Những giọt sương bay lên trời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong đêm 30-9 hồi hộp ấy, các ô cửa sổ của chung cư sáng đèn đến khuya, vọng từ đó là tiếng cười nói. Nhiều người dậy rất sớm để tập thể dục, mua đồ ăn và không quên nhắc nhau đeo khẩu trang an toàn.

Khi người người đang rộn ràng với quyết định nới lỏng giãn cách của chính quyền TP HCM, chúng tôi lặng lẽ mang giỏ trái cây và bó hoa sang căn nhà hàng xóm sát vách. Trước mặt tôi là người đàn ông 50 tuổi, tóc bạc trắng sau 4 tháng với biến cố gia đình ập tới liên hoàn: chứng kiến cha mẹ lần lượt qua đời trong vòng tay mình.

Đủ thứ lo

Đầu tháng 7-2021, khi dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều nơi tại TP HCM, chung cư cũ 4 tầng nơi chúng tôi sinh sống được ngành y tế phát hiện ca nhiễm đầu tiên. Tôi cũng không nghĩ có lúc mình sẽ thành chứng nhân bất đắc dĩ của cơn đại dịch lịch sử.

Ngày đầu tiên phong tỏa, dân trong chung cư í ới chia sẻ nhau từng bó rau, nắm muối. Thế nhưng, mọi thứ dần rơi vào im bặt, đứt gãy từ lần xét nghiệm thứ hai phát hiện số người nhiễm tăng lên theo cấp số nhân: 10 ca vọt lên 30, 60 rồi đến 100, rồi 200 ca. Trong đó có cả gia đình sát vách nhà tôi, gồm người con trai lớn và hai vợ chồng già.

 

Những hoạt động buôn bán nhỏ đã bắt đầu trở lại ở khu dân cư
Những hoạt động buôn bán nhỏ đã bắt đầu trở lại ở khu dân cư


Đôi lúc, ngồi từ nhà mình nghe tiếng ho yếu ớt vọng lại, tôi tự hỏi họ giờ như thế nào, sao vẫn chưa đến bệnh viện? Rất nhiều chuyến xe đã đưa F0 đi? Chiều 28-7, người ta đem áo quan tới, người chết nhanh chóng được mang đi. Không tiếng khóc to, không trống kèn, không láng giềng tới nhang khói như lâu nay dân ở chung cư này vẫn làm. Chỉ có tiếng nấc và nắm tay đập vào tường của người con.

Người con trai kể ban đầu giấu mẹ chuyện ba mất, dù là ở trong nhà với nhau. Nhưng vài ngày sau, do mẹ gặng hỏi quá nhiều nên anh phải nói sự thật. "Từ đó, sức khỏe mẹ tôi dần yếu đi và cũng qua đời" - anh kể trong xúc động. Bà rất sợ chết. Năm ngoái, nghe dịch, bà dặn dò mọi người cẩn thận, đeo khẩu trang, sát khuẩn cho an toàn. Nhiều lần gặp những người ở xung quanh, bà hỏi dò đã tiêm vắc-xin ở đâu và tâm sự nếu có thông báo là bà sẽ tiêm đầu tiên "vì để dành tiền sẵn rồi".

Nhưng không ngờ, ông bà không thể đợi đến ngày dân chung cư chúng tôi được tiêm vắc-xin miễn phí.

Thời điểm đó, cái chết rất ít được nhắc đến. Nhưng chuyện mất mát, tử vong đã là áp lực rất gần với mỗi người. Tiếng kêu than vì thở không được, ho ra máu, xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội. Người ta lo lắng vì đủ thứ, kể cả lo không tìm được chỗ nằm ở bệnh viện. Những người mất ở chung cư này được khiêng đi nhiều hơn, cùng với đó là những bình ôxy, vài bao đồ.

Rồi đã có một trung thu đáng được xem là sự kiện kỳ lạ, đáng nhớ của trẻ nhỏ nơi đây. Trong thiếu thốn, các em nhận được gói quà đầy ý nghĩa từ chú Cuội, chị Hằng mà phiên bản là các anh bộ đội hoặc các cô công tác ở phường. Mọi năm, dịp này, con nít bận rộn với núi bánh kẹo và đèn lồng Trung Quốc, người lớn làm việc tới khuya. Nay nghe tiếng trống lân phát ra từ chiếc xe lấp lánh chầm chậm chạy dưới sân chung cư, người lớn và trẻ nhỏ đu bám lan can cửa sổ nhìn theo, háo hức.

Nhiều hoạt động đã trở lại

Thành phố nới lỏng giãn cách, nhiều hoạt động đã trở lại. Người công nhân vệ sinh đến từng nhà gõ cửa lấy rác vẫn vô tư gọi "ông bà Hai ơi, chú Ba ơi, cho cháu lấy rác", không hay biết mình sẽ chẳng bao giờ còn được nghe lời ông Hai, bà Hai... đáp lại.

Chung cư cũng không còn thấy bà cụ mỗi chiều móc rác lượm ve chai. Hai ông lão vẫn ngồi đánh cờ tướng dưới cầu thang cũng đã mất. Anh tài xế xe tải, anh thợ điện, ông già ở quán cà phê hoa sứ… cũng qua đời mà không ai hay biết.


 

 Đã có những ngày dân chung cư xếp hàng chờ đến lượt lấy mẫu xét nghiệm
Đã có những ngày dân chung cư xếp hàng chờ đến lượt lấy mẫu xét nghiệm.


Cuộc đào thải khắc nghiệt từ con virus quái ác đã dừng lại với hơn 200 ca dương tính và 11 người tử vong ở chung cư 190 hộ của chúng tôi - một lát cắt của bức tranh "cuộc chiến chống dịch Covid-19" trong toàn thành phố. Ngày thành phố gỡ bỏ lệnh phong tỏa, tất cả cư dân ở chung cư này cũng đã hoàn thành việc tiêm vắc-xin mũi 2 ngừa Covid-19.

Thật ra, âm thanh của sự sống ở đây đã bắt đầu từ tháng trước, khi những người F0 khỏi bệnh từ bệnh viện dã chiến quay về và những người còn lại hoàn thành tiêm vắc-xin mũi 1. "Về mấy ngày rồi?", "Hồi đó ở bệnh viện dã chiến nào?", "Tôi về 10 ngày nay" - những người hàng xóm tranh thủ hỏi han nhau khi đứng trước cửa xếp hàng nhận rau quả từ lực lượng của phường xuống cứu trợ. Âm thanh í ới vui tai - thứ mà suốt 3 tháng trước tưởng có nguy cơ sẽ biến mất ở nơi này.

Buổi sáng, anh con trai độc thân sau khi đốt vàng mã cho cha mẹ đã đem rau củ cho chị cựu F0 ở một mình nuôi con trong nhà đối diện. Hôm sau, anh đem điện thoại qua nhờ chị cài phần mềm chứng thực để di chuyển trong nội thành, chuẩn bị làm ăn trở lại. Suốt 3 tháng qua, anh vẫn một mình trong căn nhà quạnh vắng. Mỗi ngày trôi qua dài đằng đẵng. "Giờ còn có mình ên buồn lắm, ăn uống chẳng bao nhiêu" - người con trai độc thân tâm sự với chị cựu F0.

Thấy một gia đình ở tầng 1 chung cư dùng vòi nước tăng áp cực mạnh để xịt rửa toàn bộ nền nhà, nhiều người từ các căn hộ khác cũng cũng xắn tay áo vệ sinh quanh nhà. Nhiều người đeo khẩu trang cẩn thận, mang cả kính chắn giọt bắn, ra ngoài bắt chuyện, cổ vũ quét dọn, không khí càng rôm rả.

Nhìn phía trước và bước tới

Ở nhà cách tôi 2 căn, người vợ có chồng mất trong khu cách ly đang kể với mọi người về lời dặn dò cuối cùng khi bà lau người cho ông: "Bà nhớ phải rửa sạch tay, mang khẩu trang cẩn thận và tiếp tục sống khỏe mạnh". Rồi bà nước mắt lưng tròng. Trước đây, mỗi sáng, ông dắt xe đạp xuống cầu thang cho bà đi bán bánh. Ngay sáng đầu tiên khi thành phố nới rộng giãn cách, bà thui thủi dắt chiếc xe đạp xuống cầu thang. Một cậu thanh niên chạy tới dắt xe giùm bà.

Xóm giềng bắt đầu có những giây phút say sưa nghe câu chuyện của nhau, dù chỉ nghe kể qua khẩu trang và phải nhìn vào mắt nhau nhiều hơn. Hàng xóm cũng đã gõ cửa nhà người khác, thoải mái gọi tên để cùng nhau xuống nhận gạo, nhận rau.


 

Nhịp sống đang dần hồi sinh
Nhịp sống đang dần hồi sinh


Toàn bộ dân chung cư được thông báo xuống nhận gói an sinh và 5 kg gạo. Món quà có lẽ là cuối cùng của mùa dịch này nhưng vẫn đầy cảm giác ấm lòng. Trong không gian ấy, tiếng đàn piano của người nghệ sĩ mù vang lên, dõng dạc và mãnh liệt hơn thường ngày.

Suốt 3 tháng qua, mỗi tối từ 18 giờ trở đi là đã bao trùm không khí yên lặng đến lạnh người. Nhưng trong cái đêm 30-9 hồi hộp ấy, các ô cửa sổ sáng đèn đến khuya, vọng ra từ đó là tiếng cười nói của trẻ con, người lớn. Mới 5 giờ sáng, nhiều người đã dậy tập thể dục, mua đồ ăn sớm và không quên nhắc nhau đeo khẩu trang an toàn.

Tiếng rao "Bánh mì Sài Gòn sáu ngàn một ổ" vang lên như báo hiệu một ngày bình thường đã trở lại nơi này. Chị giữ xe, bà bán bánh cuốn, vợ chồng anh bán gạo - từng là những F0 - nay đã mở dịch vụ trở lại trong sự ủng hộ nhiệt tình của mọi người. Cả anh chạy xe ôm công nghệ - người được phát hiện mắc Covid-19 đầu tiên của chung cư - khỏi bệnh đã 2 tháng qua và nay khoác lại đồng phục để đi làm từ sáng sớm.

Người nằm xuống cũng đã yên nghỉ. Người còn sống phải động viên nhau vui vẻ, lạc quan, nhìn về phía trước mà vực dậy và bước tới. Ai từng yêu thành phố này, yêu tiếng rao hàng quán mỗi ngày, tiếng còi inh ỏi dưới lòng đường mỗi lúc kẹt xe... hẳn đều khát khao nhịp sống sôi động kia nhanh chóng trở lại.

Có những giọt sương đã bay lên bầu trời xanh cao, ban giọt mưa mát lành xuống thành phố trong ngày mở cửa.

 

 Khi thành phố nới lỏng giãn cách, chung cư chúng tôi có những người bỗng như hơi nước, ngỡ như biến mất, không dấu vết. Trong hàng triệu người đang hân hoan vui mừng, có không ít người lau nước mắt vì người thân của họ không thể nhìn thấy cảnh những hàng rào được dỡ đi. Bầu trời như trở lại trong xanh hơn.


Bài và ảnh: Lê Thoa
(Dẫn nguồn NLĐO)

 

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.