Kho báu thi gan cùng mưa nắng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Văn hóa Tây Nguyên khiến nhiều người say đắm. Nhưng đam mê, cuồng nhiệt đến quên mình như anh Nguyễn Văn Hưng (tổ 6, thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) thì thật hiếm. Căn nhà nhỏ cũ nát của gia đình không có gì đáng giá ngoài hàng ngàn cổ vật được anh xem là vô giá. Vì đam mê, cứ có tiền là anh lại đi mua đồ cổ mà không cần biết đến nồi cơm vơi đầy.
1. Tôi đến thăm gia đình anh Hưng vào một ngày mưa. Từ thị trấn huyện Chư Prông tới nhà anh độ dăm cây số, mấy đoạn đường đất quanh co, trơn trượt vẫn hệt như chục năm trước. Căn nhà gỗ nhỏ vẫn vậy, khác chăng là nó cũ nát và chật chội hơn, bởi mỗi năm số lượng hiện vật mà người đàn ông này mang về ngày càng nhiều.
Chị Thủy, vợ anh đón tôi bằng nụ cười hiền lành của người đàn bà dân tộc Thái nhỏ nhắn, tháo vát, mới qua tuổi 40. Hai con gái của họ, Y Na sắp vào đại học và Ngọc Huyền chuẩn bị lên lớp 4, bẽn lẽn chào khách rồi ra đầu hồi chơi cùng mấy chú mèo. Cảnh vật thanh bình, khác hẳn với tính tình của anh Hưng, một người bề ngoài trầm lắng nhưng hễ chạm đến cổ vật là bùng nổ, miên man.
Anh Hưng sinh năm 1971, quê gốc Thái Bình. Bố anh đi bộ đội, bị thương trong chiến dịch Điện Biên Phủ rồi định cư ở tỉnh Tuyên Quang. Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, từng làm liên lạc cho tướng Song Hào.
Anh Nguyễn Văn Hưng và chiếc chiêng có đường kính gần 1 m. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Anh Nguyễn Văn Hưng và chiếc chiêng có đường kính gần 1 m. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Nhà có 6 anh chị em, Hưng là con trai út. Học hết THCS ở xã An Tường (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang), Hưng vào Tây Nguyên năm 1997. Năm 1998, anh trở thành người làm đá xây dựng để mưu sinh. Sau năm 2000, anh quen biết chị Thủy, khi ấy mới từ một bản người Thái ở huyện Cẩm Thủy (tỉnh Thanh Hóa) vào Chư Prông. Họ yêu và đến với nhau giữa bộn bề khó khăn. Nhờ có sức khỏe và đất đai màu mỡ nên cuộc sống dần ổn định. Nhưng cũng chính vào lúc bắt đầu tạm ổn định đó, cái máu sưu tầm đồ cổ trong anh Hưng bỗng trỗi dậy.
Chị Thủy kể: “Ban đầu, anh ấy mua chiêng, sau thêm ghè. Cổ, quý hay như thế nào, em không biết, nhưng nhà có bao nhiêu tiền dành dụm được, anh ấy mang đi hết. Mua về, em hỏi bao nhiêu, anh ấy không nói hoặc bảo “chẳng đáng bao nhiêu”. Sau này, biết đó là số tiền không nhỏ, có khi bằng 2 con bò hoặc một mùa bắp thì em khóc. Em khóc một mình, vì anh ấy có ở nhà đâu mà biết! Anh ấy đi suốt. Nhà cửa bề bộn, nhiều khi hết gạo, anh ấy cũng không hay. Lấy nhau bao năm mà chẳng có gì đáng giá hay đúng hơn, đáng giá nhất là những thứ anh ấy mang về. Hết chỗ để, anh ấy dựng thêm chái làm chỗ cất “đồ cổ”. Rồi đến lúc gian chái cũng chật, đành mặc cho chúng phơi nắng dầm mưa”.
Nghe vậy, anh Hưng cười xòa, bảo chuyện đó lâu rồi và thừa nhận chính anh cũng không hiểu vì sao lại mê cái việc mình không hề có kiến thức, kinh nghiệm đến vậy. Cứ thấy đẹp, thấy thích thì cố mua hoặc đổi chác cho kỳ được. Ngoài ra, các hiện vật đá, đa phần do anh tự tìm kiếm, thuê đào. Có khi trúng cả một ổ rìu, cuốc, anh lựa lấy những cái đẹp. Sau này, bà con Jrai biết Hưng thích nên mang bán cho anh nhiều hiện vật lạ.
Gia đình Hưng có nhiều bộ sưu tập vòng đeo tay bằng kim loại. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Anh Nguyễn Văn Hưng có nhiều bộ sưu tập vòng đeo tay bằng kim loại. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ

Tiến sĩ Lê Hải Đăng (Viện Khảo cổ học Việt Nam): “Cách đây 2 năm, tôi đã đến thăm và làm việc với anh Hưng. Bộ sưu tập của anh đa dạng và quý, nhưng để nó phát huy được giá trị cần bổ sung thông tin, sắp xếp lại toàn bộ hiện vật. Việc này không dễ, cần có sự phối hợp giữa nhà sưu tập và những người làm chuyên môn”.

2. Khác biệt giữa Nguyễn Văn Hưng và những người nghiên cứu, sưu tầm chuyên nghiệp là anh không ghi chép, phân loại hiện vật. Dường như anh không biết các quy định ấy và cũng không có ý định thực hiện chúng. Theo anh Hưng, hiện vật nào cũng quý và mỗi cái đều có đời sống riêng nên “không nhất thiết nhốt chúng vào một rọ”. Nói vậy nhưng chính anh vẫn có ý thức trong việc sắp xếp hiện vật. Tất nhiên đó là cách làm của một người tay ngang. Anh có nhiều bộ sưu tập. Ngoài cồng chiêng, ghè, tẩu, vòng tay, hoa tai ngà voi, gươm, chén bát, hũ bình… anh còn có các hiện vật độc đáo liên quan đến địa chất như: tổ ong hóa thạch, “vòi” núi lửa...
Hỏi dò một số người làm khoa học về anh Hưng, phần lớn họ đều thừa nhận: Đó là một nhân vật thú vị và… khó “chơi”. Kiến thức khảo cổ, nhân học, địa chất… của Hưng là những thứ anh lượm lặt trên sách báo, phim ảnh, truyền hình hoặc qua các câu chuyện thì thào trong quán xá giữa những người mua bán đồ cổ. Anh nghe, nhớ và sẽ hỏi lại ai đó thắc mắc của mình.
 Bộ sưu tập gương đồng 5 chiếc của gia đình anh Hưng. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Bộ sưu tập gương đồng 5 chiếc của gia đình anh Nguyễn Văn Hưng. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Anh Hưng cho rằng, người nguyên thủy không thể dùng rìu đá, cuốc đá hay mũi lao đá để chặt cây, cuốc đất hay săn thú. Lý lẽ của anh đơn giản nhưng khó bẻ: “Rìu, cuốc nhỏ xíu, cỡ vài ba ngón tay, lại mỏng manh, đập mạnh có thể vỡ thì chặt, cuốc làm sao được? Còn săn thú, mũi lao đá gắn vào cành cây, làm sao đâm thủng da heo rừng?”. Từng đi khắp nơi tìm đồ đá, anh Hưng luôn đòi hỏi ở người đối diện một sự giải thích cụ thể. Một người bạn nói với tôi đầy hài hước mà sâu sắc: “10 ông tiến sĩ “đấu” với Hưng chưa chắc đã thắng. Vì Hưng có hàng ngàn hiện vật đủ loại, không ai giỏi hết để trao đổi thẳng thắn”.
3. Tôi hỏi: “Hai mươi năm góp nhặt, Hưng có bao nhiêu hiện vật?” -“Không nhớ!”-anh thật thà đáp. Nhưng tôi thấy rõ sự ngổn ngang của kho tàng vô giá này. Không chỗ nào trong khuôn viên nhà Hưng không dành cho “đồ cổ”. Ngoài sân, la liệt đá và ghè. Bên hiên, 12 cái thùng phuy lớn chứa hàng ngàn rìu, cuốc, bôn đá. Trong nhà, tất cả các chỗ nào có thể đều được đựng, đặt, dắt, móc, treo hiện vật. Một loạt nồi đồng chứa đồ đá, cồng chiêng xếp lớp dưới gầm phản không hết nên nhiều cái chiêng lớn được các cháu dùng làm giá sách. Hàng trăm vòng tay, tẩu thuốc, gươm đao, hoa tai ngà voi… được đặt trong rương để cạnh chỗ nằm. 8 con mèo đã khôn ngoan tìm chọn nơi cư trú cho mình là những chiếc ghè xưa...
Tôi buột miệng hỏi: “Bao nhiêu đó đã hết chưa?”. Anh Hưng đáp: “Đồ quý, tôi chôn giấu đi nhiều rồi”. Chị Thủy cũng cười phụ họa theo: “Có lần, anh Hưng chôn mấy thứ đắt tiền, 3 năm sau khui lên thì không thấy đâu nữa. Tưởng ai theo dõi trộm mất, vợ chồng bần thần cả tuần liền. Hóa ra không phải, do quên vị trí nên đào nhầm chỗ”.
Bộ sưu tập đá còn tranh luận về công năng. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Bộ sưu tập đá còn tranh luận về công năng. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Tôi thắc mắc: “Tốn kém, vất vả để có được chừng này đồ cổ, anh định làm gì?” -Hưng cười: “Có người muốn hợp tác này nọ, nhưng tôi chưa nghĩ tới. Lại có người muốn mua hiện vật quý, tôi cũng từ chối”. Theo kế hoạch, anh Hưng sẽ dựng một căn nhà sàn dành cho hiện vật của mình. Có nhà, anh sẽ sắp xếp chúng thành từng nhóm, ai thích cứ vào xem. Rảnh việc, anh sẽ hướng dẫn, kể cho khách nghe về từng hiện vật. Tất nhiên, đấy là giấc mơ, còn ngay lúc này, hàng ngàn hiện vật vô giá ấy vẫn trân mình dưới mưa, hệt như 10, 15 năm trước.
4. Tiếng là dân thị trấn nhưng ngôi nhà anh Hưng lọt thỏm giữa rẫy và rừng. Trừ chồng và các con, có khi vài ba tháng, chị Thủy không ra đến chợ. Nên mỗi lần có khách, cả nhà đều vui. Gặp người hay chuyện, anh Hưng thường dừng việc để tiếp. Đó cũng là dịp để anh khoe kho báu của mình. Anh Hưng nói mình thích thì làm, chẳng mong ai công nhận, song chính anh đã rất vui khi thấy mình xuất hiện trên báo chí, truyền hình. Đam mê sưu tầm cổ vật, năm 2020, Nguyễn Văn Hưng được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tặng Kỷ niệm chương. “Không có tiền thưởng kèm theo. Nhưng thấy cái này, vợ con biết mình không làm việc vô ích, sự vất vả của mình có ý nghĩa anh ạ”-anh Hưng phấn khởi nói.
Năm 2020, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tặng Kỷ niệm chương cho anh Nguyễn Văn Hưng. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Năm 2020, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tặng Kỷ niệm chương cho anh Nguyễn Văn Hưng. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Tôi muốn kể một chút về sự hy sinh của những người đã và đang chia ngọt sẻ bùi với anh Hưng. Gia đình có 4 người, 20 năm qua, trong căn nhà ọp ép ấy vẫn chỉ kê 1 cái giường, 2 cái phản gỗ tạp-1 cái làm bàn tiếp khách và bày đá. Trên nắp đậy một thùng phuy đựng hiện vật là cái ti vi đời cũ, cạnh đó là cái quạt điện cổ lỗ sĩ. Hẳn độc giả sẽ ngạc nhiên khi biết rằng, gia đình này chưa từng mua nồi cơm điện, tủ lạnh hay máy giặt và hiện không có bàn ủi. Dịp Tết, để sẵn đồ tươi sống, Thủy phải chạy mấy cây số sang nhà bà ngoại ở xã Ia Kly gửi nhờ, cần ăn thì qua lấy. Khá tách biệt với bên ngoài, dường như họ không biết cuộc sống đã hiện đại, đồ gia dụng đã tiện lợi đến mức nào, hay bao nhiêu tiền có được, anh Hưng đã dành hết cho niềm đam mê cổ vật của mình? Tôi không dám nói ra ý nghĩ cứ vất vưởng trong đầu câu ấy, vì sợ làm người chồng tự ái thì ít mà ngại chạm đến nỗi ưu tư của ba mẹ con chị Thủy thì nhiều.
Chia tay, tôi nói với vợ chồng họ: “Việc cháu lớn sắp vào đại học và sự tốn kém dai dẳng sắp bắt đầu”. Hưng đáp: “Vâng, mình biết chứ”. Còn Thủy thì nhìn xa xăm, nhỏ nhẹ: “Hôm nọ, chúng em tính bán đám rẫy, đã có người trả tầm vài trăm triệu nhưng giờ thì giá chỉ còn được hơn một nửa, mà cũng khó có người mua. Nhưng dù thế nào cũng phải cho cháu đi học, anh ạ”.
NGUYỄN QUANG TUỆ

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.