Dấu lặng từ những cuộc "hồi hương" giữa mùa dịch Covid-19 – Bài 5: Khởi nghiệp ở quê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
"Về quê khởi nghiệp thì rất cần vốn. Mong chính quyền có chính sách cho vay ưu đãi đối với người hồi hương", chị Mỹ Nguyệt, một lao động vừa từ Bình Dương trở về quê nhà Phú Yên tâm sự.
Về quê làm lại từ đầu
Tiếp theo loạt bài "Dấu lặng từ những cuộc 'hồi hương' giữa mùa dịch Covid-19", PV Dân Việt đã tìm gặp chị Đỗ Thị Mỹ Nguyệt (26 tuổi), đang mang thai 7 tháng vừa từ Bình Dương trở về quê (xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa, Phú Yên) được 10 ngày. Chồng chị Nguyệt (anh Phạm Văn Kiệt, 27 tuổi) phải về quê sau vợ vài ngày. Chị Nguyệt cho biết, phải thực hiện cách ly nghiêm ngặt tại nhà đủ 14 ngày, xét nghiệm 3 lần âm tính với SARS-CoV-2, rồi mới được gặp gỡ gia đình. Cả tỉnh Phú Yên hiện cũng đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. 
Trước đó, chị Nguyệt tốt nghiệp dược tá Trường Cao đẳng Y tế Phú Yên nhưng không xin được việc làm. Trong lúc, chồng chị làm thợ mộc, công việc không đều, cuộc sống khó khăn. Năm 2018, vợ chồng chị quyết định gởi con đầu 2 tuổi cho ông bà ngoại để vào TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương) làm công nhân. Rồi chị Nguyệt xin được việc làm ở một bệnh viện tư nhân. Tổng thu nhập của vợ chồng chỉ tròm trèm 10 triệu đồng/tháng.

Chị Đỗ Thị Mỹ Nguyệt đang cách ly tại nhà sau khi trở về từ Bình Dương. Ảnh: Phú Hữu
Chị Đỗ Thị Mỹ Nguyệt đang cách ly tại nhà sau khi trở về từ Bình Dương. Ảnh: Phú Hữu
Chị Nguyệt bày tỏ: "Nào tiền ăn, tiền trọ, gởi về quê nuôi con… thu nhập chẳng đủ chi cả! Đợt này về quê sinh con xong, chắc vợ chồng em khó trở lại Bình Dương. Ruộng đất thì chỉ đủ cho cha mẹ làm, em phải tìm việc làm khác thôi. Tính là sẽ cố gắng vay mượn để mở một tiệm bán thuốc tây tại nhà. Còn ông xã thì trở lại với nghề mộc. Ngoài ra, vợ chồng sẽ tìm mô hình nông nghiệp để sản xuất, kiếm thêm thu nhập…".
Rồi chị cho biết thêm, xa nhà thì cực khổ trăm bề nhưng cũng thêm cơ hội hình dung được hướng làm ăn khi trở lại quê.
"Vợ chồng suy xét, dịch dã thế này thì chỉ về quê làm ăn là thượng sách. Mình có đi xa mới đối chiếu, học hỏi được nhiều chuyện, sáng thêm đường làm ăn. Mong cho mau qua dịch để cuộc sống trở lại bình thường. Mấy tháng tới, từ đây tới Tết sẽ là giai đoạn quyết định để vợ chồng em "bày cuộc" trở lại làm ăn ở quê nhà. Về quê khởi nghiệp thì rất cần vốn. Mong chính quyền có chính sách cho vay ưu đãi đối với người hồi hương", chị Nguyệt nói.
Trong khi đó, hoàn cảnh của vợ chồng anh Lê Bá Chí (SN 1983), chị Nguyễn Thị Hương (SN 1992, trú thôn Tân An, xã Hải An, huyện Hải Lăng, Quảng Trị), cùng đi lao động ở Bình Dương, lại không được may mắn bằng.

Gia đình anh Lê Bá Chí trong khu cách ly tập trung tại huyện Hướng Hoá sau quá trình hồi hương đáng nhớ. Ảnh: NVCC
Gia đình anh Lê Bá Chí trong khu cách ly tập trung tại huyện Hướng Hoá sau quá trình hồi hương đáng nhớ. Ảnh: NVCC
Anh Chí cho hay, trước đây anh theo nghề đi biển đánh bắt hải sản. Nhưng sản lượng đánh bắt ngày càng thấp, nên anh đành bán hết ngư cụ, dìu dắt vợ, con nhỏ vào TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương ở trọ, làm công nhân may. Cuộc sống chật vật nhưng vợ chồng anh vẫn gắng gượng để lo cho hai con gái 5 tuổi và 2 tuổi ăn, học.
"Trừ hết chi phí, nhiều lắm mỗi tháng vợ chồng tôi tiết kiệm được 2 triệu đồng. Nếu con đau ốm là hết sạch, có khi phải đi mượn" – anh Chí tâm sự.
Hơn 1 tháng nay, Bình Dương bị dịch Covid-19, vợ chồng anh Chí thất nghiệp, chỉ biết quanh quẩn trong phòng trọ. Hết làm, hết tiền thì hết cái ăn. May thay, họ nhận được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm cho lương thực, thực phẩm để sống tạm qua ngày.
Những tưởng đợt dịch này sẽ sớm qua nên họ gắng gượng. Nhưng chờ mãi mà số ca nhiễm SARS-CoV-2 vẫn cứ tăng. Anh Chí buộc lòng phải đèo vợ và 2 con về bằng xe máy. Vì phải trải qua đoạn đường dài nên khi đến đất Phú Yên, anh Chí mệt rã rời, suýt ngất xỉu. May thay, họ đã được giúp đỡ đưa lên xe cứu thương chở về quê, đưa đi cách ly tập trung.
"Về tới quê là mừng lắm rồi. Nếu các công ty tại Quảng Trị tuyển lao động, có thể mình sẽ ở quê, không vào nam nữa" – anh Chí cho hay.
Cần nhà máy chế biến ngay tại vùng nông sản
Theo ông Nguyễn Trọng Tùng - Giám đốc Sở NNPTNT Phú Yên, trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay, để giữ chân người nông dân tại quê hương sau khi họ hồi hương do dịch Covid-19, ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung hướng dẫn người dân tham gia lao động, sản xuất tại gia đình và thu hoạch nông sản theo nhóm từng hộ gia đình tại vườn, vùng sản xuất.
Ngành đang cùng các địa phương chủ động tổ chức lại sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thông dụng, thiết yếu; tạo công ăn việc làm, thu nhập thường xuyên cho nông dân.
Về hướng ổn định cuộc sống người dân nông thôn hồi hương, đây là bài toán lớn, khó nhưng phải tập trung tìm giải pháp rốt ráo. Trước mắt, phải làm sao tạo thêm cơ hội công ăn việc làm tại chỗ cho bà con, góp phần giảm thiểu làn sóng di cư.
Theo ông Tùng, Phú Yên đang có nhiều tiềm năng về khai thác, nuôi trồng thủy sản, sản xuất lúa và các loại nông lâm sản… Vấn đề là cần phải cụ thể hóa chiến lược đầu tư nguồn lực khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, giá trị thu nhập trên từng diện tích, khâu sản xuất. Tỉnh đang cần các nhà máy chế biến nông sản quy mô để nâng cao giá trị chuỗi nông sản hàng hóa, góp phần tạo việc nhiều việc làm cho nông dân, lao động nông thôn.
Ngành NNPTNT Phú Yên cũng đang tập trung thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong đó, thực hiện tái cơ cấu từng lĩnh vực cụ thể. Các nhóm giải pháp đang thực hiện như rà soát, sắp xếp lại vùng nguyên liệu, sản phẩm nông nghiệp chủ lực, chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến; tổ chức lại sản xuất trên cơ sở liên kết theo chuỗi; phân bổ có trọng điểm đầu tư công, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; đào tạo nghề cho nông ngư dân…
"Trong đầu tư cần có sự phối hợp tham gia giữa Nhà nước và tư nhân, trong đó ưu tiên các dự án sử dụng nhiều lao động để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn", Giám đốc Sở NNPTNT Phú Yên nhấn mạnh.
Không để ai bị thất nghiệp, bị đói
Bà Dương Thị Hải Yến – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Trị cho biết, ngay từ những ngày đầu nhận thông tin dịch Covid-19 ở các tỉnh phía Nam diễn biến phức tạp, số ca mắc mới tăng nhanh, Sở đã đề xuất với UBND tỉnh, lường trước tình huống người lao động thất nghiệp, trở về địa phương. Ngay tập tức, UBND tỉnh có chỉ đạo và Sở LĐTBXH đã liên hệ với các công ty may mặc trên địa bàn đề nghị tiếp nhận người lao động thất nghiệp trở về từ các tỉnh phía Nam.
Theo bà Yến, thống kê đến ngày 4/8, tỉnh Quảng Trị có gần 1.800 người về từ các tỉnh phía Nam (trong đó 1.400 người về bằng phương tiện cá nhân, 384 người được chính quyền tỉnh đưa về bằng tàu hoả), trong đó có nhiều người già, trẻ em. Vì vậy, số lao động thất nghiệp cần giải quyết việc làm chưa quá lớn. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cam kết sẽ tiếp nhận toàn bộ lao động thất nghiệp, đặc biệt ưu tiên người có hoàn cảnh khó khăn. Mức lương các doanh nghiệp đưa ra từ 3,5-4,5 triệu đồng/người/tháng.
"Chúng tôi đang nỗ lực với quyết tâm không để ai bị thất nghiệp, bị đói" – bà Yến chia sẻ.

Lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành ở Quảng Trị đón người dân hồi hương từ các tỉnh phía Nam. Ảnh: N.V
Lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành ở Quảng Trị đón người dân hồi hương từ các tỉnh phía Nam. Ảnh: N.V
Ông Hoàng Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, việc cấp bách hiện nay là giải quyết các vấn đề về phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chủ động các phương án giải quyết việc làm cho lao động thất nghiệp trở về từ các tỉnh có dịch, đặc biệt là từ các tỉnh phía Nam.
Theo ông Nam, việc kêu gọi các nhà đầu tư đến Quảng Trị để tạo thêm công ăn việc làm cho người dân là chủ trương xuyên suốt của tỉnh. Thời gian qua, Quảng Trị đã tạo mọi điều kiện để thu hút đầu tư, ngoài những lĩnh vực mũi nhọn như công nghiệp năng lượng, Quảng Trị còn chú trọng thu hút những ngành cần lực lượng lao động lớn như dệt may, chế biến…
Thực tế hiện nay, để chia sẻ khó khăn với người lao động Quảng Trị trở về từ các tỉnh phía nam, nhiều công ty trên địa bàn đã tuyển công nhân, giúp bà con có việc làm, sớm ổn định cuộc sống.
Trong đó, Công ty cổ phần phát triển may mặc miền Trung (đóng tại xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh) đang tuyển khoảng 500- 700 nhân công, bao gồm cả lao động lành nghề và đào tạo người học nghề. Đơn vị ưu tiên tuyển người lao động Quảng Trị đang lưu trú tại các tỉnh miền Nam trở về và học sinh mới tốt nghiệp chưa có việc làm trên địa bàn. 
Đặc biệt đối với công dân Quảng Trị lưu trú ở các tỉnh vừa trở về, sau khi hoàn thành việc cách ly theo quy định (có giấy xác nhận) đến nộp hồ sơ làm việc sẽ được công ty hỗ trợ 500.000 đồng và bố trí công việc phù hợp. Trường hợp người lao động chưa có tay nghề sẽ được đào tạo với mức hỗ trợ 2.000.000đ/tháng. Hay Công ty TNHH dệt may Thời đại (địa chỉ ở thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong) cũng tuyển khoảng 50 lao động có tay nghề vào làm việc.

Lao động quê Thừa Thiên Huế về từ vùng dịch chờ làm thủ tục cách ly tập trung. Ảnh: Trần Hòe
Lao động quê Thừa Thiên Huế về từ vùng dịch chờ làm thủ tục cách ly tập trung. Ảnh: Trần Hòe
Ông Phan Ngọc Thọ- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho biết, hiện tỉnh đã yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh có phương án giải quyết việc làm cho những lao động trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly. Theo đó, những lao động có tay nghề trở về từ vùng dịch sẽ được tạo điều kiện vào làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp tại các khu kinh tế, công nghiệp ở tỉnh.
Theo ông Phan Ngọc Thọ, bên cạnh giải quyết việc làm cho lao động trở về từ vùng dịch, tỉnh cũng sẽ tổ chức xem xét những trường hợp lao động trở về nếu thuộc diện được hỗ trợ theo gói 86.000 tỷ đồng thì sẽ triển khai hỗ trợ. Hiện tỉnh đang chỉ đạo khẩn trương triển khai gói hỗ trợ 86.000 tỷ đồng cho người thất nghiệp, người phải nghỉ việc do dịch Covid-19.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế khẳng định, nếu không có chính sách ổn định sinh kế cho lượng lớn lao động từ vùng dịch trở về quê thì sẽ gây bất ổn về an ninh trật tự, mất ổn định xã hội.

Mới đây, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An đã thống nhất chủ trương cho phép UBND tỉnh này ban hành Quyết định "quy định chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do đại dịch Covid -19 trên địa bàn tỉnh Nghệ An".

Dự thảo cũng quy định, mức hỗ trợ là 50.000 đồng/ngày/người tính theo thực tế số ngày bị mất việc hoặc tạm dừng hoạt động nhưng không quá 1,5 triệu đồng/người/lần hỗ trợ. Thời gian hỗ trợ từ ngày 1/5/2021 đến 31/12/2021.

Còn với Quảng Bình, ông Đặng Đại Bàng – Bí thư tỉnh Đoàn Quảng Bình chia sẻ: "Trong số các tỉnh Bắc Miền Trung, du lịch ở Quảng Bình được xem là thế mạnh nhưng giờ đang lao đao, đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều gặp khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. Hiện chúng tôi đang động viên thanh niên Quảng Bình ở lại các tỉnh phía Nam, khi nào dịch ổn các công ty đón lao động trở lại thì nộp hồ sơ vào làm, về Quảng Bình lúc này cũng tạo nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên địa bàn tỉnh Quảng Bình" - ông Đặng Đại Bàng nói.

Bà Đỗ Thị Bích Thủy - Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình, cho hay: "Chúng tôi đang lên kế hoạch giúp các chị em về từ các tỉnh phía Nam, tới đây, ai có ý tưởng khởi nghiệp, muốn làm giàu trên quê hương sẽ được hỗ trợ nguồn lực để thực hiện".

(Nhóm PV Bắc Miền Trung)

(Còn nữa)
Theo Nhóm PV Miền Trung-Bắc Miền Trung (Dân Việt)

https://danviet.vn/dau-lang-tu-nhung-cuoc-hoi-huong-giua-mua-dich-covid-19-bai-5-khoi-nghiep-o-que-20210806110049696.htm

Có thể bạn quan tâm

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).