Trẻ mồ côi trong đại dịch Covid-19 - Bài cuối: Mở rộng vòng tay với trẻ bị thiệt thòi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
"Cơn bão" Covid-19 mấy tháng qua đã khiến hơn 1.500 trẻ ở TP.HCM bỗng chốc mồ côi. Những ngày qua, danh sách trẻ em có cha, mẹ mất do Covid-19 liên tục được các cơ quan chức năng TP.HCM cập nhật và cộng đồng đang dang rộng vòng tay chia sẻ, chăm lo.

Siêu âm cho một bệnh nhi Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến 11. Ảnh: BVCC
Siêu âm cho một bệnh nhi Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến 11. Ảnh: BVCC
Mẹ mất vì Covid-19, bé lớp 3 sống nhờ phòng trọ hàng xóm
Bé Kha Thị Dung (9 tuổi) năm nay lên lớp 3 một trường tiểu học ở quận 12. Gia đình bé là dân tộc Thái, quê ở Con Cuông, Nghệ An. Ba mẹ bỏ nhau sớm, bé theo mẹ vào Sài Gòn sống ở phòng trọ tại phường Tân Thới Nhất mấy năm nay. Mẹ làm thợ may, công việc thất thường.
Cuối tháng 7, mẹ bé là Kha Thị Truyền mất vì Covid-19 tại bệnh viện, bé chẳng kịp được ở bên mẹ những ngày cuối đời. Gia đình hàng xóm cũng ở trọ, thương bé một mình nên đưa bé về ở cùng. Chòm xóm người góp gạo, người góp thực phẩm giúp đỡ.
Thầy hiệu trưởng trường của bé Dung chia sẻ, bé thuộc diện khó khăn từ mấy năm nay. Cũng vì khó khăn quá nên thầy nhận bé vào học bán trú, dù trường thầy đang quá tải, lớp nào cũng hơn 50 học sinh. Bé nay mới lên lớp 3, trễ một năm so với chúng bạn.
Suốt hai năm học, bé được hỗ trợ nhiều chi phí học tập và bán trú nhưng hết năm học rồi, bé vẫn còn nợ trường khoảng 17 triệu đồng nhưng ông thầy cũng tìm cách xí xóa hết.
Mẹ bé mất vào dịch đang cao điểm, gần hết số thầy cô của trường tham gia tình nguyện chống dịch, thầy vẫn kêu gọi trong đội ngũ và góp được 9 triệu để hỗ trợ cho bé. Bà ngoại của bé ở quê Nghệ An đã già yếu, bé có anh trai cùng mẹ khác cha cũng hiện sống ở quê và có liên hệ đợi hết dịch sẽ đón bé về quê ở với bà ngoại.
Bé Dung chỉ là một trong hơn 1.500 trẻ mồ côi, có nguy cơ gián đoạn việc học hành vì Covid-19.
Chị Nguyễn Ngọc Nhung, Phó trưởng ban thiếu nhi Thành đoàn, Phó chủ tịch Hội đồng Đội TP.HCM cho biết, ngay khi nhận thông tin về những trường hợp thiếu nhi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Hội đồng Đội TP.HCM đã tính câu chuyện lâu dài là lo cho việc học của các em.
Hội đồng Đội đã phát động chương trình kết nối học bổng bảo trợ học tập cho các em đến hết THPT. Chương trình sẽ hỗ trợ học bổng với mức 3 triệu đồng/năm học cho các em học sinh mất cha, mẹ do dịch bệnh Covid-19, các em đang sống với ông bà hoặc người giám hộ mà hiện nay ông bà hoặc người giám hộ mất hoặc rơi vào hoàn cảnh khó khăn đặc biệt do Covid-19; các em thuộc hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, ưu tiên cho con của lực lượng tuyến đầu đang tham gia phòng chống dịch bệnh.
Hơn một tháng qua chương trình đã nhận được đăng ký của hơn 150 nhà hảo tâm, cá nhân, tập thể với hơn 400 suất học bổng cho đội viên, học sinh với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng. Không ít các văn nghệ sĩ, kiều bào, du học sinh ở nước ngoài... đã cùng chung tay chia sẻ với các gia đình và các em thiếu nhi trong thời điểm khó khăn này.
Là một trong những nghệ sĩ đóng góp học bổng cho các bé mồ côi cha mẹ vì Covid-19, ca sĩ Ngô Kiến Huy chia sẻ: "Mình muốn chia sẻ với các em, cùng mong muốn các em được tiếp thêm sức mạnh tinh thần để vượt qua giai đoạn khó khăn, đau thương này. Bởi lẽ liều thuốc tinh thần rất quan trọng với các em lúc này. Các em rồi sẽ có một tương lai tốt hơn".
Sẽ trợ cấp các em đến 22 tuổi

Cấp cứu một bệnh nhi Covid-19 nặng tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Ảnh: BVCC
Cấp cứu một bệnh nhi Covid-19 nặng tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Ảnh: BVCC
Hiện nay, các quận, huyện và TP Thủ Đức đã và đang vận động chăm sóc, hỗ trợ cho trẻ có cả cha mẹ qua đời vì Covid-19 hoặc chỉ có cha hoặc mẹ qua đời vì Covid-19 người còn lại nhiễm đang điều trị trong khu cách ly tập trung có hoàn cảnh khó khăn từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng/ trẻ kèm gạo, sữa...
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho hay, hiện có rất nhiều chính sách hỗ trợ trẻ em mồ côi nói chung và trẻ mồ côi do Covid-19 nói riêng. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã có quyết định hỗ trợ 2 triệu đồng mỗi trẻ mồ côi cha mẹ, trẻ có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ do dịch Covid-19 từ ngày 27/4 đến 31/12/2021. Trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm Covid-19 được sinh ra từ ngày 27/4 đến 31/12/2021 cũng được hỗ trợ 1 triệu đồng mỗi trẻ. Nguồn từ Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam.

Bé gái mồ côi vì Covid-19 được lên xe đưa về với người thân ở quê. Ảnh: BVCC
Bé gái mồ côi vì Covid-19 được lên xe đưa về với người thân ở quê. Ảnh: BVCC
Hội Bảo trợ trẻ em và Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM đã thống nhất ký công văn gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM và các sở, ngành có liên quan về những kiến nghị của các cơ sở nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em ngoài công lập.
Đại diện các cơ sở cho biết, thực tế phát sinh từ dịch bệnh, thời gian qua có các trường hợp trẻ em không có người chăm sóc, nuôi dưỡng do có cha, mẹ, người chăm sóc trực tiếp mất vì Covid-19 hoặc người chăm sóc trực tiếp các em phải đi cách ly tập trung, nhưng địa phương không tìm được người chăm sóc thay thế nên phải liên hệ cơ sở để đề nghị gửi các em vào. Tuy nhiên, nhiều cơ sở do không đảm bảo cơ sở vật chất và có nguy cơ lây nhiễm cao nên không thể tiếp nhận.
Một số cơ sở cũng thông tin tại đơn vị mình đã có nhân viên và trẻ bị nhiễm Covid-19, có cơ sở lên tới 40 - 50 trường hợp, do đó việc quản lý, chăm sóc các em gặp nhiều khó khăn, nhất là nơi có nhiều trẻ nhỏ.
Trước tình hình dịch Covid-19 kéo dài, đến nay một số cơ sở gặp khó trong việc vận động các nguồn hỗ trợ tài chính, lương thực... cho trẻ em. Một số trẻ có bệnh nền, sức khỏe không tốt, việc điều trị và đảm bảo sức khỏe cho các em trong tình hình TP.HCM giãn cách xã hội hiện nay nhiều trở ngại. Vì vậy, các đơn vị đề nghị TP.HCM nghiên cứu và sớm có các chính sách đặc thù hỗ trợ riêng cho nhóm trẻ em này.
Các cơ sở cũng kiến nghị TP.HCM sớm tổ chức, bố trí một cơ sở có chức năng tiếp nhận, chăm sóc và nuôi dưỡng riêng các trẻ em không có người chăm sóc do người thân mất vì Covid-19, hoặc phải thực hiện việc cách ly và điều trị dài ngày, trẻ không có người chăm sóc thay thế.
Đồng thời, kiến nghị chấp thuận hỗ trợ mức 1 triệu đồng đối với 100% trẻ em bị nhiễm Covid 19 hiện đã và đang được cách ly chăm sóc và điều trị ngay tại các cơ sở giống như đối với các trẻ em mắc Covid-19 đang được chăm sóc và điều trị tập trung tại các cơ sở y tế theo Nghị quyết 68/2021 của Chính phủ.

Thông tin về việc các trường hợp trẻ em là F0 hoặc có cha mẹ đã qua đời vì Covid-19 sẽ được chăm lo, hỗ trợ ra sao, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, đối với trẻ em là F0 đang điều trị do nhiễm Covid-19 hoặc cách ly y tế để phòng chống Covid-19 ( F1) sẽ được hỗ trợ 80.000 đồng/người/ngày từ ngày 27/4 đến 31/12/2021 thời gian hỗ trợ theo thời gian điều trị thực tế nhưng tối đa 45 ngày. Riêng trường hợp F1 thời gian hỗ trợ tối đa 21 ngày. Bên cạnh đó, được hỗ trợ thêm một lần mức 1.000.000 đồng/trẻ em. Đồng thời, ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí đối với các chi phí ngoài phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế và chi phí khám, chữa bệnh đối với trẻ em không có thẻ bảo hiểm y tế .

Ngoài ra, khi trẻ trở về nhà (sau khi điều trị và cách ly tập trung) thì được chính quyền địa phương xác minh hoàn cảnh hỗ trợ gạo, mì gói, sữa, nếu quá khó khăn thì kêu gọi các tổ chức xã hội, mạnh thường quân giúp đỡ.

Đối với trường hợp trẻ em có cha mẹ đã qua đời vì Covid-19 thì được xét trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng với mức 900.000 đồng/tháng nếu dưới 4 tuổi và 540.000 đồng/tháng với trường hợp đủ 4 tuổi trở lên. Bên cạnh đó, đối với trường hợp từ đủ 4 tuổi trở lên được cấp thẻ BHYT miễn phí, được miễn giảm học phí và các khoảng khác trong nhà trường và thời gian trợ cấp đến dưới 16 tuổi. Nếu đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học thì tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học nhưng tối đa không quá 22 tuổi .

Ngoài ra, trẻ mồ côi cả cha mẹ thì được đưa vào diện nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thay bởi ông , bà, người thân, cá nhân cộng đồng trong xóm, tổ dân phố, nhận nuôi con nuôi hoặc trẻ sẽ được vào các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập.

Theo Bạch Dương (Dân Việt)

https://danviet.vn/tre-mo-coi-trong-dai-dich-covid-19-bai-cuoi-mo-rong-vong-tay-voi-tre-bi-thiet-thoi-20210916191922403.htm

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.