Blouse trắng nơi tâm dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mười hai giờ đêm, chuông điện thoại phòng trực Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 cơ sở 2 vang lên từng hồi. Đầu dây bên kia là giọng nói run run: “Bác sĩ ơi, em sợ! Em sợ chết vì bệnh Covid lắm!”. “Em cứ bình tĩnh, yên tâm đi. Vào đây đã có các y-bác sĩ tận tình chăm sóc rồi. Chúng ta nhất định sẽ chiến thắng dịch bệnh!”. Đấy là câu chuyện diễn ra ở bệnh viện điều trị Covid-19 khi ngày đầu tiên F0 vào điều trị.
Gác lại niềm riêng
Từ ngày 28-5 đến nay, Gia Lai ghi nhận 520 ca mắc Covid-19, trong đó có 218 bệnh nhân đã khỏi bệnh xuất viện. Biến chủng vi rút mới được ví như “kẻ thù nguy hiểm giấu mặt, liên tục biến hóa, tàng hình”, có khả năng lây lan nhanh, nguy hiểm hơn, diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trong cả nước. Công việc của các bác sĩ, nhân viên y tế và những người ở tuyến đầu chống dịch vì thế lại càng cam go và nhiều thách thức.
Gác lại niềm riêng, những bác sĩ, nhân viên y tế bước vào cuộc chiến chống dịch với khối lượng công việc ngày càng nhiều khi bệnh nhân liên tục tăng lên. Diễn biến phức tạp của dịch bệnh khiến tỉnh phải kích hoạt 1 bệnh viện dã chiến, 4 bệnh viện điều trị Covid-19 trên địa bàn TP. Pleiku và Trung tâm Y tế huyện Ia Pa để điều trị bệnh nhân nhẹ và trung bình. Riêng Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chuyên điều trị bệnh nhân nặng.
Nhân viên y tế Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chăm sóc cho bệnh nhân. Ảnh: Như Nguyện
Nhân viên y tế Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chăm sóc cho bệnh nhân. Ảnh: Như Nguyện
Theo bác sĩ Bùi Thị Hồng Thương-phụ trách khu điều trị Bệnh viện điều trị Covid-19 cơ sở 2 (Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng tỉnh), chị cũng như đồng nghiệp luôn sẵn sàng, khi có lệnh điều động là tiếp nhận nhiệm vụ. “Chúng tôi nhận quyết định của UBND tỉnh về việc kích hoạt chuyển đổi mô hình hoạt động của Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng tỉnh thành Bệnh viện điều trị Covid-19 cơ sở 2 bắt đầu từ ngày 11-8. Lo lắng không chỉ riêng cá nhân mà với cơ sở y tế tuyến đầu của tỉnh bước vào nhận nhiệm vụ mới. Dù đã sẵn sàng, nhưng lúc từ biệt gia đình, vác ba lô lên đường, tôi không khỏi bùi ngùi, xúc động. Nhưng bước vào Bệnh viện điều trị Covid-19 cơ sở 2 cũng là lúc chúng tôi gác lại niềm riêng, tập trung thực hiện nhiệm vụ, đem lại niềm tin cho người bệnh, bình an cho mọi người”-bác sĩ Thương kể.
Tốp cán bộ, nhân viên y tế đầu tiên nhận nhiệm vụ điều trị, chăm sóc F0 tại Bệnh viện điều trị Covid-19 cơ sở 2 gồm có 17 người (5 bác sĩ, 8 điều dưỡng, 4 hộ lý). Tất cả nhanh chóng bắt nhịp với công việc, tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân Covid-19 đầu tiên tại đây. “Điều chúng tôi không ngờ tới là sự mất thăng bằng về mặt tâm lý của các ca F0. Họ vô cùng sợ hãi khi biết mình bị nhiễm SARS-CoV-2, dù rằng nhiều người không có triệu chứng hoặc bệnh ở mức độ nhẹ. Chúng tôi trở thành điểm tựa cho bệnh nhân, sẵn sàng nhận điện thoại, tư vấn giúp họ ổn định tâm lý, an tâm điều trị. Không ít cuộc gọi của bệnh nhân lúc nửa đêm hoặc rạng sáng. F0 đầu tiên đã không khỏi hoang mang: “Bác sĩ ơi, em sợ! Em sợ chết vì bệnh Covid lắm!”. Và dưới sự hướng dẫn, tư vấn tận tình của đội ngũ y-bác sĩ, ca bệnh F0 dần lấy lại tinh thần, an tâm điều trị tại đây”-bác sĩ Thương nói.
Không như chăm sóc bệnh nhân thông thường, các y-bác sĩ trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19 phải kiêm nhiệm nhiều việc. “Ngoài khám-chữa bệnh, chúng tôi còn thường xuyên tư vấn tâm lý, giúp bệnh nhân an tâm điều trị. Hàng ngày, chúng tôi còn phân phát cơm, hỗ trợ vận chuyển đồ tiếp tế cho bệnh nhân, khử khuẩn vệ sinh buồng bệnh… Tuy công việc nhiều nhưng mọi người luôn động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”-bác sĩ Trần Quốc Duy-phụ trách khu bệnh nhẹ và trung bình Bệnh viện điều trị Covid-19 cơ sở 3 (Bệnh viện 331) tâm sự.
Tận tụy vì người bệnh
Từng điều trị bệnh nhân Covid-19 trong đợt đầu nên bác sĩ Nguyễn Văn Cường (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh) xung phong nhận nhiệm vụ chăm sóc, điều trị các F0 khi đơn vị chuyển đổi công năng thành Bệnh viện điều trị Covid-19 cơ sở 1. Với kinh nghiệm có được, bác sĩ Cường tự tin cùng các đồng nghiệp “xung trận”. “Lần dịch này với biến chủng mới, số ca mắc tăng nhiều, tốc độ lây lan nhanh, nhưng với việc thực hành tốt các quy trình phòng-chống lây nhiễm chéo và các y-bác sĩ đều đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng bệnh Covid-19 nên chúng tôi không lo lắng nhiều. Chúng tôi nhận thức phải đủ mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, chúng tôi còn thường xuyên theo sát tình hình, kịp thời điều trị dựa vào các triệu chứng, không để bệnh chuyển biến nặng”-bác sĩ Cường cho hay.
Các bác sĩ Bệnh viện điều trị Covid-19 cơ sở 3 thăm khám cho một bệnh nhân. Ảnh: Như Nguyện
Các bác sĩ Bệnh viện điều trị Covid-19 cơ sở 3 thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Như Nguyện
Với cử nhân điều dưỡng Nguyễn Thị Phượng (Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh), khi dịch xảy ra, chị đã xác định “bệnh viện là nhà”. Dù rất nhớ con nhỏ và gia đình nhưng chị gác lại niềm riêng để chuyên tâm chống dịch. Chị thổ lộ: “Khi đã bắt tay làm nhiệm vụ thì bệnh viện là nhà, y-bác sĩ phải hết lòng chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân. Ngoài công tác chuyên môn, chúng tôi còn là chỗ dựa tinh thần để bệnh nhân vững tâm khi không có người thân bên cạnh. Chúng tôi thay người thân chia sẻ, động viên và chăm sóc giúp họ mau chóng vượt qua bệnh tật để về với gia đình”. 
Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) là tuyến cuối của tỉnh thu dung và điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nặng. Khoa hiện đang chăm sóc và điều trị cho 16 bệnh nhân Covid-19 kèm theo nhiều bệnh nền, trong đó có một số ca phải chạy thận nhân tạo từ 2 đến 3 lần/tuần. Bác sĩ Siu Ru-Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới-chia sẻ: “Áp lực của các y-bác sĩ nơi đây rất lớn vì hầu hết bệnh nhân đều nặng, có bệnh nền. Tuy vậy, chúng tôi vững tin vào chuyên môn, giúp bệnh nhân điều trị và sớm hồi phục”.
Những người mẹ đặc biệt
Ngoài tổ chức thu dung, cách ly, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 thể không triệu chứng, mức độ nhẹ đến trung bình, Bệnh viện điều trị Covid-19 cơ sở 3 (Bệnh viện 331) còn có nhiệm vụ thu dung, chăm sóc các trường hợp F0, F1 và người trở về từ vùng dịch có chỉ định điều trị ngoại, sản khoa. Điều đặc biệt là cơ sở này có 4 sản phụ sinh con an toàn với 2 trường hợp sinh mổ, 2 trường hợp sinh thường; trong đó có 2 sản phụ là F0 và 2 là F1. Hiện Bệnh viện đang cách ly, điều trị cho trên 50 bệnh nhân, trong đó có 12 thai phụ.
Bé trai có mẹ là F1 chào đời an toàn, nặng 3,3 kg tại Bệnh viện điều trị Covid-19 cơ sở 3 sáng 10-8. Ảnh: Như Nguyện
Bé trai có mẹ là F1 chào đời an toàn, nặng 3,3 kg tại Bệnh viện điều trị Covid-19 cơ sở 3 sáng 10-8. Ảnh: Như Nguyện
Nữ hộ sinh Nguyễn Thị Lan (Bệnh viện điều trị Covid-19 cơ sở 3) cho biết: Với các cháu bé con của F0, để phòng-chống lây nhiễm chéo, bệnh viện phân công nhân viên y tế chăm sóc toàn diện từ chuyện ăn uống đến tắm rửa, thăm khám. Đêm xuống, mọi người thức canh cho các cháu ngủ, khi các bé đói thì pha sữa cho uống. “Chúng tôi chăm các bé như chăm sóc con mình, trách nhiệm còn cao hơn, không dám lơ là. Những ngày đầu vất vả lắm, phải thức cả đêm, sau mới quen dần. Để gắn kết tình cảm, chúng tôi quay lại cảnh hoạt động của các bé và chia sẻ cho mẹ xem, giúp yên tâm hơn khi cả mẹ và con cùng được chăm sóc chu đáo. Nhiều lúc chăm con người khác lại nhớ tới 2 con nhỏ của mình ở nhà. Xót lắm nhưng đành chấp nhận thôi”-chị Lan kể.
Chị S.N. (SN 2000, trú tại làng Phung, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) thực hiện cách ly tại Bệnh viện điều trị Covid-19 cơ sở 3. Lúc nhập viện, chị S.N. đang mang thai 8 tháng. Được sự hỗ trợ của y-bác sĩ, chị đã sinh một bé trai nặng 2,3 kg an toàn vào ngày 31-8. “Tôi biết ơn các y-bác sĩ vì đã chăm sóc tận tình, chu đáo cho hai mẹ con. Các cô như những người mẹ thứ hai của con tôi vậy”-chị N. xúc động nói.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).