Dấu lặng từ những cuộc "hồi hương" giữa mùa dịch Covid-19 - Bài cuối: Tạo môi trường cho kinh tế nông thôn phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, từ đó giữ chân người dân ở lại nông thôn, “ly nông nhưng không ly hương”.

Ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT khẳng định: Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, từ đó giữ chân người dân ở lại nông thôn. Ảnh: Bộ NNPTNT
Ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT khẳng định: Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, từ đó giữ chân người dân ở lại nông thôn. Ảnh: Bộ NNPTNT
Khi dịch Covid-19 bắt đầu có những diễn biến phức tạp ở phía Nam, 19 tỉnh, thành buộc phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, đã có một lượng lớn người dân từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai,… tìm cách trở về quê hương, chủ yếu là các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Từ thực tế này cho thấy, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa không đồng đều giữa các địa phương. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Trước hết phải khẳng định, quá trình phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị ở TP.Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai sớm hơn, mạnh mẽ hơn những địa phương khác, nhất là khu vực miền Trung, Tây Nguyên nhờ những điều kiện về hạ tầng, giao thông cho phát triển các khu công nghiệp tốt hơn.
Có thể thấy, chính sách chưa theo kịp để công nghiệp miền Trung, Tây Nguyên phát triển, người lao động buộc phải tìm đến nơi có việc làm và thu nhập tốt hơn, khi ở quê nhà, thu nhập từ nghề làm nông nghiệp vẫn còn rất bấp bênh khi giá cả nông sản liên tục trồi sụt.
Cũng phải nói thêm, quy luật di cư từ nông thôn ra thành phố đã và đang diễn ra ở nhiều quốc gia, thậm chí là một bài toán khó giải ở nhiều nước khi vùng nông thôn bây giờ chỉ còn người già. Các vùng nông thôn ở Hàn Quốc, Nhật Bản là một ví dụ.
Việt Nam đã có hơn 30 năm đổi mới, quá trình xây dựng nông thôn mới cũng diễn ra hơn 10 năm nhưng có thể thấy chương trình đưa công nghiệp về nông thôn vẫn chậm. 
Việt Nam là cường quốc xuất khẩu nông sản nhưng đến nay việc phát triển các vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến vẫn chưa có chuyển biến đáng kể.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hạ tầng không đáp ứng được nên doanh nghiệp phải tìm đến những nơi thuận lợi hơn. 
Đã từng có doanh nghiệp trồng chanh leo đầu tư vùng nguyên liệu ở Tây Nguyên nhưng sau đó họ phải rút vì không thể chịu được chi phí vận chuyển từ vùng nguyên liệu về nhà máy.
Rõ ràng, ở nhiều địa phương, chính sách ưu tiên cho phát triển khu công nghiệp chưa được hiện thực hóa. 
Phải nói thêm, người dân không ai mong muốn di cư nhưng áp lực cuộc sống, việc làm buộc họ phải tìm đến nơi đáp ứng được nhu cầu khi hiện tại các làng nghề, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn cho phát triển chậm, hạ tầng cho nông thôn còn yếu.

HTX Nam Yang (Đăk Đoa, Gia Lai) phát triển sản phẩm tiêu, cà phê hữu cơ nên đã giữ chân được nhiều lao động trẻ làm việc. Ảnh: K.N
HTX Nam Yang (Đăk Đoa, Gia Lai) phát triển sản phẩm tiêu, cà phê hữu cơ nên đã giữ chân được nhiều lao động trẻ làm việc. Ảnh: K.N
Có thể nói, tiềm năng phát triển nông nghiệp ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên là rất lớn, đặc biệt, Tây Nguyên có nhiều loại cây công nghiệp, cây ăn quả có thế mạnh nhưng nhiều người dân chưa thể làm giàu, vẫn đi tìm cơ hội ở nơi khác. Nhìn từ Tây Nguyên, theo ông, tại sao ngành công nghiệp chế biến nông sản ở Tây Nguyên chưa phát triển đúng với tiềm năng?
- Thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp lớn tìm đến Tây Nguyên đầu tư nhà máy chế biến nông sản trong 5 năm trở lại đây như Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm Đồng Giao, Tập đoàn TH,… 
Năm 2020, Tập đoàn Hùng Nhơn của Việt Nam và Tập đoàn De Heus (Hà Lan) cũng đã liên kết đầu tư Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk với diện tích 200 ha .
Tuy nhiên, xét một cách tổng thể, so với tiềm năng to lớn của Tây Nguyên thì chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là với vùng trọng điểm cây công nghiệp như Tây Nguyên. 

"Điều quan trọng là phải tạo ra môi trường cho kinh tế nông thôn phát triển dựa trên tiềm năng, lợi thế của từng vùng, cần phải đầu tư đào tạo nghề cho nông dân làm nông nghiệp, hiện nay nông dân đang thiếu chuyên nghiệp trong nghề nông", nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hồ Xuân Hùng.

Việc thu hút được DN lớn đầu tư vào chế biến sâu nông sản ở vùng này vẫn còn khá khiêm tốn. Đơn cử như ở Đăk Lăk, toàn tỉnh có khoảng 300 doanh nghiệp, cơ sở chế biến nông sản nhưng đa phần đều có quy mô vừa và nhỏ, công suất thấp, dây chuyền thiết bị thiếu đồng bộ.
Có thể thấy, cơ cấu lao động ở Tây Nguyên đã thay đổi, nhiều người ở các tỉnh vùng núi phía Bắc di cư vào Tây Nguyên tìm cơ hội đổi đời từ những rẫy cà phê, tiêu, cao su thì lại cũng có dòng người từ Tây Nguyên vào Nam tìm việc trong các khu công nghiệp, khu đô thị.
Nhìn từ dòng người hồi hương trong vất vả khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở phía Nam, theo ông, các địa phương, ngành chức năng cần có chính sách gì để phát triển đồng đều các khu công nghiệp, chế biến nông sản để giữ chân người dân?
- Phải nói là ai cũng rất buồn khi thấy cảnh hàng đoàn người hồi hương trong bao nỗi lo toan, vất vả, chịu đói chịu khát, người đi xe đạp, xe máy, thậm chí bằng xe ba gác trên hành trình hàng nghìn kilomet trở về quê hương để tìm nơi nương náu an toàn. Trong cuộc hành trình ấy, thậm chí đã có những người không thể về tới quê hương.
Điều này theo tôi cũng là cực chẳng đã, nếu họ có cuộc sống ổn định, chắc không ai mạo hiểm vượt đường xa để về lại quê hương.
Rất may nhờ sự hỗ trợ của người dân, lực lượng công an, y tế, nhiều người đã về quê an toàn. Nhưng rõ ràng trong bối cảnh thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ "ai ở đâu ở yên đó" thì dòng người hồi hương này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Chính phủ cũng đã có chiến lược rất rõ trong phát triển kinh tế, triển khai nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Đây là chủ trương lớn, có ý nghĩa cho sự phát triển của nông thôn giai đoạn tới.
Có thể hiểu, kinh tế nông thôn bao gồm nhiều lĩnh vực như du lịch, công nghiệp, làng nghề chứ không chỉ có nông nghiệp. Nếu các địa phương có điều kiện tổ chức lại sản xuất, có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn thì lao động trẻ sẽ ở lại.
Điều quan trọng là phải tạo ra môi trường cho kinh tế nông thôn phát triển dựa trên tiềm năng, lợi thế của từng vùng, cần phải đầu tư đào tạo nghề cho nông dân làm nông nghiệp, hiện nay nông dân đang thiếu chuyên nghiệp trong nghề nông.
Theo tôi, để làm được điều này, vai trò đầu tàu của doanh nghiệp trong kết nối tổ chức sản xuất, lựa chọn sản phẩm, tổ chức thị trường rất quan trọng. Không chỉ là doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cần tạo không gian cho họ phát triển và liên kết lại để lớn mạnh.
Mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới cũng nên triển khai theo hướng này, các địa phương có chính sách đầu tư tốt, quy hoạch, đầu tư hạ tầng cho nông thôn phát triển thì chắc chắn mục tiêu "ly nông không ly hương" sẽ thành công.
- Xin cảm ơn ông!

"Nông thôn phải là nơi đáng sống, nơi đáng tìm đến và quay về"

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, để phát triển bền vững, bên cạnh việc tiếp tục phát triển hạ tầng, cần chú trọng hơn những giá trị mới cần gắn kết được cơ cấu lại nền nông nghiệp với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Chính phủ đã xác định những giá trị mới của Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới, đó là bên cạnh việc tiếp tục phát triển hạ tầng để người dân nông thôn có điều kiện tiếp cận tiện ích của đô thị, chúng ta chú trọng thêm phát triển phần mềm.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo cho Bộ NNPTNT xây dựng Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, trong đó chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, lấy kinh tế nông thôn làm nền tảng để tạo ra động lực phát triển nông thôn.

"Tôi nghĩ rằng tư duy chúng ta bắt đầu là tư duy bền vững, là tư duy nâng cao chất lượng sống, nâng cao thu nhập và bằng cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với những mô hình nông nghiệp mới, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, gắn với chuỗi ngành hàng từ công nghệ sau thu hoạch, phân loại, bảo quản, chế biến và phát triển thị trường, vì chính chỗ đó mới là bền vững." - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, cần chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, lấy kinh tế nông nghiệp là nền tảng để phát triển nông thôn.

P.V ghi
Theo Anh Thơ (thực hiện/Dân Việt)

https://danviet.vn/dau-lang-tu-nhung-cuoc-hoi-huong-giua-mua-dich-covid-19-bai-cuoi-tao-moi-truong-cho-kinh-te-nong-thon-phat-trien-20210808160205729.htm

Có thể bạn quan tâm

Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.