Điểm sáng giáo dục vùng căn cứ cách mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dù chỉ mới thành lập được hơn 9 tháng, song bằng sự nỗ lực cùng quyết tâm cao, thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Krong (xã Krong, huyện Kbang, Gia Lai) đã đạt thành tích đáng khích lệ, góp phần không nhỏ vào hành trình mang ánh sáng văn hóa đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng.

Từ một điểm trường làng tạm bợ, ngày 6-7-2015, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Krong được quy hoạch đầu tư và xây dựng mới trên cơ sở chuyển đổi từ Trường Tiểu học Krong, gồm 1 dãy nhà 2 tầng với 8 phòng học nhà cấp 4 và 5 phòng công vụ. Ngôi trường đứng chân trên địa bàn thôn 5, cách trung tâm xã Krong khoảng 30 km. Đây là khu căn cứ cách mạng của tỉnh trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
 

Tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh của trường đạt 95%. Ảnh: H.T
Tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh của trường đạt 95%. Ảnh: H.T

Không có học sinh bỏ học giữa chừng

Với địa hình rừng núi khá dốc, giao thông đi lại khó khăn; 100% dân số là người dân tộc Bahnar, trong đó hơn 80% là hộ nghèo và cận nghèo; phong tục tập quán của người dân còn khá lạc hậu như ở đây, chuyện vận động học sinh đến trường cũng như duy trì sĩ số chẳng phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, công tác này vẫn được Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Krong thực hiện tốt.

Theo thầy Nguyễn Văn Thuấn-Phó Hiệu trưởng nhà trường, để làm được điều ấy, trường phải đề ra nhiều biện pháp cụ thể trên cơ sở bám sát tình hình thực tế. Đối với 168 học sinh bán trú (từ lớp 1 đến lớp 9), nhà trường phân công mỗi giáo viên phụ trách tối đa 10 học sinh để cùng với giáo viên chủ nhiệm theo dõi, nắm bắt hoàn cảnh gia đình cũng như tâm tư, nguyện vọng của từng em. Từ đó, kịp thời động viên, vận động các em tiếp tục đến lớp nếu có biểu hiện nghỉ học. Đối với các làng không có học sinh bán trú như Klêch, chi bộ nhà trường đã tiến hành kết nghĩa và thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ-thể thao, chiếu phim tư liệu hoạt động của trường để thu hút nhiều hơn nữa học sinh tới trường. “Ngoài ra, trường còn phối hợp với các trưởng thôn và Bí thư chi đoàn các làng cùng huy động học sinh tới trường. Riêng những học sinh bán trú thuộc 2 làng Lur và Klưr ở cách xa trường gần 6 km, giáo viên chủ nhiệm còn xuống làng đưa đón tận nơi nhằm duy trì ổn định sĩ số”-thầy Thuấn cho biết.

Cùng với đó, trong các buổi sinh hoạt tập thể gắn với thôn, làng, nhà trường đã tiến hành lồng ghép việc tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của phụ huynh cũng như tạo niềm vui thích đến trường cho các em. Trường còn tổ chức họp phụ huynh định kỳ 2 lần/năm, họp làng, mời đại diện UBND xã cùng tham dự các cuộc họp để đóng góp ý kiến và đề ra phương pháp, biện pháp phù hợp, hiệu quả. Trên trường học, học sinh được tham gia các hoạt động sinh hoạt bán trú như: bóng đá, bóng chuyền, văn nghệ, trò chơi dân gian…, được tạo mọi điều kiện để các em cảm thấy thoải mái và thích ở trường hơn ở nhà. Nhờ đó, công tác duy trì sĩ số học sinh của trường luôn đạt tỷ lệ cao (95%), không có trường hợp học sinh bỏ học giữa chừng. Năm học 2015-2016, trường có 12 lớp với 322 học sinh (trong đó có 8 lớp bậc Tiểu học, 4 lớp bậc THCS).

Em Đinh Thị Lan (học sinh lớp 8), chia sẻ: “Em ở làng Arong, cách xa trường. Được thầy cô vận động, em lên ăn ở, sinh hoạt tại trường. Dù nhớ nhà nhưng em cảm thấy rất vui vì được học tập, xem phim, đọc sách, hát múa… cùng các bạn. Thầy cô rất gần gũi, yêu thương chúng em, một số bạn cùng làng có ý định bỏ học sau khi được thầy cô khuyên đều đã đến lớp lại”.

Nâng cao chất lượng dạy và học

Vì mới thành lập nên cơ sở vật chất của trường còn nhiều thiếu thốn. Nhằm đảm bảo cho số học sinh bán trú sinh hoạt, ăn, ở tại trường, nhà trường đã vận động phụ huynh tận dụng ngọn, cành cây khô ven rẫy cùng với giáo viên, nhân viên của trường đóng góp gần 300 ngày công, xẻ gỗ để làm nhà ăn, nhà bếp, thư viện, sân giếng, bể tắm có mái che, nhà vệ sinh… Ngoài ra, nhà trường còn dựng thêm 1 ngôi nhà sàn bằng gỗ với diện tích hơn 60 m2 để làm thư viện ngoài trời và trang trí theo phong cách truyền thống. Đây là nơi các em xem phim, vui chơi, đọc sách báo và tài liệu. Tổng trị giá của các công trình này khoảng trên 500 triệu đồng. Song song với đó, trường còn trồng thêm 1,5 sào rau, nuôi 20 con heo để góp phần cải thiện bữa ăn cho học sinh bán trú.

Để hướng đến một môi trường thân thiện, trường đã tích cực triển khai và hoàn thành việc “xanh hóa” trường học. Đến nay, trường đã có hơn 10 cây xanh cho bóng mát, 150 cây huỳnh đàn, 30 chậu cảnh các loại, 1 bộ chiêng của người Bahnar và nhiều hiện vật trang trí khác có giá trị, tạo nên một cảnh quan tương đối đẹp cho khuôn viên trường.

Trên cơ sở đó, nhà trường chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học; duy trì tốt phong trào học tập của học sinh như: đăng ký giờ học tốt, tuần học tốt; đọc viết tốt; vở sạch chữ đẹp…; tập trung mũi nhọn vào việc bồi dưỡng học sinh năng khiếu để tham gia dự thi cấp huyện và tích cực phụ đạo học sinh yếu để nâng cao học lực. Thầy Thuấn cho hay, trong học kỳ I vừa qua, tất cả học sinh khối Tiểu học đều hoàn thành chương trình; khối THCS (tổng số 134 em) có 20 học sinh xếp loại khá-giỏi, 113 em xếp loại trung bình và chỉ 1 em xếp loại yếu.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm