Người phụ nữ hết lòng vì người nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một chuyến làm từ thiện

Sáng ngày 2-9, tôi đã có mặt tại nhà chị Huỳnh Thị Phương để cùng chị đi làm từ thiện tại xã Ia O và Ia Chía (Ia Grai). Đúng 7 giờ 30 phút lên đường. Đoàn đi có 11 người. Trừ tôi cùng 3 lái xe, còn lại là các chị đều kinh doanh buôn bán và nội trợ gia đình.

Chị Huỳnh Thị Phương (bên phải) tặng quà cho bà con làng Tar, xã Ia O, huyện Ia Grai. Ảnh: Thúy Ngân
Chị Huỳnh Thị Phương (bên phải) tặng quà cho bà con làng Tar, xã Ia O, huyện Ia Grai. Ảnh: Thúy Ngân

Vượt qua chặng đường trên 100 km, chúng tôi có mặt tại làng Tar (làng phong), thuộc xã Ia O, huyện Ia Grai. Tại đây, đoàn tặng 15 suất quà trị giá 1,5 triệu đồng và số quà này do 3 người ủng hộ (chị Nguyễn Thị Thu Hường, chị Hoàng Thị Uyên, cả hai cùng ở phường Diên Hồng và chị Nguyễn Thị Lệ Kỉnh- Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Ia Kring). Tới đầu làng, chị Phương ra hiệu. Chỉ cần có vậy, một lát sau, lũ trẻ ở đây ùa ra đón chị như người thân đi xa trở về. Sau khi già làng Rơ Châm Bên đến chứng kiến, số hàng trên được trao cho mọi người. Ai nấy đều đón nhận một cách vui vẻ, hàm ơn. Làng Tar chỉ có 12 hộ, với 28 người, trong đó có 20 người bị bệnh. Những người mắc bệnh phong ở đây đều không thể lao động và sản xuất như người bình thường. Cuộc sống của bà con trong làng còn nhiều khó khăn và thiếu thốn. Vì vậy, những món quà đến với họ là sự chia sẻ kịp thời.

Chúng tôi rời làng Tar lúc 10 giờ và tiếp tục hành trình đến với làng Tang (cũng là làng phong). Làng Tang chỉ cách biên giới Việt Nam- Campuchia khoảng 10 km. Làng có 29 hộ với 96 khẩu, trong đó có 32 người mắc bệnh phong. Các hộ gia đình ở cách nhau khá xa. Làng chưa có điện.  Trong làng hiện có 31 cháu đang đi học, nhưng cung đường tới trường của các em phải đến gần 8 km. Trưởng thôn Rơ Mah Pyê tâm sự: “Cuộc sống của bà con nơi đây còn nghèo khổ và thiếu thốn lắm”. Số quà do chị Phương vận động được mang đến cho bà con làng Tang là 50 suất, trị giá mỗi suất là 200 ngàn đồng. Nhìn cách bà con nhận quà và chia tay với đoàn người của chị Phương, tôi có cảm nhận như họ đã gắn kết với nhau từ lâu lắm rồi.

Tích cực vận động giúp người nghèo

Trên đường về, tôi hỏi chị Phương: Tại sao chị biết được 2 làng phong này và chị đã đến đây từ bao giờ? Chị Phương kể: “Làng Tang cách TP. Pleiku khoảng gần 120 km, sát với biên giới. Năm 1999, gia đình tôi còn bán hàng ăn và tình cờ tôi gặp hai chú bộ đội biên phòng ở Đồn 719 kể về làng phong này. Mấy ngày sau, tôi đạp xe đạp đến đây và tận mắt chứng kiến hoàn cảnh khó khăn của những bệnh nhân phong. Thế là hàng năm tôi đều đến thăm 2 làng phong này để giúp đỡ bà con đôi chút”.

Chị Huỳnh Thị Phương có 5 người con, trong đó 4 người đã có học vị thạc sĩ. Chồng và các con của chị cũng hỗ trợ rất tích cực việc làm từ thiện. Góp sức cùng với chị Phương còn có sự hỗ trợ rất lớn của Doanh nghiệp tư nhân Đại Đông, cửa hàng tạp hóa Liên, cùng nhiều cửa hàng buôn bán trên địa bàn TP. Pleiku và ở TP. Hồ Chí Minh. Nhiều làng đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa đã in đậm dấu chân của chị. Ngoài Gia Lai, chị Phương đã 5 lần tổ chức đến với các xã khó khăn ở huyện Núi Thành (Quảng Nam).

Đã tròn 10 năm chị Huỳnh Thị Phương tự nguyện đi “hành khất” để giúp đỡ người nghèo. Bình quân mỗi năm chị vận động được khoảng 80 suất quà, mỗi suất trị giá trên 100 ngàn đồng. Hành động mang đậm tính nhân văn của chị đã được sự ủng hộ nhiệt tình từ những con người giàu lòng nhân ái. “Làm việc này bằng cái tâm là chính. Những người tham gia đều tự nguyện, bỏ việc nhà và việc kinh doanh để đi mà không hề có suy nghĩ đắn đo hơn thiệt. Để tránh những lời dị nghị liên quan đến vật chất, mỗi lần thực hiện chuyến đi tôi đều liên hệ với địa phương sở tại, ghi chép cụ thể việc trao quà cho ai và ở đâu”- chị Huỳnh Thị Phương chia sẻ.

Thúy Ngân

Có thể bạn quan tâm