Săn "cá khủng" dưới chân đập thủy điện Sê San 3

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dưới chân đập thủy điện Sê San 3 (xã Ia Kreng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), có những nhóm “cần thủ” xuyên đêm ngồi chờ đợi để săn loài cá lăng, cá chép, cá phá thuộc “hàng khủng”. Trải nghiệm cảm giác câu cá đêm ở điểm đến đầy mạo hiểm này cũng thật lý thú...
Theo chân “cần thủ”
Sau nhiều lần lỡ hẹn, ông Rơ Châm Tâm-Chủ tịch UBND xã Ia Kreng cũng liên hệ được với nhóm thợ câu cá ở thị trấn Ia Ly (huyện Chư Păh) để giúp chúng tôi được theo chân trải nghiệm thú câu cá đêm. Theo ông Tâm, chỉ những tay câu sành sỏi, chuyên nghiệp thì mới chọn câu đêm để săn cá “khủng”. Và những người mà ông giới thiệu đều là “cần thủ” sát cá có tiếng.
Qua trao đổi, “cần thủ” Vũ Đình Quỳnh (tổ 1, thị trấn Ia Ly) lập tức nhận lời nhưng cũng không quên cảnh báo: Một là đường xa, đi lại khó khăn, hai là nơi câu cá ở ngay dưới chân đập thủy điện, gần với cửa xả nước nên khá nguy hiểm. Quan trọng hơn là có khi ôm cần cả đêm nhưng đến sáng phải xách cần không ra về là bình thường.
Theo lời của “cần thủ” Quỳnh, địa điểm câu cách trung tâm xã Ia Kreng hơn 20 km, ngay dưới chân đập thủy điện Sê San 3. Khu vực hạ lưu này là nơi nhiều loại cá tập trung, nhất là sau mỗi đợt xả nước. Trước khi hội quân với chúng tôi, từ 10 giờ sáng, nhóm câu của anh đã vào trước và hoàn tất các khâu chuẩn bị từ mồi câu cho đến thức ăn lót dạ.
Cần thủ Vũ Đình Quỳnh với con cá lăng nặng gần 2 kg vừa câu được.
"Cần thủ" Vũ Đình Quỳnh với con cá lăng nặng gần 2 kg vừa câu được. Ảnh: Minh Nguyễn
Khi ánh chiều đã ngả sang màu vàng nhạt, chúng tôi vẫn còn cách điểm hẹn gần 5 km. Mải mê đến lạ lẫm, chúng tôi bị cuốn hút bởi cung đường từ thị trấn Ia Ly vào xã Ia Kreng lúc hoàng hôn đẹp đến ngỡ ngàng. Vượt qua nhiều khúc cua hẹp, nơi đỉnh dốc là một khoảng trời mênh mông, mây trắng bồng bềnh, cảnh núi rừng hùng vĩ cứ thu vào trong tầm mắt không rời.
Khi gần đến nơi, chúng tôi gặp anh Quỳnh đang chờ sẵn để dẫn đường. Để xe lại phía bìa rừng, cả nhóm tiếp tục cuốc bộ hơn 1 km đường đá lổm chổm, vượt qua những bãi đá cạn mới đến điểm hẹn. Dừng chân trước một ụ đá nổi bên bờ sông, chúng tôi hướng mắt về phía trước cửa xả đập thủy điện, nơi có 4 “cần thủ” đang thả câu. Trên một đoạn sông ngắn nhưng có đến gần 20 chiếc cần câu được dựng lên, mỗi người 4-5 chiếc. Chưa kịp mở lời thì màn chào hỏi của nhóm trưởng khiến chúng tôi khá bất ngờ, xen lẫn thú vị. Đó là anh Phạm Văn Phận (tổ 2, thị trấn Ia Ly), người lớn tuổi nhất nhóm. “Tuổi tròn 50, tập tễnh vào nghề câu từ năm 2006 nhưng bước vào chuyên nghiệp thì tôi vẫn là em của những đứa này”-anh Phận tếu táo nói.
Người đàn ông hóm hỉnh tiếp tục câu chuyện: “Đa phần anh em ở đây là thợ máy đào, máy xúc và cả thợ đụng (đụng gì làm nấy). Mỗi khi xong công việc là chúng tôi lại chuyển sang ôm cần, có người đã gần 15 năm trong nghề. Ở đây, điểm nào, khúc sông nào thường có cá chúng tôi đều tường tận”. Theo anh Phận, mùa này họ thường câu cá lăng, tầm tháng 11-12 thì mới có cá ngựa (giống như cá trắm), tháng 3 thì câu được nhiều cá chép, còn cá rô phi thì mùa nào cũng có. “Cần thủ” phải phán đoán được đoạn sông hoặc chỗ nào có luồng cá để buông cần. Đặc biệt, cũng xác định câu loại cá gì mà dùng mồi câu phù hợp.
“Cần thủ” Phạm Văn Phận chụp ảnh với con cá lăng do anh Toản vừa câu được. Ảnh: Minh Nguyễn
“Cần thủ” Phạm Văn Phận chụp ảnh với con cá lăng do anh Toản vừa câu được. Ảnh: Minh Nguyễn
Đang mải chuyện, chợt có tiếng còi hú vang. Các “cần thủ” khác vội vàng thu cần bước nhanh về nơi chúng tôi đang đứng. Lúc này, anh Quỳnh mới giải thích việc tạm dừng câu là do nhà máy thủy điện chuẩn bị xả nước. Do vậy, phải đợi thủy điện ngừng xả thì mới có thể câu được cá. Nói về sự nguy hiểm khi câu cá ở ngay dưới cửa xả, anh Quỳnh cho biết: Khi thủy điện xả nước, tại khu vực này nước chảy xiết và dâng lên rất nhanh, nếu mải câu, không kịp thu cần và rút lên vị trí cao thì sẽ bị nước “nuốt chửng”. Ngoài ra, nếu quăng cần không khéo, người câu dễ bị trượt ngã xuống sông.
Trong 3-4 tiếng đồng hồ chờ đợi, anh Quỳnh xiên con cá lăng chừng 2 kg câu được trước đó rồi nướng trên đám than hồng. Vừa khơi than, anh Quỳnh vừa cho hay: Anh đam mê với nghề câu từ sau một chuyến trải nghiệm với những người trong nhóm, cũng là hàng xóm. Để học cách săn cá “khủng”, anh thường học hỏi qua kênh Youtube.

“Cần thủ” Trần Đình Toản: “Ở khúc sông này cá gì cũng có. Cách đây hơn 1 năm, có người câu được cá lăng hơn 30 kg, cá rô phi tầm 12 kg, cá bống tượng nặng đến gần 4 kg. Còn chuyện câu được con cá lăng đến 70 kg thì đã diễn ra cách đây hơn 10 năm trước. Sông này không thiếu cá to, nhưng giờ thì cá “khủng” ngày càng hiếm”.

Bên cạnh đó, những lúc rỗi việc, anh em thường hay bàn luận, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau rồi tìm địa điểm mới để thử thách. Có khi vượt dốc hàng tiếng đồng hồ mới đến chỗ câu. Trong “nghiệp” cầm cần của mình, anh đã săn được nhiều cá to, trong đó có con cá lăng hơn 20 kg. “Để đưa được con cá này lên bờ, tôi phải mất hơn 1 giờ vật lộn với con “thủy quái”. Lực kéo của nó rất khỏe, cứ ghì dây câu xuống thật sâu, nhiều lúc dây câu còn vướng vào đá tưởng xổng mất. Thật không có gì sướng bằng khi được bạn bè ngưỡng mộ, chúc mừng thành quả”-anh Quỳnh tự hào khoe.
Các “cần thủ” câu cá dưới chân đập thủy điện Sê San 3. Ảnh: Minh Nguyễn
Các “cần thủ” câu cá dưới chân đập thủy điện Sê San 3. Ảnh: Minh Nguyễn
Thưa dần cá “khủng”
Câu chuyện còn đang dang dở thì mọi người đều bị thu hút bởi mùi cá nướng thơm lừng xộc lên mũi. Bữa ăn dã chiến nhanh chóng được bày biện, đơn giản chỉ nắm lá sung rừng, muối ớt chanh. Thịt cá trắng ươm, thơm ngon béo ngậy cộng với vị muối ớt cay nồng khiến món ăn trở nên vô cùng hấp dẫn, nhất là khi thưởng thức giữa đêm rừng núi mênh mông. Cá tươi mới câu chẳng cần ướp gì nhưng thơm ngon đặc biệt. Nhấm nháp thêm vài ly rượu, anh Trần Đình Toản lúc này mới mở lời: Cũng tại khúc sông này, anh đã câu được con cá phá có trọng lượng đến gần 4 kg. Nhưng từ 3-4 năm trở lại đây, anh chưa thấy ai câu được loại cá này, thậm chí là cá nhỏ. “Bởi ngoài đánh lưới thì người dân ở các làng quanh đây còn đánh bắt bằng xung điện nên nhiều loại cá từng sinh sống ở khúc sông này ngày càng mất dần”-anh Toản than thở.
Khoát tay như để giành quyền tham gia trò chuyện, nhóm trưởng Phận cất lời: “Chúng tôi đi câu chỉ là để thư giãn, có cá mang về cho vợ con thưởng thức. Nhiều lúc ở nhà rảnh rỗi lại sinh ra rượu chè, đàn đúm khiến vợ con buồn phiền. Nếu không thì cứ mãi cắm mắt vào điện thoại, đi thế này vừa khỏe, vợ con cũng yên tâm lại vừa có cá mang về”. Nhiều lúc trúng quả, họ cũng có thêm tiền triệu. Giá cá lăng từ 230.000 đồng đến 280.000 đồng/kg, cá ngựa, cá trắm cũng 80.000 đồng/kg, bởi cá câu ngoài tự nhiên rất có giá do được nhiều người ưa chuộng. “Ngồi ở bờ sông, ngoài việc được hưởng không khí trong lành, mình vừa được câu cá thư giãn và rèn tính kiên nhẫn. Ngoài ra, với tôi, không có cảm giác nào phấn khích hơn khi câu được cá to mang về khoe với bạn bè và người thân”-anh Phận hóm hỉnh.
Anh Trần Đình Toản chinh phục được một con cá lăng nặng gần 7 kg sau một đêm thức trắng.
Anh Trần Đình Toản đã câu được con cá lăng nặng gần 7 kg sau một 1 thức trắng. Ảnh: Minh Nguyễn
Cuộc trò chuyện kéo dài đến 1 giờ sáng thì bị cơn mưa rừng bất chợt đổ xuống làm gián đoạn. Chúng tôi chui nhanh vào lều để tránh mưa. Lúc này, thủy điện đã ngừng xả nước. Các “cần thủ” trong nhóm tranh thủ mặc áo mưa buông cần tìm kiếm cơ hội. Nhiều giờ trôi qua, ai cũng sốt ruột chờ đợi nhưng vẫn chưa nghe thấy tiếng chuông báo gắn trên chiếc cần phát ra. Ánh điện từ cổng đập thủy điện hắt xuống lòng sông, xua bớt màn đêm đen đặc, vắng lặng.
Mãi đến 3 giờ sáng, khi đang gật gù, mơ màng thì bỗng nghe tiếng ai đó hét to: “Có cá rồi!”. Khi chúng tôi chạy ra đã thấy anh Toản hả hê xách trên tay con cá lăng to tướng, ước đến hơn 7 kg. Lúc này, tôi và đồng nghiệp đi cùng mới tiếc hùi hụi. Chỉ vì vào lều trú mưa, chúng tôi đã bỏ lỡ cơ hội chứng kiến anh Toản chinh phục con cá “khủng” này. Nhưng vẫn còn kịp để chúng tôi có những tấm ảnh đáng giá cho bài viết của mình. Cả nhóm câu đều vui mừng chạy đến chia vui. Con cá lăng mình đen như than, bụng trắng nhờ đang cong mình giãy giụa như muốn quay lại lòng sông.  
Trời dần sáng nhưng vẫn không có thêm chú cá nào cắn câu, thế là nhóm câu quyết định rút cần thu dọn rời đi. Với họ, đây là một trong những chuyến câu ít chiến lợi phẩm nhất. Nhưng với chúng tôi, một đêm “phiêu lưu” cùng các “cần thủ” săn cá giữa mênh mông sông nước, lắng nghe tiếng mưa róc rách, tiếng nước chảy ầm ì nơi hoang vắng và cả niềm phấn khích có được thành quả đã mang lại một trải nghiệm khó quên…
MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...