Bàn tang trong bệnh viện dã chiến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giữa những ngày dịch Covid-19 tại TP.HCM căng thẳng nhất, chị Nguyễn Thị Thùy Dung (nhân viên y tế Bệnh viện đa khoa H.Vũ Thư, Thái Bình) đang theo đoàn tăng cường Bệnh viện dã chiến số 6 (P.An Khánh, TP.Thủ Đức) thì nhận tin bố mất.
Trong đêm, chị chỉ kịp thốt lên tiếng gọi “Bố ơi” lần cuối qua điện thoại và hôm sau, cũng một mình chị lại ngồi dưới bàn tang khóc bố.
Kết nối những cuộc điện thoại cuối cùng
Tính đến ngày 2.9, đoàn y bác sĩ tỉnh Thái Bình tăng cường TP.HCM chống dịch đã tròn 50 ngày. Nguyễn Thị Thùy Dung chia tay gia đình nhận nhiệm vụ giữa lúc bố chị vừa bị tai nạn giao thông phải nằm liệt. Vì nhiệm vụ được giao, chị vẫn lên đường và hẹn ngày kiểm soát được dịch sẽ về chăm sóc bố báo hiếu. Những ngày ở TP.HCM chị vẫn gọi về cho bố thường xuyên, biết bố vẫn khỏe nên chị cũng yên tâm công tác.

Dù chuyện gì xảy ra, y bác sĩ Bệnh viện dã chiến số 6 luôn hết lòng vì bệnh nhân. Ảnh: Lam Ngọc
Dù chuyện gì xảy ra, y bác sĩ Bệnh viện dã chiến số 6 luôn hết lòng vì bệnh nhân. Ảnh: Lam Ngọc
10 ngày đầu, chị phụ trách theo dõi bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nhẹ tại Bệnh viện (BV) Phạm Ngọc Thạch (Q.5, TP.HCM). Sau đó, chị theo đoàn tăng cường cho BV dã chiến (DC) số 6. Ở đây, mọi người thay nhau chăm sóc hàng trăm bệnh nhân mỗi ngày. Trong số ấy có người đã trở nặng, mất hết ý thức nên việc chăm sóc phụ thuộc vào nhân viên y tế.
Trước khi có dịch, các chị hỗ trợ bệnh nhân là chính. Tuy nhiên, dịch Covid-19, hầu hết bệnh nhân nhập viện một mình, không có người thân đi theo chăm sóc. Những bệnh nhân có thể tự sinh hoạt cá nhân không nói nhưng những bệnh nhân lớn tuổi thì cần được giúp đỡ cả việc đại, tiểu tiện. Dù áp lực nhưng thương người bệnh, chị Dung vẫn ân cần.
“Đôi khi nhìn người già sinh hoạt khó nhọc, mình khóc vì chạnh lòng nhớ bố. Trong lúc chăm sóc, có nhiều người nhờ mình gọi điện cho con cái, nhờ chuyển lời dặn dò khi thấy sức khỏe đã yếu. Hầu hết những lời nhờ vả ấy mình đều thực hiện hết”, chị Dung kể.
Ở BVDC số 6 có bệnh nhân Kim Cúc (45 tuổi) luôn lạc quan, vui vẻ. Những lúc khỏe, làm được gì chị tự làm để giảm áp lực cho y bác sĩ. Hôm đó, khi vừa thấy chị Dung, chị Cúc đã nói nhỏ nhờ chị Dung mua giúp mấy gói băng vệ sinh. Vậy mà hôm sau chị Dung bàng hoàng nghe tin chị Cúc mất.
Nhiều ngày làm việc tại BVDC thời dịch, dù đã cố quen với sự mất mát nhưng chị Dung vẫn không thể đứng vững trước những bệnh nhân hấp hối.
Nhớ lại một ca mắc Covid-19 là cụ già đã ngoài 80 tuổi, chị Dung mắt đỏ hoe. “Khi nhập viện cụ đã rất yếu và bị thất lạc thông tin người nhà. Điều trị ở BV mấy ngày thì bệnh trở nặng. Trong lúc hấp hối, cụ níu tay tôi thều thào xin gọi điện video cho người nhà để nhìn mặt các con lần cuối. Tôi ghé tai sát vào cụ để hỏi số điện thoại nhưng có lẽ do tuổi già và bệnh nặng nên mãi cụ không nhớ được số điện thoại của ai. Chúng tôi cầm tay cụ thay con cháu trong phút lâm chung nhưng nhìn cụ tôi biết có một sự nuối tiếc không thể xoa dịu được”, chị Dung xúc động kể.
Bệnh dịch cướp mất bệnh nhân ngay trước mắt chị Dung khiến nhiều ngày chị cứ sống trong những cảm xúc mênh mang.

Bàn thờ bố chị Dung được lập ngay trong Bệnh viện dã chiến số 6
Bàn thờ bố chị Dung được lập ngay trong Bệnh viện dã chiến số 6
Vĩnh biệt bố... qua điện thoại
Bố chị Dung bị xơ gan, sau đó bị tai nạn không đi lại được. Vốn định sau chuyến công tác, chị sẽ dành nhiều thời gian chăm sóc bố bù lại những ngày xa cách. Vậy mà đêm 1.9 người thân gọi điện báo bố chị đã yếu lắm. Nhận điện thoại, lại nhớ đến những bệnh nhân hấp hối mình chăm sóc thời gian qua, chân tay chị bủn rủn. Một tiếng sau, em trai chị Dung gọi điện video để chị gặp mặt bố lần cuối. Cuộc kết nối ngắn ngủi chẳng khác gì những cuộc điện thoại chị từng kết nối giúp bệnh nhân trước đây, có điều lần này là bố của chị.
Nhìn mặt người bố chị yêu thương qua điện thoại lại nghĩ đến hoàn cảnh công tác xa xôi, thương bố phút cuối không thể gặp mặt, chị bật khóc gọi “Bố ơi” qua điện thoại. Trên màn hình lúc này bố chị nở một nụ cười. Có lẽ ông muốn động viên con gái yên tâm ở lại chống dịch. Bởi khi chị chọn nghề y, ông cũng biết sẽ có những lúc cần phải hy sinh, và đây là lúc bệnh nhân đang cần chị.
Vẫy tay chào bố lần cuối trong tiếng nấc nghẹn, chị Dung ngồi một góc nhớ mãi về những kỷ niệm với bố.
Dù rất buồn nhưng chị cũng biết tình hình dịch bệnh căng thẳng, không muốn việc riêng của mình ảnh hưởng tới đoàn công tác nên chị không báo cáo với tổ chức việc bố mất. Chị định sẽ chỉ khóc hết đêm rồi ngày mai lại vào việc.
Trước nỗi đau của đồng nghiệp chung phòng, cũng là người có cha mẹ già, chị Đặng Thị Hảo (35 tuổi, điều dưỡng Khoa Nội BV đa khoa H.Vũ Thư, Thái Bình) chia sẻ với trưởng đoàn để mong có sự động viên kịp thời. Khi biết tin này, trưởng đoàn công tác từ Thái Bình phối hợp với Ban Giám đốc BVDC số 6 quyết định lập một bàn thờ để chị Dung để tang bố.

Lực lượng kiểm soát quân sự Bệnh viện dã chiến số 6 viếng bố chị Dung
Lực lượng kiểm soát quân sự Bệnh viện dã chiến số 6 viếng bố chị Dung
Chị Nguyễn Thị Hiền, phụ trách công tác hậu cần BVDC số 6, nhờ người tìm khắp nơi mua được mấy chậu cúc vàng, một đĩa trái cây và in khung tấm hình người bố mới mất của chị Dung. Bàn thờ được bày biện đơn giản nhưng trang trọng ngay trong phòng để chị Dung để tang bố và cũng là chỗ để đồng nghiệp từ cả ba miền tới thắp hương, chia sẻ nỗi đau cùng chị.
Dù những ngày này bệnh nhân nhiều nhưng hầu hết nhân viên y tế vẫn thay nhau vào thắp hương cho người đã khuất và trao lời động viên với đồng nghiệp. Ban giám đốc cũng thăm viếng ân cần. Cả các anh dân quân, kiểm soát quân sự… ngày thường có khi chưa một lần chào nhau cũng tới thắp hương. Ban chỉ huy quân sự phụ trách an ninh cho BVDC số 6 đã làm lễ mặc niệm cho bố chị Dung trang trọng. Đó cũng thay lời động viên nhiều ý nghĩa.
Quỳ gối trước bàn thờ bố, lúc này chị Dung đã bình tâm lại. Trong “thời chiến” mà anh chị em vẫn quan tâm đến nỗi đau của chị khiến chị cảm thấy ấm áp. Chị nói: “So với nỗi đau có người thân mất vì Covid-19 mình cảm thấy may mắn hơn. Ít nhất, bố mình mất cũng còn có người thân ở cạnh. Còn những nạn nhân Covid-19 họ ra đi một mình. Chắc sẽ… cô đơn lắm”.
Theo Lam Ngọc (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.