30 ngày trong bệnh viện dã chiến: Mặc đồ bảo hộ... dọn rác!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày đầu tham gia tổ hộ lý làm vệ sinh khu cấp cứu của Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12, cái nóng như thiêu đốt trong bộ đồ bảo hộ kín mít khiến tôi suýt xỉu.
 
Tình nguyện viên dọn rác của bệnh nhân. Ảnh: Như Lịch
Tình nguyện viên dọn rác của bệnh nhân. Ảnh: Như Lịch
Đôi khi ngộp thở quá, tôi chỉ muốn hất tấm chắn giọt bắn và nới khẩu trang một chút để thở. Trải nghiệm thực tế đó càng cho tôi thấy sự vất vả thầm lặng của các nhân viên y tế tuyến đầu. Phần lớn những tình nguyện viên chúng tôi chỉ đến phục vụ trong một thời gian nhất định, trong khi hầu hết nhân viên y tế đi chống dịch chưa biết ngày về.
“Em phải dùng từ: khủng khiếp !”
Ngoài đội hậu cần, đầu tháng 8, tôi tham gia đội dọn vệ sinh, sau khi một trong hai chị hộ lý đến từ Bệnh viện (BV) Da liễu TP.HCM bị nhiễm Covid-19.

“Có duyên” với... rác !

Ngoài tổ hậu cần cơm nước, tôi định tham gia đội sàng lọc bệnh nhân. Sau khi nghe nguyện vọng của tôi, bác sĩ Nguyễn Duy Quân (phụ trách đội sàng lọc BV dã chiến số 12) cởi mở: “Chị báo với Ban giám đốc, các bác sĩ đó ok là em ok à chị”.

Theo bác sĩ Quân, nhiệm vụ chủ yếu của đội sàng lọc bệnh nhân là chọn bệnh nhân sao cho đúng tầng và đúng khả năng chuyên môn của y bác sĩ ở đây. Cụ thể, mỗi khi có thông báo tiếp nhận bệnh nhân từ các khu cách ly tập trung khác, thành viên đội sàng lọc sẽ mặc đồ bảo hộ xuống làm việc. Đầu tiên, đội sẽ kiểm tra thông tin của bệnh nhân có mặt rồi đối chiếu dữ liệu từ Phòng Kế hoạch tổng hợp. Tiếp theo, tiến hành đo nồng độ ô xy bão hòa trong máu (SpO2), đo nhiệt độ cho bệnh nhân. Sau cùng, sẽ có một bác sĩ đứng đó sàng lọc, tức là hỏi những câu như về bệnh nền này nọ. Nếu bệnh nhân vẫn phù hợp với tiêu chí của BV này thì bệnh nhân sẽ được xếp phòng.

Bác sĩ Lưu Ngọc Đông (Phó giám đốc BV dã chiến số 12) nói với tôi: “Chị mới tiêm có một mũi vắc xin, mà chị làm ở khu vực đó nguy hiểm lắm, rất dễ bị lây bệnh. Nếu chị vẫn quyết tâm làm, chiều nay tôi gửi tặng chị mấy vỉ thuốc uống để tăng sức đề kháng”.

Tuy nhiên, ngay tối hôm đó, bác sĩ Đông báo tin: “Kết quả xét nghiệm PCR chúng tôi mới nhận là có tới 3 tình nguyện ở đội sàng lọc đã bị dương tính. Tình hình này, chị xuống làm ở đội sàng lọc là không khả thi rồi”.

Tôi âm thầm tham gia đội dọn vệ sinh ở 3 khu vực của BV: vùng nhiễm khuẩn, vùng đệm và vùng không nhiễm khuẩn. Trước đó, tôi từng nhập vai Tôi làm công nhân vệ sinh bệnh viện, nên việc dọn vệ sinh rác thải không xa lạ mấy với tôi. Chỉ có thử thách ở đây là... vi rút Corona và mặc đồ bảo hộ.
Tôi hay đi cùng sơ Hồng Nhiên, sơ Duyên Anh, sơ Thủy, sơ Hậu, nên nhiều người cũng tưởng tôi là sơ. Có lần tôi đang lau hành lang, một nhân viên đi ngang qua nhận xét: “Các sơ lau sạch ghê, sạch bóng luôn”.
Mỗi sáng, chúng tôi cùng chị Thủy (nhân viên còn lại trong tổ hộ lý) lau dọn một số phòng làm việc và hành lang từ tầng 2 đến tầng 4. Tiếp đó, hai nhóm tình nguyện viên thay phiên nhau cùng chị Thủy xuống tầng trệt lau dọn vệ sinh khu cấp cứu, tất nhiên là phải mặc đồ bảo hộ.
Chị Thủy hộ lý (47 tuổi) có 3 con, đứa nhỏ nhất 3 tuổi. Thấy đồng nghiệp đã bị nhiễm, bản thân chị Thủy lúc đó cũng đang lo cho mấy đứa con ở nhà (chồng chị đi làm, đứa con 15 tuổi phải lo cho đứa em 3 tuổi). Dù vậy, chị Thủy “giành việc” với các sơ: “Phòng bệnh nhân, các sơ để cho em dọn”. Chị giải thích với tôi: “Tui đã chích ngừa 2 mũi, các sơ mới chích 1 mũi. Nếu lỡ các sơ bị nhiễm thì tội nghiệp”.
Thực tế, có những hôm tình nguyện viên chúng tôi vẫn vào phòng bệnh nhân đang điều trị để quét dọn phụ chị Thủy. Các sơ còn dọn chất thải của những bệnh nhân nặng tiểu tiện ngay tại giường...
“Mặc đồ bảo hộ để làm việc dưới khí hậu nóng bức này, em phải dùng từ: khủng khiếp! Ngày đầu chút nữa là em xỉu”, sơ Duyên Anh nhìn nhận. Sơ Hồng Nhiên cũng chia sẻ: “Trong đồ bảo hộ, em thở không nổi, không có không khí. Mới thấy được có khí trời để thở là quá quý!”.
Bản thân tôi cũng ngất ngư trong ngày đầu mang đồ bảo hộ xuống làm tại khu cấp cứu. Trước dãy nhà vệ sinh dành cho bệnh nhân, mùi hóa chất khử khuẩn đậm đặc xộc qua lớp khẩu trang N95 khiến tôi “ná thở”. Tôi và sơ Nhiên cật lực xử lý vũng nước tiểu lênh láng trong một phòng vệ sinh, sau khi thay phiên nhau người quét kẻ lau (hoặc ngược lại) mấy dãy hành lang và một số phòng.
Nóng như thiêu như đốt. Đến trước cái quạt máy đang chạy vù vù, tôi thấy nó chẳng khác gì... cái quạt mất điện bởi không có chút khí lọt qua bộ đồ bảo hộ cấp 4 này. Tôi lảo đảo ra cửa ngồi nghỉ, nắng gắt hắt vào càng bức bối. Từ lúc đó, một câu hỏi bỗng dưng xuất hiện và bám riết tâm trí tôi: “Khi nào mình được cởi bỏ đồ bảo hộ? Mình không chịu đựng nổi giây phút nào nữa!”.
Sơ Nhiên cũng lần ra cửa, tựa đầu vào tường thở dốc. Một phần gương mặt của sơ không bị khẩu trang che đã đỏ bừng, đôi mắt trĩu xuống. Vậy mà sơ còn lo lắng cho tôi: “Chị Lịch có ổn không? Mặt chị đỏ quá...”.
Chúng tôi loáng thoáng nghe chị hộ lý nói, như người sắp chết trôi vớ được cọc: “Tụi mình chuẩn bị lên thôi. Ai cũng đuối rồi”.
 
Hộ lý dọn vệ sinh khu vực cấp cứu
Hộ lý dọn vệ sinh khu vực cấp cứu
Lau sạch cho bệnh nhân mau khỏe
Việc đổ rác cho bệnh nhân trong BV dã chiến số 12 được dân quân tự vệ và một số tình nguyện viên đảm nhận. Đội đổ rác cần có sức lực, khả năng chịu đựng nóng bức. Đôi khi tôi bắt gặp một vài bạn trẻ nằm rã rượi vì kiệt sức, gần đống rác họ mới vận chuyển.
Từ ngày 10.8, nhóm tình nguyện nữ chúng tôi kiêm thêm việc đi gom rác tại chỗ và lau dọn hành lang cho bệnh nhân từ tầng 5 trở lên các lô E, F. Sơ Dung (nhóm lấy mẫu bệnh phẩm), một trong những người đi đầu làm công việc này, cho biết: “Bình thường tụi em lấy mẫu xong, chiều làm phòng hành chính. Nhưng thấy phòng này ai cũng có thể làm được, nên tụi em đã xin Điều dưỡng trưởng tham gia lấy rác cho bệnh nhân. Tụi em thấy thương họ, lo cho họ vừa bị vi rút Corona, vừa bị vi khuẩn từ đống rác bẩn gây hại, khó mà lành bệnh”.
Ban đầu chỉ vài thành viên nhóm lấy mẫu bệnh phẩm đi dọn rác, sau tăng dần lên, có hôm gần chục tình nguyện viên Phật giáo và Công giáo đều tham gia. Theo sơ Dung, mỗi bộ quần áo bảo hộ cấp 4 có giá khoảng 500.000 đồng. Vì vậy, các sơ hạn chế tối đa không sử dụng đồ bảo hộ vốn khan hiếm của BV, thay vào đó các sơ xin từ nguồn tài trợ riêng để phát cho chúng tôi đi lấy rác.
Trước cửa thang máy một số tầng lầu hoặc ngay trước cửa phòng ở của mình, có những bệnh nhân vứt rác ngổn ngang. Nào là khẩu trang, mền chiếu gối, giường bố đã qua sử dụng, vỏ cam chanh, đồ xông sả bưởi nước chảy ri rỉ... Một bệnh nhân nam đứng trong phòng cởi đồ bảo hộ vứt ra cửa, trong khi sơ Dung đang ngồi đấy hốt bịch cơm canh thừa. Chúng tôi tự chia nhau người hốt rác, người quét, người lau. Ai nấy cố gắng “làm nhanh, rút lẹ” trước khi có thể... xỉu vì nóng, đồng thời tránh giờ bệnh nhân xuất viện để khỏi kẹt thang máy. Sơ Dung, sơ Bích Thảo, sơ Ánh Sao... thỉnh thoảng nhắc bệnh nhân, đại khái: “Cô chú ơi, mình bỏ rác cho gọn. Chứ để tung tóe trước cửa phòng thì lâu khỏi bệnh lắm”.
Có những ngày cả sáng - chiều đều mặc đồ bảo hộ lên khu vực nhiễm khuẩn để làm việc, sơ Bích Thủy nhẹ nhàng nói: “Mấy ngày đầu mình thường bị mệt, bị ngộp thở vì chưa quen mặc đồ bảo hộ. Mình được làm việc thì mình vui, ngồi chơi không cũng mệt”.
Nóng bức là vậy. Nhưng hễ khi mặc áo trắng vào, ngay cả đi... dọn rác, chúng tôi cũng được nhiều bệnh nhân gọi là “bác sĩ”. Kể cũng oách đó chứ!
(còn tiếp)
Theo Như Lịch (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...