Gắn bó với cồng chiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mặc dù đã liên hệ từ trước đó, nhưng để gặp được thầy Lê Hữu Phong- Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Mang Yang- Gia Lai cũng không phải dễ dàng. Ngoài công việc ở trường, thầy còn miệt mài với việc nghiên cứu văn hóa buôn làng đồng bào Bahnar. Hơn 22 năm gắn bó với núi rừng Tây Nguyên, thầy  luôn đau đáu với việc bảo tồn giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Từ duyên nợ

Sau khi tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm, rồi tốt nghiệp chuyên ngành Sử- Trường Đại học Tổng hợp Huế, với nhiệt huyết của một giáo viên trẻ, thầy Lê Hữu Phong rời quê nhà Hưng Yên mang ba lô lên dạy học tại xã vùng sâu Kon Chiêng (huyện Mang Yang). Mặc dù chưa một ngày đứng lớp, thầy vẫn được tin tưởng phân công làm Hiệu trưởng Trường THCS Kon Chiêng.

hầy Lê Hữu Phong hướng dẫn học sinh đánh cồng chiêng.
Thầy Lê Hữu Phong hướng dẫn học sinh đánh cồng chiêng.

Lúc này, cuộc sống khó khăn, không thể sống được với đồng lương dạy học, nhiều giáo viên đã bỏ nghề. Trường học hiu hắt bóng dáng học sinh, giáo viên. Thầy Phong phải gồng mình gánh vác trọng trách của một người quản lý lẫn người dạy học. Ngày ngày, một mình thầy lội bộ từ làng này qua làng khác để vận động các em học sinh đến lớp. Nhưng, con em đồng bào dân tộc thiểu số không chịu đến lớp khi cái ăn cái mặc còn chưa đủ. Thầy cùng ông Đinh Jet (lúc bấy giờ là Bí thư Đảng ủy xã Kon Chiêng) vận động bà con trong xã ủng hộ mỗi gia đình một guì lúa nuôi học sinh. Hai kho thóc cứu đói đã mang lại con chữ cho 19 em học sinh tiểu học. Thế là, lớp học tình thương theo mô hình “học sinh bán trú dân nuôi” ra đời đầu tiên ở xã Kon Chiêng và của cả tỉnh Gia Lai.

Năm 1991, thầy được phân công làm Hiệu trưởng Trường THCS Lơ Pang. Thời gian này, thầy tiếp tục xây dựng lớp bán trú dân nuôi- mô hình này sau được nhân rộng ở các xã Hà Đông, Hà Tây, Kon Thụp, Kon Chiêng, Đak Trôi, Đê Ar. Nhờ vậy, năm 1997, các xã phía Đông sông Ayun đã phổ cập xong tiểu học. Với những cống hiến đó, thầy đã được Bộ Giáo dục- Đào tạo tặng thưởng Huy chương vì sự nghiệp giáo dục.

Nhớ lại buổi đầu gian khó, thầy Lê Hữu Phong tâm sự: “Lúc đầu tôi đã có ý định rời bỏ vùng đất heo hút này. Nhưng, bao đêm gối đầu nghĩ ngợi về người cha nuôi đã mất, nghĩ đến các em học sinh đang vật lộn tìm kiếm từng con chữ, tôi xa không đành. Cuộc đời tôi đã duyên nợ với mảnh đất này”.

Đến tình yêu tiếng cồng chiêng

Tình yêu, nghĩa tình với người cha nuôi, với bà con dân làng đã khiến thầy càng thêm gắn bó với mảnh đất này. Nhận thấy di sản cồng chiêng Tây Nguyên đang dần bị mai một, thầy Phong đã đứng ra thành lập một đội cồng chiêng Bahnar để tự phục vụ trong các hoạt động của trường. Buổi đầu, trường không có cồng chiêng, thầy phải đi mượn trong làng về dạy cho học sinh đánh. Đều đặn mỗi tuần, cứ vào chiều thứ bảy, khu nội trú như một buôn làng đang vào mùa lễ hội, rộn rã tiếng cồng chiêng. 

Đến nay, trường đã có một đội cồng chiêng “chủ lực” thường xuyên tham gia biểu diễn phục vụ trong các dịp lễ hội, các cuộc thi. 5 đội cồng chiêng đang tập luyện theo phương thức lớp lớn dẫn dắt lớp bé; người biết nhiều hướng dẫn cho người biết ít. Thầy Phong phấn khởi khoe với chúng tôi thành tích của đội cồng chiêng: Đoạt 3 huy chương vàng trong hội thi ca múa nhạc thiếu nhi các dân tộc thiểu số tại thành phố Nha Trang (năm 1994); 3 huy chương vàng, 1 huy chương bạc trong hội thi ca múa nhạc tại Gia Lai (1996)…

Ngoài công việc dạy học, thầy Phong còn dành thời gian nghiên cứu về văn hóa buôn làng đồng bào Bahnar, biên soạn tài liệu “tìm hiểu ngôn ngữ Bahnar” dành cho cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc miền núi; sưu tầm đồng dao, dân ca Bahnar… Chia tay chúng tôi, thầy Phong tâm sự: “Tôi nguyện dành cả cuộc đời mình để truyền thụ những giá trị truyền thống quý báu của đồng bào dân tộc Tây Nguyên cho các em học sinh. Mong rằng tất cả các em sẽ được sống trong một môi trường tốt, ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống, trong đó có cồng chiêng”.

Vy Thảo- Công Bình
 

Có thể bạn quan tâm