Tận tâm vì học sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tu Mơ Rông là huyện nghèo, giao thông đi lại khó khăn nên hành trình tìm con chữ của học sinh nơi đây cũng nhiều gian nan, vất vả. Trên hành trình ấy, các em như được tiếp thêm động lực để vươn lên bởi luôn có những người thầy, người cô không ngại khó, ngại khổ, luôn tận tâm, tận tình, trách nhiệm vì học sinh thân yêu.

Chúng tôi về Tu Mơ Rông trong một ngày trời mưa nặng hạt. Vượt đèo Măng Rơi trong làn mây mù dày đặc, chúng tôi đến ngôi Trường Tiểu học Đăk Hà tìm hiểu tình hình đầu năm học.

Dạo quanh các lớp học, sĩ số đều khá đông đủ, duy nhất lớp 4A3 thấy vắng hoe. Chỉ còn 7 em học sinh ngồi rải rác trong căn phòng trống trải trong khi đó sĩ số của lớp là 25 em. Dù vắng đến 2/3 học sinh nhưng buổi học vẫn phải diễn ra. Thầy A Dung, giáo viên chủ nhiệm chẳng thể nào vui vì học sinh vắng nhiều.

Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên, thầy A Dung liền giải thích, những ngày nắng ráo các em vẫn đến trường khá đầy đủ nhưng hôm nay không hiểu sao các em nghỉ nhiều vậy. Theo thầy Dung, các em nghỉ học hôm nay đều sinh sống ở làng Ngọc Leang, cách trường khoảng 8 km. Đa số gia cảnh đều khó khăn, không có xe đạp nên các em phải đi bộ đến trường, trong khi đó các bậc phụ huynh vẫn chưa quan tâm đến việc học tập của con em, phó mặc cho thầy cô.

 

 Nhiều giáo viên tận tâm vì sự nghiệp giáo dục ở Tu Mơ Rông. Ảnh: P.N
Nhiều giáo viên tận tâm vì sự nghiệp giáo dục ở Tu Mơ Rông. Ảnh: P.N


Cô Hồ Thị Thùy Vân- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đăk Hà cho hay, học sinh của trường nghỉ học nhiều nhất chủ yếu rơi vào 2 làng Kon Pia và Ngọc Leang. Đây cũng là 2 làng xa nhất cách trường từ 7-10km nên số lượng học sinh ở 2 làng này nghỉ học nhiều, nhất là vào những ngày trời mưa.

Nhìn lớp vắng hoe, đội ngũ thầy cô nơi đây cũng không vui chút nào. Để đảm bảo sĩ số, giáo viên nhà trường đã phải tìm về các làng xa xôi để vận động phụ huynh đưa học sinh ra lớp.

Sau khi kết thúc giờ học buổi chiều, trời sầm tối, chúng tôi theo chân thầy A Dung cùng cô Vân về làng Ngọc Leang. Dù đã rất đỗi quen thuộc nhưng thầy A Dung vẫn phải bước dò dẫm mãi mới không bị ngã. Thầy Dung vừa đi vừa kể, muốn gặp được phụ huynh thì phải đi vào cuối buổi chiều muộn hoặc tối. Bởi, ban ngày bà con dân làng đi làm hết chỉ có lũ trẻ ở nhà thôi. Mà muốn học sinh ra lớp thì cần phải gặp phụ huynh để giải thích, khuyên nhủ.

Dừng lại trước căn nhà vách gỗ lụp xụp, thầy Dung giới thiệu với chúng tôi đây là nhà Y Lái (lớp 4A3), học sinh hay nghỉ học nhất lớp. Bước vào căn nhà chúng tôi thấy trống hoác chẳng có gì đáng giá. Chị Nhâm (mẹ Y Lái) đang tắm cho đứa con út mới 2 tuổi. Chồng chị đã mất 2 năm nay, chị trở thành trụ cột của gia đình. Cả gia đình chị (có 7 người con) đều trông chờ vào mấy sào đất trồng mì, mỗi năm cho thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống. Cuộc sống khó khăn, lũ trẻ cũng lười đến trường. Đứa con lớn nhất của chị năm nay 15 tuổi và đã nghỉ học từ lớp 9.

 

 Cô Vân và thầy Dung đến tận nhà vận động học sinh. Ảnh: P.N
Cô Vân và thầy Dung đến tận nhà vận động học sinh. Ảnh: P.N


Thấy thầy Dung hỏi: “Y Lái đi đâu rồi, sao hôm nay không đi học?”, chị Nhâm liền đáp: “Nhà nghèo quá không có phương tiện đi lại nên các con phải đi bộ tới trường. Hơn nữa do nhà lại cách xa trường nên những hôm mưa gió lũ trẻ không muốn đi học”.

“Không có tiền mua áo mưa, mình lấy túi nilon trong bao phân bón làm áo mưa cho con. Mấy bữa nay cái túi nilon ấy rách nên Lái ở nhà. Hôm nay mưa to quá, nó lười đi học nên ở nhà trông em”, chị Nhâm giải thích.

Thương cảnh nghèo, thầy Dung nhẹ nhàng khuyên nhủ chị Nhâm cố gắng động viên cho con đến lớp đều đặn và quan tâm đến việc học của con hơn để sau này có kiến thức, đỡ vất vả hơn.

Nhìn cảnh gia đình đình nghèo, cô Vân liền động viên: Sắp tới nhà trường sẽ vận động các mạnh thường quân giúp đỡ vấn đề áo mưa để các em tới trường đầy đủ hơn. Nhưng gia đình cũng quan tâm đến việc học tập của con để sau này có tương lai hơn.

Rời nhà chị Nhâm, thầy Dung, cô Vân đến gia đình khác có con nghỉ học trong làng Ngọc Leang. Chỉ cách vài bước chân là nhà của em Y Mai (lớp 4A3). Mấy hôm nay mưa, Mai cũng nghỉ học. Hỏi chuyện chị Y Hoa (35 tuổi, mẹ Y Mai) được biết, vợ chồng chị cưới nhau từ năm 2005 nhưng đến nay đã có đến 9 người con. Cũng bởi vì nhà đông con nên cuộc sống gia đình chị cứ thiếu trước hụt sau. Hai đứa con đầu của chị cũng đã nghỉ học khi chưa học hết lớp 9.

Đứng bên cạnh mẹ, Y Mai cho biết: Đường từ nhà đến trường khoảng 8km, mẹ lại bận làm rẫy nên ngày nào chúng em phải tự đi bộ đến trường. Bình thường, hàng ngày, 5 rưỡi chúng em thức dậy chuẩn bị sách vở, quần áo rồi ra lớp. Những hôm trời lạnh, chúng em phải dậy từ 5 giờ đến trường mới kịp giờ học. Những hôm trời mưa đường đến lớp là một thử thách lớn đối với em, thậm chí, có hôm mưa to, em đi tới lớp thì ướt hết.

 “Học hành là con đường ngắn nhất để thoát khỏi nghèo đói. Gia đình cố gắng khuyên nhủ con em tới trường để có một tương lai tươi sáng hơn”, thầy Dung khuyên nhủ.

Việc đi học bữa được bữa mất chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng học tập của các em. Thầy cô phải tìm mọi cách kéo học trò ra lớp; từ tuyên truyền vận động đến tặng áo mưa, bánh kẹo hay kêu gọi quyên góp ủng hộ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

 

Chăm chút từng bữa ăn của học sinh. Ảnh: PN
Chăm chút từng bữa ăn của học sinh. Ảnh: PN



Ở Tu Mơ Rông, hình ảnh người thầy, người cô bám làng, đến từng hộ dân vận động học sinh ra lớp trở nên quen thuộc. Thế nhưng, trong chuyến công tác này, tôi được Chủ tịch UBND huyện Võ Trung Mạnh kể về câu chuyện thầy Trần Mạnh Thùy- Hiệu trưởng Trường PTDTBTTHCS Tu Mơ Rông tận tâm, trách nhiệm, hàng ngày đứng trước cổng trường để đón học sinh vào lớp. Hầu như ngày nào cũng vậy, dù mưa hay nắng, hình ảnh người thầy hiệu trưởng đứng trước cổng trường đón học sinh từ lúc chưa đến giờ học cho đến sau khi giờ học đã bắt đầu trở nên thân quen.

Theo thầy Thùy, sở dĩ thầy làm như vậy là vừa để động viên các em cố gắng học tập vừa nhằm đảm bảo duy trì sĩ số học sinh, duy trì tỷ lệ học sinh chuyên cần.

Với thầy Thùy, đã hàng chục năm trong ngành và công tác tại Tu Mơ Rông, vì vậy, thầy hiểu học sinh nơi đây. Do đường xa, học sinh ở đây chủ yếu là đi bộ đến trường nên cũng có nhiều em đến trường trễ giờ học. Nhiều em thấy trễ học nên ngại không vào lớp rồi đi bộ quay lại nhà. Do đó, hàng ngày thầy Thùy thường đứng trước cổng trường cho đến khi đã vào giờ học cả nửa tiếng đồng hồ để đón học sinh.

Thầy Thùy chia sẻ: Do đường xa, nhiều em đi học hơi trễ giờ là không dám vào trường, vì thế, hàng ngày tôi thường đứng trước cổng trường và đi dạo xung quanh tuyến đường giáp trường để dắt những em đi học muộn vào học. Qua đó động viên, khích lệ các em cố gắng đến trường đúng giờ nhằm đảm bảo tỷ lệ học sinh chuyên cần, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Với tinh thần trách nhiệm, tận tâm, tận tụy, những người thầy cô giáo ở vùng khó Tu Mơ Rông vẫn ngày đêm bám trụ, khắc phục khó khăn hết lòng vì học sinh, vì sự nghiệp trồng người.

Theo Phúc Nguyên (baokontum)

https://www.baokontum.com.vn/ghi-chep-phong-su/tan-tam-vi-hoc-sinh-26985.html

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).