Đã mười năm Núp vắng...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Ông Núp mất đến tháng bảy này đã tròn mười năm, đã có hàng trăm bài báo viết về ông từ bấy đến giờ, riêng bản thân tôi cũng đã lên tới chục, đến nỗi nhắm mắt tôi vẫn hình dung rõ mồn một về ông, về cuộc đời rực rỡ hoành tráng của ông và cả về chuyện vợ con ông, từ bà vợ chính thức là H’Liêu đến bà nghệ sĩ H.B cho đến bà nối dây Ch’Rơ sau này. Nhưng vẫn còn một ông Núp nữa, ông Núp của đời thường, của những khoảnh khắc cháy hết mình trong những cuộc rượu với dân làng, Núp mà như Nguyên Ngọc nói: Ông đến và sà xuống, vít cần rượu, thế là dân làng kéo đến. Ông vừa uống vừa nói, đơn giản đến kỳ lạ, và dân làng cứ thế ồ à rồi uống rượu cùng ông, thế là mọi việc cần giải tỏa được giải tỏa... Còn chúng tôi thì hay nói đùa, ông là một khẩu pháo, nơi nào có vấn đề, kéo "khẩu pháo" Núp đến. Khẩu pháo này không khạc đạn, pháo này chỉ uống rượu và nói và... xong việc...
Rất nhiều người đã từng sống, từng gặp, từng khoanh chân ngồi uống rượu với ông Núp đều cho rằng: Ông là người uống rượu hiền nhất thế giới. Ấy là vì khi uống ông chỉ uống và... nói, rù rì nói, cho đến lúc say thì gục đầu vào vai người bên cạnh hoặc nằm xuống gối đầu vào đùi ai đó, ngủ. Chỉ chợp mắt chừng tiếng đồng hồ, tỉnh lại, uống tiếp.
Hồi những năm tám mươi của thế kỷ trước, nhà văn Nguyễn Khắc Trường vào Gia Lai gặp ông Núp để viết bút ký "Gặp lại anh hùng Núp"- bút ký này sau đó được giải nhất cuộc thi bút ký của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi nhớ có một cuộc chúng tôi "mượn" ông Núp đi chơi. Ông Nguyễn Khắc Trường, tôi, anh Chử Anh Đào và vài người nữa đi Kon Tum, muốn cho hoành tráng, chúng tôi bàn nhau vào Mặt trận tỉnh mời ông Núp đi. Muốn mời được ông, chúng tôi phải vào văn phòng xin phép, và hứa là bảo vệ ông an toàn. Thế mà sau một ngày, ghé từ công trường Ia Ly đang bắt đầu xây dựng cho đến tỉnh ủy Kon Tum gặp ông bác sĩ bí thư tỉnh ủy Sô Lây Tăng, khi về, chúng tôi phải nửa dìu nửa khiêng ông Núp vào nhà, lúc ấy là một căn phòng trong khu tập thể của Mặt Trận tỉnh, và nhận lời trách nghiêm khắc của các anh cán bộ Mặt trận với lời đe: từ nay không cho các ông "mượn" nữa. Đấy là lần đầu tiên tôi thấy thần tượng của mình... say. Ông gần như không biết gì khi trên xe, thi thoảng nói tiếng Ba Na như ngủ mơ, nhưng khi dìu ông vào đến chiếc giường một kê bên một chiếc bàn của ông thì ông lại... tỉnh, ông lôi dưới gầm bàn ra một cái can màu vàng loại năm lít, chực rót ra ly thì anh cán bộ mặt trận cương quyết cản lại, không cho rót. Ông len lén nhìn anh này rồi mới nằm xuống tiếp tục... ngủ.
Nhà lưu niệm Anh hùng Núp
Nhà lưu niệm Anh hùng Núp.
Lần tháp tùng Núp về nhà ông ở Xã Nam, tức Tơ Tung (Kbang) bây giờ, cái làng Kông Hoa nổi tiếng ấy, chúng tôi vô tình gặp một tốp các cô giáo từ Thái Nguyên, là vợ các sĩ quan Quân đoàn ba lúc này mới di chuyển từ Thái Nguyên vào Gia Lai lập trụ sở mới, vào thăm chồng, nhân tiện ghé thăm làng Kông Hoa để về có thực tiễn mà dạy học trò. Các cô chỉ định đến thăm làng Kông Hoa trong "Đất nước đứng lên" (tức Stơ ngoài đời) và thăm nhà người anh hùng mà các cô ngưỡng mộ. Thế nhưng các cô đã rất may mắn khi gặp đúng lúc ông Núp về thăm nhà. Và còn mừng hơn khi từ trên xe bước xuống, không chỉ có ông Núp mà còn có ông Nguyên Ngọc. Một lúc gặp cả nhà văn và nhân vật trong một tiểu thuyết nổi tiếng liên tục có mặt trong sách giáo khoa, liên tục thi, thử hỏi một cô giáo dạy văn nào mà không mừng. Thế là quấn quýt, tíu tít. Mà không chỉ các cô giáo, dân làng cũng lũ lượt kéo đến, kèm những ghè rượu. Nhiều ghè rượu được bày ra và cắm cần ngay trong phòng khách ở tầng hai ngôi nhà hai tầng tỉnh xây cho ông mà rất ít khi ông ở. Tôi ngạc nhiên quá, chả gì ông Nguyên Ngọc, rồi chúng tôi cũng là khách, thế mà trời đã mịt mù chả thấy ông đả động gì chuyện cơm nước cho khách cả, cứ tì ngồi ôm cần và nói. Tôi đi tìm anh lái xe đang mắc võng ngủ ngoài gốc cây. Anh này bảo: Phải tự túc thôi, và chui vào cái U oát lôi ra bao gạo, cá khô... hai thằng tôi kỳ cạch kê gạch ngoài vườn nấu cơm, nướng cá giã với muối và lá é. Khoảng 11 giờ đêm xong cơm thì ông đã... ngủ ngon lành, đầu gối lên đùi một thanh niên trong làng và người này cứ ngồi yên lặng mút rượu kệ cho ông Núp gối đầu vào đùi mình mặt thơ thới như trẻ con...
Ông Núp có khuôn mặt rất lạ, rất ăn ảnh. Bộ râu dài trắng như cước (nhưng thực ra tôi đã ngắm kỹ thì nó không trắng tinh mà hung hung, nhất là những khi ông uống rượu dùng tay bốc thức ăn rồi lại đưa tay vén râu- Người Bahnar gọi ăn cơm là sango, họ dùng tay sango. Phải dùng tay thì sango mới ngon, mới lên hết chất của cơm của thịt), đôi mắt hiền từ như mắt voi con lúc nào cũng long lanh như cười. Hầu như ai đã có chiếc máy ảnh trong tay, từ thời cái máy Zennhít cổ lỗ sĩ đều có thể có một bức ảnh đẹp về Núp, về một ông già vừa quắc thước vừa hiền từ, vừa lãng mạn vừa cổ điển, như ảo như thật, hiện hữu đấy mà như cổ tích phương nào...
Một lần mấy người quen của tôi được xoang với ông Núp tại thành phố Hồ Chí Minh. Ấy là cái lần tỉnh Gia Lai tổ chức một liên hoan cồng chiêng tại công viên Tao Đàn. Người Sài Gòn lần đầu tiên thấy cái nhà rông thật, lần đầu tiên thấy ông Núp thật. Tối khai mạc công an bảo vệ rất kỹ vì thế mà họ dù rất muốn cũng không thể nào len vào được để chụp ảnh với ông. Tôi phải lén ra dúi cho họ cái thẻ của tôi để họ lần lượt vào và họ được chụp ảnh với ông Núp giữa Sài Gòn ngay trước cái nhà rông cao vút dựng ngay trong công viên Tao Đàn. Nhưng mấy người quen của tôi không biết rằng, khi ấy ông Núp đang... say. Say nên ông đã làm một việc ngoài chưong trình là... xoang ngoài kịch bản, hay đúng hơn là sớm hơn kịch bản, thế là cả đám đông ùa vào cứ thế tít mù vòng xoang cùng ông mà công an không thể nào bảo vệ được. Những người quen tôi ở Sài Gòn nhờ thế mà chụp được bao nhiêu ảnh cùng Núp, thậm chí còn nắm tay Núp, ôm Núp và được Núp ôm. Đấy là một đêm cực vui. Ông Núp, thần tượng của bao người, tưởng như là một đấng một bậc nào đó, hiện diện ở một cõi nào đó... lại hiện diện bằng xương bằng thịt, nhảy múa rất vui, rất bốc, rất đời thường ngay tại một công viên lớn ở thành phố Hồ Chí Minh giữa hàng nghìn người
Tôi "vinh dự" được gắn liền cơn sốt rét rừng đầu tiên trong đời với nhà văn Nguyên Ngọc và ông Núp khi tháp tùng hai ông về xã Kroong, nơi ngày xưa bộ đội và cán bộ đặt tên là thị trấn Dân Chủ, là khu căn cứ cách mạng của Gia Lai trong kháng chiến chống Mỹ, bây giờ thuộc huyện Kbang. Hồi ấy đi từ Pleiku về đến Kroong mất đúng một ngày. Tối nhọ nhẹ mặt người thì chúng tôi đến nơi, thấy rừng âm u, cây to lừng lững rêu phong chọc trời, lác đác nhà sàn ngơ ngác trong hoàng hôn. Dân làng khiêng đến một chú vàng đãi bác Núp. Chú vàng được quăng uỵch ở sân ủy ban xã mắt cũng ngơ ngác như người... Không có gia vị gì ngoài mấy củ sả rừng và muối. Không ai biết làm gì, trừ tôi. Thế là tôi thành đao phủ và đầu bếp bất đắc dĩ. Bốn tiếng đồng hồ lui hui bên bờ suối với một đống lửa và cây đèn pin, chú cầy đã trở thành một nồi thịt thơm phức trong cái đói cồn cào vì lúc này đã gần mười một giờ đêm. Khi bưng nồi thịt lên thì bác Núp cũng đã ngà ngà say, ông Nguyên Ngọc phải ép ông Núp ăn, vì biết ông đã uống nhiều mà  không ăn gì, mà từ lúc đến đây đến giờ đã bốn năm tiếng đồng hồ, đã trôi qua mấy ghè rượu, đã nói biết bao nhiêu là chuyện, có những chuyện đã lặp lại đến mấy lần. Tôi làm mồi cho lũ muỗi đói ở chính con suối này và mang mầm sốt rét về nhà, chỉ một tuần sau chuyến đi là tôi sầm sập sốt. Cũng may là hồi ấy Gia Lai đang là trọng điểm sốt rét và bà vợ làm ngành y nên mươi ngày là tôi khỏi, chấm dứt luôn cho đến giờ, tất nhiên cũng phải qua mấy phác đồ điều trị.
Sau này hơn mười năm ông Núp lấy khoa nội 4 bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai làm nhà. Phòng ông suốt ngày khách, ai đến Gia Lai cũng muốn vào thăm ông, và ai vào ông cũng tươi cười chụp ảnh chung, có khi chả biết người đang ôm mình chụp ảnh là ai dù đã được giới thiệu. Mà ảnh nào trông ông cũng đẹp, ngời ngời đẹp, không thấy bệnh tật, không thấy tuổi già. Tôi cũng vô tình thành người chụp ảnh cho ông mấy lần, trong đó có lần chụp ông với phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm và Bộ trưởng Y tế thời ấy là giáo sư Đỗ Nguyên Phương...
Đám tang ông thuộc loại lạ nhất thời bấy giờ. Cách đây mười năm mà đám tang ấy có 200 vòng hoa, từ các cán bộ lãnh đạo cao cấp đến nhiều, rất nhiều người bình dân đến viếng ông. Khi linh cữu ông bắt đầu được khiêng đi thì vẫn còn hàng vài chục người bán vé số tất tả chạy vào tiễn ông. Ban tổ chức đành chùng chình lại một chút để những người này thắp nhang cho kịp. Không chỉ thắp nhang, họ kính cẩn lạy bốn lạy rất cẩn thận. Tôi hỏi họ biết gì về ông Núp không, họ bảo là người Việt Nam ai lại không biết. Dân làng ông lên ở với ông mấy ngày, đánh chiêng cho ông nghe ngay trong hội trường lớn nhất tỉnh hồi ấy. Đấy là một đám tang kết hợp giữa nghi lễ của người Kinh với người Tây Nguyên, có vệ binh bồng súng, có quốc kỳ phủ quan tài, có lãnh đạo túc trực bên linh cữu, có vòng hoa của nguyên thủ, của lãnh đạo cấp cao và có bà con Tây Nguyên ngồi xung quanh đánh chiêng và... uống rượu cần, có cơm ống và thịt nướng...
Tôi biết có một người đang lặng lẽ làm một việc rất ý nghĩa, ấy là đi sưu tầm ảnh ông Núp, hiện nay đã sưu tầm được hàng ngàn bức từ hồi trẻ ở miền Bắc đến đám tang của ông. Người ấy là thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ, phó giám đốc bảo tàng tỉnh Gia Lai. Anh Tuệ định nhân Festival cồng chiêng quốc tế tại Gia Lai vào cuối năm này sẽ làm một triển lãm ảnh về ông Núp. Trước mắt, anh đang chạy tìm tài trợ để tặng mỗi làng một ảnh chân dung ông in trên gỗ. Nếu việc này thành hiện thực, sẽ là một nét nhấn của các sự kiện Gia Lai năm 2009. Tôi đã bỏ ra cả một ngày xem các ảnh anh sưu tầm, ông Núp hiện lên mồn một ở tất cả mọi trạng huống cảm xúc, gần gũi thân quen như là vẫn đâu đây dáng Núp.
Bây giờ ở ngã ba Hoa Lư, cửa ngõ phía Bắc vào thành phố Pleiku, có một cái tượng ông Núp thời trẻ, chỉ tiếc, hàng chữ khắc phía dưới ghi sai năm mất của ông. Thay vì năm 1999 họ ghi 1998. Mười năm rồi, vẫn không ai sửa...
Văn Công Hùng

Có thể bạn quan tâm