Thượng úy Võ Toàn Thắng- Người đam mê khoa học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thiết bị bắn gián tiếp, kiểm tra kỹ thuật súng ĐKZ 82-K65, cối 82 mm là một trong 7 sản phẩm được đánh giá cao nhất (trong tổng số khoảng 60 sản phẩm) tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn Quân khu 5 lần thứ I tổ chức tại Đà Nẵng. Tác giả của công trình này là một sĩ quan trẻ- Thượng úy Võ Toàn Thắng...

Thượng úy Võ Toàn Thắng. Ảnh: Kim Linh
Thượng úy Võ Toàn Thắng. Ảnh: Kim Linh

Võ Toàn Thắng hiện là Chủ nhiệm Kho Vũ khí- Đạn, Phòng Kỹ thuật, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai. Trò chuyện cùng tôi, anh hồn nhiên kể về những tháng ngày tuổi thơ mà ở đó, tư chất thích khám phá, thích sáng tạo bộc lộ từ khá sớm. Hồi nhỏ, không có tiền mua đồ chơi, Thắng đã mày mò tự tạo ra đồ chơi cho mình. Năm 15 tuổi, Thắng được ba mẹ mua cho chiếc xe đạp.  Cùng với một người anh hàng xóm, Thắng đã gắn thêm líp cho bánh xe rồi hai anh em chạy... thử xuống đèo An Khê (nhà Thắng ở huyện Kbang). Gia đình khó khăn nên đến hè, Thắng theo đội công trình của Xí nghiệp cầu đường Kbang đi phát tuyến, xúc đất đá… Tận thấy nỗi khổ, Thắng đã quyết tâm học tập. Sau đó, Võ Toàn Thắng đỗ vào Trường Cao đẳng Vinhem-pich, Khoa Cơ khí chuyên dùng, chuyên ngành Pháo mặt đất (TP. Hồ Chí Minh). Thời gian học tại đây chính là cơ hội để Thắng phát huy óc sáng tạo của mình khi trường có đầy đủ điều kiện, phương tiện cho sinh viên nghiên cứu, học tập. Thành tích cao nhất của Thắng trong thời gian này là chứng nhận sáng kiến xuất sắc cấp trường trong Hội thi Robocon năm 2005 với chủ đề “Thắp sáng ngọn đuốc Vạn Lý Trường Thành”.

“Điều hạnh phúc là được công tác tại Phòng Kỹ thuật (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), được tiếp xúc nhiều với máy móc, có điều kiện để phát huy hết kiến thức mà mình đã học. Như thiết bị bắn gián tiếp, kiểm tra kỹ thuật súng ĐKZ 82-K65, cối 82 mm chẳng hạn, mình được anh em trong đơn vị giúp đỡ nhiều, rồi có điều kiện tiếp xúc nhiều với nó, hiểu hết những nhược điểm của nó mình mới có những ý tưởng để khắc phục những hạn chế đó”- Thắng tâm sự. Nói kỹ hơn về sản phẩm đạt giải cấp Quân khu của mình, Thắng cho biết, trong quá trình sản xuất, vận chuyển đạn dược và do các yếu tố khách quan khác, đã có trường hợp xảy ra mất an toàn cho người sử dụng. Bên cạnh đó, việc sử dụng súng này cũng có những hạn chế là dùng dây giật phát hỏa, thời gian triển khai chậm, dễ gây cháy trong khi đang rải dây giật đến vị trí ẩn nấp và có thể làm thay đổi tầm, hướng của quả đạn nếu phương giật cò không thẳng, lực giật không đều. Để khắc phục, Thắng đã hì hụi đọc sách báo, tìm tòi, nghiên cứu và rồi sau 5 tháng, công trình của Thắng cũng đã hoàn thành. Bây giờ, sử dụng thiết bị này, thay vì dùng dây giật như trước thì Thắng đã thay bằng Rmoot điều khiển từ xa, dựa trên nguyên lý phát, thu bằng sóng vô tuyến; riêng thiết bị cơ khí gá lắp trực tiếp vào súng thì có thể trưng dụng từ các phế liệu nên giảm được chi phí. “Ưu điểm lớn nhất của thiết bị là sự gọn, nhẹ, tiện, dễ sử dụng, và có thể áp dụng ngay”- Thắng kết luận, và đó cũng là những nhận xét của Ban Giám khảo qua các Hội thi về sản phẩm này.

Hiện tác phẩm của Thắng đang được gửi đến Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quân lần thứ I. Hy vọng với bao công sức và tâm huyết, một lần nữa tác phẩm của chàng lính mê kỹ thuật này lại đạt giải.

Kim Linh

Có thể bạn quan tâm