Chống chọi với Covid-19 để giành giật từng mầm sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cơ sở 2 nằm tại số 38 phố Cảm Hội, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đang điều trị cho 92 thai phụ nhiễm COVID-19. Nếu như tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng và tử vong của Hà Nội thấp do diện bao phủ vaccine cao, thì ở nơi đây, cuộc chiến với COVID-19 của các thai phụ đang thực sự khốc liệt, bởi có đến 70% số ca nhập viện chưa tiêm vaccine trở nặng rất nhanh.
Phải kết thúc thai kỳ sớm vì chuyển nặng
Sáng 12-1, khi tôi gặp thai phụ H.T.T.A tại phòng điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cơ sở 2, trong cơn mệt mỏi vì khó thở và ho nhiều, A cho biết hôm nay là ngày thứ 10 cô nhiễm SASR-CoV-2. A năm nay 25 tuổi, quê ở Cần Thơ, lấy chồng tại Hà Nội, mang thai lần đầu được 30 tuần. Ngày 2-1, A thấy có dấu hiệu của bệnh, xét nghiệm phát hiện dương tính. Ngày 5-1 cô được chuyển đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
“Hôm vào đây em sốt, mất vị giác và khứu giác, đến hôm nay thấy khó thở và ho nhiều”, A kể. Giống như nhiều sản phụ cùng phòng, A chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 nên cô khá lo lắng. “Nếu tiêm vaccine bệnh không chuyển nặng nhanh như bây giờ, giá như em tiêm sớm thì đã tốt hơn”, A buồn bã nói.
Trưa 12-1, Ths.BSCKII Vũ Văn Vinh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Trưởng kíp điều trị COVID-19, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thăm khám cho A và thấy diễn biến của thai phụ nặng lên rất nhanh. Anh quyết định kết thúc thai kỳ sớm, mổ bắt con để thai phụ tập trung điều trị COVID-19.
Nằm kế bên A là thai phụ N.T.T (Thanh Trì), thai 30 tuần, được chuyển từ tuyến huyện lên 3 ngày nay. Giống như A, chị T cũng chưa tiêm vaccine. “Khi thai được 13 tuần tuổi, tôi cũng được khuyến cáo tiêm vaccine, nhưng lúc đó người mệt nên không tiêm. Sau đó thai lớn hơn nên cũng không tiêm nữa”, chị T kể lại. Những ngày qua chị sốt, ho và xuất hiện suy hô hấp, khó thở nhanh, được chỉ định thở oxy qua mặt nạ.
Sau khi đánh giá tiên lượng ca bệnh này, bác sĩ Vinh giải thích với người bệnh: “Bệnh tình của chị đã chuyển nặng, các xét nghiệm cho thấy đang nặng lên rất nhiều, bắt buộc phải kết thúc thai kỳ sớm. Nếu để thì sẽ nguy hiểm cho cả mẹ và con”. Theo BS Vinh, ca bệnh này kết thúc thai kỳ sớm để giảm áp lực lên người mẹ và người mẹ có cơ hội dùng thuốc điều trị COVID-19. Phụ nữ mang thai chưa tiêm vaccine diễn biến rất nhanh, trong vòng chỉ vài chục phút đã khác.

Bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh cho sản phụ P.T.H khi chị có biểu hiện suy hô hấp nặng lên.
Bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh cho sản phụ P.T.H khi chị có biểu hiện suy hô hấp nặng lên.
Nặng nhất tại phòng điều trị là bệnh nhân P.T.H (38 tuổi, Thanh Trì), mang thai 30 tuần, bị rỉ ối, nhập viện ngày 1-10. Chị H đã phải can thiệp lấy thai ngày hôm trước, con được 1,25kg, sức khỏe cháu bé dần tốt lên, tuy nhiên tình trạng COVID-19 của mẹ lại xấu đi.
“Từ hôm qua đến nay mẹ trở nặng rất nhanh, đang thở oxy. Chúng tôi tiên lượng đây là ca bệnh COVID-19 thể nặng, hiện tại tình trạng suy hô hấp càng ngày càng nặng lên. Sáng nay chúng tôi đã hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và bệnh viện đã nhận ca bệnh này sang đó điều trị. Bên đó có nhiều thiết bị tốt nhất để điều trị cho bệnh nhân như ECMO, lọc máu”, bác sĩ Vinh cho biết. 
Chị H. được làm các thủ tục chuyển viện nhanh chóng. Chị vội vàng nhắn tin cho người thân. Tuy sang Bệnh viện Nhiệt đới sẽ yên tâm hơn, song chị khá lo lắng khi chưa tiêm vaccine, trên phim chụp phổi đã trắng hết một bên. Chị chia sẻ, người nhà đều rất sốt ruột khi biết bệnh của chị tiến triển nặng nhanh. Cuộc chiến giành giật sự sống của chị còn ở phía trước, song sản phụ cho biết mình sẽ tích cực phối hợp với bác sĩ đề điều trị tốt nhất.
Thai phụ chuyển nặng đều chưa tiêm vaccine
Cuộc chiến của các thai phụ đang hàng ngày hàng giờ diễn ra để giữ sinh linh bé nhỏ và chiến thắng COVID-19. Tuy nhiên, với những thai phụ chưa tiêm vaccine, cuộc chiến ấy rất gian nan. Bác sĩ Vũ Văn Vinh cho hay, trung bình mỗi ngày tại đây có 5-7 ca bệnh nặng, vừa điều trị COVID-19 vừa liên quan đến thai kỳ, nên phải hội chẩn và theo dõi sát, đôi khi phải kết thúc thai kỳ sớm để tập trung điều trị COVID-19 cho người mẹ, bởi có thuốc điều trị lại ảnh hưởng đến thai, vì vậy các bác sĩ không đưa ra được phác đồ điều trị mạnh.

Ê-kíp mổ lấy thai cho sản phụ V.M.P tại phòng mổ áp lực âm.
Ê-kíp mổ lấy thai cho sản phụ V.M.P tại phòng mổ áp lực âm.
Chứng kiến hàng chục sản phụ F0 chuyển nặng đang chiến đấu với từng cơn khó thở ở đây chúng tôi mới biết, tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 của phụ nữ mang thai tại Hà Nội vẫn còn thấp. Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, khoảng 70% sản phụ nhiễm COVID-19 vào nhập viện chưa tiêm vaccine. Những trường hợp diễn biến nặng phải kết thúc thai kỳ 100% chưa được tiêm vaccine.
“Chúng tôi thường xuyên báo cáo UBND TP. Hà Nội, Sở Y tế về việc tăng cơ hội tiếp cận vaccine với các sản phụ, không chỉ tiếp cận ở bệnh viện mà ở ngay y tế phường. Nhưng do tâm lý của người bệnh, họ còn e ngại tiêm vaccine sẽ ảnh hưởng đến thai nhi nên sản phụ tiếp cận với vaccine chưa đạt như mong muốn. Trước diễn biến dịch đang phức tạp như hiện nay, chúng tôi khuyến cáo các thai phụ tiếp cận tiêm vaccine sớm nhất có thể theo hướng dẫn của nhân viên y tế”, bà Hà nhấn mạnh.
Theo các bác sĩ sản khoa, so với người bình thường, hệ thống miễn dịch của phụ nữ mang thai dễ bị tổn thương hơn nếu nhiễm phải virus đường hô hấp. Phụ nữ mang thai nhiễm COVID-19 dễ chuyển biến nặng hơn so với phụ nữ không mang thai, tăng nguy cơ cao phải thở máy, dùng kháng sinh liều cao, thai nhi có nguy cơ bị sinh non, nguy cơ lây nhiễm… thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng.
Bác sĩ Vinh cho hay, với thai phụ chưa tiêm vaccine diễn biến rất nhanh và trở nặng rất nhanh, nếu không can thiệp lấy thai sớm sẽ dẫn đến nặng và nguy kịch. Vì vậy, các trường hợp này, bác sĩ phải theo dõi sát, tập trung tất cả nhân lực và trang thiết bị để sẵn sàng xử trí. “Có ca chúng tôi phải can thiệp lấy thai sớm nhất là 27 tuần 5 ngày, cháu bé được 950g, phải tuổi thai đó mới nuôi sống được”, bác sĩ Vinh chia sẻ.
Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ rất nhỏ sản phụ tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn chuyển nặng. “Chúng tôi vừa có ca bệnh nặng phải chuyển Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Những ca bệnh thế này rất hiếm. Hiện chúng tôi có 1 ca là nhân viên của bệnh viện cũng đã tiêm hai mũi, nhưng từ hôm qua đến nay bệnh đã chuyển sang trung bình, đây là dự báo xấu khi người bệnh có khả năng chuyển nặng”, bác sĩ Vinh phân tích.
Sự sống nhân lên
Phòng mổ áp lực âm của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cơ sở 2 mỗi ngày đón từ 5-7 em bé sơ sinh là con của các bà mẹ mắc COVID-19 chào đời. Trong số các bé được sinh ra, đa phần phải can thiệp lấy thai sớm, nên các bé đều là trẻ non tháng. Chứng kiến ê-kíp thực hiện ca mổ cho sản phụ V.M.P (Thụy Khuê, Tây Hồ), mắc COVID-19 thể trung bình, chúng tôi mới thấy, tiếng khóc chào đời của những em bé sơ sinh đã mang đến bao hy vong cho các bà mẹ trên chặng đường chiến đấu giành lại sự sống.
Sản phụ đã khóc khi bác sĩ thông báo con trai chị nặng 2,7kg, chào đời bình an. Dù chưa thấy mặt con, song nghe tiếng khóc lanh lảnh của con, chị đã yên tâm phần nào. Sau mổ, người mẹ tiếp tục cách ly điều trị COVID-19. Theo bác sĩ, bệnh nhân này có nguy cơ tăng nặng, dù tiêm đủ 2 mũi vaccine vì các sản phụ thường có diễn biến bất thường.
Các bác sĩ đã mổ lấy thai thành công cho nhiều sản phụ F0 khi thai đang ở thai kỳ nhưng có dấu hiệu suy thai. Hầu hết các em bé này đều chào đời khỏe mạnh. Hiện tại ở đây đang chăm sóc 32 trẻ sơ sinh, các bé đều âm tính. Sau 14 ngày có kết quả xét nghiệm âm tính, các bé được chuyển sang cơ sở 1 để tiếp tục được theo dõi, điều trị.

Bé trai nặng 2,7kg, con của sản phụ F0 V.M.P chào đời bình an.
Bé trai nặng 2,7kg, con của sản phụ F0 V.M.P chào đời bình an.
Nhớ lại giây phút căng thẳng khi lần đầu tiên cứu sống thai phụ F0 bằng phương pháp tim phổi nhân tạo - ECMO, BS Nguyễn Công Định, trưởng kíp trực cho hay, mặc dù đã có dự phòng trước nhưng tình trạng sản phụ và thai nhi chuyển nguy kịch rất nhanh. Cả ê-kíp được huy động lập tức và mọi quyết định xử trí phẫu thuật lấy con, cấp cứu cho bệnh nhân được đưa ra trong khoảng thời gian chỉ tính bằng giây, bằng phút.
Đó là trường hợp sản phụ Nguyễn Thanh Hoa (34 tuổi trú tại Gia Lâm, Hà Nội) mang song thai IVF (thụ tinh nhân tạo) 29 tuần 2 ngày, chưa tiêm vaccine COVID-19. Sau hơn một tuần nhập viện, thai phụ bắt đầu xuất hiện khó thở, mệt tăng lên, được cấp cứu thở máy không xâm nhập nhưng không đáp ứng, phải chuyển sang thở máy qua ống nội khí quản. Lúc đó, thai phụ suy hô hấp cấp khiến cho thai suy, nhịp tim thai giảm xuống còn 80 - 90 lần/phút (bình thường khoảng 140 lần/phút).
Đứng trước tình thế nguy kịch, các bác sĩ vừa hồi sức vừa hội chẩn với BS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương quyết định mổ lấy thai cấp cứu, cố gắng hết sức để cứu cả mẹ và con.
Ca phẫu thuật đã đón ra hai bé gái nặng 1.500g và 1.600g, tuy nhiên, vì sinh non ở tuần 30, mẹ lại mắc COVID-19 thể nặng nên chỉ số sinh tồn của hai bé khá thấp, buộc phải cấp cứu và đưa vào máy thở. Sau mổ, các bác sĩ tiếp tục hội chẩn với bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, quyết định tiến hành làm ECMO ngay tại chỗ để có cơ hội cứu sống người bệnh và chuyển về điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung an toàn. Rất may mắn, sau một thời gian điều trị, chị Hoa đã khỏi bệnh và được xuất viện. “Đây là niềm hạnh phúc quá đỗi lớn lao với gia đình tôi. Chúng tôi vô cùng cảm ơn các bác sĩ, điều dưỡng của hai bệnh viện”, anh Bùi Tuấn, chồng chị Hoa xúc động chia sẻ.
Trước diễn biến dịch COVID-19 tăng mạnh ở thủ đô, theo phân công của UBND thành phố Hà Nội và Sở Y tế, Trung tâm Khám, điều trị sản phụ khoa và chăm sóc sức khỏe sinh sản (Cơ sở 2 của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tại 38 Cảm Hội) đã được triển khai điều trị cho thai phụ mắc COVID-19. Đây là bệnh viện chuyên biệt điều trị cho thai phụ mắc COVID-19 có tình trạng cấp cứu sản khoa và thể trạng trung bình trở lên. Bệnh viện có 80 giường và đang nâng công suất lên 120 giường, có đủ phương tiện áp lực âm, đơn vị sơ sinh chuyên biệt để chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng, thở máy, nhiễm trùng và suy hô hấp.
“Hiện tại Bệnh viện được phân luồng tiếp nhận điều trị cho 300 thai phụ, chúng tôi đã xây dựng phương án 300 bệnh nhân để triển khai giường bệnh, tùy thuộc vào diễn biến dịch, từng bước mở rộng giường. Đồng thời bệnh viện cũng là đơn vị đầu mối, thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, phân luồng, hỗ trợ chăm sóc và điều trị F0 cho các bệnh viện tầng 2. Bệnh viện sẵn sàng đáp ứng đầy đủy theo yêu cầu của Sở Y tế tùy theo diễn biến của dịch bệnh, đồng hành cùng bệnh viện tầng 2 và tuyến dưới để đảm bảo chăm sóc sức khỏe, phân luồng cho thai phụ được tiếp cận cơ sở y tế gần nhất ở các bệnh viện quanh mình, khi thai phụ diễn biến nặng có bệnh viện sản khoa để cấp cứu kịp thời”, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà cho biết.
Trần Hằng (cand.com.vn)

https://antg.cand.com.vn/Phong-su/chong-choi-voi-covid-19-de-gianh-giat-tung-mam-song-i641783/

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.