Xóm Nhà đèn: Đội quân ve chai gỗ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
'Ai có bàn cây, tủ cây, giường cây, bán không...', tiếng rao sống từ miệng người thu mua bàn ghế cũ vẫn còn văng vẳng trong ký ức những người Sài Gòn thập niên 1980 - 1990.

Sau khi thu mua đồ gỗ cũ từ khắp Sài Gòn, người thu mua chở về hẻm 124 Phạm Thế Hiển (Q.8) bán cho các chủ vựa. ẢNH: TRUNG DU
Sau khi thu mua đồ gỗ cũ từ khắp Sài Gòn, người thu mua chở về hẻm 124 Phạm Thế Hiển (Q.8) bán cho các chủ vựa. ẢNH: TRUNG DU
Giờ đây, tiếng rao ấy được thu âm, phát bằng máy và đã thưa dần...
Ngày đó Sài Gòn có trào lưu Âu hóa, người có tiền thích sắm đồ Tây, châu Âu nên bán đi đồ gỗ cũ với giá rẻ như cho. Vì thế, mỗi ngày có tới vài chục xe ba gác chở đồ về chợ đồ gỗ cũ ở xóm Nhà Đèn (hẻm 124 Phạm Thế Hiển, Q.8) bán cho chủ vựa. Tuy nhiên càng về sau, người mua càng đông mà người bán thưa dần.

Ông Tôn Văn Nhân (bìa trái) có rất nhiều kỷ niệm với nghề thu mua đồ gỗ cũ
Ông Tôn Văn Nhân (bìa trái) có rất nhiều kỷ niệm với nghề thu mua đồ gỗ cũ
Vận may đến từ người Sài Gòn
Sau khi đi bộ đội, ông Tôn Văn Nhân (63 tuổi, quê Vĩnh Phúc) cùng vợ vào TP.HCM tìm kế sinh nhai. Vợ đi mua phế liệu, ông Nhân theo bạn chạy xe ba gác thu mua đồ gỗ cũ bán cho xóm Nhà Đèn kiếm tiền chênh lệch tới nay đã hơn 40 năm. Ông Nhân nhớ lại lúc mới vào nghề: “Trước đây, đội chúng tôi rong ruổi khắp các hang cùng ngõ hẻm ở Sài Gòn. Vừa đạp xe vừa rao sống mỗi ngày nên ai làm lâu cũng bệnh viêm họng”.
Ngày trước, người có đồ gỗ bán 10 người thì 9 người gốc ở Sài Gòn. Người Sài Gòn gốc có cách bán hàng xởi lởi mà giàu tình thương người, thấy dân mua đẩy xe hoặc đi xe kéo là họ bán rẻ. Đôi khi bán món đồ nhưng lại đãi bữa cơm, mời ly nước ngọt. Ông Nhân kể, ngày trước được uống ly nước ngọt là vui lắm vì nghèo khổ, làm được một đồng là chắt bóp gửi về quê nuôi con ăn học. Thấy hoàn cảnh ông Nhân vất vả, ngoài bán đồ cũ có người còn giúp con ông tiền học.
“Năm 1983, vợ tôi sinh con gái đầu lòng. Nhà nghèo, vợ đi bán ve chai sớm nên mất sữa, con bé nhà tôi mới 8 tháng đã phải tập ăn cơm. Trong lúc đi mua đồ cũ, nhà chủ mời ăn cơm vì thấy quá 2 giờ chiều tôi vẫn chưa ăn. Trong lúc mời cơm, họ hỏi gia cảnh rồi gói cho một hộp sữa, ba gói đường, cho thêm tiền. Trong khi bán cả bộ 4 ghế với giá thấp hơn số tiền họ cho. Họ còn dặn, khi nào hết sữa, qua họ lại cho”. Ông Nhân rưng rưng nhớ lại. Gần chục năm sau, trong lúc đi mua đồ gỗ như mọi ngày ông ghé thăm nhà người từng giúp mình. Hàng xóm cho biết, gia đình này đã chuyển đi Mỹ mấy năm nay. Ông Nhân quay đi nhưng lòng vẫn cảm thấy man mác như chia tay một người thân quen.
Trong đời mua rong không ít người đã xây dựng được những mối quan hệ thương mến như câu chuyện của ông Nhân. Cái nhìn chung của những người hành nghề này là không đâu như Sài Gòn, người giàu có bát cơm ăn thì người nghèo cũng có chén cháo húp. Đặc biệt những người thu mua phế liệu, đồ gỗ cũ luôn được dành tình cảm mến thương đặc biệt từ những người Sài Gòn gốc.
Có lẽ vì may mắn nên hơn 30 năm làm nghề, thu gom đồ gỗ cũ khắp Sài Gòn, ông Trần Văn Thành (48 tuổi, quê Bình Định) toàn gặp được người tốt. Hồi đó, ông Thành không nghề nghiệp chỉ trông vào 5 sào ruộng mà phải nuôi 3 đứa con ăn học nên rời quê vào nam theo bạn bè mua bàn ghế cũ kiếm sống.
Không có một chút kiến thức về gỗ nên thời gian đầu ông Thành phó mặc theo người bán: "Họ nói 5 thì mình trả 4, tôi không biết gỗ tốt gỗ xấu nên không dám trả giá". Ông bảo mình hay không bằng hên, vì không biết chất liệu gỗ, cũng không biết giá thị trường, không phát giá nên thường được thương.
“Có lần tôi đi cả buổi sáng ở Q.1 mà không mua được gì. Tới trưa thì có một khách vẫy. Họ dẫn tôi vào nhà chỉ cho bộ tràng kỷ hỏi giá bao nhiêu. Tôi không biết gỗ gì nhưng thấy cũng to nên trả 1 triệu đồng. Ai ngờ họ đồng ý bán. Họ bảo không biết gỗ gì nhưng không có chỗ để nên gác lên kho đã 3 - 4 năm. Khi mang lên xe thấy tôi chở nặng quá họ còn cho lại 50.000 đồng. May mắn, bộ tràng kỷ đó bằng gỗ trắc đen, sau được lái buôn mua lại với giá… 26,5 triệu đồng”, ông kể. Như một sự mở hàng may mắn, ông Thành liên tiếp gặp được những mối bán đồ gia dụng với giá rất hời.

Anh Vũ Văn Thịnh (áo trắng) nhờ thu mua đồ gỗ cũ tại miền Tây đã lấy được vợ
Anh Vũ Văn Thịnh (áo trắng) nhờ thu mua đồ gỗ cũ tại miền Tây đã lấy được vợ
Cưới được vợ nhờ mua đồ gỗ cũ
Nghề thu mua đồ gỗ cũ từng thịnh hành một thời ở Sài Gòn thì nay phổ biến ở các tỉnh thành như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Nai, Cần Thơ, Vĩnh Long... Lý do là người Sài Gòn hiện nay đã trở lại với sở thích đồ cũ, cổ. Phần khác, việc chia sẻ những món đồ trên Facebook hoặc chở tới bán trực tiếp tại vựa cũng trở nên phổ biến. Bởi vậy, dân mua rong có thâm niên nhiều năm ở TP.HCM chuyển hướng thu mua ở tỉnh.
Anh Vũ Văn Thịnh (42 tuổi, quê Vĩnh Phúc) chia sẻ, người quê thích xài đồ hiện đại. Bởi vậy, khi kinh tế khá lên, nhu cầu thay mới nội thất rất lớn. Những cái tủ thờ có tuổi thọ 100 - 200 năm được làm bằng gỗ tốt, những bộ bàn ăn kiểu tròn, ván ngựa được gọi bán với giá rẻ bèo. 10 năm trước, trong khi bạn bè cố thủ ở Sài Gòn hoặc tìm nghề khác thay thế thì anh Thịnh lại về miền Tây thu mua đồ gỗ cũ rồi về bán lại cho xóm Nhà Đèn. Nghề này lúc ấy vẫn còn khá mới mẻ ở đây.
“Tôi bắt đầu với 12 triệu đồng tiền vốn, rong ruổi khắp các tỉnh miền Tây, có ngày phải đổ tới 3 bình xăng vì bán kính đi rộng. Muốn mua được đồ của người miền Tây có khi phải uống hết cả lít rượu. Họ thấy mình hỏi mua đồ là kéo vào nhậu. Tàn tiệc, đồ đạc bán từ rẻ tới cho không”, anh Thịnh kể.
Về miền Tây hành nghề thu mua đồ gỗ cũ được hơn một năm thì anh có được vợ (là con của một gia đình mà anh đến mua đồ hơn một năm trước). Mới vào nghề, không biết cách từ chối những cuộc nhậu thật tình của người miền Tây nên năm đầu tiên người anh lúc nào cũng nồng mùi rượu.
Trong lần tới mua đồ ở Giồng Trôm (Bến Tre), chủ nhà nói anh nhậu không say thì sẽ bán cho một bộ ván ngựa và một bộ bàn ghế xưa rất đẹp. Vì ham mua đồ, anh đồng ý. Khi đã ngà say, anh kể chuyện gia đình mình nghèo, 32 tuổi mà chưa có vợ. Thấy anh thật thà lại chăm chỉ, ông Nguyễn Văn Bình (ba vợ hiện tại của anh Thịnh) đồng ý gả con gái cho anh Thịnh. Thương người trai Bắc thật thà, chị Nguyễn Thị Diễm Hương (vợ anh Thịnh) đồng ý. Vậy là đám cưới được tổ chức ở nhà gái. Sau đó, anh Thịnh dẫn vợ về quê ra mắt báo hỷ rồi trở lại Bến Tre. Anh bảo anh giàu vì nghề mua rong đồ gỗ cũ. Nhờ thu mua đồ gỗ cũ mà anh được người vợ bây giờ.
(còn tiếp)

Tìm mua kỷ niệm

Càng ngày đồ gỗ cũ bán ra càng hiếm vì người ta ý thức giữ những món đồ làm kỷ niệm.

Chị Trà My (nhân viên ngân hàng, Q.1, TP.HCM) tâm sự: “Gia đình tôi ở miền Bắc, tuổi thơ tôi gắn bó với những cái bàn, cái tủ cổ kính. Cái bàn xưa là nơi tôi chong đèn học bài và có nhiều kỷ niệm nên tôi mua về để trong phòng làm việc, thỉnh thoảng nhìn nó tuổi thơ lại ùa về”.

Ngoài đồ gỗ cũ, bây giờ các vựa thu mua cả những vật dụng cũ như đèn măng xông, bát đĩa, đồ gốm, bình bông... Thường họ bán kiểu đính kèm đồ gỗ với giá rẻ. Thỉnh thoảng, gặp khách ưng có khi lại được giá hời.

Theo Lam Ngọc (TNO)

Có thể bạn quan tâm

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).
Những cuộc đời ven kênh

Những cuộc đời ven kênh

Từ bao đời nay, trên các nhánh sông Sài Gòn từng có những xóm làng ven kênh, họ sống đời cha nối tiếp đời con. Đó là những xóm kênh hay dân bờ kè gắn liền với cuộc đời và số phận thăng trầm cùng các dòng sông, bờ kênh của thành phố...
Thiêng liêng nghĩa tình đồng đội

Thiêng liêng nghĩa tình đồng đội

(GLO)- Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trái tim những người từng chiến đấu ở chiến trường Campuchia vẫn luôn hướng về vùng đất Đức Cơ-nơi tiễn các anh đi làm nhiệm vụ quốc tế cao cả và cũng là nơi đón các anh trở về với đất mẹ. Và, ở miền biên viễn này còn có bao đồng đội đang yên giấc vĩnh hằng.

Người của biển khơi

Người của biển khơi

Cứ mỗi lèo biển đánh được nhiều cá, anh lập tức nhớ ngay tọa độ, ngày tháng đánh bắt, đêm có trăng hay không trăng, dòng hải lưu thế nào... để mùa sau, năm sau quay trở lại đánh bắt