Những số phận lưng chừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi dò từng con số tra cứu điểm chuẩn đại học, Phương Anh nửa muốn đỗ, nửa không. Với số điểm 24,75, cô bé đạt điểm để vào Đại học Thủ đô. Nhưng lời của một người họ hàng vẫn vẳng bên tai: “Học làm gì nữa, đi học trang điểm vài tháng là có việc kiếm được tiền, bốn năm đại học biết bố mẹ có nuôi nổi không”. Sau hai năm dịch Covid-19 kéo dài, mẹ cô cũng lúng túng dù khoản tiền cho năm học mới của cô con gái duy nhất đỗ đại học trong nhà chỉ hơn sáu triệu đồng. 

Có một công việc trong đợt giãn cách là điều may mắn với Mừng. Ảnh: HOÀNG TOÀN
Có một công việc trong đợt giãn cách là điều may mắn với Mừng. Ảnh: Hoàng Toàn
Lựa chọn tuổi 18
Nhà Phương Anh chỉ cách trung tâm Hà Nội - Hồ Gươm chưa đầy ba cây số. Trước dịch Covid-19, trong kế hoạch của mình, Phương Anh chỉ có một đường thẳng là học xong phổ thông và thi đại học, như một lẽ thường của mọi cô cậu học trò học lực khá. Xe bánh mì di động trước cổng trường tiểu học của mẹ, đồng lương từ nghề sửa chữa nội thất của bố, dù không sung sướng dư dả nhưng vừa đủ nuôi cả gia đình bốn người, trong đó có hai đứa con - Phương Anh và một người anh không may không được khôn ngoan như thiên hạ. Số tiền dư ra nếu có, để mẹ cô hơn 20 năm nay ngược xuôi đi tìm người con cả đã mất tích. 
Mọi thứ chỉ thay đổi khi bố cô bất ngờ bị tai nạn khi đi làm, rơi từ giàn giáo tầng 2 xuống, nằm một chỗ suốt nửa năm. Gần như cùng lúc, mẹ cô không còn thu nhập khi các trường nghỉ học và các gánh hàng rong bị tạm dừng vì Covid-19. Có những ngày dài xã hội hạn chế đi lại, chi tiêu của gia đình tằn tiện trong khoản 500 nghìn đồng… hỗ trợ cho người khuyết tật của anh trai thứ mỗi tháng. 
Hai năm, của nả của một gia đình lao động chân tay cũng cạn, khi mà giá cả mớ rau, con cá cứ nhích dần theo biến động của những kỳ giãn cách. Đợt dịch thứ 4, bố cô may mắn xin được một chân bảo vệ ở gần nhà, cả nhà cô có năm triệu đồng để sống mỗi tháng. Để có được chân bảo vệ đó, bố cô còn nhắm mắt đánh liều tiêm vaccine dù là đối tượng được khuyến cáo nên trì hoãn, bởi các công ty chỉ nhận bảo vệ đã tiêm ngừa. Trời thương, ông vẫn khỏe mạnh. 
Phương Anh không mơ mộng những trung tâm ôn thi đắt đỏ, mà hài lòng với các lớp học do trường tổ chức. Suốt kỳ giãn cách, cô vẫn chăm chỉ ôn luyện cho mục tiêu đơn giản của mình. Cô chỉ chùng lại, khi bắt đầu xem xét các nguyện vọng và đối mặt với số tiền phải nộp khi vào năm học. 
Mẹ Phương Anh bảo nếu Hà Nội mở cửa hàng rong trở lại, thì mọi thứ sẽ thoải mái hơn nhiều. Bây giờ, khi thành phố mới hé cửa nới lỏng, mẹ cô mới chỉ bày cái tủ bánh mì ngoài cửa bán cho người qua lại, mỗi ngày bán độ 20 chiếc bánh mì kẹp thịt với số lãi chừng vài nghìn đồng một chiếc. Năm nay gia đình cô đã bị gạch tên khỏi danh sách hộ khó khăn, vì bố cô đã có việc làm. 
Đỗ đại học, cô được mẹ thưởng một món quà nho nhỏ. Đó rõ ràng là niềm vui. Nhưng khi nhận điểm thi, cả nhà cô cũng băn khoăn: “Giờ đi học thì cũng khó”. Học hay đi học, với cô đều là lựa chọn không dễ. Nhưng Phương Anh bảo cô bé sẽ đi học, cô đã đăng ký, nhận lớp, gặp giáo viên chủ nhiệm qua một cuộc họp trực tuyến. Cũng bởi vì chưa phải tới trường, nên cô vẫn tự cho mình vui với niềm vui của một tân sinh viên. Dù sao, cô thậm chí còn chưa đủ tuổi để được tiêm vaccine, cô cũng chưa biết tương lai sẽ còn gì chờ mình nữa. 

Ngôi nhà của Phương Anh nằm sâu trong một con hẻm giữa Thủ đô.
Ngôi nhà của Phương Anh nằm sâu trong một con hẻm giữa Thủ đô.
Từ giám đốc thành shipper
Nguyễn Thúy Mừng từng có một thời “oanh liệt”, từng có cả một doanh nghiệp sơn. Có xe ô-tô, có một căn nhà khang trang, cũng là một bà chủ trung lưu chưa từng nghĩ có ngày sẽ phải băn khoăn vì vài trăm nghìn đồng. Nhưng nhiều biến cố xảy ra, cô tay trắng, bây giờ ở nhà thuê với chiếc xe máy đời cũ. Rồi Covid đẩy cô vào thế khó, khi mà vật liệu xây dựng trở thành thứ đầu tiên trong bảng những thành phần không thiết yếu. 
Cô có một danh sách dài những người làm công chờ cô trả lương - những người theo cô lâu năm, từ tứ xứ, cả gia đình họ chỉ trông chờ vào đồng tiền làm thuê ít ỏi. Họ chẳng có ai để bấu víu ngoài Mừng. Mừng đi vay lãi trả lương cho họ, rồi ra đường làm shipper để kiếm tiền trả số lãi đó mỗi ngày. “Ngày giãn cách đơn đều, trừ chi phí cũng được 600 nghìn đồng. Đỡ được phần nào hay phần đó”, Mừng bảo. 
Mừng bảo phụ nữ có hai con nhỏ như cô, đi cả ngày ngoài đường cũng là bất đắc dĩ thôi. Ở kỳ giãn cách đầu tiên đợt dịch thứ 4, cô cũng không dám ra đường, vì lo có thể lây bệnh cho con. Nhưng số nợ vẫn treo đó, cô chấp nhận liều. Có thu nhập giữa thời buổi giãn cách là một niềm hạnh phúc đâu phải ai cũng có. 
Đợt Hà Nội cao điểm của Chỉ thị 16, nhu cầu ship tăng cao, Mừng chạy đơn liên tục giữa hai quận xa nhất của thành phố, cách nhà cô gần chục cây - vì giấy phép hoạt động của cô ở đó. Hầu hết cô mải miết chạy xe, bỏ qua bữa trưa, tranh thủ vài ba phút nghỉ ngơi với vài quả táo cùng chai nước. Cô cũng tranh thủ giữa những đơn hàng, mang theo một vài mớ rau, miếng thịt, bao gạo cho những hoàn cảnh khó khăn mà cô đọc được lời kêu cứu trên các hội nhóm. 
Bây giờ, cô cũng vẫn cố gắng đủ nghề để có thể kiếm sống giữa thành phố chật này. Gần 40 tuổi, Mừng đang phải làm lại từ đầu một lần nữa, ở một tương lai chưa biết là bao giờ. 
Chưa từng có một con số thống kê về những gia đình từ đủ ăn đủ mặc, lâm vào khó khăn sau đợt Covid ở các thành phố lớn. Đó là những số phận lưng chừng, rất khó để có một chính sách nào cụ thể cho họ, nhưng họ cũng chẳng thể kê cao gối yên tâm chờ ngày bình thường khi mà mỗi ngày nỗi lo cơm áo vẫn đập thẳng vào mặt. 
Trong những thông báo gần đây, Hà Nội đã hỗ trợ cho gần ba triệu lượt người gặp khó khăn vì dịch bệnh. Số tiền nếu chi li, thì quả thật như muối bỏ bể. Mẹ của Phương Anh nói bà vừa nhận được một triệu rưỡi, mà bà thậm chí đã không thể nhớ mình đã chi tiêu vào những việc gì, giữa đủ thứ từ thuốc cho cậu con trai, thuốc cho chồng đến tiền ăn hằng ngày… Bà áy náy, vì lâu lắm chưa mua được một bộ quần áo đẹp cho cô gái sắp 18 tuổi trong nhà. Năm ngoái, ở đợt dịch đầu tiên, mẹ của Phương Anh đã phải mất tới sáu lần đi về mới xong hồ sơ để nhận một triệu đồng hỗ trợ sau bốn tháng trời cả nhà chỉ có đúng 500 nghìn đồng. Còn Mừng thì dù phải đóng cửa công ty, cũng không ở trong diện được hỗ trợ bởi nhiều quy định. 
Ở trên mạng xã hội, hay trên báo chí, người ta vẫn bắt gặp những hoàn cảnh cùng cực, thậm chí chỉ xin một thùng mì tôm để đủ cầm cự. Người ta bảo nhau dịch bệnh còn dài, chưa cần lắm thì bơn bớt lại, nhường cho người cần hơn. Những người như Mừng, hay như nhà Phương Anh, vẫn có thể được xem là dư dả so với những số phận tứ xứ thiếu ăn. 
Nhưng hẳn là, thành phố không thiếu những số phận lưng chừng như thế, thậm chí họ có thể chiếm số rất đông. Covid-19 làm cuộc sống họ biến đổi, đặt họ vào những bước ngoặt lớn, những thay đổi có thể là cả một cuộc đời. 
Thậm chí, có thể kéo họ từ lưng chừng xuống đáy. 
Theo Hồng Việt (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.