Mưu sinh trên hồ Hòa Bình: Từ công trình thủy điện đến khu du lịch quốc gia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Có lẽ, những người chủ trương và xây dựng Thủy điện Hòa Bình cách đây hơn 40 năm không nghĩ rằng sẽ có một ngày, hồ Hòa Bình được quy hoạch làm khu du lịch cấp quốc gia. Hồ Hòa Bình hòa quyện với văn hóa, phong tục tập quán, con người nơi đây đang trở thành một tiềm năng du lịch vô cùng lớn…
Dấu tích Đà giang
Như đã nói ở những bài trước, chúng tôi chọn điểm xuống hồ Hòa Bình lần đầu tiên ở bến thuyền nhỏ xóm Săng Bờ, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc bởi đó là điểm rất gần các điểm tham quan quan trọng nhất trên hồ Hòa Bình. Cô gái Mường dịu dàng Bùi Thị Phương vừa lái thuyền, vừa giới thiệu: “Có ba hướng đi bằng đường thủy được lựa chọn nhiều nhất khi tham quan, du lịch vùng hồ Hòa Bình. Một hướng đi từ cảng Bích Hạ (TP. Hòa Bình) và một hướng đi từ cảng Thung Nai (huyện Cao Phong) hoặc xuống bến thuyền nhỏ của em đây. Dù đi từ hướng nào du khách cũng được tận hưởng cảnh đẹp sơn thủy hữu tình của hồ”.
 
Phong cảnh non nước hữu tình trên hồ Hòa Bình. Ảnh: Xuân Thanh
Phong cảnh non nước hữu tình trên hồ Hòa Bình. Ảnh: Xuân Thanh
Được thư thái, lênh đênh trên mặt hồ Hòa Bình tĩnh lặng, chúng tôi không khỏi day dứt về con sông Đà vốn dĩ hung dữ đang nằm ngay dưới đáy thuyền. Nói một cách dễ hình dung, dãy núi Hoàng Liên Sơn chạy từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Sông Hồng được hình thành, tưới tắm bên mạn trái (phía Đông); còn sông Đà nằm bên phải (cánh Tây). Cánh Tây của Hoàng Liên Sơn đồi núi gập ghềnh, gấp khúc, vì thế sông Đà cũng dữ tợn và hấp dẫn.
Không chỉ hung dữ, sông Đà còn có một cú “bẻ lái” ngoạn mục gắn liền với hồ Hòa Bình này. Sông Đà kẹp vào một bên dãy Hoàng Liên Sơn, chảy theo hướng Tây Bắc xuống Đông Nam nhưng khi dãy Hoàng Liên Sơn kết thúc (ở Yên Bái), đến đúng vùng hình thành nên hồ Hòa Bình này, sông uốn mình, ngoặt lại hướng Bắc rồi đổ vào sông Hồng nơi ngã ba Hồng Đà giữa Hà Nội và Phú Thọ.
Mở đầu tùy bút Người lái đò sông Đà, nhà văn Nguyễn Tuân trích hai câu của chí sỹ Nguyễn Quang Bích: “Chúng thủy giai đông tẩu/Đà Giang độc bắc lưu” (dịch nghĩa: Các con sông đều chảy ra hướng đông/chỉ có sông Đà chảy lên phía Bắc) là để nói về khúc ngoặt này. Vì được hình thành ở khúc ngoặt của sông, được mở rộng đường đi nên hồ Hòa Bình mới có được cái thế rộng, mênh mang phẳng lặng như hiện nay. Xét trên toàn tuyến, ba cấp thủy điện Lai Châu, Sơn La và Hòa Bình đã chế ngự, làm sông Đà phải thuần phục hoàn toàn.
 
Quần thể di tích Bia Lê Lợi, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, là một trong những điểm thu hút đông khách du lịch
Quần thể di tích Bia Lê Lợi, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, là một trong những điểm thu hút đông khách du lịch
Trong tiếng lạch bạch của động cơ, cô Phương kể về những đợt anh em họ hàng, làng xóm của cô di dân khỏi lòng hồ. Lúc ấy, nước đến đâu, dân lại dỡ nhà, bốc mộ ông bà tổ tiên, xóa bỏ vườn đến đó. Trong lễ kỷ niệm 40 năm di dân lòng hồ vào đầu tháng 7 vừa qua, các cựu lãnh đạo huyện Đà Bắc vẫn kể lại, trong không khí, quyết tâm hi sinh vì công trình quan trọng nhất của đất nước lúc đó, 2.610 hộ đồng bào và nhân dân Đà Bắc đã tuân thủ di dân hoàn toàn, Nhà nước hầu như không phải đền bù gì. Trong đó, nhiều hộ bỏ quê hương bản quán, di chuyển vào tận Tây Nguyên.
Phương cho thuyền tạt vào đền Thác Bờ và đền Chúa Thác Bờ. Là hướng dẫn viên đã được tập huấn nên Phương giải thích rành rẽ: Thác Bờ là ghềnh thác hiểm trở trên sông Đà trước đây, còn Bà chúa Thác Bờ là bà Đinh Thị Vân, người dân tộc Mường và một bà người dân tộc Dao, không rõ tên ở xã Vầy Nưa.
Khi vua Lê Lợi khởi nghĩa chống quân xâm lược, đến vùng Thác Bờ, hai bà đã kêu gọi người dân gom góp lương thực giúp đỡ quân của Lê Lợi. Nhân dân dùng tre, gỗ đóng bè, đóng thuyền giúp đoàn quân vượt qua sông Đà, đi dẹp giặc. Tương truyền, sau khi mất, hai bà thường hiển linh giúp dân vượt thác an toàn, phù hộ cho trăm dân trong vùng mưa thuận, gió hoà. Vậy nên Vua Lê Lợi truy phong công trạng, ban chiếu cho dân lập đền thờ phụng, tưởng nhớ hai vị liệt nữ anh hùng dân tộc. Phương kể, cả hai ngôi đền vốn nằm ven bờ sông Đà xưa, nay được di dời lên 2 hòn đảo xinh đẹp hai bên hồ.
Cạnh đền Thác Bờ còn có quần thể di tích bia Lê Lợi gồm tượng, đền thờ và bia đá khắc bài thơ của vua Lê Lợi. Đây là một trong hai bài thơ nổi tiếng của Lê Thái Tổ làm ra, khắc trên đá sau cuộc chinh phạt viên thổ quan Đèo Cát Hãn năm 1432. Một bài khắc ở Sìn Hồ, Lai Châu, một bài ở Đà Bắc, Hòa Bình này. Cả hai bài thơ đều thuộc khu vực nước dâng làm thủy điện nên đã được đục, di dời nguyên khối để đưa lên trưng bày trên cao. Trong đó, việc dời bia bài thơ của Lê Lợi ở Đà Bắc được thực hiện dưới sự chủ trì của cụ Lê Văn Ngũ, người làng Nhồi - một làng chế tác đá nổi tiếng ở xứ Thanh.
Điệp trùng thắng cảnh
Sau gần 1 tiếng đồng hồ du ngoạn trên con thuyền nhỏ của cô Phương, cuối cùng chúng tôi cũng đến bến Thung Nai và bước lên tàu du lịch để tiếp tục hành trình khám phá hồ Hòa Bình. Trên thuyền, chúng tôi tiếp tục được nghe cô gái Mường xinh đẹp Đinh Mai Hoa giới thiệu thêm về hồ Hòa Bình.
Ngoài các điểm đến như đền Chúa Thác Bờ, đền Thác Bờ hay Bia Lê Lợi nêu trên, Hoa còn giới thiệu về các thắng cảnh tự nhiên khác như hang Trạch, động Thác Bờ... Trong đó, một điểm đến dành cho những ai ưa thích khám phá tại xã vùng hồ Suối Hoa (huyện Tân Lạc) là di tích động Hoa Tiên thuộc bản Ngòi.
Động nằm giữa lòng dãy núi đá vôi, có hồ nước rộng, trong vắt tới độ nhìn tận đáy. Bên trong động có những khối nhũ đá lớn, nhỏ; có khối nhũ khổng lồ và hồ nước phẳng lặng, trong xanh. Các dải nhũ mềm mại buông xuống hang vô cùng đẹp mắt và khi gõ vào nó vang lên âm thanh như tiếng cồng, tiếng chiêng huyền diệu của đồng bào Mường.
Trong câu chuyện với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc Lường Văn Thi rất băn khoăn khi Đà Bắc vẫn là huyện nghèo nhất của tỉnh Hòa Bình (còn nằm trong danh sách 74 huyện nghèo của cả nước). Ông chìa điện thoại cho tôi xem ảnh chụp hồ Hòa Bình từ Flycam vào buổi bình minh. Trong ảnh, hồ, đảo trong xanh, đẹp lung linh. Ông mong một ngày không xa, hồ Hòa Bình, đặc biệt là du lịch hồ Hòa Bình sẽ thổi bùng lên khát vọng thoát nghèo của đồng bào, nhân dân Đà Bắc.

Với những giá trị tài nguyên du lịch nổi bật của hồ Hòa Bình, ngày 25/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 439/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2035. Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình được xem là trọng điểm của vùng trung du miền núi phía Bắc, có sản phẩm du lịch đặc trưng, là vùng sinh thái với các loại hình du lịch đa dạng; quy mô lập quy hoạch 52.200ha.

Theo Sỹ Lực - Viết Hà (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).