Những giọt nước mắt trong mưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đã quá nửa đêm, phần quà cuối cùng gồm gạo, mắm muối, trứng, mì chính, dầu ăn, thêm cả những suất bánh trung thu... đã được Nông Đức Giỏi (Biên tập viên Đài truyền hình kỹ thuật số VTC) cùng chúng tôi phát tận tay những người lao động cùng quê đang kẹt lại trong tâm dịch Thủ đô.
Hơn một tháng trước, lời kêu gọi “san sẻ yêu thương, đồng hương Yên Bái” trên Facebook của anh đã nhanh chóng lan tỏa trong cộng đồng, biến thành những phần quà cứu đói cho hơn 2 nghìn bà con tỉnh nhà trong thời gian giãn cách xã hội tại Hà Nội. Ghi nhận nghĩa cử cao đẹp này, ngày 15-9, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã có thư cảm ơn tấm lòng yêu thương, đùm bọc nhau trong hoạn nạn của những người con xa xứ.
Một miếng khi đói
Mấy đêm nay, do hoàn lưu cơn bão Côn Sơn nên Hà Nội đón những cơn mưa xối xả. Cái lạnh đã lùa vào trong áo, tuy chưa tê tái nhưng cũng đủ cho các tình nguyện viên lập cập bên trong tấm áo khoác che mưa. Ở bên này rào chắn của trạm kiểm soát y tế, những người lao động Yên Bái kẹt lại Thủ đô trong những ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp giang tay đón những phần quà cứu đói từ hội đồng hương.
Mọi việc diễn ra lặng lẽ trong đêm, chỉ có ánh mắt rạng ngời sự biết ơn của bà con trao cho Giỏi và các bạn khi đón nhận tình yêu thương, đùm bọc của quê nhà giữa chốn tha hương. Rời khỏi điểm trao quà ở Yên Nghĩa, Hà Đông, chúng tôi lại lên đường đến các điểm hẹn khác, giờ này chắc mọi người đã ra chốt kiểm soát y tế đứng chờ.

Nhà báo Nông Đức Giỏi (bìa trái) phát quà cho người lao động Yên Bái tại Hà Nội.
Nhà báo Nông Đức Giỏi (bìa trái) phát quà cho người lao động Yên Bái tại Hà Nội.
Vì số lượng bà con lao động phổ thông người Yên Bái kẹt lại Thủ đô trong thời gian giãn cách xã hội khá đông nên hơn tháng nay ban chủ nhiệm “quay như chong chóng”. Một “núi” công việc đã được một nhóm nhỏ ban chủ nhiệm và các tình nguyện viên giải quyết, từ việc vận động xã hội quyên góp cho hoạt động cứu trợ bà con, mua sắm các nhu yếu phẩm như gạo muối, rau củ, mắm muối... rồi trực tiếp tìm đến hơn 2 nghìn địa chỉ đã đăng lời kêu cứu trên nhóm Facebook “Hội đồng hương Yên Bái tại Hà Nội” để trao tận tay các phần quà tại chốt kiểm dịch trong hoàn cảnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Được biết bà con Yên Bái về Hà Nội làm việc chủ yếu là người dân tộc thiểu số, ở các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đất mẹ nghèo khó, làm lụng chẳng đủ ăn, họ dắt díu cả gia đình về Thủ đô thuê trọ để tìm việc làm. Công việc chủ yếu là làm thợ nề, phụ việc tại các công trường xây dựng. Phụ nữ thì làm giúp việc, trông trẻ, quét dọn cho các gia đình, văn phòng công ty hoặc trông con cho chồng đi làm. Cuộc sống bình thường vốn đã eo hẹp, vì ngoài tiền nhà trọ vài triệu một tháng, họ phải trang trải tiền ăn, tiền điện nước và các chi phí học hành, sinh hoạt hay lúc ốm đau. Đồng lương làm thuê nào có nhiều nhặn gì nên hầu như chẳng có tích lũy. Gặp đúng buổi giãn cách xã hội, mất việc làm do nhiều công ty, doanh nghiệp, công trường dừng hoạt động, lại chẳng thể về quê, trong khi các khoản chi phí cố định vẫn vậy. Tình cảnh nan giải ấy, quê hương cũng không có cách nào trợ giúp vì nghèo khó. Hiểu điều này mới thấy hết giá trị tinh thần từ những nỗ lực không mệt mỏi trong thời gian qua của nhà báo Nông Đức Giỏi cùng các anh chị em trong nhóm tình nguyện.
Bê bao gạo tám thơm trên tay, cùng lỉnh kỉnh dầu ăn, mắm muối, rau củ... chị Lò Thị Mai, nhà ở phường Pú Trạng, TX Nghĩa Lộ (Yên Bái) gạt nước mắt kể, vợ chồng chị rời quê hương xuống Hà Nội thuê trọ tìm việc làm. Nhà có 2 con nhỏ, trong đó có bé gái chưa được 1 tuổi nên chị phải ở nhà lo cơm nước và chăm sóc con, lao động chính trong gia đình là anh chồng, hiện đang làm thuê cho một công ty. Khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, công ty tạm dừng hoạt động nên chồng chị phải ở nhà. Họ lâm vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan vì cũng không thể trở về quê. Áp lực cuộc sống đè nặng khi vẫn phải trả tiền nhà trọ, tiền ăn uống, sinh hoạt, sữa, bỉm cho các con. Số tiền ít ỏi tích cóp được đã cạn kiệt. Sau khi đăng tải thông tin lên nhóm Facebook, các tình nguyện viên của hội đồng hương đã cứu trợ kịp thời. Tự sâu thẳm trái tim, chị muốn bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến những người con quê nhà, đã đùm bọc, sẻ chia khó khăn của gia đình chị trong cơn hoạn nạn.
Ở các điểm trao quà khác, chúng tôi gặp anh Đặng Quốc Sách (quê xã Hán Đà, huyện Yên Bình), chị Bàn Ngọc My (quê xã Nậm Mười, huyện Văn Chấn), bà Nguyễn Thị Viên (quê xã Mông Sơn, huyện Yên Bình), bà Hoàng Thị Hoa (quê xã Yên Phú, huyện Văn Yên)... Nhận những phần quà cứu đói, tất cả đều rưng rưng xúc động. Trên nhóm Hội đồng hương Yên Bái tại Hà Nội, bà Hoa viết: “Tôi xuống Hà Nội làm thuê, công việc chính của tôi là làm tạp vụ cho văn phòng và giúp việc theo giờ. Trong thời gian Hà Nội giãn cách xã hội, tôi không có việc làm và đã bị kẹt lại, không có việc làm, thu nhập không có, tôi gặp rất nhiều khó khăn, trong khi đó tiền nhà trọ vẫn phải trả 2 triệu/tháng, cộng với tiền điện, tiền nước, tiền ăn không biết xoay xở thế nào. Trong lúc đang gặp khó khăn, tôi đã nhận được sự trợ giúp của hội đồng hương. Món quà trị giá khoảng 500 nghìn nhưng đã giúp tôi có đồ để ăn, không lo bị đói. Quả đúng là “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, chỉ biết vô cùng cảm tạ tấm lòng yêu thương, đùm bọc của các nhà hảo tâm, các tình nguyện viên. Cảm ơn vì đã không bỏ chúng tôi ở lại phía sau...”. 
Hôm qua, có một chuyện Giỏi kể làm tôi xúc động mãi. Số là nhóm thợ xây, phụ hồ của anh Lò Văn Chiến gồm hơn 10 người, hiện đang ở trọ tại quận Long Biên thuộc diện cứu đói khẩn cấp. Ngày 2-9 vừa qua, hội đồng hương đã phải chuyển gấp lương thực, thực phẩm cho họ. Sau khi Long Biên trở thành “vùng cam”, với sự nới lỏng quy định về giãn cách xã hội, nhóm thợ này đã được trở lại công trường làm việc. Nghĩ đến người cùng cảnh ngộ, cả nhóm đã góp nhau được 300 nghìn đồng gửi cho hội để mua gạo cho bà con. Món quà thực sự lớn về giá trị tinh thần, “lá rách ít đùm lá rách nhiều” là vậy.
Lan tỏa yêu thương
Tôi biết đến Nông Đức Giỏi qua lời giới thiệu của Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh (Ủy ban Dân tộc), khi bà mời tôi tham gia nhóm “Hội đồng hương Yên Bái tại Hà Nội” trên Facebook do Giỏi lập ra.
Tìm hiểu được biết, Giỏi là người Tày sinh ra và lớn lên trong gia đình có 10 anh em tại vùng quê nghèo của huyện Lục Yên, Yên Bái. Cha mất từ khi Giỏi mới 5 tháng tuổi, một mình mẹ tảo tần nuôi 10 anh em ăn học nên người. Tuổi thơ nghèo khó, ngoài giờ học Giỏi còn phải chăn trâu, đốn củi và làm ruộng nương phụ giúp gia đình. Học hết cấp 3, do gia đình khó khăn nên Giỏi chưa thi đại học ngay mà xuống Hà Nội làm thợ xây dựng. Sau vài năm vừa làm, vừa ôn thi, chàng trai quê nghèo ấy đã thi đậu Đại học Kinh tế quốc dân. Quá trình đi học, Giỏi vẫn đều đặn đi làm thêm và tự trang trải cuộc sống. Trải qua nhiều công việc khác nhau, từ thợ xây đến nhân viên truyền thông, giám đốc kinh doanh của Hãng phim NCV và hiện nay là biên tập viên Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, Giỏi luôn nêu gương về ý chí, nghị lực vượt khó. Từ hai bàn tay trắng về Thủ đô lập nghiệp, sau 10 năm kiên trì theo đuổi mục tiêu, em đã tậu được ngôi nhà 4 tầng khang trang tại quận Hà Đông, tự sắm được xe ô tô và còn mở cho vợ được một ngôi trường mầm non giữa trung tâm Thủ đô văn hiến.

Thư cảm ơn của UBND tỉnh Yên Bái gửi các Hội đồng hương Yên Bái.
Thư cảm ơn của UBND tỉnh Yên Bái gửi các Hội đồng hương Yên Bái.
Trải lòng về lý do đứng ra vận động cứu trợ bà con đồng hương, Giỏi cho biết tình yêu với miền quê nghèo luôn đầy ắp trong em. Nhớ lại thuở hàn vi về Hà Nội tìm kế mưu sinh, em quá hiểu và thương cảm với tình cảnh khó khăn hiện nay của bà con khi thực hiện giãn cách xã hội nên nghĩ phải làm gì đó thật sự thiết thực để giúp mọi người vượt qua hoạn nạn.
Sáng kiến mở nhóm trên Facebook ra đời từ đó, không ngờ lại nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của rất nhiều người có “nguồn gốc” Yên Bái đang làm việc, sinh sống ở Hà Nội. Hiện nhóm đã lên tới 3.400 thành viên. Hằng ngày trên nhóm cập nhật tình hình người lao động cần cứu trợ, các hoạt động quyên góp, tặng quà... Trang niêm yết công khai từng khoản tiền thập phương ủng hộ, các khoản chi tiêu mua sắm và hoạt động trao quà, đảm bảo tính công khai, minh bạch đến từng đồng.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Giỏi, nhiều nhà hảo tâm và các tình nguyện viên đã chung tay, góp sức xúc tiến chương trình nhân đạo này. Nhiều “Mạnh Thường Quân” đã ủng hộ số tiền lớn, như gia đình bà Diệp Mai Phương (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Việt Phương) ủng hộ 50 triệu đồng, ông Nguyễn Mạnh Hà (Chủ tịch HĐQT Công ty Bất động sản Lộc Sơn Hà) tặng 50 triệu đồng, Hội Đá quý huyện Lục Yên tài trợ hơn 2 tấn gạo. Cá nhân tôi (PV) cũng đã bán gần 100 cuốn sách “Chuyện ngoài hồ sơ” của mình được 50 triệu đồng, vận động bầu bạn quyên góp được thêm 20 triệu đồng nữa để chuyển cho Giỏi, biến thành lương thực, thực phẩm thiết yếu giúp bà con Yên Bái cầm cự cho đến lúc hết giãn cách.
Ông Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ: “Tôi cũng là một người con đến từ vùng quê nghèo tỉnh Yên Bái nên thấu hiểu những khó khăn, vất vả của người lao động, công nhân nghèo đang vị mắc kẹt tại Hà Nội trong thời điểm giãn cách xã hội. Được biết 2 tháng nay họ không được nhận lương, cũng không thể về nhà, gặp nhiều khó khăn về tài chính... Khi nhận được thông tin này, ngay lập tức tôi đã tham gia cùng anh em trong hội, hi vọng những phần quà này đến đúng lúc giúp họ vơi bớt phần nào khó khăn”.
Tính đến nay, ban chủ nhiệm hội đồng hương đã nhận được gần 400 triệu đồng từ các nhà hảo tâm, mua hơn 15 tấn gạo cùng nhiều thực phẩm thiết yếu và trực tiếp trao tặng cho hơn 2 nghìn người Yên Bái tại Hà Nội.
Mọi hoạt động nhân đạo dù tự phát của người Yên Bái tại Hà Nội, cũng đã nhận được sự quan tâm động viên, khích lệ kịp thời của lãnh đạo tỉnh Yên Bái. Đích thân ông Đỗ Đức Duy - Bí thư tỉnh ủy đã gọi điện động viên Giỏi. Ngày 15-9 vừa qua, ông Trần Huy Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh đã có công thư cảm ơn những hoạt động thiện nguyện của Hội đồng hương Yên Bái tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác trong cả nước.
Còn bà Vũ Thị Hiền Hạnh (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái) xúc động cho biết: “Cá nhân tôi cùng bà con trên quê hương Yên Bái rất cảm động khi thấy các thành viên trong Hội đồng hương Yên Bái tại Hà Nội đã làm được những hoạt động thiện nguyện rất ý nghĩa, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ bà con quê hương mình đang bị mắc kẹt trong giai đoạn khó khăn giãn cách xã hội. Tôi xin cảm ơn toàn thể anh, chị, em trong Hội đồng hương Yên Bái ở Hà Nội, ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác. Đặc biệt, tôi xin cảm tạ sự chia sẻ, đồng hành của các nhà hảo tâm. Sự hỗ trợ tinh thần và vật chất của họ là vô cùng quý báu, là nguồn động viên to lớn đối với bà con, người lao động Yên Bái đang mắc kẹt tại các tỉnh, thành phố”.
Đào Trung Hiếu (cand.com.vn)

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.