Những chuyện không có trong hồ sơ ở bệnh viện dã chiến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những ngày này, khi nhiều người bắt đầu bàn tới chuyện tái thiết cuộc sống, trở lại trạng thái “bình thường mới” thì đội ngũ y, bác sĩ ở Bệnh viện dã chiến số 4 (Vĩnh Lộc B, Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) lại sốt sắng lo chuyện vận động quyên góp đủ sách vở và dụng cụ học tập cho các trẻ em đang là F0. Bởi ở đây, nhiều đứa trẻ đang phải vật lộn với đủ mọi khó khăn vì học online...
Những người “ăn mày” cao cả
Cách nay ít ngày, chị Từ Nghi, “mama tổng quản” hậu cần Bệnh viện dã chiến số 4, bắt gặp tấm hình các em nhỏ đang chụp đầu vào nhau xem cuốn sách, chị xúc động không nói lên lời. Sau vài tin nhắn, chị biết được các bé nhập viện, học online không đem tập vở hay bất cứ đồ dùng học tập, đi cách ly chung ba mẹ nên đành lấy bìa carton và xin viết của nhân viên y tế để học tạm.
Để có “hành trang” bước vào năm học mới, phải kể đến công sức to lớn mà lặng thầm của “má” Nghi và “má” Thủy (cán bộ điều hành Phòng Công tác xã hội bệnh viện) kết nối mọi đầu cầu và nhắn tin liên tục xin xỏ các nơi để được hỗ trợ. “Má” Thủy cho biết, phải dùng từ “xin xỏ” mới có trọng lượng, chứ những mỹ từ khác khó đáp ứng được mong mỏi tha thiết, cấp bách và chính đáng nhất lúc bấy giờ.

Niềm vui nhận tập vở của trẻ em F0.
Niềm vui nhận tập vở của trẻ em F0.
Ở bệnh viện dã chiến, dịch bệnh cướp đi cơ hội được hưởng hạnh phúc tuổi thơ của trẻ em. Đã vậy, rất nhiều trẻ còn thiếu điều kiện, thiếu ăn thiếu mặc, thiếu tình thương gia đình hay đau đớn tột cùng khi có những đứa trẻ đã phải chịu phận mồ côi, mất ông bà, cha mẹ quá sớm vì dịch bệnh. Bởi vậy, các “má” xin đồ cho con, cho cái ăn, cái học của các con thì chưa bao giờ nhiệt tình và sốt sắng hơn thế.
Kết thúc gần một tuần quyên góp, các bé học sinh tiểu học tại các block Bệnh viện dã chiến số 4 đều được nhận tập bút. Chúng vui sướng, cắm cúi nắn nót từng đường chữ, dù lưng phải khum và tư thế ngồi học chưa được vẹn chuẩn do không có bàn ghế. Ánh mắt trẻ sáng rỡ, ánh lên màu hạnh phúc xen lẫn sự biết ơn, ngưỡng mộ khó nói thành lời của chúng dành cho các “giáo viên” mặc đồ bảo hộ xanh trắng kín mít, chỉ chừa mỗi đôi mắt cười hiền, vừa xoa dịu, vừa “gõ đầu” chúng mỗi đêm.
“Chị ơi xong các bé cấp 1 rồi. Giờ cho tụi em xin thêm cho các bạn cấp 2 nha. Để tụi nó thấy các em nhỏ có mà tụi nó chưa có, tụi nó buồn”. “Chị ơi, xin thêm ghế nhựa cho tụi nó ngồi học. Lấy ghế làm bàn và ngồi đất cho dễ viết...”, đó là những tin nhắn, những cuộc điện thoại “xin xỏ” tha thiết từ các “thầy cô” bên trong bệnh viện dã chiến. Khi được thông báo có hàng, họ reo lên vui sướng, chạy thật nhanh đi làm shipper. Mọi vất vả, mệt mỏi của ca trực dường như tan biến nhường chỗ cho niềm vui cùng với con trẻ.
Tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng thành phố, các em bé F0 đang tuổi ăn tuổi lớn, nay phải ngày đêm dốc sức cho việc thở, trong đó nhiều bé cả ba mẹ, người thân đều phải cách ly điều trị ở các bệnh viện dã chiến nên không thể ở cạnh. Tạm thời các bé được gửi lại bệnh viện, gửi gắm vào bàn tay chăm sóc của các cô y, bác sĩ. Hiểu được tình cảnh gia đình của bé nên nhân viên y tế tại đây luôn nỗ lực ngày đêm chăm sóc toàn diện, thay cho ba mẹ các bé. Đã có các cô bác khoác áo “phi hành gia” phủ sóng mọi mặt trận, đưa đẩy mọi cung bậc cảm xúc. Năm học mới này, có rất nhiều gia đình không được ở bên nhau, cũng có thể mất nhau vĩnh viễn. Nhưng, những người còn ở lại thì nhất định phải vui, phải dành nhiều tình yêu thương lấp đầy những khoảng trống.
Hơn 4 tháng dịch COVID-19 quét qua, nơi này, chỉ có những bước chân âm thầm vội vã bất kể ngày đêm và cũng chỉ còn lại tiếng “píp píp” của những máy thở, monitor hay âm thanh báo động giảm áp lực oxy nguồn... Những tháng ngày kiệt quệ đã kìm nén tâm hồn của các anh chị em bác sĩ, điều dưỡng xa nhà quá lâu.
Và đêm Trung thu vừa qua, xin phép thay cho những âm thanh đấy, là những điệu nhạc rộn ràng tiếng trống ếch, nhộn nhịp bởi đèn hoa sặc sỡ, là những linh vật yêu thương, lồng đèn nghệ thuật do chính các y, bác sĩ sáng tạo và cố tình mang đến, để chốn hoang sơ này, sẽ mãi vương vấn một mùa trăng ấm áp, vui tươi với mọi người, đặc biệt là các em nhỏ. Tất cả đêm nay lại hòa vào một, trong cùng không gian âm nhạc và lễ hội đặc biệt.

Lấy mặt giường làm bàn học.
Lấy mặt giường làm bàn học.
Đủ đầy sự ấm áp
Hai cục cưng mới 3 tháng và 5 tháng, đồng cảnh ngộ bị bỏ rơi khi vừa chào đời tại một bệnh viện lớn ở quận Bình Thạnh. Dịch bệnh tràn về, các y, bác sĩ chăm nuôi bọn trẻ mắc F0, số phận hai đứa trẻ cũng khó thoát. Không đủ điều kiện cách ly tại nhà và cũng vì nhà không có để chứa nên hai đứa nhỏ được đưa đến cách ly điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 4.
Các nhân viên y tế tiếp nhận ai cũng xót, tranh nhau ẵm bồng, đút sữa, rồi ru ngủ. Có tình nguyện viên F0 đã đủ điều kiện xuất viện, nay xin nán lại thêm ít ngày phụ việc chăm hai bé. Mà các cô lại là “vú em đời đầu”, chưa từng có kinh nghiệm chăm bé, họ luống cuống trải nghiệm cảm giác làm mẹ. Thay nhau chăm, thay nhau ngủ, ăn cũng lùa nhanh vài đũa cơm để được ra với hai em, thương như con em trong nhà.
Chu cấp vòng ngoài, bỉm sữa quần áo nhỏ xinh, “má” Thủy chạy đi lo đủ mang vô cho hai con, thì vẫn phát hiện thiếu bình sữa, núm vú với thau tắm. Thế là “má” Nghi chăm lo hậu cần tức tốc qua siêu thị gần đó hốt về đủ. Hai bà chị chăm lo đời sống F0 này luôn chăm chút để mỗi gói quà gửi đến cho các bé cơ nhỡ được sớm và nhanh nhất. Từng hộp sữa, bịch tã xếp ngay ngắn, một ít cháo gói dinh dưỡng, vài chai dầu tắm thơm tho... có thể không nhiều nhưng đủ sự ấm áp.
Bé trai F0 đêm về lạ sữa, tiêu chảy, các cô lột bỉm, ôm con rồi bối rối chạy tới chạy lui, sau đó quyết định cho con vào bồn rửa tay giải quyết, tắm rửa sạch sẽ, rồi mát quá không chịu ngủ, cả hai mớm sữa nhiệt tình. Miễn no sữa là được, bồng bế một hồi, hai chị em cũng chịu yên giấc. Bác sĩ Cẩm Xuyên miệt mài nhận bệnh nhưng cũng tranh thủ ghé vào thăm hai con. Là bác sĩ nhi nên bác Xuyên sẵn lòng thị phạm và truyền nhiều chiêu thức chăm em bé cho bạn Hoa tình nguyện viên. Các cô cháu ngồi bệt xuống nhà, mỗi cô một bé, bật nhạc thiếu nhi điện thoại lên rồi lí la lí lắc cùng bọn nhỏ.
Mùi yêu thương chân thành rất kỳ lạ như vậy đó, những người xa lạ có duyên đến với nhau, chủ động dành thời gian cho nhau, ôm nhau vỗ về trao giấc ngủ, có lúc buồn ngủ, mệt mỏi nhưng không bao giờ gắt gỏng, mãi ấm lòng hòa nhau liên khúc khóc nhè cùng lời ru khe khẽ.

Bé T. kiên cường vượt qua cửa tử và sẽ sớm được trở về gia đình.
Bé T. kiên cường vượt qua cửa tử và sẽ sớm được trở về gia đình.
Sự hồi sinh kỳ diệu
P.T.C.T chỉ mới 6 tuổi, đã “tốt nghiệp” và nhận thẻ xanh cùng lúc hai bệnh tử thần: COVID-19 và sốc sốt xuất huyết Dengue nặng. Sau khi phát hiện dương tính qua test nhanh COVID-19 và cách ly tại nhà cùng cả nhà được 9 ngày, bé T. (nhà ở vùng đỏ Vĩnh Lộc B, Bình Chánh) sốt cao liên tục 3 ngày và thở mệt, người lả đi. Những tưởng COVID-19 gây trở nặng nhưng khi đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố, em ngã quỵ và bứt rứt, mạch nhanh nhẹ không còn bắt được, huyết áp cũng tụt sâu không đo nổi. Test nhanh và xét nghiệm PCR COVID-19 khẩn lại trả về âm tính. Xét nghiệm máu và triệu chứng nặng đổ dồn vào căn bệnh nguy hiểm hơn rất nhiều, em dương tính với virus Dengue gây sốt xuất huyết.
Bé T. vào sốc sâu, rối loạn đông máu nặng, xuất huyết dạ dày, tràn dịch ổ bụng và hai màng phổi, suy hô hấp, tổn thương gan và được đặt ống nội khí quản giúp thở nhanh chóng, chọc màng bụng, dùng thuốc vận mạch, truyền dịch đại phân tử, truyền máu và liên tục vô vàn hỗ trợ hồi sức tích cực khác... Nhiều chức năng cơ quan bị ảnh hưởng nặng nề bởi sốt xuất huyết.

Có vở và bút viết, các em vô cùng háo hức học tập tại khu cách ly.
Có vở và bút viết, các em vô cùng háo hức học tập tại khu cách ly.
Hơn 20 ngày đối mặt với hai mặt bệnh nguy hiểm, các y, bác sĩ hồi sức tích cực (ICU) luôn bên em, chấp nhận rủi ro, cẩn thận chăm em trong bộ đồ bảo hộ cả tuần lễ sau đó. Và kết quả tiến triển khả quan đã đáp lại nỗ lực của tất cả. Em đã âm tính thêm hai lần xét nghiệm PCR COVID-19 và đang hồi phục kỳ diệu.
Một mùa nhập học lớp 1 đáng nhớ, không tiếng trống trường, cũng chẳng kịp cơ hội căng mắt tựu trường online qua màn hình cùng bè bạn. Xung quanh em lúc bấy giờ là tiếng máy móc và tiếng chân cấp cứu chạy chữa của y, bác sĩ, cùng rất nhiều lần chọc ngoáy mũi xét nghiệm theo dõi COVID -19. Chứng kiến rõ nét hơn nụ cười của em ngày bình phục, hòa cùng nụ cười không thể hạnh phúc hơn của y, bác sĩ khi đã tự tin bỏ bộ đồ phòng hộ cá nhân, họ hiểu rằng, mọi cố gắng đã được đền đáp xứng đáng.
Ngọc Hoa (cand.com.vn)

https://antg.cand.com.vn/Phong-su/nhung-chuyen-khong-co-trong-ho-so-o-benh-vien-da-chien-i629964/

Có thể bạn quan tâm

Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...