Những người lái đò đặc biệt: Người thầy không bục giảng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Có một người thầy đặc biệt, gắn bó chỉ kém một năm so với bề dày lịch sử 30 năm của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng. Không bục giảng, không bảng đen, phấn trắng, thầy truyền cho các em tình yêu với âm nhạc.
Truyền nghề cho trò
Tối cuối tuần, lớp học đàn ghi ta của thầy Đặng Tấn Ba (SN 1980, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng) đông đúc hơn mọi ngày. Chừng mươi em học sinh ngồi ngay ngắn trên bục hội trường của Trung tâm, thầy Ba bỏ chiếc ghế nhựa, bắt đầu buổi dạy. Gẩy vài ngón đàn, thầy nói qua một chút về lý thuyết rồi cầm tay chỉ dạy cho từng em. Bài học đơn giản này, thầy đã lặp đi lặp lại cũng 2 - 3 buổi học bởi những học trò đều là trẻ khuyết tật, gặp khó trong việc ghi nhớ.

Dù công việc chính ở trường là hỗ trợ kỹ thuật, loa đài nhưng những thế hệ học trò ở Trung tâm đều gọi thầy Ba bằng “thầy” với tấm lòng trân quý.
Dù công việc chính ở trường là hỗ trợ kỹ thuật, loa đài nhưng những thế hệ học trò ở Trung tâm đều gọi thầy Ba bằng “thầy” với tấm lòng trân quý.
Duy trì lớp đàn nhiều năm nay, những lớp học của thầy đều đặn tổ chức vào mỗi tuần 2 - 3 buổi và hoàn toàn miễn phí. “Dạy các em phải rất kiên nhẫn. Với các em khiếm thị thì dễ hơn vì các em có thể tiếp thu nhanh hơn. Riêng với những em khuyết tật trí tuệ, mình phải bỏ nhiều thời gian, công sức hơn. Có lúc, chỉ cách bấm nốt, gẩy đàn cơ bản, mình cũng phải dạy đi dạy lại rất nhiều buổi”, thầy Ba kể.
Sinh ra và lớn lên ở Núi Thành (Quảng Nam), tuổi thơ của cậu bé Ba vốn không êm đềm như chúng bạn cùng trang lứa. Từ lúc lọt lòng, đôi mắt cậu đã không nhìn thấy ánh sáng. Năm 1992, khi Trường Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu về quê tuyển sinh, thầy Ba mới may mắn được đi học. Hành trang mang ra Đà Nẵng chỉ là vài bộ quần áo cũ. Bố mẹ đưa thầy ra, ở lại 2-3 hôm rồi về. 13 tuổi, thầy Ba mới vào lớp 1. “Hồi đó, ra đến trường, tôi nhớ nhà, nhìn trường cũng khóc, nhìn trời cũng khóc. Mất cả nửa năm trời như vậy, tôi mới quen dần với trường lớp, thầy cô, bạn bè”, thầy Ba nhớ lại.

Những lớp học đàn đã nâng bước cho biết bao học trò khuyết tật yêu âm nhạc.
Những lớp học đàn đã nâng bước cho biết bao học trò khuyết tật yêu âm nhạc.
Học hết lớp 12, thầy Ba không chọn thi đại học bởi biết sức học của mình kém hơn chúng bạn. Biết thầy thạo sửa máy móc, nhà trường ngỏ ý giữ thầy lại để làm công tác hỗ trợ, lo âm thanh, loa máy. Yêu âm nhạc, cứ mỗi lần có đội tình nguyện lên trường dạy ghi ta, thầy lại lò dò theo học không quản nắng mưa. Ấy vậy mà cứ như một cái duyên, dù học chữ “không vô” nhưng thầy lại rất nhanh thạo các ngón đàn. Những ngày vừa ra trường, sáng thầy làm việc ở trường, chiều đi tẩm quất, massage để kiếm thêm thu nhập, dành dụm tiền mua cây ghi ta “tàm tạm” để dạy cho những đứa học trò ở Trung tâm.
Thế rồi, những buổi học ghi ta mỗi đêm khuấy động không gian yên tĩnh của Trung tâm. Những lớp học lúc đông được mươi trò, lúc vắng chỉ đôi ba em, có bao nhiêu trò, thầy Ba cũng đứng lớp. Trường có vài ba cây ghi ta được các mạnh thường quân tặng đã cũ, thầy mày mò sửa lại rồi xin phép trường dùng làm giáo cụ để dạy các em. Để giúp các em dễ tiếp thu, các em chậm hơn thường được học 2 buổi mỗi tuần, những em khá thì mỗi tuần chỉ cần kèm một buổi. “Có nhiều em học văn hóa khó nhưng lại thích âm nhạc. Vì vậy, tôi cũng muốn chỉ thêm cho các em một ngón nghề, biết đâu sau này, các em lại đam mê và có thể nuôi sống bản thân bằng nghề đàn”, thầy Ba nói.
Trân quý tiếng gọi “thầy”
Ngoài các lớp ghi ta buổi tối, thầy Ba còn đứng lớp dạy các em khuyết tật làm hương vào ban ngày. Đây là một trong những lớp hướng nghiệp cho các em “chậm” học văn hóa, giúp các em có một nghề ổn định sau khi tốt nghiệp ra trường. Phòng học làm hương nằm ở dãy phòng học sau vườn trường, ngày ngày o o tiếng máy móc, thi thoảng xen lẫn tiếng đàn ghi ta, đàn organ thầy Ba chơi cho học trò nghe trong những giờ giải lao. Những bàn tay nhỏ thoăn thoắt nhào nặn, rây bột… Mùi quế thoang thoảng khắp phòng. Với em nào thầy cũng phải cầm tay chỉ việc. Có vậy các em mới nhớ được lâu hơn một chút. Lớp có vài em, nhưng mỗi em một kiểu. Thầy vừa chỉ, vừa dỗ để các em kiên trì, tập trung làm, chứ không chỉ một chốc là tụi nhỏ đã nản lòng, thả tay.
Cô Đỗ Thị Đỗ Quyên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng tự hào kể về những đóng góp thầm lặng của thầy Ba đối với các thế hệ học sinh. “Những lớp học đàn đều do thầy tự nguyện khởi xướng và duy trì, dành thời gian ngoài giờ làm việc để giúp đỡ các trò khuyết tật. Điều đó rất đáng trân trọng. Thầy gắn bó với trường đã gần 30 năm, dù không đứng lớp nhưng các trò đều yêu quý và gọi “thầy Ba””, cô Quyên nói.
Giữa tháng 10 mới đây, trận ngập lịch sử ở Đà Nẵng khiến nhà trường chịu ảnh hưởng nặng nề, phòng học ngập cao đến cửa sổ, máy làm hương bị hỏng chưa sửa chữa được. Gần một tháng nay, lớp học làm hương phải tạm dừng, thầy Ba lại nóng ruột. Thầy bảo, ngoài các em khiếm thị nhanh hơn một chút thì các em khác đều dễ quên. Chỉ khoảng 2-3 hôm không học là coi như phải dạy lại từ đầu. Cả tháng trời không xuống lớp, chắc các em cũng quên hết mấy công đoạn làm hương.
Ở nhà, thầy Ba cũng mở lớp dạy nhạc ở xóm trọ nhỏ của mình. Cứ em nào thích đàn, yêu âm nhạc đến đăng ký là thầy dạy. Học phí thầy cũng chỉ lấy tượng trưng, mỗi em 200 nghìn đồng cho cả tháng học. Em nào khuyết tật hoặc khó khăn quá, thầy miễn học phí. Nhiều trò cũng hỏi: “Sao thầy lấy học phí rẻ vậy, lấy gì để trang trải”, thầy Ba cũng chỉ cười hiền, bởi với thầy, truyền lửa đam mê cho những cô cậu học trò nhỏ trân quý hơn nhiều.
Các thế hệ học trò ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng vẫn trân quý gọi thầy Ba bằng “thầy” dù thầy không có chuyên môn sư phạm, thầy cũng không đứng trên bục giảng với bảng đen, phấn trắng. Những lớp học của thầy đôi khi chỉ là những buổi dạy trò tập đàn để chuẩn bị cho các ngày hội diễn, các chương trình văn nghệ bên góc sân trường. Niềm vui của thầy mỗi ngày đến trường đơn giản chỉ là khi các em học sinh vòng tay lễ phép chào một tiếng “thầy”; mỗi dịp lễ 20/11, Tết, trò cũ nhắn tin chúc mừng, hỏi han, kéo về căn trọ nhỏ của thầy để đàn hát.
“Tôi luôn trân trọng mỗi tiếng “thầy” mà các em gọi, càng như thế, tôi càng cố gắng mỗi ngày để có thể giúp đỡ, truyền đam mê, truyền nghề cho nhiều thế hệ học trò. Các em đã rất thiệt thòi, bản thân mình có thể cho đi, giúp đỡ các em được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu”, thầy Ba nói.
Theo Giang Thanh (TPO)

https://tienphong.vn/nhung-nguoi-lai-do-dac-biet-bai-2-nguoi-thay-khong-buc-giang-post1488076.tpo

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).