Lời hứa không thành

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tôi biết chú Nhi sẽ sống mãi trong trái tim và ký ức của tôi, sống mãi trong lời hứa mà tôi chưa kịp thực hiện
Có những lời hứa chưa kịp thực hiện đã mãi mãi không còn cơ hội thực hiện nữa. Có những con người hẹn gặp nhau vào ngày mai nhưng ngày mai mãi mãi không bao giờ đến… Lời hứa trong nhân sinh một kiếp người, sao mà thăm thẳm đến thế!
Tuổi thơ tôi tràn ngập sắc màu, trong đó có một mảng màu mang tên một người.
Ngọt ngào kẹo bánh tuổi thơ
Nhà tôi nghèo nhất xã. Vào những năm 89, 90 của thế kỷ trước, nhà tôi nghèo đến mức tất cả quần áo, sách vở đều là do bố mẹ tôi đi xin về. Mỗi khi thấy bạn bè mặc quần áo mới, tôi đều chạnh lòng và khao khát. Những cảm xúc chân thật ấy, đến tận bây giờ, đã 20 năm trôi qua, mỗi khi ghé về thăm trường cũ, tôi đều cảm nhận rất rõ ràng.
Và trong cái ký ức buồn bã đó có một bóng hình đã gắn chặt với sự trưởng thành của tôi. Đó là chú tôi. Gọi là chú nhưng thật ra, chú chỉ lớn hơn tôi có một tuổi. Chú tên là Nguyễn Trọng Thanh nhưng tôi vẫn hay gọi chú là chú Nhi. Tính tình chú rất hiền lành, thật thà, suốt ngày bị tôi bắt nạt. Là con trai út trong nhà, chú được cả nhà cưng chiều và có cuộc sống sung túc hơn tôi nhiều. Nhà tôi và nhà chú sát vách nhau nên chúng tôi hay tìm đến nhau để chơi đùa. Tuổi thơ của tôi tràn ngập màu sắc, trong đó có một mảng màu mang bóng dáng của người con trai nhỏ nhắn ấy.
Hồi đấy, cứ Tết đến, chú lại sợ tôi không có bánh kẹo ăn và sự thật đúng là như thế. Bố mẹ tôi làm thuê làm mướn, số tiền kiếm được ít ỏi đến mức chỉ đủ mua ít thức ăn về cúng kính ông bà, tổ tiên. Chị em tôi mỗi đứa được một bộ quần áo mới. Còn bánh kẹo là thứ quà xa vời mà tôi chưa từng dám mơ mộng đến.
Vậy nhưng chú sẽ đứng bên góc rào, kêu tên tôi thật to: "Bé Lợi, bé Lợi, ra đây, cho mày cái này ngon lắm nè". Rồi chú xòe bàn tay ra. Vài cái kẹo dừa ngày xưa, vị ngọt đến quết lưỡi. Nhưng với chị em tôi, đó là cả một điều tuyệt vời. Sợ mẹ biết, chú Nhi nắm kẹo thật chặt trong tay, đến mức viên kẹo bị biến dạng đi. Có khi, chú đi khệnh khạng sang nhà tôi, cười hì hì, bảo tôi đoán xem chú đem gì cho chúng tôi. Rồi chú cởi áo ra, bánh ngọt rơi xuống lả tả. Chúng tôi mừng húm, hét vang lên.

Chú Nhi của tác giả lúc sinh thời, hình chụp khi đi bộ đội
Chú Nhi của tác giả lúc sinh thời, hình chụp khi đi bộ đội

Tác giả trong ngày nhận bằng tốt nghiệp đại học
Tác giả trong ngày nhận bằng tốt nghiệp đại học
Lon chè tự nấu
Lần đó, chú Nhi bị má lôi về, đánh cho một trận vì dám lấy trộm bánh kẹo cho cháu. Cái thời mà ai cũng nghèo khổ, ai cũng khốn khó, mất đi cái bánh cái kẹo Tết đãi khách chẳng khác gì mất đi một món đồ quý giá.
Vì trạc tuổi nên tôi và chú Nhi thân nhau lắm. Chúng tôi cùng đi học. Trưa về, chú ăn cơm xong lại trốn ngủ, chạy sang nhà tôi. Chúng tôi dắt díu nhau đi hái trộm đậu xanh về nấu chè. Chú bắc cái lon nhỏ ở giữa cái hố chú tự đào. Rồi chú bảo tôi canh cho lửa cháy, những que lửa bập bùng từ những cành cây nhỏ xíu. Còn chú chạy như bay về nhà, ăn trộm đường của má rồi hớt hải chạy sang. Lon chè hạt sống hạt chín, hạt cứng hạt mềm, khi ngọt khi lạt mà sao ngon đến thế, sao bây giờ nhớ lại mà cay xè mắt.
Tôi đậu đại học trong sự mừng vui và hãnh diện lẫn ngậm ngùi của chú Nhi. Cả xã chẳng ai nghĩ rằng tôi, một con bé chưa từng đi học thêm, nghèo "bục mặt" lại có thể đậu đại học. Chú Nhi ngậm ngùi vì bản thân cũng khao khát được đi học, được đến lớp nhưng ba má không cho. Học hết lớp 5, họ bắt chú nghỉ. Hôm đó, chú ngồi nép trong gốc mít, khóc đến run lẩy bẩy cả người. Tôi, con bé lớp 4, ngồi xem chú khóc mà không biết phải nói gì.
Rồi khi tôi học năm cuối phổ thông, chú vào bộ đội. Chú đóng quân ở trên địa bàn tỉnh. Những dịp chú nghỉ phép, chú cháu lại được gặp nhau. Ra quân, chú lại về quê, làm lao động tự do để kiếm sống…
Những năm học đại học, nhiều dịp từ Quy Nhơn về quê, chú Nhi lại đến đón tôi ở trạm xe buýt. Chú chở cháu về, cười nói rôm rả. Tối, chú qua rủ tôi đi chơi. Chúng tôi đi dọc các con phố, uống cà phê. Chú kể tôi nghe về gia đình. Ngậm ngùi vì bao nhiêu hoài bão, mơ ước đều không thực hiện được. Nghẹn ngào vì chuyện tình yêu tan vỡ trong đau khổ.
Tuổi thanh xuân, mất đi một người quan trọng
Thanh xuân của tôi có chú. Thanh xuân của chú có tôi. Chúng tôi đã từng kể cho nhau nghe mọi bí mật mà không thể kể cho ai. Chúng tôi đã từng tâm sự những nỗi lòng cho nhau nghe mà người khác mãi mãi không biết được. Bây giờ cũng thế. Chỉ là còn mỗi tôi tâm sự với chú, mà chú thì không còn lắng nghe và an ủi tôi được nữa.
Tôi đã hứa với chú: "Khi nào cháu đi làm, tháng lương đầu tiên nhất định sẽ mời chú Nhi đi uống cà phê". Chú cười ha ha, bảo tôi "nói dóc". Tôi tự tin khẳng định lại là mình sẽ làm được điều đó. "Một ly cà phê mười nghìn thôi mà, làm gì ghê gớm" - tôi nói.
Sáng hôm ấy, tôi chết lặng khi nhận được tin chú Nhi đã mất rồi. Chú bị trượt ngã từ trên lầu xuống khi đang làm thợ xây dựng. Tôi không tin. Tôi đã gọi liên tục hàng chục cuộc vào điện thoại chú. Những hồi chuông kéo dài, thê lương. Tôi điên cuồng nhắn tin, gọi điện mà không biết nước mắt mình đã chảy dài khi nào.
Tôi chờ đợi giọng nói quen thuộc: "Gì đó? Nói nghe coi…". Nhưng giọng nói ấy, câu nói ấy, mãi mãi tôi không còn cơ hội để nghe thêm một lần nào nữa trong cuộc đời.
Trống rỗng. Điện thoại tít tít tít rồi tắt đi. Trái tim tôi chùng xuống, người lạnh dần đi.
Giây phút đứng trước mặt chú, run rẩy lật tấm khăn trắng che mặt chú lên, đất dưới chân tôi như vỡ vụn từng mảnh. Tôi mất chú thật rồi! Mất chú, mất cả bầu trời tuổi thơ. Mất chú khi lời hứa còn chưa kịp thực hiện. Mất thật rồi! Lời hứa của tôi trôi đi trong hoang hoải của kiếp nhân sinh, trong những chuỗi ngày dài của cuộc đời thăm thẳm.
Vẹn nguyên nỗi đau
Mỗi năm đến ngày giỗ chú, tôi đều mua hai ly cà phê. Một ly tôi uống. Một ly để trước tấm ảnh của chú. Chẳng để làm gì cả, để mời chú thôi. Muộn quá rồi phải không? Nhưng tôi có thể làm gì khác hơn?
Có những người, chỉ quay mặt một cái đã không thể gặp họ được nữa.
Có những lời hứa, dù đơn giản chỉ là một ly cà phê mười nghìn đồng nhưng có dùng cả cuộc đời cũng không thể thực hiện được nữa.
Cũng có những người, dùng cả đời để ăn năn, để đau khổ vì một lời hứa chưa kịp thực hiện.
Sau ngày hôm đó, tôi không còn hứa gì với ai nữa. Tôi sẽ thực hiện điều mình muốn làm thay vì hứa hẹn. Bởi tôi sợ, sợ sẽ lại trống rỗng, đối diện với nội tâm giằng xé chỉ vì một lời hứa chưa trọn vẹn.
Thế mới biết nhân sinh biến đổi không ngừng. Mới có đó đã mất đi rồi. Mới gặp đó đã không thể thấy nhau nữa. Nhưng tôi biết, chú Nhi không chỉ sống trong tuổi thơ và tuổi thanh xuân của mình. Chú sẽ sống mãi trong trái tim và ký ức của tôi. Sẽ sống mãi trong lời hứa mà tôi chưa kịp thực hiện. 

Thời gian cứ trôi, thế mà cũng trôi qua 9 lần giỗ chú. Mỗi lần, tôi trưởng thành một chút, lại già đi một chút. Nhưng nỗi đau trong trái tim thì vẫn vẹn nguyên như ngày hôm ấy. Có những ký ức, dù không muốn, ta vẫn phải đối diện như một điều hiển nhiên trong hành trình trưởng thành của cuộc đời.

Nỗi đau mất chú đã khiến tôi nhận ra rằng: Lời hứa quan trọng đến thế nào trong cuộc đời. Chín năm ròng và cả phần đời sau này, có lẽ tôi sẽ luôn day dứt mỗi khi nghĩ đến chú.

Bài và ảnh: NGUYỄN THỊ MỸ HẠNH (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...