chất ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giáo viên chỉ chú trọng đến công tác duy trì sĩ số, tập trung rèn cho học sinh đọc thông viết thạo và kỹ năng làm các phép tính thông thường. Đa phần các em học hết cấp I phổ thông là ở nhà lao động, số học lên rất ít. Bấy giờ, huyện nào cũng có trường nội trú dân tộc (cấp I-II) nên hàng năm các xã tuyển lựa một số đối tượng học sinh của địa phương mình cho đi học lên, được ăn ở nội trú và Nhà nước nuôi. Đến nay, mô hình này ở các vùng miền núi với các dân tộc thiểu số còn được duy trì và phát triển mạnh. Ngoài ra, mỗi huyện còn có l trường bổ túc văn hóa (cấp I-II), chủ yếu dành cho đối tượng thanh niên và cán bộ cơ sở người dân tộc thiểu số ở địa phương. Giai đoạn này, cán bộ cấp xã, thôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đa phần chỉ ở trình độ chưa hết cấp I, có người trong kháng chiến ra chưa đọc thông viết thạo.

Sau ngày hòa bình lập lại, nền giáo dục thống nhất trong cả nước đã phát triển đại trà, bao phủ cả vùng nông thôn và miền núi, nơi mà những năm trong chiến tranh chưa có điều kiện mở trường lớp cho con em học tập. Tuy nội dung chương trình, chất lượng giáo dục chưa được chú trọng, các mô hình giáo dục vẫn còn tiếp tục áp dụng các kinh nghiệm của phong trào giáo dục trong kháng chiến, nhất là ở miền Bắc, nhưng có thể nói, đó là thời kỳ “khai phóng” mạnh mẽ nhất cho nền giáo dục quốc dân kể từ sau năm 1945 đến nay. Phong trào “toàn dân đi học” được khơi dậy và được hưởng ứng một cách rộng rãi nhất. Nhiều nơi vùng sâu, vùng xa của các tỉnh Tây Nguyên, người dân lần đầu tiên mới biết đến, có khái niệm về trường học, thầy giáo và cũng là lần đầu tiên được tận mắt thấy con em mình cắp sách đến trường học cái chữ. Đó là một sự đổi đời, một cuộc cách mạng đối với họ.

Các mô hình giáo dục đặc thù được áp dụng

Với một tỉnh miền núi, mô hình giáo dục bán trú và nội trú cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đẩy mạnh. Ngoài các trường nội trú dân tộc được Nhà nước nuôi ăn học hoàn toàn, các trường phổ thông bán trú ở xã do dân nuôi đã được áp dụng ở nhiều nơi trong tỉnh Gia Lai-Kon Tum bấy giờ, đặc biệt Đak Tô là nơi khởi đầu phong trào này và đem lại nhiều bài học kinh nghiệm trong giáo dục học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhân dân nhiều nơi đã tự làm trường học, khu nội trú cho em mình hàng năm; tự làm rẫy, cung cấp lương thực, thực phẩm để con em mình ăn học tại trường trong suốt năm học. Nhà trường được chính quyền địa phương cho phép thuê cấp dưỡng, mua dụng cụ nấu ăn cho học sinh bán trú. Các em được nhà trường tổ chức lao động tập thể để cải thiện bữa ăn hàng ngày.

Nhiều xã còn tổ chức cho các làng phân công nhau nuôi thầy-cô giáo bằng cách cung cấp gạo, rau hàng tháng để giáo viên an tâm bám trụ dạy dỗ con em mình (mặc dù giáo viên được Nhà nước trả lương hàng tháng). Nhìn chung mỗi trường có tổ chức bán trú cho học sinh ở các xã đều có cách làm khác nhau, nhưng chung quy là dân nuôi dưới nhiều hình thức, nhà trường cùng góp phần tổ chức cho các em ăn ở bán trú và quản lý các em học tập trên lớp và ngoài giờ; phân công học sinh lao động tự phục vụ, đồng thời tham gia trồng trọt, chăn nuôi tự cải thiện đời sống tập thể. Nhờ cách áp dụng phổ biến mô hình bán trú này mà trong thời kỳ khó khăn nhất, nhiều địa phương có số học sinh dân tộc thiểu số bỏ học đồng loạt cao thì ở Đak Tô vẫn duy trì sĩ số học sinh ổn định suốt cả năm học, kể cả những vùng sâu, vùng xa.

Một mô hình khác được áp dụng khá thành công trong giai đoạn này, đó là loại hình trường vừa học vừa làm. Ở tỉnh Gia Lai-Kon Tum bấy giờ có 2 trường vừa học vừa làm (VHVL): Trường VHVL Đê Pa ở phía Đông Nam tỉnh, Trường VHVL Đak Tô nằm phía Bắc tỉnh. Đây là 2 trường VHVL được đầu tư khá bài bản dành cho học sinh nội trú là thanh-thiếu niên người dân tộc bản địa, học theo chương trình bổ túc văn hóa; đồng thời kết hợp tổ chức lao động-sản xuất dưới hình thức “học đi đôi với hành”, chủ yếu là trong lĩnh vực nông nghiệp. Hai đơn vị trường đặc thù này được duy trì trong một thời gian dài, đào tạo hàng ngàn học sinh có trình độ văn hóa cấp II và cấp III. Riêng Trường VHVL Đê Pa (sau này chuyển về Bờ Ngoong-huyện Chư Sê) chỉ mở đến cấp II. Nổi bật với mô hình giáo dục này là Trường VHVL Đak Tô, thu hút được sự quan tâm của cả nước đến học tập kinh nghiệm với hiệu quả và chất lượng đào tạo khá bài bản. Đó là sự sáng tạo của ngành Giáo dục ở một tỉnh miền núi trong hoàn cảnh đất nước đang còn nhiều khó khăn thời hậu chiến. Nhà trường được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ trước đổi mới. Đây là trường học đầu tiên của miền Nam sau ngày giải phóng 1975 vinh dự được Nhà nước tặng phần thưởng cao quý này.

Bước vào thời kỳ đổi mới (1986), sự nghiệp giáo dục chuyển sang giai đoạn cải cách sâu rộng, mô hình vừa học vừa làm không còn phù hợp nữa nên lần lượt được giải thể, kết thúc một giai đoạn lịch sử đầy ấn tượng.

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm