Hiểm họa từ quán karaoke-Bài 2: Biến tướng, lách luật và buông lỏng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tối 13-9, chúng tôi ghé vào phòng thu âm karaoke gia đình B.B. trên đường Tên Lửa, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TPHCM. Căn nhà 4 tầng có bề ngang chừng 4m, sâu khoảng 20m, phía trước vừa đủ để dựng chục chiếc xe máy, các tầng trên của căn nhà được dùng để làm phòng hát karaoke.

Nhân viên của cơ sở kinh doanh karaoke F YOU II thử thiết bị báo nhiệt theo yêu cầu của đoàn kiểm tra. Ảnh: Thục Hân
Nhân viên của cơ sở kinh doanh karaoke F YOU II thử thiết bị báo nhiệt theo yêu cầu của đoàn kiểm tra. Ảnh: Thục Hân
“Ngụy trang” phòng thu âm, nhà hàng
Thấy nhóm khách tấp xe vào, nam nhân viên nhanh nhảu dẫn lên tầng trên bằng cầu thang bộ - lối đi duy nhất của căn nhà. Vừa bước lên cầu thang, chúng tôi giật mình khi nhìn thấy đống dây điện như bùi nhùi, đấu nối tùm lum trên đầu. “Dây điện ghê vậy, rồi chập điện cháy nổ sao em?”. Nghe thắc mắc, nam nhân viên trấn an ngay: “Nhìn hơi rối vầy thôi, chứ không sao đâu, cứ an tâm hát ạ, không cháy được đâu”.
Không khá hơn bên ngoài, trong phòng hát là hàng loạt sợi dây điện đấu nối một cách cẩu thả, treo lơ lửng trên tường, sát ghế sofa. Thậm chí, nếu quan sát kỹ cũng có thể nhìn thấy một số đoạn dây điện lòi cả lõi đồng, mối nối hở. Không chỉ vậy, hầu hết các vật dụng trang trí quanh hệ thống điện đều làm bằng ván ép. Cố gắng tìm hết các bức tường, từ trong phòng hát ra hành lang cầu thang, nhưng chúng tôi không nhìn thấy được một tấm biển hướng dẫn thoát hiểm hay nút báo cháy.
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn hát và thu âm lại làm kỷ niệm, nam nhân viên lắc đầu nói không có thu âm. Bày tỏ thắc mắc vì sao bên ngoài để bảng là “phòng thu âm karaoke” mà sao lại không có thu âm? Nhân viên này mới giải thích rằng trước đây có nhưng máy móc đã hư rồi, không sử dụng được; vả lại đa số khách vào để hát karaoke chứ không mấy người thu âm nên quán cũng không mặn mà với dịch vụ này nữa.
Cách phòng thu âm karaoke gia đình này không xa, đập vào mắt chúng tôi là một cơ sở kinh doanh trên Hương lộ 2, quận Bình Tân, 
với hệ thống đèn led phía trước sáng rực. Ngay cổng vào là dòng chữ “Nhà hàng R.B”. Khi vào bên trong, tòa nhà cao tầng được thiết kế không khác gì quán karaoke. Những căn phòng được trang trí rực rỡ với hệ thống âm thanh chuyên nghiệp, cách bài trí, sắp xếp bàn ghế y hệt quán karaoke. Thực tế, hầu hết khách vào đây cũng chỉ để hát karaoke. 
Gần 23 giờ ngày 13-8, biển quảng cáo của quán karaoke L.L. (đường Lý Thường Kiệt, quận 10) vẫn sáng trưng, bên trong hơn chục khách đang say sưa ca hát, trong khi thợ điện vẫn đang loay hoay lắp đặt hệ thống đèn chỉ dẫn thoát nạn, phòng cháy. Quán karaoke này đã từng vi phạm về PCCC và bị Công an quận 10 ra quyết định tạm đình chỉ từ ngày 13-8 đến 17 giờ ngày 14-9. Thế nhưng, không hiểu vì sao mặc dù đang lắp đặt, sửa chữa các hạng mục PCCC nhưng quán vẫn thản nhiên mở cửa đón khách. 
Thấy khách tò mò đứng nhìn thợ điện lắp thiết bị PCCC trên tầng trên, nam nhân viên vội huơ tay mời khách vào phòng. “Đừng lo. Cơ sở tụi em được kiểm tra PCCC thường xuyên, trang bị kỹ lắm. Xảy ra sự cố gì cũng có tiếp viên ngay cửa gọi khách liền hà”, nhân viên này nói. Thế nhưng, khi ở bên trong căn phòng hát tại tầng 1, chúng tôi phải dùng hết sức để kéo nhưng không thể mở được cánh cửa ra ngoài. Lối đi duy nhất từ tầng trệt lên các phòng hát là thang bộ khá chật hẹp giữa căn nhà. Tìm mãi nhưng không ai thấy lối thoát hiểm thứ 2. Lò mò đi tìm tiếp thì phát hiện bên trong căn phòng phía trước có một cánh cửa được dán tấm giấy ghi dòng chữ “lối thoát nạn”. Tuy nhiên, “lối thoát nạn” này lại bị che chắn bởi ghế sofa của phòng hát. Không rõ, nếu có sự cố xảy ra thật, nhân viên có biết sử dụng bình chữa cháy sẵn có hay không? 

Bên trong một phòng hát của cơ sở karaoke L.L. (đường Lý Thường Kiệt, quận 10)
Bên trong một phòng hát của cơ sở karaoke L.L. (đường Lý Thường Kiệt, quận 10)
Cứ kiểm tra là “lòi” vi phạm
Những ngày qua, sau khi vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương làm 32 người chết, công an các địa phương, trong đó có TPHCM, đã đồng loạt kiểm tra PCCC đối với quán karaoke, quán bar, vũ trường… Điều đáng chú ý là nhiều cơ sở vi phạm đã bị lập biên bản xử phạt, trong đó có cả những cơ sở chưa được nghiệm thu về PCCC nhưng đã hoạt động, đến nay mới bị đình chỉ. 
Công an quận 5 tiến hành kiểm tra quán karaoke Icool 16, trên đường Trần Bình Trọng, phường 3, quận 5. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện hệ thống báo cháy của cơ sở này không hoạt động; khu vực sân thượng không đảm bảo an toàn PCCC nên quán bị tạm đình chỉ. Còn tại quán karaoke Thanh Ruby, đường Trần Quốc Tuấn, phường 1, quận Gò Vấp, đại diện quán cho biết, quán có 4 phòng. Tuy nhiên, thực tế chủ cơ sở đã tự ý cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng công trình để cơi nới thêm nhiều phòng hát khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về PCCC. Thậm chí ở tầng thượng của tòa nhà cũng đang được quán sửa chữa lắp đặt thêm để phục vụ kinh doanh karaoke. Chủ cơ sở cũng không kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện PCCC định kỳ theo quy định. 
Đoàn liên ngành kiểm tra an toàn PCCC và cứu nạn cứu hộ quận 10 cũng đã kiểm tra 17 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường trên địa bàn. Tại quán karaoke Bạn (hẻm 283 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 12, quận 10) và quán karaoke ICOOD (đường Thành Thái, phường 12, quận 10), cơ quan chức năng cũng phát hiện nhiều lỗi vi phạm như cơi nới, chiếm dụng sân thượng, đặt bảng quảng cáo bít bùng phần mặt tiền từ lầu 1 đến sân thượng.
Công an quận 10 cho biết, qua những đợt kiểm tra cho thấy, người đứng đầu một số cơ sở kinh doanh và nhân viên còn lơ là trong phòng cháy. Một số cơ sở chưa trang bị đầy đủ thiết bị PCCC, bảng quảng cáo quá lớn, che chắn mặt tiền căn nhà, khiến phương tiện chữa cháy khó tiếp cận để chữa cháy, cứu nạn cứu hộ khi xảy ra cháy. Bên cạnh đó, hệ thống bảng quảng cáo phía trước các quán karaoke sử dụng nguồn nhiệt tải lớn nên rất dễ xảy ra chập điện. 
Trả lời câu hỏi của PV Báo SGGP vì sao nhiều quán karaoke vi phạm về PCCC nhiều lần nhưng vẫn hoạt động, có hay không sự “buông lỏng quản lý, xuê xoa” của lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, nghiệm thu, giám sát trước và sau khi cấp phép hoạt động karaoke, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TPHCM, khẳng định, việc kiểm tra, giám sát đã được thực hiện nghiêm theo quy định. 
Tuy nhiên, hiện nay có một số cơ sở cố tình vi phạm nhiều lần hoặc không khắc phục lỗi vi phạm sau khi bị lập biên bản. Bên cạnh đó, việc kiểm tra phải được thực hiện theo kế hoạch, hoặc từ tin tố giác của công dân. “Việc kiểm tra không phải lúc nào mình cũng đến giám sát người ta được. Trong luật quản lý nhà nước thì có những quy định cụ thể như nguy hiểm cháy nổ cao thì kiểm tra 1 quý/lần; danh mục kiểm tra thì 6 tháng/lần. Mình kiểm tra trong tầm đó thôi, hoặc kiểm tra chuyên đề. Chứ nếu mình đến kiểm tra liên tục thì sẽ dẫn đến những tiêu cực. Thứ nữa là ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho hay.
Tuy nhiên, ở góc độ người dân không khỏi có những thắc mắc: Tại sao không kiểm tra thì thôi, có kiểm tra là phát hiện sai phạm? Vì sao dù bị đình chỉ hoạt động nhưng cơ sở karaoke vẫn “tỉnh queo” đón khách vào hát,  cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này ở đâu, chính quyền địa phương ở đâu? Tại sao cơ sở kinh doanh có giấy phép hoạt động loại hình này nhưng lại tổ chức kinh doanh loại hình khác mà chính quyền địa phương, cơ quan quản lý không biết (!?). Những câu hỏi vì sao đó sẽ còn rất dài nếu không may xảy ra một vụ cháy thảm khốc tương tự vụ cháy như ở cơ sở karaoke An Phú, tỉnh Bình Dương vừa qua. Đó là một lời cảnh báo cho cơ quan quản lý liên quan và nhất là với những cơ sở kinh doanh phớt lờ an toàn tính mạng của người dân.

“Dạ, hệ thống PCCC quán em rất hiện đại, có cháy xử lý được ngay lập tức. Nhân viên còn được tập huấn định kỳ mà. Ba cái này tụi em rành lắm!”, nhân viên cơ sở karaoke FY. (đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, TPHCM) nói chắc nịch khi chúng tôi tới hát vào ngày 12-9.

Trong khi trước đó, ngày 10-9, khi đoàn liên ngành kiểm tra an toàn PCCC, cứu nạn cứu hộ của UBND quận 10 đến kiểm tra nơi này, các nhân viên lóng ngóng, có người còn không biết cách mở khi được yêu cầu sử dụng bình cứu hỏa. Ngoài ra, hệ thống báo cháy một số phòng không hoạt động.

“Bình thường mấy em làm lanh lắm, bữa nay chắc do người đông quá nên… run. Mấy anh chị thông cảm! Còn chỗ hệ thống báo cháy phòng này không hoạt động chắc có sự cố gì đây. Hay mấy anh qua phòng kế bên… kiểm tra nha!”, ông Vũ Văn Q., chủ cơ sở karaoke FY., phân trần.

Theo NHÓM PV

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.