Hồi ức "hạt giống đỏ" trên đất Bắc-Kỳ 4: Những ngày ở Quế Lâm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khoảng tháng 2-1967, Trường sang Quế Lâm (Trung Quốc), đóng ở cơ sở cũ trước đây là Khu học xá học sinh Việt Nam. Phía sau trường là dãy núi đá xanh cao trải dài…
Thầy Cẩm làm Giám đốc khu Học xá học sinh miền Nam, bác Y Ngông làm Phó Giám đốc. Khu có ba trường: Trường Nguyễn Văn Bé (trường dành cho học sinh người Kinh quê miền Nam, có 3 hệ cấp I, II và III); Trường Dân tộc Trung ương (cũng đủ 3 hệ cấp I, II và III) và Trường Nhi đồng Võ Thị Sáu (chủ yếu Mẫu giáo). 
Đến Trung Quốc bấy giờ mọi người thường được tặng huy hiệu Mao Trạch Đông. Đến căng tin (do người Trung Quốc quản lý) bao giờ cũng thấy nơi này trưng bày rất nhiều quyển sổ bìa đỏ có in hình Mao Chủ tịch, gọi là “5 trước tác của Mao Chủ tịch”, tập tranh giới thiệu Anh hùng Lôi Phong (người anh hùng hy sinh trong chống lũ) và cuốn tranh nói về Công xã Đại Trại, một số sách ảnh nói về chiến tranh chống Liên Xô ở biên cương phía Bắc của Trung Quốc. Cũng tại nơi đây, tôi mới biết về báo tường của Trung Quốc. Họ xây những bức tường cao khoảng 1,6 m (cả đế) dày khoảng 20 cm, rộng khoảng 2 m; phần đế cao khoảng 45 cm, dày 40 cm; có mái che nhỏ chạy dọc bức tường. Cứ khoảng 1 tháng họ lại dán các tấm tranh, áp phích chủ yếu tuyên truyền về Mao Trạch Đông, cách mạng Văn hóa, cuộc chiến chống Liên Xô... Hầu hết đều được dịch ra tiếng Việt. 
Trường Nguyễn Văn Trỗi ở Quế Lâm. Nguồn: Facebook
Trường Nguyễn Văn Trỗi ở Quế Lâm. Nguồn: Facebook
Trong trường có nhiều bàn bóng bàn xi măng. Tôi biết và thích chơi đánh bóng bàn là từ đây. Trường được một đơn vị Quân Giải phóng Trung Quốc bảo vệ. Từ kỳ 2 năm lớp 4, tôi bắt đầu thích đọc sách và chơi cờ tướng. Tuần nào tôi cũng đến thư viện trường để mượn sách. Tôi nhớ người phụ trách thư viện là bà Ngọc và chị Đại. Bà Ngọc sau này lấy thầy Thê-Hiệu trưởng Trường cấp III Dân tộc miền Nam.
Cũng trong TP. Quế Lâm còn có Trường Nguyễn Văn Trỗi là trường Thiếu sinh quân dành cho con, cháu của các cán bộ lảnh đạo cao cấp từ Thượng tá trở lên. Trường này có chế độ nuôi dưỡng cao hơn Khu học xá Việt Nam. Hàng năm, 3 trường vẫn tổ chức giao lưu thi văn nghệ, thể thao.
Hè năm 1967, trường được Bộ Giáo dục tăng cường thêm nhiều giáo viên trẻ trong nước sang. Tôi nhớ có lần nghỉ ngơi trong lần đi dã ngoại, thầy Nguyễn Đại Đại Quắc (số giáo viên trẻ 10+3 mới sang) hát bài “Đời ta”: “Đời ta chỉ sống có một lần thôi. Cho nên cuộc sống quý giá vô cùng. Phải sống sao cho ra sống, để chết đi không còn áy náy gì. Chỉ thấy sung sướng khi đời mình mang cống hiến Nhân dân”. Bài hát được phỏng theo lời tự sự của Paven Cosagin trong “Thép đã tôi thế ấy” của Nikolai A.Ostrovsky. Sau đó toàn trường rộ lên đọc “Thép đã tôi thế ấy” và học bài hát đó. Bọn trẻ con chúng tôi cũng thích vậy.
Năm học 1967-1968 tôi học lớp 5A, thầy Tiêm (người Thái Bình) chủ nhiệm. Khoảng tháng 8-1967, Ksor Nham từ Cao Bằng sang Quế Lâm để chuẩn bị vào học lớp 1. 
Bắt đầu từ năm 1967 tôi thích đọc sách. Tôi thường đọc nhiều sách tranh của thiếu niên, những mẩu chuyện về Hồ Chủ tịch, truyện ngắn các anh hùng lực lượng vũ trang, chuyện cổ tích, kiếm hiệp, trinh sát hình sự, “Tam Quốc diễn nghĩa”, “Đông Chu liệt quốc”, “Thép đã tôi thế ấy”, “Mùa xuân trên sông Ô đecxa” và nhiều truyện của Liên xô bấy giờ.
Thầy Liêm chủ nhiệm (ngồi giữa) cùng lớp 4 của Trường Dân tộc Miền Nam ở Khu mới – Quế Lâm, Trung Quốc (ảnh chụp năm 1969). Ảnh: Ksor Phước
Thầy Liêm chủ nhiệm (ngồi giữa) cùng lớp 4 của Trường Dân tộc miền Nam ở khu mới-Quế Lâm, Trung Quốc (ảnh chụp năm 1969). Ảnh: Ksor Phước
Từ lớp năm, lớp được học thêm Nhạc lý do cô Nay H’Wyl (vợ thầy Siu Pơi, má của Nay H’Tuyết và Siu Hồng Nơi) dạy. Cũng từ lớp năm, mình tự mày mò đánh được đàn mandolin và thổi sáo...
Đến khoảng cuối tháng 8-1968, Khu học xá Học sinh miền Nam Việt Nam chuyển về khu mới, bác Y Ngông thay bác Cẩm làm Giám đốc (chỉ có hai Trường Nguyễn Văn Bé và Dân tộc Trung ương, mỗi trường có hai hệ, cấp I và cấp II). 
Ở Quế Lâm, lần đầu tiên chúng tôi biết đến món ăn sáng bánh bao nhân thịt. Lần đầu tiên, chúng tôi ăn một mâm 8 người, một khay cơm vuông, được nấu bằng phương pháp đưa vào lò hình khối chữ nhật, hấp bằng hơi, cơm chín rất đều. 
Ở khu trường cũ, cả khu giáo dục chỉ có một sân bóng đá. Buổi chiều học sinh hai trường kéo vào trong sân chơi rất đông. Tôi nhớ bên trường Nguyễn Văn Bé có anh tên là Địch chân vòng kiềng chơi bóng rất hay. Bên Trường Dân tộc miền Nam có các anh Y Miên, Pôl, Hải Thông, Đinh Phương cũng đá rất hay…
Khoảng giữa tháng 8-1968, toàn bộ học sinh cấp III (cả 2 trường) và học sinh quê ở Nam Bộ của Trường Nguyễn Văn Bé về nước.
Tháng 8-1968, Trường Dân tộc Trung ương và Nguyễn Văn Bé chuyển sang khu mới. Cũng trong tháng này có thêm một đợt học sinh từ trong nước sang. Lần đầu tiên ở hệ cấp I, các học sinh người Kinh miền Nam mới ra ở và học chung với học sinh dân tộc.
Thời tiết ở Quế Lâm mùa đông rất lạnh, có năm có tuyết, có năm không có; mùa hè vào các tháng 6, 7, 8 rất nóng, có năm nóng dữ dội. Mùa đông lạnh giá, chúng tôi sưởi ấm bằng than luyện từ củi để trong chậu. Mùa hè nóng, chúng tôi thường ra sông Ly Giang bơi.
Năm học 1968-1969 học lớp 6A, thầy Tâm dạy Sinh (người Thái Bình) là chủ nhiệm, thầy Phiên dạy văn (người Bình Định) Phó Chủ nhiệm. Nữ có thêm chị Đoài và H’Lóc.
Từ năm học này tôi bắt đầu yêu thích môn văn. Bài thầy Phiên dạy hay nhất là bài thơ “Anh chủ nhiệm hợp tác xã” của nhà thơ Hoàng Trung Thông. Từ năm học này lớp được học thêm môn họa, do thầy Bé (của Trường Nguyễn Văn Bé) dạy. Phải thừa nhận tôi cũng rất thích môn học này. Sang khu trường mới, mỗi trường có một sân bóng đá riêng.
Năm học 1969-1970, tôi học lớp 7A, thầy Nguyễn Đại Quắc (người Hải Phòng) chủ nhiệm dạy toán rất hay, dễ hiểu. Thầy Sợi (người Thái Bình) dạy Văn cũng rất hay. Đúng ra từ năm lớp 6 tôi đã rất thích học hai môn Toán và Văn. Tôi đã học thuộc lòng nhiều bài thơ, nhất là thơ của Tố Hữu. Đến nay tôi vẫn nhớ Hoài Thanh là nhà bình thơ mà chúng tôi thường đọc thấy hay nhất.
Khoảng cuối tháng 7-1970 học sinh lớp 7 về nước. Tôi vẫn nhớ như in, trước đó, buổi tối Nay Đô và Nham lên phòng tôi ngủ. Khoảng 5 giờ 30 phút chúng tôi dậy, Nham vẫn ngủ say. Tôi vẫn để nó ngủ, chắc sáng đó dậy không thấy tôi đâu, có thể Nham buồn. Mờ sáng hôm đó, ô tô đưa chúng tôi ra ga Quế Lâm để về Hà Nội.
Tôi nhớ lắm các thầy cô giáo dạy cấp II, là những người rất gần gũi, cảm thông, yêu thương chăm lo cho chúng tôi. Lứa tuổi từ 20 trở xuống của chúng tôi bấy giờ đang độ nở hoa đẹp nhất đã được tiếp nhận ngay nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, nhờ đó đã sớm ươm mầm trong tư tưởng, tình cảm của chúng tôi những phẩm chất đặc trưng của người thanh niên Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, thời chống Mỹ cứu nước… Chúng tôi mãi mãi ghi nhớ công ơn dạy dỗ với tâm-đức rất thân tình, rất trong sáng đối với chúng tôi của các thầy, cô giáo. 
Chúng tôi về Trường cấp III Dân tộc miền Nam (thầy Thê Hiệu trưởng, thầy Lôi và thầy Toại Hiệu phó) đóng tại bản Trang (xã Chi Lăng, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn). Cuối tháng 9-1970 trường chuyển về sơ tán tại xóm Chợ, xã Phúc Triều, huyện Đông Hỷ, tỉnh Bắc Thái. Trường đổi tên thành Trường Học sinh miền Nam số 3.
Năm học 1971-1972, tôi học lớp 9, cô Điều dạy Văn (người dân tộc Hrê) làm chủ nhiệm. Tháng 7-1971, toàn bộ học sinh các lớp cấp II thuộc Trường Dân tộc miền Nam ở Quế Lâm về nước và nhập vào Trường Học sinh miền Nam số 3. H’Nhan cũng về, còn Nham ở lại đến cuối năm 1975 mới về nước. Khoảng tháng 4-1972, trường lại tiếp nhận thêm hơn trăm em học sinh cấp I mới từ miền Nam ra. Như vậy, từ đây Trường Học sinh miền Nam số 3 có đủ các lớp từ 1 đến 10 phổ thông.
KSOR PHƯỚC

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.