Những người tiếp sức F0

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Đường phố như mạng nhện, toàn chốt và dây giăng. Có khi hai điểm cách nhau 500 m, tôi phải chạy xấp xỉ 20 km mới tới nơi. Gửi vợ và hai đứa nhỏ sang bên ngoại, chiều về, cởi bộ đồ bảo hộ, khử khuẩn đủ kiểu mà vẫn không dám bồng con. Bé chưa đầy bảy tháng. Sợ chết chứ, sợ lây cho gia đình chứ, nhưng khi nghe F0 cần thuốc lại quên luôn sợ, nổ máy và chạy thôi”… Những ngày đầu năm, anh Nguyễn Tố Đạt, tình nguyện viên Nhóm thầy Hồ Thanh Phong và các cộng sự, vẫn chưa quên được ký ức giai đoạn làm shipper bất đắc dĩ mùa giãn cách.

Tình nguyện viên vận chuyển rau củ đến với người nghèo trong mùa dịch.
Tình nguyện viên vận chuyển rau củ đến với người nghèo trong mùa dịch.
Shipper đặc biệt
Lòng vòng với đoạn đường dài gấp năm lần bình thường vì chốt chặn, dây giăng, cuối cùng, anh Đạt cũng dựng được chân chống xe, với tay lấy gói thuốc F0 kiểm tra cẩn thận. Bên trong bộ đồ bảo hộ mầu trắng kín bưng, mồ hôi chảy thành dòng, ướt đẫm tóc tai, quần áo. Nhìn vào khu trọ lụp xụp trước mặt, anh Đạt cố nén tiếng thở dài, lấy điện thoại gọi cho một gia đình F0 đang sinh sống nơi đây. Năm bảy cuộc chẳng ai bắt máy, phía trong phòng nào cũng đóng chặt cửa, lặng im, anh cố gắng đứng đợi, lòng pha chút bất an. 
Rồi cuộc gọi tiếp theo, đầu dây bên kia vọng lại tiếng thì thào của một cụ bà: “Tôi không uống thuốc nữa đâu, mệt lắm rồi. Tôi già rồi, lấy thuốc vào chắc uống không nổi, cũng bỏ à!”. Sợ cụ bà bỏ cuộc, anh vội trấn an: “Bà ơi, trong này toàn thuốc bổ, bà cố dùng cho khỏe nha. Bà ráng bình tĩnh, tập thở và ăn uống cho mau bình phục. Món nào không muốn dùng bà để đó, hàng xóm ai cần mình cho”. Cuộc chuyện trò pha chút gắt gỏng ấy kéo dài thêm đôi phút, kết thúc bằng câu “Thôi được rồi, để tui nhờ người nhà ra nhận”. 
Những lúc như vậy, anh Đạt vừa mệt, vừa buồn. Nhưng vài bữa sau, tin nhắn người nhà gửi tới “Bà khỏe rồi!”, anh quên mất chuyện trước kia. Anh Đạt là kỹ sư, trước kia có 15 năm hoạt động đoàn. Vợ vừa sinh con mấy tháng thì dịch ập tới, anh cứ lừng khừng chưa dám đi đâu dù lòng như lửa đốt. “Nói thiệt, mùa dịch mà không làm được gì giúp mọi người, tôi ngứa tay, ngứa chân lắm. Vậy là thuyết phục vợ đi làm shipper hỗ trợ F0. Ngoài giao thuốc, tôi còn hỗ trợ các nhóm phân phát rau củ, nhu yếu phẩm cho bà con nghèo tại các khu phong tỏa”, anh Đạt trải lòng. 
Ba mẹ hay tin đâm lo, nhưng biết tính con trai đã quyết sẽ theo đến cùng nên thôi chẳng cấm, chỉ nhắn “Giúp được ai cứ giúp hết sức nhưng phải cẩn thận”. Bữa hàng xóm biết anh tham gia chương trình hỗ trợ F0 tại nhà liền xin số tổng đài gọi nhờ hỗ trợ. Khi đích thân đến nhà giao thuốc, dặn dò người thân của bạn bè và bị nhầm là “bác sĩ”, anh Đạt cười giòn, cảm thấy công việc tưởng chừng áp lực này cũng lắm niềm vui. Càng vui hơn khi trước giờ chợp mắt, nhận về tin nhắn hồi âm “Cảm ơn anh, cả nhà tôi đã khỏe” của gia đình F0 vừa gửi thuốc mấy ngày. Tin nhắn hỏi thăm kèm cả niềm hy vọng rằng tất cả F0 sẽ ổn để bước qua mùa dịch. Nhớ hôm anh tới, cả nhà yếu lắm nên cứ rảnh tay anh lại nhắn dò chừng “Sức khỏe gia đình thế nào? Có vượt qua không?”. 
Gần nhà anh Đạt là kho thuốc dã chiến to đùng của nhóm. Kho thuốc được đặt tại văn phòng công ty của ông Nguyễn Minh Trung, một tình nguyện viên năng nổ khác. Vị trí thuận tiện di chuyển các nơi, mặt bằng rộng đủ chỗ cất hàng chục máy thở và rất nhiều bình oxy, đợt dịch cao điểm, công ty ông Trung trở thành điểm tập kết của các tình nguyện viên nhóm vận chuyển. Thuốc về hàng trăm thùng phân túi không kịp, ông kêu gọi người nhà, nhân viên giúp sức. Đâu lại vào đó. Mà đâu chỉ mở kho thuốc để mọi người tiện ghé lấy, rảnh phút nào, ông Trung lấy xe máy đi giao thuốc, bình oxy, máy thở liền tay. 
Có buổi ông Trung nhận giao hơn 10 toa thuốc bên quận 4, đi được chút thì mưa tầm tã. Đợt đó TP Hồ Chí Minh mưa trắng trời từ sáng đến chiều, gió như tạt hết nước vào mắt cay xè, chẳng thấy đường đi. Đứng bên mái hiên trú mưa được một lúc, sốt ruột, ông bọc kỹ máy móc sau yên, che thêm mấy túi thuốc phía trước rồi tay ôm bình oxy, tay cầm lái chạy đi tìm nhà F0. Cái địa chỉ gia đình F0 nhắn lên hệ thống rõ ràng đã gần tới mà chạy 20 phút vẫn chẳng thấy lối vào. Có đoạn, ông phải bỏ lại xe máy, đi bộ quãng xa mới có thể giao thuốc cho người cần. Ông Trung tiếp lời: “Bữa đó, về tới nhà gần 12 giờ đêm, mệt lả, nhưng có sao đâu, người ta cần thì mình giúp thôi. Có lần tôi với một tình nguyện viên khác bị tai nạn xe máy trên đường giao thuốc, xe bể dè, người toàn sình lầy. May mắn là hai anh em không bị gì. Chiếc xe đó giờ tôi vẫn giữ nguyên làm kỷ niệm đáng nhớ mùa dịch”.

Các tình nguyện viên sẵn sàng lên đường.
Các tình nguyện viên sẵn sàng lên đường.
Chỉ mong thất nghiệp vào năm mới
Khởi động từ giữa tháng 8/2021 với mô hình bệnh viện “ảo”, giúp F0 kết nối và nhận sự hỗ trợ liên tục từ bác sĩ, tình nguyện viên trong suốt quá trình điều trị tại nhà, năm lần bảy lượt nhóm của thầy Hồ Thanh Phong và các cộng sự phải gia hạn thời điểm kết thúc chương trình vì thấy chưa an tâm. Ngay cả bây giờ, khi đã sang những ngày đầu tiên của năm 2022, TP Hồ Chí Minh đã không còn giãn cách, người cần đến họ vẫn còn nhiều. “Ban đầu nhóm tính hỗ trợ các gia đình F0 đến hết giãn cách là ngưng. Rồi cứ dời, mỗi lần cộng thêm hai tuần, đến giờ vẫn đang làm. Mọi người đã quay lại guồng công việc, bận lắm nhưng may mắn là ai cũng sẵn sàng tiếp tục. Có nhiều bác sĩ sáng đến bệnh viện, chiều về phòng khám, tối quay về nhà thay vì nghỉ ngơi lại cầm điện thoại trực đến khuya”, Nhà giáo Nhân dân Hồ Thanh Phong chia sẻ.
Tham gia hỗ trợ F0 cùng nhóm thầy Phong từ những ngày đầu đến tận bây giờ, hỏi mong muốn điều gì, TS, bác sĩ Đỗ Thị Tường Oanh, nguyên Trưởng khoa Bệnh phổi tắc nghẽn Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, giảng viên Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cười tươi, nói gọn: “Bây giờ chỉ mong F0 cho mấy anh em thất nghiệp. F0 không cần tới mình nữa tức là thành phố khỏe rồi, lúc đó không cần canh chừng điện thoại cả đêm nữa. Giờ còn đỡ chứ lúc cao điểm, điện thoại tôi tin nhắn cuộc gọi đến liên tục, không dám chợp mắt sợ không kịp cứu người. Lúc đó tôi tham gia hỗ trợ F0 cho mấy nhóm lận, F0 nhiều lắm”.
Đến tận bây giờ, bác sĩ Oanh vẫn giữ lại các đoạn tin nhắn gia đình F0 “cầu cứu” và cả những lời cảm ơn. Giai đoạn TP Hồ Chí Minh chưa phủ vaccine rộng khắp, số ca F0 trở nặng khá nhiều, toàn lúc về đêm. Đó là lúc các đội bác sĩ và tình nguyện viên dù mệt cũng ráng thức, vì sợ lỡ cuộc gọi nào đó đến khi liên hệ lại chẳng còn kịp cứu người. May mắn là từ ngày nhóm hoạt động đến nay, niềm vui tìm tới nhiều hơn nỗi buồn. F0 khỏi bệnh, gia đình mừng lắm, nhắn tin cảm ơn suốt. Các tình nguyện viên nhờ vậy là vui lây, quên hết nhọc nhằn. Trong số gần 5.000 F0 được nhóm hỗ trợ, nhiều người khỏi bệnh quay lại làm tình nguyện viên thay lời cảm ơn. 
Từ sáng đến chiều làm kế toán tại công ty, tan ca, chị Lê Vi Vi (TP Thủ Đức) bắt đầu giờ làm tình nguyện viên cho nhóm thiện nguyện mà trước đó chị gọi hai tiếng “ân nhân”. Công việc của chị Vi mỗi tối là tiếp nhận thông tin bệnh nhân F0, hỏi han tình trạng mỗi ngày và cập nhật lên hệ thống. “Mỗi lúc hỏi cô/chú/anh/chị hôm nay thế nào, có thấy đỡ hơn chưa, tôi nhớ lại mình cách đây hơn một tháng. Tôi phát hiện mình nhiễm Covid khi ở nhà một mình, sợ lắm. May sao tôi được người bạn giới thiệu đường dây nóng của nhóm nên gọi vào nhờ hỗ trợ. Lúc đó, tôi như vớ được phao cứu sinh. Tôi không bao giờ quên lúc bác sĩ phát hiện SpO2 của tôi giảm liên tục nên không ngưng gọi điện hướng dẫn và gửi máy tạo oxy tới. Mấy ngày sau khi “một vạch”, tôi vẫn chưa thể tin mình đã trở lại bình thường. Tôi thấy mình quá may mắn vì đang ngồi đây, gọi điện từng F0 để hỏi han những điều mà trước kia tôi nghe mỗi ngày”, chị Vi nhớ lại.
Mấy ngày này, TP Hồ Chí Minh vẫn đang náo nức đón năm mới. Nhịp sống mới đang bắt đầu, thế nhưng F0 trong cộng đồng vẫn tăng, nhóm của thầy Hồ Thanh Phong và các cộng sự cứ vậy duy trì hoạt động. Hiện tại, nhóm vẫn hỗ trợ và phát thuốc cho F0 có nhu cầu hoặc không mua được thuốc điều trị. Người “anh cả” của nhóm, thầy Nguyễn Thanh Phong chưa nghỉ ngơi ngày nào. Nơi nào cần trao đổi kinh nghiệm, học tập mô hình, thì dù ở tỉnh xa, ngoại thành ông vẫn tìm đến sẻ chia”. Còn F0 cần mình thì mình còn làm”, ông Phong nói vậy. 
Theo bài và ảnh: Mỹ Dung (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...