Cái tâm của già Y Mlúi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Không riêng gì tôi mà tất cả cán bộ, bà con trong xã đều hết sức kính trọng cái tâm trong sáng, nhiệt thành của ông Y Mlúi với công việc. Những đóng góp của ông trong công tác đảm bảo an ninh chính trị trên địa bàn xã suốt 10 năm qua là điều khó ai có thể làm được”- ông Đặng Văn Tuấn- Bí thư Đảng ủy xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa) chân thành nói về người tiền nhiệm Y Mlúi.
Sau thời điểm tháng 2-2001 và tháng 4-2004, chẳng mấy khi Bí thư Đảng ủy xã Y Mlúi có mặt ở nhà với vợ con dù nhà ông chỉ cách trụ sở xã chừng vài trăm bước chân. Bất kể ngày hay đêm, nắng hay mưa, hễ không thấy ông ngồi làm việc với các đoàn cán bộ tăng cường của tỉnh, của huyện hay họp nắm tình hình, triển khai nhiệm vụ thì y như rằng, ông đi xuống làng vận động đối tượng.
Già Y Mlúi. Ảnh: Tiến Dũng
Già Y Mlúi. Ảnh: Tiến Dũng
Bao giờ ông cũng bắt đầu câu chuyện bằng những lời thăm hỏi từ chuyện ốm đau bệnh tật trong gia đình, chuyện học hành của lũ trẻ, chuyện nương rẫy làm ăn… như một già làng, một người thân lâu ngày đến chơi. Đến khi đối tượng cảm thấy người ngồi trước mặt không còn là ông Bí thư Đảng ủy xã, ông mới nhẹ nhàng lái câu chuyện theo ý của mình. Bằng những lý lẽ và dẫn chứng đơn giản, dễ hiểu, một mặt, ông vạch cho đối tượng thấy bản chất phản động và âm mưu xấu xa của bọn FULRO lưu vong và sự lừa bịp của cái gọi là “Nhà nước Đê-ga”, mặt khác, ông chỉ cho đối tượng thấy những chính sách tốt đẹp mà Đảng, Nhà nước ta đã và đang mang lại cho người dân. Với những lý lẽ thấm thía ấy, ông Mlúi đã giúp rất nhiều đối tượng FULRO, “Tin lành Đê-ga” ở Hà Bầu nhận ra sai lầm, quyết tâm từ bỏ con đường đi theo bọn phản động, yên tâm làm ăn.
Trong những lần đi vận động đối tượng ở xã Hà Bầu từ năm 2001 đến nay, lần vận động Rứt và Anech ở làng Dưng có lẽ là trường hợp thể hiện rõ nhất cái tâm và cái uy  của  ông . Ông kể, Rứt và Anech đã từng kéo lên tỉnh biểu tình trong ngày 2-2-2001. Đến năm 2002, cả hai tiếp tục nghe lời kẻ xấu vượt biên sang Campuchia. Một năm sau, Rứt và Anech trở về địa phương theo diện trao trả. Dù được chính quyền tích cực giúp đỡ, động viên nhưng chứng nào tật ấy, năm 2007, hai đối tượng lại tìm đường vượt biên. Chuyện không thành, Rứt và Anech trốn ra rừng. Xã nhiều lần tới nhà vận động người nhà gọi con em trở về nhưng không được. Thấy vậy, ông Mlúi một mình tới nhà Rứt và Anech. Ban đầu, người nhà hai đối tượng cố tình che giấu. Ông Mlúi kiên trì phân tích thiệt hơn, gia đình mới chỉ chỗ ẩn náu của con em nhưng họ sợ nếu trở về, Rứt và Anech sẽ bị bắt.

Nghe vậy, ông Mlúi đảm bảo: “Gia đình cứ bảo chúng nó về thì đến nhà bác”. 5 ngày sau, lúc 3 giờ sáng, ông Mlúi đang ngủ tại nhà thì nghe tiếng gõ cửa. Trở dậy mở cửa ông thấy Rứt và Anech đứng run rẩy trước nhà. Ngay sáng hôm đó, thực hiện lời hứa của mình, Mlúi dẫn 2 đối tượng lên để Công an xã ghi lời khai rồi cho về nhà. Từ đó, Rứt và Anech chăm chỉ làm ăn, xây được nhà, mua được xe máy.
 
Trong giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2009, ông Y Mlúi đã 1 lần được nhận bằng khen của Bộ Công an, 4 lần nhận bằng khen của UBND tỉnh. Ngoài ra, 6 năm liền ông được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Gần 10 năm sau thời điểm tháng 2-2001, tình hình an ninh chính trị ở Hà Bầu đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều đối tượng FULRO, “Tin lành Đê-ga” ở xã đã được giáo dục, cảm hóa trở thành người tốt, không còn đối tượng trốn ra rừng, vượt biên. Xã Hà Bầu đã 2 lần được Bộ Công an tặng cờ thi đua về phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trong thành tích đáng tự hào ấy có một phần đóng góp không nhỏ của ông Y Mlúi- người được xem là già làng uy tín của Hà Bầu.
Trong hơn 30 năm làm cán bộ, điều ông Y Mlúi tâm đắc nhất, cũng là điều ông nói với cán bộ xã tháng 5-2010 khi ông về hưu là: “Làm cán bộ thì phải giữ được uy tín với nhân dân. Mà muốn có uy tín thì phải gần dân, quan tâm tới dân, không chỉ nói cho dân nghe mà còn phải nghe dân nói”.
Tiến Dũng

Có thể bạn quan tâm

Nghề rèn của người Mạ

Nghề rèn của người Mạ

Đời sống của người Mạ luôn gắn với núi rừng, nương rẫy. Để đáp ứng nhu cầu đời sống, sản xuất, các nghề thủ công truyền thống ra đời, trong đó có nghề rèn.