Xã Ayun-Đồng khô, người khát

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những cánh đồng ở xã Ayun (huyện Chư Sê) đang khô khát, không còn nước. Các công trình giọt nước tự chảy cũng chẳng còn giọt nào, người dân chỉ biết chắt chiu nước ở những dòng suối trơ đáy dùng làm nước uống, nước sinh hoạt...

Lúa để… bò ăn

Về xã Ayun trong những ngày này mới cảm nhận được đời sống sinh hoạt của người dân đang vô cùng khó khăn vì thiếu nước. Một xã chỉ có 799 hộ nhưng có đến 673 hộ nghèo, chiếm hơn 84,2%. Nắng hạn khiến cây lúa trên ruộng, trên rẫy không sống nổi, người dân đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu ăn, cái đói hiển hiện trước mắt.

 

Nhiều thửa ruộng, lúa đã cháy vàng dùng làm thức ăn cho bò thay cỏ. Ảnh: Minh Nguyễn
Nhiều thửa ruộng, lúa đã cháy vàng dùng làm thức ăn cho bò thay cỏ. Ảnh: Minh Nguyễn

Dưới cái nắng hầm hầm, cánh đồng Tung Ke 1, 2 nằm dưới chân đèo Ayun như một chảo lửa khổng lồ, những thửa ruộng khô khốc, nứt nẻ. Tuyệt nhiên không thấy tồn tại dấu hiệu sự sinh tồn. Các cánh đồng làng Vơng, A Chép, H'Vắk 1 và H’Vắk 2 sản xuất vụ Đông Xuân 2015-2016 nhưng nhiều ngày qua đã không còn nước tưới, cây lúa khát nước đang chuyển từ màu xanh sang vàng cháy. Nhiều thửa ruộng người dân để cho bò vào gặm lúa thay cho cỏ.

Ông Phạm Ngọc Thanh-Chủ tịch UBND xã Ayun-cho biết: Theo kế hoạch vụ Đông Xuân 2015-2016, tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn xã là 35 ha (30 ha lúa, 5 ha hoa màu). Tuy nhiên, trước cảnh báo về tình hình khô hạn kéo dài, hạn hán sẽ xảy ra trên diện rộng, xã đã chủ động tuyên truyền, vận động người dân giảm diện tích trồng lúa chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày khác. Mặc dù diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân đã giảm xuống chỉ còn gần 20 ha nhưng vẫn không đủ nước tưới.

Chỉ tay về phía những thửa ruộng đã cháy vàng, Chủ tịch UBND xã Ayun cho biết: Những diện tích lúa này của những hộ dân làng A Chép đang để cho bò vào ăn, không còn khả năng phục hồi được nữa. Theo ông Thanh, xã Ayun có 14 thôn làng với hơn 3.800 nhân khẩu nhưng đa phần đều tận dụng nguồn nước mưa và nước ở các dòng sông, suối. Do mùa mưa năm nay kết thúc sớm nên chỉ mới bắt đầu vào mùa khô, nguồn nước ở đây đã vô cùng khan hiếm. “Đào, khoan giếng thì không khả thi, nhiều người khoan cả trăm mét mà vẫn không có nước. Mà nếu có thì nước cũng không dùng được do nước nhiễm vôi rất nặng. Hiện tại chẳng còn giếng nào có nước, bà con chủ yếu sử dụng nước sông, suối nhưng không biết sẽ cầm cự được bao lâu bởi những dòng suối ở đây cũng đã trơ đáy”-ông Thanh chia sẻ.

Quay quắt vì khan hiếm nước sinh hoạt

Theo ông Thanh, nhiều sông, hồ và giếng đào của người dân bị cạn kiệt nguồn nước ảnh hưởng rất lớn đến đời sống. 11 công trình giọt nước tự chảy ở các làng đã ngừng chảy hơn 1 tháng nay, còn các giếng đều trơ đáy.

 

Theo anh Kpuih Thức, người còn không có nước uống lấy đâu ra nước cho cây lúa. Ảnh: Minh Nguyễn
Người còn không có nước uống lấy đâu ra nước cho cây lúa. Ảnh: Minh Nguyễn

Anh Kpuih Thức-Thôn trưởng làng H’Vắk 1 cho biết: Làng có 41 hộ với 239 khẩu đang quay quắt vì thiếu nước sinh hoạt. “Mấy sào lúa nhà tôi bị chết cháy hết rồi. Nước sinh hoạt giờ khó lắm, bà con ra suối tìm không ra được nước uống chứ nói gì đến nước sinh hoạt. Tôi với một anh ở cạnh nhà bỏ ra gần 50 triệu đồng khoan giếng sâu gần trăm mét mà vẫn không có nước. Người còn không có nước uống thì lấy đâu ra nước cho cây lúa”-anh Kpuih Thức than thở.

Còn chị Siu Glết (làng H’Vắk 2), nhà cách suối gần 3 km, mỗi ngày 3 đến 4 lần, chị và người dân trong làng dùng xe máy chở từng bình nước (loại 30 lít) về uống và sinh hoạt. Suối Ia Pếch giờ cũng đã cạn, nước không còn chảy nữa mà chỉ còn những vũng sâu còn tồn đọng. “Chưa năm nào làng bị thiếu nước sinh hoạt như năm nay, sắp tới không biết lấy đâu ra nước để dùng”-chị Glết thở dài.

 

Người dân làng A Chép, xã Ayun chắt chiu từng giọt nước uống. Ảnh: Minh Nguyễn
Người dân làng A Chép, xã Ayun chắt chiu từng giọt nước uống. Ảnh: Minh Nguyễn

Tương tự, người dân làng Chép cũng trong tình trạng thiếu nước trầm trọng. Họ đang phải chắt chiu từng giọt nước ở những dòng suối đã trơ đáy.

Chủ tịch UBND xã Ayun Phạm Ngọc Thanh cho biết, hiện chỉ còn khoảng 2 ha trong tổng số 30 ha lúa vụ Đông Xuân là còn “cầm cự” được. Giải pháp trước mắt là vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, nạo vét kênh mương, tận dụng các nguồn nước để cứu những diện tích còn có khả năng sống sót. Về nước sinh hoạt thì chỉ trông chờ nguồn nước ở thượng nguồn khi người dân không tưới tiêu, cà phê thì tranh thủ lấy nước này sử dụng. “Mặc dù biết nguồn nước này không đảm bảo vệ sinh, nhưng đâu còn cách nào khác”-ông Thanh nói.

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm