Gắng sống giữa Sài Gòn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Rất nhiều người lao động ở các tỉnh đang gắng gượng sống giữa Sài Gòn thời dịch...
 
Bà con trong một con hẻm trọ cùng nhận hàng quà cứu trợ. Ảnh: Mai Thanh Hải
Bà con trong một con hẻm trọ cùng nhận hàng quà cứu trợ. Ảnh: Mai Thanh Hải
2 người trong túp lều
Cuối hẻm 106 Trương Văn Thành (P.Hiệp Phú, TP.Thủ Đức, TP.HCM) có 1 khoảng đất trống. Giữa khoảng trống ấy là 1 túp lều dựng bằng giàn giáo, xung quanh quây bằng tấm ni lông, trên phủ bạt. Diện tích khoảng 2m2
 
Túp lều tạm bợ nơi vợ chồng anh Thành - chị Tuyên đang sinh sống. Ảnh: Ngô Trần Hải An
Túp lều tạm bợ nơi vợ chồng anh Thành - chị Tuyên đang sinh sống. Ảnh: Ngô Trần Hải An
Mấy tấm gỗ kê cao, trải vừa chiếc chiếu. Phía trên xếp chăn gối. Phía dưới là xoong nồi chén đũa và 1 cái bếp điện, để nấu ăn hằng ngày.
Túp lều ấy là của anh Phan Bá Thành (53 tuổi) và vợ là chị Nguyễn Thị Tuyên (47 tuổi), đều ở khối 4, thị trấn Yên Thành, H.Yên Thành, Nghệ An. Năm 2016, do kinh tế gia đình eo hẹp, vợ chồng anh Thành vào miền Nam làm nghề thợ hồ kiếm sống. Lẽo đẽo theo chủ thầu từ khắp các quận huyện trong TP.HCM cho đến các tỉnh lân cận, gia tài của 2 vợ chồng chỉ là chiếc xe máy cũ và bao tải quần áo chăn màn. Nay đây mai đó, bữa ăn hằng ngày là cùng anh em thợ. Giấc ngủ buổi tối là lán trại tạm bợ ngay cạnh công trình, kiêm luôn việc trông coi bảo vệ.
 
Vợ chồng anh Thành - chị Tuyên. Ảnh: Ngô Trần Hải An
Vợ chồng anh Thành - chị Tuyên. Ảnh: Ngô Trần Hải An
Nghề thợ hồ, sống được là nhờ tiến độ xây dựng công trình. Thế nên, cuối tháng 5.2021, khi TP.HCM thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng, tốp thợ xây dựng căn nhà tư nhân trong hẻm 106 Trương Văn Thành (P.Hiệp Phú, TP.Thủ Đức, TP.HCM) bị ngưng lại, mọi người bám trụ được 1 - 2 tuần, rồi cũng bỏ về quê. Vợ chồng anh Thành bàn nhau: “Đi lại vất vả tốn kém, gắng ở lại chờ bình thường, rồi lại làm việc tiếp”…
1 tháng rồi 2 tháng, đến giữa tháng 7.2021, vợ chồng anh Thành tiêu đến đồng tiền cuối cùng trong khoản tạm ứng ít ỏi. Không tiền bạc, không hộ khẩu, vợ chồng anh phải đi vay gạo nấu cơm ăn với nước mắm. Thấy cảnh khổ, các hộ dân trong hẻm mang cho từ bịch gạo, chai mắm, dầu ăn và thậm chí còn san sẻ từng bát cơm, khúc cá mỗi bữa trong ngày.
 
Bếp nấu ăn ngay chỗ ngủ trong lều. Ảnh: Ngô Trần Hải An
Bếp nấu ăn ngay chỗ ngủ trong lều. Ảnh: Ngô Trần Hải An
Cuối tháng 7, vợ chồng anh Thành lần mò xin số các nhà xe chạy tuyến TP.HCM - Nghệ An hỏi mua vé về quê, nhưng đều bị từ chối. Mấy ngày đầu tháng 8, anh chị định chở nhau bằng xe gắn máy ra Nghệ An, nhưng 2 đứa con gọi điện ngăn: “Gần 1.500km, người già đang bệnh tật, không chạy xe nổi đâu”. “Con gái thì đã lấy chồng ở quê. Con trai Phan Bá Dương hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở Lữ đoàn 16 pháo binh, Quân khu 4 đầu năm 2020, ra TP.Hải Phòng làm công nhân may ở H.Thủy Nguyên, nhưng giờ dịch bệnh cũng không có việc làm, đang sống cầm chừng trong nhà trọ”, chị Tuyên kể vậy và khóc: “Tôi sống sao đây?!”.
Suốt ngày đi tới đi lui trong phòng trọ
Đêm, tôi nhận được tin nhắn qua Facebook từ 1 nick lạ: “Hiện tại khu trọ em 20 phòng đang bị phong tỏa. Mọi người là công nhân thất nghiệp và lao động tự do. Không thể ra ngoài mua đồ ăn. Mong giúp đỡ”.
Nói chuyện mới biết, đó là cô gái Đỗ Thu Thùy (32 tuổi, quê Tây Ninh), đang làm việc tại 1 công ty may mặc ở Q.Gò Vấp, TP.HCM. Khu trọ của Thùy là 2 dãy nhà nằm 2 bên đoạn hẻm nối từ đường Trần Bá Giao (Q.Gò Vấp) ra bờ sông Vàm Thuật, nhìn sang bên kia là An Phú Đông của Q.12 toàn những biệt thự, khu giải trí, câu cá, quán nhậu... Thùy có “thâm niên” 10 năm làm công nhân may ở TP.HCM nên... “quen chịu cực”. Chả thế mà căn phòng trọ của chị và 3 bạn chỉ rộng gần 4m2, tiện việc chia tiền thuê 600.000 đồng/người/tháng (kể cả điện nước).
 
Công nhân Đỗ Thu Thùy nhận phần quà cứu trợ. Ảnh: Mai Thanh Hải
Công nhân Đỗ Thu Thùy nhận phần quà cứu trợ. Ảnh: Mai Thanh Hải
Ngày 14.7, khu trọ của Thùy phát hiện 6 người bị dương tính với Covid-19. Ngay lập tức, đầu hẻm bị phong tỏa. Đầu tháng 8, dây phong tỏa được gỡ cho mọi người đi mua đồ thiết yếu theo quy định. Ra ngoài chưa được 1 ngày, 3 người của 1 hộ trong khu bị sốt, đi khám bệnh, phát hiện dương tính tiếp. Lần này, địa phương cho về phòng trọ khuyên tự chữa, không giăng dây phong tỏa cả khu và mọi người vẫn đi siêu thị mua đồ, gia đình bị dương tính vẫn ra cửa phòng nói chuyện, hóng gió khiến cả khu trọ, nhà nào cũng đóng cửa im ỉm. “Tụi em quen dậy đi làm từ 5 giờ sáng, 22 giờ đêm mới đi ngủ, nên chừng ấy tiếng, 4 đứa cứ đi tới đi lui trong diện tích 4m2 ấy”, Thùy kể vậy và trầm giọng lo lắng: “Khi nào tụi em mới được đi làm? Em còn phải gửi tiền về nuôi mẹ. Hôm rồi tính về quê với mẹ nhưng phường không cho, còn nói tới đâu cũng bị tìm thấy”...
“Tụi em đăng ký gói hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 nhưng là công nhân nên không được, chỉ mấy anh chị lao động tự do là nhận 1,5 triệu. Tụi em giờ cũng thất nghiệp, đâu có lương và không biết bao giờ công ty mới mở cửa làm việc?”, Thùy hỏi tôi vậy.
Ông cháu cùng đi nhặt rác
20 giờ ở chốt kiểm soát phòng chống dịch đầu đường Hậu Giang (P.12, Q.6) ngay vòng xoay An Lạc. Người đàn ông nhỏ thó, chở bé gái trên chiếc xe đạp cũ, phía trước và sau lỉnh kỉnh đồ dùng gia đình, nài nỉ với tổ công tác đang làm nhiệm vụ: “Vợ chồng nó bỏ nhau. Tui phải đi đón cháu ngoại về nuôi. Làm ơn làm phước cho tui đi qua”...
 
Anh Trần Văn Hải và cháu ngoại Hà Cẩm Duyên. Ảnh: Ngô Trần Hải An
Anh Trần Văn Hải và cháu ngoại Hà Cẩm Duyên. Ảnh: Ngô Trần Hải An
Đó là anh Trần Văn Hải (45 tuổi, ở Tây Ninh). Anh Hải xuống TP.HCM được vài năm, làm nghề lượm ve chai, giấy vụn từ các bịch rác ngoài đường và mang bán cho các chủ thu mua. Thấy anh siêng năng, 1 ông chủ xe rác làm dịch vụ môi trường Bình Chánh nhận vào làm chân... phụ rác. Cứ 17 giờ hằng ngày, anh đi theo xe tải nhỏ vào các ngõ hẻm, nhặt các bịch rác người dân đã tập kết sẵn, chở ra đường, giao tiếp cho các xe thu gom rác. Công việc này kéo dài đến sáng, thậm chí gần trưa.
Vợ chồng anh Hải có 1 con gái đã lấy chồng. Cuối năm trước, vợ chồng con gái ly hôn, người chồng bỏ quê sang Campuchia làm thuê kiếm sống. Mấy tháng sau, cô con gái cũng đến ở với người đàn ông khác. Trước khi đi, cô dắt con gái Hà Cẩm Duyên (năm nay 5 tuổi) xuống thành phố, dúi vào tay vợ chồng anh Hải, nói ráo hoảnh: “Nhờ ba mẹ nuôi cháu”.
Cô bé Duyên ở với bà ngoại tên Nguyệt, cũng làm nghề nhặt rác ở chợ Phú Định (Q.6, TP.HCM). Giữa tháng 7, các chợ đóng cửa vì dịch bệnh bùng phát, chẳng có rác mà nhặt nên chị Nguyệt quây tấm ni lông ở góc chợ thành lều che mưa, sống lần hồi bằng việc bới nhặt những thứ có thể bán được trong các bịch rác sinh hoạt của cư dân xung quanh chợ và những bữa ăn từ thiện. Khi TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16 và nhất là cấm người ra đường từ 18 giờ - 6 giờ hôm sau, cả chị Nguyệt và cháu Duyên đều đói ăn, nên chị gọi anh Hải: “Mang con bé sang đấy, có gì cho nó ăn cùng”...
 
Bé Hà Cẩm Duyên (5 tuổi) hằng đêm theo ông ngoại đi nhặt rác kiếm sống. Ảnh: Ngô Trần Hải An
Bé Hà Cẩm Duyên (5 tuổi) hằng đêm theo ông ngoại đi nhặt rác kiếm sống. Ảnh: Ngô Trần Hải An
Ở với ông ngoại, trong căn nhà tạm của vựa ve chai xóm Hố (xã Tân Kiên, H.Bình Chánh), bé Duyên biết thân phận ở nhờ nên rất ngoan. Mỗi ngày, cô bé cũng... “đi làm việc” cùng ông ngoại. Líu lo chạy theo ông chơi chán, thì nằm trên xe ngủ ngon lành. Ai hỏi, cũng thánh thót: “Con tên Hà Cẩm Duyên, năm nay con 5 tuổi, con đi nhặt rác với ông ngoại”.
Hôm rồi, tôi gọi điện hỏi: “Anh và bé Duyên có thiếu gì không?”, anh Hải cười: “Cơm thì con ông chủ nấu, con bé cũng ăn được. Quần áo còn mấy bộ cũ, vẫn mặc ngon” và ước: “Mong qua dịch, để bé Duyên được vào lớp 1 đi học. Theo tui nhặt rác mãi thế này, không đành!”...
Ước mơ của anh Hải, qua điện thoại mà đẫm nước mắt...
Theo Mai Thanh Hải (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.