Những người “vác tù và hàng tổng" ở Đak Đoa, Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mỗi người mỗi khác nhưng ở họ có chung một ý nghĩ, một trách nhiệm là giúp dân có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Dân vận là vận động dân làm theo

Ông Wich
Ông Wich

Với suy nghĩ rất đơn giản như thế, song suốt mấy chục năm qua, ông Wich- dân tộc Bahnar, cán bộ dân vận làng Djrông, xã A  Dơk, luôn được bà con tin tưởng. Năm 2006, ở làng Byă Tih, người dân truyền tai nhau nhà Him có người biết “thuốc thư”. Thế là, cả làng kéo tới nhà Him đòi đốt nhà. Nghe tin, ông vội chạy tới. Rẽ đám đông tiến vào, ông nói dõng dạc từng từ một: “Từ trước tới nay, người Bahnar không có thuốc thư hay ma lai mà chuyện này do bọn FULRO bịa ra, nói láo để bà con tin làm mất đi tình đoàn kết anh em. Tôi lấy mạng sống của mình để đảm bảo với bà con là nhà Him không có thuốc thư, bà con hãy yên tâm về đi làm, không tụ tập đông người”. Tiếp đến năm 2007, 2008 và đầu năm 2009, người làng Djrông lại âm ỉ chuyện “ma lai” và “thuốc thư”, nhưng bằng kinh nghiệm và uy tín, ông Wich đã giải thích cho mọi người không tin theo lời bịa đặt của kẻ xấu.

Vụ tranh chấp đất giữa thôn 10 (xã Ia Pết) và làng Blo (xã A Dơk) kéo dài một thời gian mà vẫn chưa kết thúc. Khi ông Wich phân tích: Đây là đất chung của hai làng, có nghĩa là 9,5 ha đất tranh chấp này chia đều mỗi làng một nửa cho dễ sử dụng. Thấy ông nói có lý, mọi người đồng ý. Thế là mọi chuyện được giải quyết xong.

Còn nhiều vụ việc xích mích khác trong các thôn, làng, ông đều hòa giải thành công, được dân tin yêu. Ghi nhận những việc làm của ông, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tặng ông Huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc. 

Vui khi có nhiều hội viên thoát nghèo

Chị Giang H’Huom
Chị Giang H’Huom

Để các hội viên có cuộc sống no đủ, xóa đói giảm nghèo, chị Giang H’Huom- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Glar đã vận động xây dựng được 5 tổ đổi công với 402 thành viên tham gia, giúp những hộ neo đơn có điều kiện phát triển kinh tế. Từ đầu năm đến nay, các tổ đã giúp 81 hội viên làm cỏ lúa và cà phê, chăm sóc cây trồng đúng mùa vụ.

Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ còn phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện thành lập 14 tổ tiết kiệm- vay vốn, dư nợ 4,6 tỉ đồng. 528 hộ gia đình hội viên vay vốn đã phát huy hiệu quả đồng vốn, giúp 40 hộ thoát nghèo. Một số trở thành hộ giàu như: Chị Yăn (làng Dôr I), chị Hmang (làng Tuơh Ktu), chị Mlop (làng Dôr II), chị Hyoi (làng Dur), chị Blơn (làng Groi II)… Đến nay, hầu hết chị em trên địa bàn xã có đời sống kinh tế ổn định, không có hội viên đói; trong 972 hội viên thì 15% có thu nhập bình quân từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng.

Giúp bà con chữa bệnh cho gia súc

Ông Rơ Châm Lít
Ông Rơ Châm Lít

Từ năm 1977, ông Rơ Châm Lít- cán bộ khuyến nông- thú y xã Ia Băng, dân tộc Jrai, đã được người dân tin yêu. Ông làm là để giúp bà con chứ không lấy tiền công. Trên chiếc xe máy đi hàng ngày của ông, lúc nào cũng có sẵn bơm tiêm và các loại thuốc chữa bệnh cho gia súc.

Nhớ năm 2004, xã có nhiều bò mắc bệnh lở mồm long móng, ông túc trực cả ngày lẫn đêm để chữa trị cứu được 310 con. Ông lại vận động bà con chủ động phối giống chuyển bò địa phương sang nuôi bò lai. Gần đây, trên địa bàn xã nạn ve sầu phá hại cà phê, ông hướng dẫn tận tình bà con cách phòng trừ. Không ngày nào là ông không đi, khi thì ra cánh đồng lúa nước, khi thì đến thăm trang trại cà phê của các hộ, khi tiêm phòng dịch lở mồm long móng, tụ huyết trùng..., nhắc nhở bà con gieo trồng đúng thời vụ, chăm sóc tốt cây trồng, vật nuôi. Người dân xã Ia Băng, nhất là bà con đồng bào dân tộc thiểu số nay đã biết áp dụng khoa học vào sản xuất, biết thay giống cũ sang trồng giống mới cho năng suất cao có phan công sức không nhỏ của ông Lít.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm