Nữ nông dân "Nghiện cà phê, mê làm giàu"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tự nhận là người nghiện cà phê từ khi còn trẻ, chị Nguyễn Thị Thảo (tổ 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) đã từng bước nâng tầm giá trị cà phê bằng sự lao động cần cù và ý chí vươn lên làm giàu. Mới đây, chị là đại diện duy nhất của Gia Lai được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2021.
Vạn sự khởi đầu nan
Dừng xe trước căn nhà của chị Nguyễn Thị Thảo (29 Nguyễn Du, thị trấn Ia Kha), tôi đã cảm nhận được hương cà phê thơm nồng lan tỏa. Rót ly trà nóng mời khách, chị Thảo kể cho tôi nghe về hành trình khởi nghiệp không kém phần gian nan của mình. Sinh năm 1984 ở vùng quê nghèo Hậu Lộc (tỉnh Thanh Hóa), học chưa hết phổ thông, chị Thảo đã bươn chải để phụ giúp gia đình. Sau thời gian buôn thúng bán bưng, chị vào làm công nhân cho các doanh nghiệp sản xuất giày da, hạt điều, mộc... ở một số tỉnh, thành phía Nam. Chán âm thanh ồn ã của máy móc lẫn tiếng chuông reo tan ca lặp đi lặp lại mỗi ngày, chị quyết định trở về quê nhà. Tròn 20 tuổi, chị nên duyên với chàng trai cùng quê Trần Văn Hiên rồi theo chồng lên Gia Lai định cư vào năm 2004. Với chị, đây không chỉ là bước ngoặt lớn của đời người con gái mà còn là dấu mốc cho hành trình khởi sự, gắn bó và thành công với cây cà phê sau này.
“Ban đầu, tôi ở cùng gia đình chồng tại làng O Pếch, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai. Một năm sau, vợ chồng tôi được bố mẹ tạo điều kiện xây nhà ở thị trấn và cho 1 ha cà phê làm vốn. Qua một thời gian, chúng tôi tích góp vốn mở rộng vườn cà phê lên 3 ha. Cũng từ đó, tôi nhận ra rằng, nếu chỉ sản xuất và bán thô thì hiệu quả mang lại không cao; thậm chí thu nhập còn bấp bênh vì phụ thuộc vào biến động giá cả thị trường. Tôi tự nhủ, mình phải làm điều gì đó để lấy lại giá trị của cà phê-loại thức uống được nhiều người trên thế giới ưa chuộng”-chị Thảo chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Thảo được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2021 vào ngày 2-12 tại Hà Nội (ảnh nhân vật cung cấp).
Chị Nguyễn Thị Thảo được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2021 vào ngày 2-12 tại Hà Nội (ảnh nhân vật cung cấp).

Bà Nguyễn Thị Giang-Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ia Grai: Chị Nguyễn Thị Thảo là tấm gương sáng trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi của huyện. Chị dám nghĩ, dám làm và luôn sáng tạo, tìm tòi học hỏi, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng được nhu cầu thị trường. Không chỉ thế, chị còn tích cực tham gia các phong trào của Hội; có tinh thần giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với hội viên nông dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

Năm 2016, chị Thảo bắt tay hiện thực hóa ý tưởng. Không chỉ chuyển sang trồng và chăm sóc cà phê theo hướng hữu cơ, gia đình chị còn đầu tư chế biến cà phê sạch, mong muốn đưa sản phẩm với hương vị nguyên bản đến người tiêu dùng. Mùa thu hoạch năm ấy, chị mang rổ ra vườn lựa hái những quả cà phê chín đỏ đem về rửa sạch phơi ráo trên giàn cao. Sau đó, chị tự tay rang cà phê trên bếp củi theo cách riêng của bản thân. “Tôi muốn thử xem khi mình tự tay làm, từ thu hái đến chế biến sẽ cho sản phẩm có hương vị khác biệt thế nào so với cà phê thu hoạch đại trà và phơi dưới đất như trước đây. Liệu rằng nó có bật lên hương vị đặc trưng của cà phê và chinh phục được những khách hàng khó tính nhất hay không; từ đó, mới có thể tìm giải pháp nâng tầm giá trị sản phẩm”-chị Thảo tâm sự.
Thế nhưng, với một nông dân “chân đất” còn ít kinh nghiệm, thất bại là điều không tránh khỏi. Mẻ cà phê đầu tiên bị hỏng do quá lửa. Mẻ thứ 2 tiếp tục không đạt vì nhiệt độ, thời gian rang chưa phù hợp. Mẻ thứ 3, thứ 4, hương vị không được như mong muốn. Bao nhiêu tâm huyết, công sức, thời gian và cả sự kỳ vọng dồn vào đó khiến chị Thảo đôi lần bật khóc. Nhưng rồi, chị lại quyết tâm làm cho bằng được. Ngày “ra lò” mẻ cà phê như ý, cảm xúc chị như vỡ òa. Chị bắt đầu chế biến nhiều hơn, không chỉ cung cấp cho người thân mà còn giới thiệu sản phẩm ra thị trường với hình thức chỉn chu hơn. “Mọi người đón nhận và đánh giá cao cà phê nguyên chất Thảo Hiên khiến tôi rất vui, song bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Tôi luôn lắng nghe và lấy đó làm động lực để cố gắng cải tiến sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng”-chị Thảo khẳng định.
Những hạt cà phê được vợ chồng chị Nguyễn Thị Thảo nâng niu và tuân thủ theo quy trình chế biến “sạch”. Ảnh: Hồng Thi
Những hạt cà phê được vợ chồng chị Nguyễn Thị Thảo nâng niu và tuân thủ theo quy trình chế biến “sạch”. Ảnh: Hồng Thi
Cuối năm 2016, gia đình chị quyết định đầu tư máy móc, nhà xưởng để chế biến cà phê. Chị đăng ký theo học lớp kỹ thuật rang xay cà phê theo quy chuẩn tại TP. Hồ Chí Minh. Từ đây, số lượng thành phẩm cơ sở làm ra ngày một nhiều. Với giá bán 100.000 đồng/kg cà phê bột nguyên chất, mỗi năm, gia đình chị thu về hơn 1 tỷ đồng. Đây được xem là thành công bước đầu trên hành trình nâng tầm giá trị cà phê của nữ nông dân Nguyễn Thị Thảo.
Đa dạng hóa sản phẩm
Không dừng lại ở đó, chị Thảo tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu chế biến thêm nhiều loại cà phê chất lượng cao khác nhau để “đánh” vào từng gu thưởng thức của khách. Đưa tôi “mục sở thị” những giàn phơi cà phê nằm san sát bên nhà xưởng, chị Thảo khoe: “Đây là cà phê honey (mật ong) được chế biến ướt từ những quả cà phê chín từ 95% trở lên. Sau khi hái về, rửa sạch, cho vào máy phân loại và xay tươi tách thịt trong ngày, cà phê sẽ được đem đi ủ yếm khí lên men rồi mới đưa ra giàn phơi. Trong khi phơi cũng phải đảm bảo đủ nắng liên tục trong 3 tuần để tránh cà phê bị chua, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm”.
Có tận mắt thấy, tận tay cầm nắm rồi cảm nhận và hít hà những hạt cà phê sạch thơm ấy, tôi mới hiểu được tâm huyết và sự khó khăn mà chị Thảo đã trải qua khi muốn tạo nên một sự khác biệt mới mẻ cho hạt cà phê. Từ sản phẩm cà phê nguyên chất thông thường ban đầu, hiện nay, cơ sở Thảo Hiên đã cho ra đời thêm 5 dòng sản phẩm gồm: cà phê bột cao cấp Honey, cà phê hạt pha máy Espresso, cà phê bột rang xay phin đậm, cà phê Mộc đặc biệt và cà phê túi lọc (phin giấy); giá trị tăng 25-30% so với cà phê truyền thống. Đặc biệt, năm 2020, sản phẩm cà phê Mộc đặc biệt của chị đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Hiện 4 sản phẩm khác là cà phê hạt pha máy Espresso, cà phê túi lọc, cà phê bột rang xay phin đậm, hạt điều rang muối đã được công nhận đạt OCOP 3 sao cấp huyện và đang đợi xét cấp tỉnh. Đây là cơ hội để chị Thảo tiếp tục phát triển quy mô, mở rộng thị trường. Bởi theo chị, khi tham gia OCOP, cơ sở được hướng dẫn rất kỹ về làm hồ sơ và thiết kế bao bì, nhãn mác cũng như truyền thông, xúc tiến thương mại. Hơn nữa, sản phẩm được khách hàng tin tưởng hơn, sản lượng bán ra thị trường nhờ đó cũng tăng khoảng 20% so với lúc chưa tham gia. 
Hiện nay, chị Thảo đã cho ra đời thêm 5 dòng sản phẩm khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Ảnh: Hồng Thi
Hiện nay, chị Nguyễn Thị Thảo đã cho ra đời thêm 5 dòng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Ảnh: Hồng Thi
Từ năm 2020 đến nay, ngoài chế biến cà phê, gia đình chị Thảo còn kinh doanh thêm hạt điều và thu mua cà phê của người dân về sơ chế rồi bán lại cho các cơ sở rang xay khác. Đáng chú ý, từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chị Thảo đã nhạy bén tìm kiếm, mở rộng thị trường thông qua mạng internet. Bên cạnh tiếp cận khách hàng trực tiếp qua hệ thống cửa hàng, siêu thị, chị còn đẩy mạnh kinh doanh trên các website điện tử, Facebook, Zalo. Mỗi năm, cơ sở của chị sản xuất bán ra thị trường 16-20 tấn cà phê bột và khoảng 5-6 tấn hạt điều rang muối; tổng doanh thu đạt 4-5 tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho riêng mình, chị Thảo còn góp phần giải quyết việc làm cho 8 lao động thường xuyên và 16-20 lao động mỗi vụ thu hoạch.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, năm 2019, gia đình chị đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong việc trồng, sản xuất, chế biến cà phê theo chuỗi bền vững. Đặc biệt, ngày 2-12 vừa qua, chị Thảo là 1 trong 63 nông dân trên cả nước được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2021. “Đến thời điểm này, có thể nói, tôi đã chạm được tới mục tiêu mà mình đặt ra. Thành công của tôi bên cạnh niềm đam mê có sẵn thì sự đồng hành của gia đình là yếu tố quyết định quan trọng. Phát huy thế mạnh có được, thời gian đến, tôi sẽ tiếp tục xây dựng các sản phẩm theo hướng cà phê đặc sản nhằm nâng cao hơn nữa giá trị của cà phê”-chị Thảo khẳng định.
HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.