Nơi điều trị bệnh nhân ung thư nhiễm Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Thủ Đức số 1 được thành lập tại 2 block chung cư Bình Minh. Đây là bệnh viện dã chiến chuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhân ung thư nhiễm Covid-19.
Trung tuần tháng 9.2021, PV Thanh Niên tìm đến Khoa Ung bướu tại Bệnh viện dã chiến (BVDC) điều trị Covid-19 Thủ Đức số 1 (P.Linh Trung, TP.Thủ Đức, TP.HCM). Khoa này do các y bác sĩ Khoa Ung bướu BV TP.Thủ Đức đảm nhận công tác thăm khám, chăm sóc cho bệnh nhân ung thư nhiễm Covid-19.

Bác sĩ thăm khám một bệnh nhân tại BVDC điều trị Covid-19 Thủ Đức số 1
Bác sĩ thăm khám một bệnh nhân tại BVDC điều trị Covid-19 Thủ Đức số 1
Chịu đựng những cơn đau chồng chất
Trang bị đồ bảo hộ đầy đủ tại tầng trệt, chúng tôi theo bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, BV TP.Thủ Đức, kiêm Trưởng khoa điều trị ung bướu BVDC điều trị Covid-19 TP.Thủ Đức số 1, đi thang máy lên tầng 9, nơi đang điều trị cho các bệnh nhân ung thư mắc Covid-19. Vừa đi, bác sĩ Vũ giới thiệu với chúng tôi Khoa ung bướu có thể tiếp nhận tối đa khoảng 40 bệnh nhân, đến nay lúc đông nhất khoa có 25 bệnh nhân. Hiện tại khoa đang điều trị cho 13 người, mỗi ngày tiếp nhận 4 - 5 bệnh nhân mới từ các BV trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh chuyển về.
BVDC điều trị Covid-19 Thủ Đức số 1 được trang bị khá đầy đủ với hệ thống ô xy trung tâm, máy thở xâm lấn và không xâm lấn. Hiện BV điều trị khoảng 1.000 bệnh nhân Covid-19, trong đó có nhiều bệnh nhân ung thư.
Tại tầng 9, các bệnh nhân được xếp theo từng phòng riêng, giúp hạn chế tiếp xúc và giữ khoảng cách. Y bác sĩ, nhân viên y tế sẽ phải tới từng phòng riêng để theo dõi sát tình hình bệnh nhân. Không gian tầng 9 rất tĩnh lặng, bệnh nhân không buồn nói chuyện, chỉ có tiếng bước chân của các bác sĩ, tình nguyện viên, hay tiếng bánh xe đẩy bình ô xy.
Ngồi trong một phòng bệnh, ông V.T.L (47 tuổi, ngụ Nha Trang, Khánh Hòa) kể ông một mình vào TP.HCM điều trị ung thư tại BV Ung bướu TP.HCM (Q.Bình Thạnh) từ đầu tháng 5.2021. Ông thường về nhà sau mỗi lần vô thuốc. Nhưng rồi tình hình dịch bệnh ở TP.HCM diễn biến phức tạp nên việc đi lại bị hạn chế, ông phải thuê một phòng trọ nhỏ ở tạm để tiện việc điều trị. Gánh nặng tăng thêm khi ngoài chi phí chữa bệnh, ông phải lo thêm tiền thuê trọ và phí sinh hoạt. Nhưng trong lần tái khám để vô thuốc đợt điều trị cuối, khi khám sàng lọc, ông L. dương tính Covid-19 nên được đưa đi cách ly tập trung.
“Lúc đó tôi thực sự rất lo lắng, mình có bệnh sẵn rồi, giờ thêm Covid-19 này nữa thì làm sao mà sống. Bệnh tôi trở nặng nên được chuyển vào đây chữa trị. Những ngày đó, khi bệnh chồng bệnh, tôi rất mệt và muốn về nhà, nhưng được người thân, bạn bè khích lệ rằng ở BVDC có bác sĩ chăm sóc, tôi yên tâm hơn”, ông L. tâm sự.
Bà C.T.H (57 tuổi, tạm trú TP.Thủ Đức) cũng cho biết bà điều trị ung thư tại Khoa Ung bướu BV TP.Thủ Đức đã 6 tháng nay, hằng ngày truyền thuốc để làm giảm cơn đau hành hạ. Nhưng khi nhiễm Covid-19 thì cơn đau của bà gấp bội, tinh thần bà gần như suy sụp. Mỗi ngày, bà phải chống chọi những cơn đau do bệnh chồng bệnh. Chồng bà H. làm bảo vệ ở một trường học cũng bị nhiễm Covid-19 nhưng đang cách ly ở nơi khác.

Bác sĩ Khoa Ung bướu BVDC điều trị Covid-19 Thủ Đức số 1 kiểm tra sức khỏe cho bà C.T.H. Ảnh: Khánh Trần
Bác sĩ Khoa Ung bướu BVDC điều trị Covid-19 Thủ Đức số 1 kiểm tra sức khỏe cho bà C.T.H. Ảnh: Khánh Trần
Cố gắng vượt qua bệnh tật để sớm về nhà
Bà N.T.T (72 tuổi, ngụ Đắk Lắk) vào TP.HCM 3 tháng nay chữa trị ung thư, em gái là bà N.T.C đi theo và thuê nhà để chăm sóc chị. “Hôm 25.8 là đợt vào thuốc cuối cùng của đợt điều trị, nhưng trước ngày vào thuốc, chị tôi được phát hiện nhiễm Covid-19 nên đành tạm ngưng đi khám. Hai ngày sau thì tôi cũng có kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính, thế là hai chị em vào đây luôn”, bà C. kể và nói thêm: “Những đêm đầu điều trị tại BVDC, khi chứng kiến một người cùng phòng chẳng may không qua khỏi khiến tinh thần chị tôi sa sút, người cứ thế yếu dần. Nỗi lo lắng làm chị tôi mất ngủ triền miên. Nhưng chị em động viên nhau cố gắng vượt qua bệnh tật để sớm về nhà”.
Những bệnh nhân chúng tôi gặp, cơ bản đã khỏe lại và mong ngày xuất viện về nhà. “Từ hôm vào viện, người thân rồi bạn bè động viên mong tôi sớm về nhà. Ở đây có bác sĩ chăm sóc tận tình, nhờ vậy mà tôi chống chọi với bệnh tật, rồi phải sớm điều trị xong để về nhà uống trà với bạn bè nữa, chứ nhớ nhà lắm rồi”, ông V.T.L vui mừng nói.
Còn bà C.T.H thì nghĩ bà có thể không vượt qua được, nhưng giờ đã qua được rồi. “Nhiều năm chữa bệnh ung thư tôi chưa có từ bỏ, vì còn nước là còn tát mà. Nay tôi sắp khỏi bệnh rồi!”, bà nói.
Các bệnh nhân tâm sự, sức mạnh để chiến thắng nỗi đau “bệnh chồng bệnh” ngoài thuốc men là sự động viên, nâng đỡ của nhân viên y tế, người thân… Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ là người sâu sát không chỉ trong điều trị mà còn động viên bệnh nhân thường xuyên. Nhờ vậy mà nhiều người đã chiến thắng Covid-19. Mỗi khi khỏe, bệnh nhân ung thư mắc Covid-19 lại ra hành lang hoặc nhìn ra cửa sổ, mong ngày trở về đoàn tụ gia đình trong khỏe mạnh.

Ông V.T.L (ngụ Nha Trang, Khánh Hòa) tự tin đã chiến thắng Covid-19
Ông V.T.L (ngụ Nha Trang, Khánh Hòa) tự tin đã chiến thắng Covid-19
Bệnh đỡ chuyển nặng khi tiêm vắc xin
Chia sẻ với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ cho biết Khoa Ung bướu BVDC Thủ Đức số 1 đã tiếp nhận khoảng 50 bệnh nhân Covid-19, trong đó có nhiều bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.
Theo bác sĩ Vũ, trong chăm sóc bệnh nhân ung thư nhiễm Covid-19, đòi hỏi phải theo dõi sát để can thiệp kịp thời. Bởi vì các bệnh nhân này đều vận động kém, thể trạng suy kiệt nên mọi chuyện đều nhờ nhân viên y tế hỗ trợ, như pha sữa, đút ăn, uống, thay tã, kể cả những chuyện hậu cần như thay bình ô xy, đổ rác...
“Điều dễ nhận thấy với các bệnh nhân này là bệnh diễn tiến nhanh và nặng với tỷ lệ tử vong lên đến 25 - 30%, gấp 10 - 12 lần so với tỷ lệ trung bình tử vong vì Covid-19 của VN (2,5%) và thế giới (2,1%)”, bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ thông tin.
Cũng theo bác sĩ Vũ, do thiếu người nên khi bệnh nhân ung thư nhiễm Covid-19 chẳng may qua đời, thì bản thân bác sĩ trưởng khoa và các bác sĩ, điều dưỡng trong khoa phải tự tay thay đồ, chuẩn bị tươm tất cho người quá cố trước khi chuyển về nhà tang lễ BV.
Theo bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, để cho bệnh nhân ung thư không trở nặng, dự phòng tốt nhất hiện nay là cho bệnh nhân tiêm vắc xin. Vì từ thực tế tại BV cho thấy những bệnh nhân đã chích ngừa, dù 1 mũi thì có diễn tiến thuận lợi và hồi phục nhanh chóng sau khi mắc Covid-19. Tại Khoa Ung bướu, BV TP.Thủ Đức vẫn đang tiêm vắc xin Covid-19 cho bệnh nhân nội và ngoại trú với khoảng 100 người.
Theo Khánh Trần - Duy Tính (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.