"Còn sức thì còn cống hiến"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước rồi trở về địa phương, cựu chiến binh Phạm Văn Nhung-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh khối 487 (huyện Chư Pưh) luôn tâm niệm: “Còn sức thì còn cống hiến”.

Nói về quyết định nhập ngũ ở tuổi 18, ông Phạm Văn Nhung (quê Quảng Ngãi) trải lòng: “Ba người anh họ của tôi đã xung phong lên đường nhập ngũ, riêng người anh cả ở lại quê nhà làm cơ sở cho cách mạng nhưng bị bọn giặc bắn chết. Chứng kiến cảnh tượng ấy, nỗi căm thù bọn giặc cướp nước trong tôi càng sôi sục và thúc giục phải lên đường”.

 

Cựu chiến binh Phạm Văn Nhung đã hiến hàng  trăm mét vuông đất để mở rộng tuyến đường Đinh Tiên Hoàng (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh). Ảnh: A.H
Cựu chiến binh Phạm Văn Nhung đã hiến hàng trăm mét vuông đất để mở rộng tuyến đường Đinh Tiên Hoàng (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh). Ảnh: A.H

Trở thành xạ thủ của đơn vị Cối 82 (Trung đoàn 1, Sư đoàn 2, Quân khu 5), từ năm 1965 đến năm 1971, ông đã tham gia 24 trận đánh lớn nhỏ. Trận đánh khiến ông nhớ nhất chính là trận đối đầu với Sư đoàn 22 của Mỹ-Ngụy trong chiến dịch Đường 9-Nam Lào. Trong trận đánh này, ông bị thương nặng, rụng gần hết hai hàm răng và rách toạc cả vùng da phía cằm. Đưa tay lên sờ cằm, ông kể lại: “Nhận được lệnh, đơn vị Cối vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. Tôi đang ở tư thế ngắm bắn, từ xa bất ngờ bọn địch cho nổ một loại đạn 105. Đây là loại đạn không nổ nhưng có sức đẩy rất ghê gớm, khiến chiếc cối 82 nặng cả trăm ký của tôi cũng bị đẩy bật về phía sau”. Bị thương nặng ở vùng đầu, mặt và ngất xỉu, ông được anh em trong đơn vị nhanh chóng chuyển ra tuyến sau để điều trị. Năm 1977, ông xin nghỉ mất sức (52%) và đến năm 1993 thì đưa cả gia đình lên Tây Nguyên lập nghiệp.

“Vùng Nhơn Hòa khi đó chỉ có một chỏm gần trung tâm là có dân cư sinh sống, còn lại toàn là rừng núi. Cuộc sống của người dân ngày ấy còn nhiều khó khăn nhưng đất đai lại vô cùng màu mỡ”-ông Nhung nói. Vốn xuất thân từ nông dân nên ông nghĩ ngay đến việc làm giàu từ đồng đất. “Cả gia đình lúc đó tích góp được 50 triệu đồng mang theo làm vốn, tôi bàn với vợ vay thêm từ Ngân hàng Chính sách Xã hội và Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện 100 triệu đồng để mua 8 ha đất rẫy”-ông Nhung tiếp lời. Có đất, ông bắt tay ngay vào trồng trọt trong đó tập trung chính vào các loại cây ngắn ngày và thử nghiệm vài sào cà phê, hồ tiêu. Nhờ đất đai màu mỡ và phát triển đúng hướng nên đến năm 1998, gia đình ông đã trả hết các khoản vay từ ngân hàng và chính thức ghi tên mình vào danh sách các triệu phú của địa phương. Năm 1999, gia đình ông mạnh dạn phủ xanh 8 ha đất bằng các loại cây: hồ tiêu, cà phê và cây ăn trái. Chỉ 3 năm sau, trừ các khoản chi phí, gia đình ông đã thu về 400 triệu đồng/năm và con số ấy cứ tăng dần theo từng năm. Từ năm 2009 đến nay, bình quân mỗi năm gia đình ông thu 1,5-2 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 30-35 lao động tại địa phương.  

Với điều kiện kinh tế khá giả, những năm gần đây, năm nào ông cũng xuất 30-50 triệu đồng giúp những hội viên cựu chiến binh nghèo trong huyện vay để xóa nhà dột nát và mở rộng sản xuất. Hơn nữa, đến mùa thu hoạch dây tiêu giống, gia đình ông còn ủng hộ 500-1.000 dây tiêu cho một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời hướng dẫn họ cách trồng, chăm sóc để ổn định cuộc sống… Cách đây gần 3 năm, cựu chiến binh 70 tuổi Phạm Văn Nhung còn khiến nhiều người phải trầm trồ, thán phục khi quyết định hiến mảnh đất trị giá hơn 1 tỷ đồng để làm đường giao thông. “Năm 2013, khi UBND huyện Chư Pưh và thị trấn Nhơn Hòa triển khai thực hiện xây dựng, mở rộng hạ tầng cơ sở và làm mới đường đô thị, ông Nhung đã quyết định hiến hơn 600 m2 đất góp phần làm mới tuyến đường 17-3 và mở rộng tuyến đường từ quốc lộ 14 đến cuối thôn Hòa Bình”-ông Chu Xuân Toàn-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Chư Pưh, nhấn mạnh. Chia sẻ về quyết định của mình, ông Nhung cho hay: “Thật ra, lúc mới nghe, vợ và các con tôi cũng không đồng tình ngay đâu! Nhưng sau khi nghe tôi phân tích “nếu trong chiến tranh không có sự đùm bọc, thương yêu của đồng chí, đồng đội thì ngày nay đâu còn người, còn của. Vì vậy, có được cuộc sống hôm nay thì phải biết ơn những người đã giúp đỡ mình và nên cống hiến một phần cho xã hội”. Nghe vậy, vợ và các con đều đồng tình”.

“Không chỉ là cựu chiến binh sản xuất giỏi, luôn hết lòng vì những người xung quanh, ở tuổi 70, ông Nhung còn tích cực tham gia nhiều hoạt động tại địa phương và đang giữ nhiều vị trí khác nhau: Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh khối 487. Ở vai trò nào, ông cũng luôn phát huy tính gương mẫu và đưa các phong trào ngày càng phát triển”-ông Chu Xuân Toàn nhận xét.

Anh Huy

Có thể bạn quan tâm