Người vận chuyển: Nghĩa tình ở Ehome 3 những ngày phong tỏa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những ngày phong tỏa 14 block chung cư Ehome 3 (Q.Bình Tân, TP.HCM), 21 cư dân ở đây đã trở thành người vận chuyển hàng hóa cho gần 12.000 hàng xóm của mình, đỡ đần nhau vượt qua đại dịch.

Cụm chung cư Ehome 3 với khoảng 12.000 cư dân những ngày phong tỏa phòng dịch
Cụm chung cư Ehome 3 với khoảng 12.000 cư dân những ngày phong tỏa phòng dịch
Cư dân thành người vận chuyển
18 giờ ngày 3.7, tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở Bến Phú Định (Q.8), anh T.A.H (32 tuổi, ngụ Q.8) xách mấy gói hàng đến gửi vào cho mẹ và chị gái đang cách ly tại chung cư Ehome 3. “Cứ cách 2 - 3 ngày tôi lại mang đồ ăn đến gửi. Khi chưa có chốt kiểm soát dịch này, tôi đều gửi trực tiếp cổng chung cư Ehome 3, còn giờ thì “chốt chồng chốt”, nếu không có các tình nguyện viên giúp đỡ vận chuyển thì tôi cũng không biết phải gửi đồ thế nào”, anh nói rồi chỉ vào tấm bảng thông báo viết tay về thời gian nhận hàng để vận chuyển, treo trên hàng rào phong tỏa: “Ehome 3: sáng 8 - 11 giờ 30; chiều từ 14 - 17 giờ 30”.
Bên trong hàng rào phong tỏa, nhóm tình nguyện viên hơn 10 người trong trang phục bảo hộ kín mít đang sắp xếp hàng hóa chất lên xe trung chuyển. Cạnh bàn giao nhận hàng, anh Lê Văn Cường (39 tuổi, tình nguyện viên trong nhóm) liên tục cầm bình phun khử khuẩn hàng hóa, kiểm tra địa chỉ các đơn hàng rồi đẩy hàng vào cho những người khác chất lên xe. Thấy có người chở hàng đến gửi, anh Cường vội phát thông báo: “Ai gửi hàng Ehome 3 thì qua đây”, “Gửi hàng thì vào ghi tên người nhận, block mấy nha”...
Trò chuyện qua hàng rào phong tỏa, anh Cường cho biết anh và các tình nguyện viên tại đây đều là cư dân của chung cư Ehome 3. Vào đêm 13.6, sau khi hay tin 14 block chung cư Ehome 3 phong tỏa do liên quan ca nhiễm Covid-19, người dân trong chung cư đã họp và đề xuất với ban quản lý lập nên nhóm tình nguyện vận chuyển hàng hóa miễn phí cho cư dân.
Khi mới thành lập, nhóm tình nguyện vận chuyển hàng có 10 người, sáng từ 7 giờ nhóm sẽ ra chốt vận chuyển đến 17 giờ 30. Hàng hóa sau khi nhận sẽ được chở vào bên trong Ehome 3 cách đó 1 km. Tại đây, sẽ có nhóm tình nguyện viên khác đến nhận hàng và phân phát theo địa chỉ từng block của chung cư, rồi nhắn tin thông báo người dân xuống nhận.
“Số lượng hàng hóa vận chuyển trong một ngày nhiều lắm, mình không đếm xuể là bao nhiêu chuyến xe. Nói 17 giờ 30 là chuyến cuối, nhưng đêm nào nhóm cũng phân người nán lại chốt đến 22 giờ để đợi nhận hàng người dân gửi vào. Nhiều người nhắn tin cho mình nói lỡ đặt hàng mà hàng gửi trễ, các anh thông cảm lấy giúp, mình cũng vui lòng đợi để lấy cho người dân”, anh Cường chia sẻ.
Tính đến 3.7, nhóm có 21 thành viên. Tất cả các trang thiết bị bảo hộ, xe vận chuyển đều là của các thành viên góp vào. “Mình có bao nhiêu thì xài bấy nhiêu, người có xe thì góp xe để vận chuyển, không có xe thì góp sức... Nhiều cư dân Ehome 3 quyên góp tiền hỗ trợ nhưng nhóm nhất định không lấy. Mọi người gửi bánh, nước là mình thấy vui rồi. Cả nhóm định chỉ làm đến ngày chung cư gỡ phong tỏa thì mới ngừng”, anh Cường nói.

Vận chuyển rau, trái cây... vào cho người dân chung cư Ehome 3. ẢNH: THÙY DƯƠNG
Vận chuyển rau, trái cây... vào cho người dân chung cư Ehome 3. ẢNH: THÙY DƯƠNG
Gian hàng rau, bánh mì 0 đồng
Là người tiếp xúc và lắng nghe ý kiến của cư dân từ ngày đầu phong tỏa, ngoài việc tham gia vào đội vận chuyển hàng hóa, chị Lương Thị Thùy Dương (39 tuổi, tình nguyện viên trong nhóm) đã lập ra gian hàng rau 0 đồng để hỗ trợ cư dân. Ban đầu, chị Dương chỉ định lập gian hàng rau 0 đồng trong vòng 1 ngày để hỗ trợ bước đầu khi chung cư phong tỏa phòng dịch. Tuy nhiên, tại chung cư có nhiều cô chú lớn tuổi không thể đặt hàng online, hay nhiều trường hợp cư dân bị cách ly mất việc làm không trả được tiền lãi vay ngân hàng, chi phí sữa, tã cho con..., nên chị Dương đã quyết định vận động các nhà hảo tâm thành lập gian hàng 0 đồng hỗ trợ cư dân xuyên suốt những ngày chung cư bị phong tỏa.
“Gian hàng rau 0 đồng lập ra như một sự san sẻ của người có tấm lòng mang cho người khó khăn. Tại mỗi block của chung cư sẽ được bố trí 1 gian hàng rau 0 đồng. 14 block chung cư là 14 gian hàng riêng biệt. Cứ cách 2 ngày tôi sẽ đi chợ 1 lần, mỗi lần đi chợ sẽ mua khoảng 1,5 - 2 tấn rau, củ, quả tươi...”, chị Dương nói.
Tính đến ngày 3.7, gian hàng rau 0 đồng đã vận động được gần 160 triệu đồng, mua 20 tấn rau cho cư dân Ehome 3. Ngoài gian hàng rau 0 đồng, nhóm tình nguyện vận chuyển hàng hóa còn lập nên “gian hàng bánh mì 0 đồng”. Mỗi buổi sáng nhóm tình nguyện sẽ ra chốt kiểm soát dịch để nhận bánh mì chuyển vào bên trong cho cư dân ăn sáng.
Chị N.H (30 tuổi, cư dân Ehome 3) cho biết có lẽ mình may mắn hơn mọi người khi về quê trước khi chung cư phong tỏa, nên khi hay tin chung cư phong tỏa, chị đã mua 1.000 quả trứng gà đến để gửi vào bên trong cho cư dân. “Hơn 12.000 cư dân phong tỏa, mình ở bên ngoài cũng thấy lo thay, nhưng nghe tin có đội vận chuyển hàng cho người dân, rồi thành lập thêm gian hàng 0 đồng, tôi cũng yên tâm phần nào. Bà con ở đây sống rất tình cảm”, chị H. chia sẻ thêm.

Cư dân Ehome 3 đến lấy rau củ tại gian hàng rau 0 đồng
Cư dân Ehome 3 đến lấy rau củ tại gian hàng rau 0 đồng
“Nếu chẳng may thành F0...”
Trời nhá nhem tối, anh Cường và chị Dương vẫn nán lại ở chốt để chờ nhận những thùng hàng cuối cùng từ bên ngoài gửi vào cho thân nhân của họ. Do phải mặc đồ bảo hộ xuyên suốt để làm việc giữa trưa nắng, trên cổ và hông của chị Dương đã bị lở, buộc phải thoa thuốc: “Giờ trời tối thì dễ chịu hơn chứ trưa nắng mặc đồ bảo hộ vào bí bách lắm. Làm mệt, nhưng nghĩ đến cư dân, mình cũng không nề hà khó nhọc”.
Trước khi TP.HCM giãn cách xã hội, chị Dương đã thu xếp gửi 3 con nhỏ về quê ở Đắk Lắk nhờ ông bà ngoại chăm sóc. “Con tôi cứ gọi hỏi khi nào con được gặp mẹ. Mình cũng nhớ con, nhưng phải an ủi con ráng thêm 14 ngày nữa thôi, nhưng khi nghe con nói với mình: “Mẹ ơi nhiều lần 14 ngày rồi quá rồi”, mình cũng không biết phải làm sao”, chị tâm sự.
Tham gia công việc vận chuyển hàng hóa, phải tiếp xúc với nhiều người, khó lường trước được nguy cơ lây nhiễm bệnh, chị Dương đã phải giấu không cho cha mẹ ở quê biết vì sợ họ lo lắng. “Mỗi lần nghe điện thoại từ quê gọi lên, thấy tôi mặc đồ bảo hộ đi ra bên ngoài khu phong tỏa, cha mẹ tôi đều dò hỏi. Lúc đó tôi chỉ nói rằng mình đi lấy hàng đặt online rồi vội tắt máy vì sợ bị phát hiện. Chỉ có chồng tôi biết chuyện tôi đi vận chuyển hàng thôi. Ban đầu, chồng tôi cũng lo lắng tôi ra đó tiếp xúc nhiều người rồi nhiễm bệnh lúc nào không hay. Nhưng tôi vẫn quả quyết để làm, vì giờ cư dân đang rất cần mình, nên chồng tôi chỉ hay căn dặn: “Đi vận chuyển hàng nếu thành F0 thì không khóc nhé”. Tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần từ trước rồi nên chỉ nói với chồng rằng sẽ không khóc, lỡ nhiễm bệnh thì đi điều trị thôi”, chị kể.
Với anh Cường, từ khi tham gia vận chuyển hàng hóa, anh đã chuẩn bị tinh thần từ trước vì “nếu chẳng may mình lại là F0” thì đành phải chấp nhận cách ly, điều trị. Đội tình nguyện vận chuyển hàng hóa không có nhóm trưởng, nhưng theo anh Cường, tất cả các anh em luôn dặn dò nhau thực hiện đúng theo 5K để giữ an toàn cho mình và mọi người.
Theo Song Mai-Đào Nguyên (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).