Một người Jrai có nhiều sáng kiến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhắc đến Đinh Nhiêu, mọi người nói nhiều đến công việc của Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Thiện, xa hơn là Bí thư Đảng ủy xã Ia Yeng. Còn tôi, khi tiếp xúc với ông, nghe ông trải lòng chợt nhận ra trong con người này luôn đau đáu nỗi niềm phải đi tìm lại những giá trị vật chất, tinh thần gắn bó bao đời với đồng bào dân tộc Jrai đang bị mai một dần.
1. Giống lúa Gor- cái tên tôi nghe lần đầu. Còn với Đinh Nhiêu giống lúa Gor luôn gợi lại trong ký ức của ông những bữa cơm của đồng bào Jrai mà lớp bụi thời gian không thể phủ lấp.
Vẫn với chất giọng khẽ khàng, ông nói bây giờ giống lúa Gor đã rời xa đồng đất Phú Thiện từ lâu lắm, người dân thì không rõ tên Gor từ đâu mà có. Chỉ biết rằng lúa Gor cho hạt gạo to, cơm mềm dẻo thơm nuôi bao thế hệ trai gái làng lớn lên, trong đó có ông.
Một người Jrai có nhiều sáng kiến ảnh 1
"Máy giã vật liệu làm men rượu cần" do ông Nhiêu sáng chế. Ảnh: Hồng Sơn
Cái thời Ayun Pa chưa chia tách địa giới hành chính, chưa có sự hiện diện của công trình đại thủy nông Ayun Hạ, cây lúa Gor thân cao, cứng cáp trụ trên những cánh đồng khô nắng, gió khắc nghiệt cung cấp lương thực cho dân. Rồi đến một ngày, đồng ruộng rạo rực chuyển mình theo con nước hiếm khi khô cạn từ thủy lợi Ayun Hạ, nhiều giống lúa mới được đưa xuống đồng đánh bật giống lúa Gor ra khỏi suy nghĩ nhà nông. Thời gian bộn bề công việc, ông cũng... quên giống lúa Gor.

Đến một ngày năm 2008, ngồi đối diện với nồi cơm dẻo thơm của giống lúa mới Q5, Tám Thơm, ông nhớ bát cơm thơm, dẻo từ hạt gạo Gor quay quắt. Hiện thực đồng lúa Gor trong ký ức ùa về và ông suy nghĩ quyết tâm tìm lại giống lúa này.
Nhiệt huyết của ông thắp lên tia hy vọng trong lần ông về thăm nơi mình sinh ra- xã Pờ Tó, huyện Ia Pa. Thời gian ở quê nghe tin chị ông- bà Đinh Tek còn giữ một ít giống lúa Gor. Ông xin bà Tek 5 kg mang về và bắt đầu hành trình khôi phục lại giống lúa này.
Vụ thu hoạch đầu tiên, ông thu được 2 gùi lúa giống; vụ tiếp theo thu được 200 kg và đến vụ mùa năm 2010 là 4 tấn lúa. Ba năm âm thầm nhân giống, ông theo dõi diễn biến sự sinh trưởng, phát triển cây lúa từng ngày, nhổ bỏ những cây lúa tạp, giữ cho hạt giống lúa Gor không bị lẫn tạp. Cũng trong hành trình này, ông nhận ra ưu thế giống lúa Gor có sức kháng bệnh cao, lại chịu hạn. Chu kỳ sinh trưởng của giống lúa này chỉ bón 1 lần phân, thay vì 3 lần phân như giống lúa mới, nhưng năng suất lúa vẫn đạt từ 5 tấn/ha.
Hạt lúa Gor to, chắc, tỷ lệ thành gạo đạt 75%, tăng từ 5% đến 10% so với giống lúa mới nông dân đang sử dụng; hạt cơm lại dẻo mềm, thơm là lợi thế để tư thương tìm ông đặt giá 8.000 đồng/kg lúa Gor, nhưng ông từ chối. Hàng chục gia đình trong xã Ia Yeng tìm gặp ông đổi giống lúa Gor gieo sạ, ông gật đầu và không quên gửi vào đó niềm tin tương lai không xa nữa, giống lúa Gor sẽ lại xuất hiện trên đồng ruộng Phú Thiện.
2. Dưới cái nhìn của ông Nhiêu, rượu cần khởi nguồn cho sự trải lòng, hòa nhập giữa con người với con người. Sự trải lòng ấy không phải nhờ những giọt nước chứa trong ghè có hương vị không trùng lẫn với bất kỳ hương rượu nào, mà là nhờ men rượu được làm từ chất liệu rất riêng của đồng bào thiểu số Jrai. Tiếc là những năm gần đây, người làm rượu cần quê ông dùng chất men bày bán trên thị trường làm rượu thay men truyền thống, hương rượu cũng dần mất đi cội rễ.
Men rượu cần làm bằng chất liệu truyền thống. Ảnh: Hồng Sơn
Men rượu cần làm bằng chất liệu truyền thống. Ảnh: Hồng Sơn
Chứng kiến hiện thực trên, lại lo một ngày không xa, công thức làm men rượu cần truyền thống của đồng bào bị thất truyền, ông lại cất công tìm đến bà Ksor H’Yơn, ở thôn Sô Ama Hang B, xã Ia Peng (huyện Phú Thiện)- người nắm giữ công thức chế biến men rượu cần truyền thống nhờ bà giúp giữ cái gốc hương rượu cần. Bà H’Yơn tuổi đã cao, không còn sức giúp, nhưng cô cháu Ksor H’Tek đã học được công thức làm men từ bà H’Yơn. Thế là tổ hợp tác làm men rượu hình thành do Tek làm tổ trưởng.

Ngày tổ hợp tác làm men rượu cần bằng nguyên liệu truyền thống bắt tay sản xuất mẻ men đầu tiên vào tháng 3-2010, ông Nhiêu cũng có mặt. Nhìn những đôi tay thiếu phụ Jrai bỏng rát theo nhịp chày giã thuốc, giã gạo, ông chạnh lòng. Cái dáng đứng của những con người trong tổ hợp tác làm men lúc cúi, lúc ngửa, những đôi tay chai sần theo nhịp chày gỗ thôi thúc ông tìm đến các xưởng cơ khí thị xã Ayun Pa đặt làm máy làm thay con người, nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu.
Bao đêm trăn trở, ông quyết tâm làm ra chiếc máy này và đặt tên là “máy giã vật liệu làm men rượu cần”. Cái máy ra đời, Tek hồ hởi nói tiến độ làm men sẽ nhanh hơn để cung cấp cho khách hàng huyện Ia Pa, Phú Thiện, thị xã Ayun Pa.
3. Trở lại phòng làm việc ông Nhiêu. Khi đã yên vị trong căn phòng làm việc của ông cùng nhấp ly trà nóng, tôi hỏi ông chuyện sáng chế cái máy. Ông nói bắt đầu từ tháng 6-2010, đến cuối tháng 11-2010 thì hoàn thành. Suốt thời gian ấy, cứ sau giờ hành chính ông lại lôi vật liệu ra đo, cắt, hàn, chạy thử không được; rồi phá bỏ để đo, cắt, hàn lại không biết bao nhiêu lần. Cứ thế đến ngày cái máy hoàn thành ông mới biết mình đã tiêu hết 40 triệu đồng, mặc dù tổng số tiền vật liệu của cái máy hiện tại chỉ tốn 7 triệu đồng.
Tiêu tốn là vậy, nhưng được cái ông luôn nhận được lời động viên, chia sẻ của vợ ông- bà Siu H’Bo, nên ông vững lòng. Ông hé lộ dự định sắp tới sẽ nghiên cứu máy bẻ củ mì gắn vào máy cày tay giúp nông dân đỡ vất vả. Ông bảo, những việc ông làm không phải để mình nổi tiếng, mà đơn giản chỉ là gìn giữ giá trị vật chất, tinh thần gắn với đời sống đồng bào dân tộc thiểu số bao đời cho thế hệ sau. Bởi lẽ ấy, ông mong muốn có thêm nhiều người chung tay góp sức với ông để đi tiếp hành trình này.
Quang Văn- Hồng Sơn

Có thể bạn quan tâm