Dọc miền biên ải

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Biên giới Việt - Lào, ở đó, có những câu chuyện tình đẹp xuyên biên giới, có những người trẻ ngày đêm chung tay dựng xây cuộc sống mới, bảo vệ rừng. Phóng viên Tiền Phong đi về miền biên giới ở huyện Nam Giang (Quảng Nam) ghi nhận những đổi thay nơi phên dậu nước nhà.

Bài 1: Thiêng liêng lễ chào cột mốc biên cương

Vào các dịp lễ trọng đại của đất nước, Đồn Biên phòng La Êê (Nam Giang, Quảng Nam) lại tổ chức chương trình “Chào cột mốc biên cương”. Nét đẹp miền biên ải, giúp cán bộ, nhân dân nơi đây hiểu hơn về ý nghĩa to lớn của những cột mốc chủ quyền thiêng liêng.


 

Thiêng liêng giây phút chào cột mốc chủ quyền biên cương .Ảnh: Nguyễn Thành
Thiêng liêng giây phút chào cột mốc chủ quyền biên cương. Ảnh: Nguyễn Thành


Băng rừng nghe chuyện cột mốc

Đồn biên phòng La Êê khang trang, sạch đẹp giữa núi rừng bát ngát. Đồn được thành lập từ tháng 7/1975, với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài 35,13km với 13 cột mốc, 3 cọc dấu tiếp giáp với 9 bản thuộc huyện Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông, Lào). Địa bàn quản lý rộng hơn 23.000 ha, với 6 thôn của La Êê và Chơ Chun của huyện Nam Giang.


 

 Thượng tá Quách Thiện Dư kể chuyện lịch sử hình thành, xây dựng, bảo vệ từng cột mốc cho người dân nghe. Ảnh: Nguyễn Thành
Thượng tá Quách Thiện Dư kể chuyện lịch sử hình thành, xây dựng, bảo vệ từng cột mốc cho người dân nghe. Ảnh: Nguyễn Thành



Thượng tá Quách Thiện Dư, Chính trị viên đồn Biên phòng La Êê, cho biết: Cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã khắc phục khó khăn, đoàn kết, sáng tạo, gắn bó với chính quyền và nhân dân địa phương thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao. Nhiều nhân tố mới, điển hình tiên tiến được xây dựng và phát triển.

Chương trình Chào cột mốc biên cương là một trong những hoạt động mà cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng La Êê đã thực hiện và duy trì từ năm 2019 với quy mô toàn dân. Hoạt động ý nghĩa này, đã thu hút sự hưởng ứng của đông đảo cán bộ và nhân dân nhất là các bạn đoàn viên, thế hệ trẻ nơi miền biên ải.

Trong hơn 3 năm qua, chuyến vượt đường rừng lên đường biên giới để chào cột mốc quy mô nhất anh em Đồn biên phòng La Êê tổ chức là hơn 70 người. Mới đây, trong dịp đầu xuân năm mới 2022, Đồn biên phòng La Êê phối hợp với chính quyền và đoàn thanh niên xã tổ chức cho 30 đoàn viên, thanh niên, học sinh, chiến sĩ trẻ hành quân lên chào cột mốc tại cột 712. Cả đoàn phải đi bộ, vừa đi vừa phát quang tuyến đường tuần tra. Vất vả, nhưng khi về lại, ai cũng vui vì có được giây phút trải nghiệm đầy cảm xúc là hát Quốc ca bên cột mốc biên cương.

“Anh em đơn vị tổ chức và duy trì chương trình để lần lượt người dân trên địa bàn từ cán bộ cho đến học sinh đều được lên đường biên giới và ít nhất một lần đứng hát Quốc ca, chào cột mốc thiêng liêng. Cùng hành quân, cùng trải qua những cung đường gian khổ trên tuyến tuần tra bảo vệ biên giới cũng là cách để thế hệ trẻ hiểu hơn những khó khăn nhọc nhằn và cả hy sinh mà bao thế hệ đi trước đã dày công giữ gìn từng tấc đất chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”, Thượng tá Dư nói.

Để hoạt động thêm ý nghĩa, tại mỗi cột mốc, cán bộ chiến sĩ đồn đều có phần kể chuyện lịch sử tuyến biên giới, giới thiệu lý lịch, quá trình hình thành xây dựng từng cột mốc cho cán bộ, người dân và các bạn trẻ nghe. Mỗi cột mốc dựng lên giữa núi rừng hoang vu là cả một câu chuyện dài một quá trình khảo sát, định vị, đàm phán, trao đổi thống nhất giữa hai bên rồi mới tiến hành cắm mốc.

“Hành trình cắm cột mốc biên cương gian nan vất vả vì vận chuyển vật liệu xây dựng, cột mốc phải đi bộ và chủ yếu dùng sức người. Bà con nghe xong rất hào hứng, đặc biệt là anh em thanh niên, thầy cô giáo và các em học sinh. Dù sống ở miền biên giới nhưng lần đầu tiên họ được lên cột mốc, được nghe kể về quá trình hình thành cột mốc và đường biên”, Thượng tá Dư kể lại.

“Truyền lửa” cho thế hệ trẻ

Tình cờ, chúng tôi gặp lại Đại tá Lê Hữu Hoàng (nguyên Đồn trưởng Đồn Biên phòng La Êê, nguyên Đội trưởng Đội cắm mốc biên giới tỉnh Quảng Nam). Ông Hoàng vượt đường xa để lên La Êê thăm lại đơn vị cũ. Giọng nói hào sảng, vồn vã, đậm chất lính. Thăm lại đơn vị cũ ông Hoàng vẫn nhớ như in những câu chuyện về những năm tháng dài gắn bó với biên cương, với từng cột mốc trong đời binh nghiệp.

Ông Hoàng kể, về sum vầy với gia đình tại TP Đà Nẵng sau gần 40 năm khoác áo lính biên phòng, nhưng mỗi lần đơn vị cũ có sự kiện, dù bận mấy ông cũng sắp xếp, lên đường, vượt hơn 150km lên thăm anh em, đồng đội. Với ông đồn biên phòng là quê hương, là ngôi nhà thứ hai của mình.

“Nhớ lắm một thời gắn bó với đồng đội, với bà con dân làng để chung tay mở đường, cắm từng cột mốc chủ quyền. Gian khổ giữa rừng biết kể sao cho hết. Gian nan nhưng rất đỗi tự hào. Thời gian phôi pha nhiều thứ, nhưng những kỷ niệm đó sẽ còn in đậm mãi”, ông Hoàng xúc động.

Về lại đơn vị cũ, quây quần bên mâm cơm với thế hệ trẻ của đồn, ông Hoàng vui vẻ kể những chuyến hành trình đầy gian nan, khổ ải giữa rừng sâu, dọc tuyến biên giới Việt - Lào. Mỗi một cột mốc dọc biên giới nằm ở đâu, toạ độ nào, khảo sát, xây dựng trong bao lâu mới hoàn thành, ông Hoàng nhớ vanh vách. Mỗi cột mốc cắm lên vẽ hình hài đất nước là cả một quá trình dài với nhiều lần anh em băng rừng lội suối khảo sát từ năm này qua năm khác, có nhiều chuyến kéo dài cả tháng trời, phải làm lán, ngủ võng giữa rừng. Mỗi cột mốc đặt xuống phải chính xác tuyệt đối, không được phép sai lệch hướng, toạ độ dù chỉ một milimet… Những câu chuyện bên mâm cơm chiều ấm cúng, anh em cán bộ chiến sĩ trẻ say sưa lắng nghe. Đại tá Hoàng trở thành nhân chứng sống cho những câu chuyện gian nan cắm mốc biên cương một thời.

 

“Giây phút đứng trước cột mốc nơi biên cương, hát Quốc ca là giây phút xúc động và nhiều cảm xúc nhất. Dù gắn bó với quân ngũ đã mấy chục năm, nhưng cảm xúc đó vẫn còn nguyên vẹn mỗi lần đứng bên cột mốc thực hiện nghi lễ ý nghĩa này”.

Thượng tá Quách Thiện Dư, Chính trị viên Đồn Biên phòng La Êê
 

Thượng tá Lê Huy Bảy (Đồn trưởng Đồn Biên phòng La Êê) cho biết: Do địa bàn rộng, địa hình phức tạp, hiểm trở nên công tác tuần tra, bảo vệ các cột mốc chủ quyền, đường biên giới hết sức khó khăn, gian nan đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng, đoàn kết, đồng lòng của tất cả anh em, cán bộ chiến sĩ.

Ngoài ra, để câu chuyện cột mốc chủ quyền lan toả hơn trong nhân dân, thông qua các hoạt động tuyên truyền pháp luật, chính sách của nhà nước, anh em đơn vị Đồn biên phòng La Êê cũng lồng ghép trực quan sinh động những hình ảnh, thước phim tư liệu về quá trình cắm mốc, tuần tra đầy gian khổ để bà con nhân dân thấu hiểu hơn và cùng chung tay bảo vệ biên giới, xây dựng cuộc sống ngày càng tươi đẹp.

https://tienphong.vn/doc-mien-bien-ai-post1437372.tpo
 

Theo N.T (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.